Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 420-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 1958

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ TẠM THỜI TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP KHU TỰ TRỊ VIỆT BẮC

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội trong khóa họp thứ tư (tháng 03 năm 1955) về chính sách lập Khu Tự trị của các dân tộc thiểu số ở những vùng có đủ điều kiện, nhằm tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc và tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số tiến bộ mau chóng về mọi mặt;
Căn cứ vào Sắc lệnh 229-SL ngày 29 tháng 04 năm 1955 về chính sách dân tộc;
Căn cứ vào Sắc lệnh số 268-SL ngày 01 tháng 07 năm 1956 ban hành bản quy định việc thành lập Khu Tự trị Việt Bắc;
Căn cứ vào Sắc luật số 004-SLt ngày 20 tháng 07 năm 1957 về bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp và Luật số 110-SL/L12 ngày 31 tháng 05 năm 1958 tổ chức chính quyền địa phương:
Theo Nghị quyết của hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành bản điều lệ tạm thời tổ chức chính quyền các cấp Khu Tự trị Việt Bắc, kèm theo nghị định này.

Điều 2. – Các ông Bộ trưởng và Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Việt Bắc chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Trường Chinh

ĐIỀU LỆ

TẠM THỜI TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG KHU TỰ TRỊ VIỆT BẮC

Chương 1:

HỆ THỐNG TỔ CHỨC

Điều 1. – Chính quyền Khu Tự trị Việt Bắc tổ chức như sau:

Các cấp Khu Tự trị, tỉnh, xã, thị xã, thị trấn đều có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban Hành chính (UBHC).

Cấp huyện có Ủy ban Hành chính (UBHC).

Điều 2. – Các thị xã lớn có thể chia thành khu phố, có Ban Hành chính khu phố. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, lề lối làm việc của Ban Hành chính khu phố do Thủ tướng Chính phủ quy định, theo đề nghị của Ủy ban Hành chính Khu Tự trị.

Chương 2:

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG KHU TỰ TRỊ VIỆT BẮC

MỤC 1 – TỔ CHỨC

Điều 3. – Hội đồng nhân dân ở cấp nào là cơ quan quyền lực Nhà nước ở cấp ấy, đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của cơ quan Nhà nước cấp trên.

Điều 4. - Hội đồng nhân dân xã, thị xã, thị trấn do nhân dân trực tiếp bầu ra.

Hội đồng nhân dân Khu tự trị và Hội đồng nhân dân tỉnh do các đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị xã, thị trấn bầu ra.

Điều 5. - Số lượng hội viên Hội đồng nhân dân các cấp trong Khu Tự trị Việt Bắc nay ấn định như sau:

- Hội đồng nhân dân xã và Hội đồng nhân dân thị trấn có từ 11 đến 25 đại biểu. Hội đồng nhân dân những xã nhỏ và ít dân cư có thể chỉ có 9 đại biểu.

- Hội đồng nhân dân thị xã có từ 20 đến 45 đại biểu.

- Hội đồng nhân dân tỉnh có từ 40 đến 70 đại biểu.

- Hội đồng nhân dân khu có nhiều nhất là 150 địa biểu.

Điều 6. - Hội đồng nhân dân các cấp trong Khu Tự trị Việt Bắc cần bao gồm một số đại biểu thích đáng của các dân tộc địa phương trong khu.

Điều 7. - Số đơn vị bầu cử Hội đồng nhân dân khu, tỉnh và số đại biểu của mỗi đơn vị do Ủy ban Hành chính khu, tỉnh đề nghị và do Bộ Nội vụ duyệt y.

Số đơn vị bầu cử Hội đồng nhân dân xã, thị xã, thị trấn và số đại biểu của mỗi đơn vị do Ủy ban Hành chính xã, thị xã, thị trấn đề nghị và do Ủy ban Hành chính tỉnh duyệt y.

Điều 8. – Sau khi tuyên bố kết quả tạm thời của cuộc bầu cử, tất cả biên bản của các tổ, ban và Hội đồng bầu cử đều phải gửi mỗi thứ một bản:

- Lên Bộ Nội vụ xét đối với cuộc bầu cử của Hội đồng nhân dân khu và tỉnh.

- Lên Ủy ban Hành chính tỉnh đối với cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân xã, thị trấn, thị xã.

Điều 9. - Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân Khu Tự trị và của Hội đồng nhân dân tỉnh là ba năm.

Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân các xã, thị xã, thị trấn là hai năm.

Điều 10. – Trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vì lý do gì mà không đảm nhiệm được chức vụ đại biểu, mà còn trên sáu tháng nữa mới hết nhiệm kỳ thì cử tri thuộc đơn vị bầu cử đã bầu ra đại biểu đó sẽ bầu người thay thế. Đại biểu mới phải là người cùng dân tộc với đại biểu cũ.

MỤC 2 - NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 11. – Trong phạm vi địa phương và trong phạm vi quyền hạn của mình, căn cứ vào nhiệm vụ chung của Nhà nước và nhu cầu của địa phương, Hội đồng nhân dân lãnh đạo các ngành công tác, các mặt sinh hoạt và quyết định tất cả công việc Nhà nước trong phạm vi địa phương thuộc mình quản lý, dưới sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của trung ương.

Điều 12. – Trong phạm vi Khu Tự trị và trong phạm vi luật lệ quy định, Hội đồng nhân dân Khu tự trị có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

1) Bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành luật lệ của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.

2) Sử dụng quyền tự trị về mọi mặt theo như luật lệ đã quy định; bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữa nam giới và phụ nữ.

3) Ra những nghị quyết thi hành trong phạm vi khu.

Những nghị quyết thuộc quyền xét duyệt của cấp trên theo luật lệ quy định phải được cấp có thẩm quyền thông qua trước khi ban hành.

4) Căn cứ vào kế hoạch chung của Nhà nước, quyết định kế hoạch xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, tiến hành công tác xã hội và sự nghiệp lợi ích công cộng.

5) Căn cứ kế hoạch chung của cấp trên, quyết định những công việc thuộc nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng trong khu.

6) Thẩm tra và phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách của khu.

7) Bầu cử và bãi miễn Ủy viên Ủy ban Hành chính khu.

8) Thẩm tra các báo cáo công tác của Ủy ban Hành chính khu.

9) Sửa đổi hoặc hủy bỏ những nghị quyết không thích đáng của Ủy ban Hành chính khu, của Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính tỉnh.

Xét duyệt những nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính cấp dưới trong các trường hợp do luật lệ quy định.

10) Bảo vệ tài sản công cộng.

11) Bảo vệ trật tự, an ninh chung.

12) Bảo đảm quyền công dân.

Điều 13. – Trong phạm vi tỉnh và trong phạm vi luật lệ quy định, Hội đồng nhân dân tỉnh trong Khu Tự trị có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

1) Bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành luật lệ của Nhà nước, và nghị quyết của cấp trên.

2) Bảo đảm sự thực hiện quyền lợi tự trị về mọi mặt, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữa nam giới và phụ nữ.

3) Ra những nghị quyết thi hành trong phạm vi tỉnh.

Những nghị quyết thuộc quyền xét duyệt của cấp trên theo luật lệ quy định phải được cấp có thẩm quyền thông qua trước khi ban hành.

4) Căn cứ vào kế hoạch chung của cấp trên, quyết định kế hoạch xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, tiến hành các công tác xã hội và sự nghiệp lợi ích công cộng

5) Căn cứ vào kế hoạch chung của cấp trên, quyết định những công việc thuộc nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng trong tỉnh.

6) Thẩm tra và phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách của tỉnh.

7) Bầu cử và bãi miễn Ủy viên Ủy ban Hành chính tỉnh.

8) Thẩm tra các báo cáo công tác của Ủy ban Hành chính tỉnh.

9) Sửa đổi hoặc hủy bỏ những nghị quyết không thích đáng của Ủy ban Hành chính tỉnh, của Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính cấp dưới.

Xét duyệt những nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính cấp dưới trong các trường hợp do luật lệ quy định.

10) Bảo vệ tài sản công cộng.

11) Bảo vệ trật tự, an ninh chung.

12) Bảo đảm quyền công dân.

Điều 14. – Trong phạm vi địa phương và phạm vi luật lệ quy định, Hội đồng nhân dân các cấp xã, thị xã và thị trấn có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

1) Bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành luật lệ của Nhà nước, và nghị quyết của cấp trên.

2) Bảo đảm sự tôn trọng và quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữa nam giới và phụ nữ.

3) Ra những nghị quyết thi hành trong phạm vi địa phương.

Những nghị quyết thuộc quyền xét duyệt của cấp trên theo luật lệ quy định phải được cấp có thẩm quyền thông qua trước khi ban hành.

4) Căn cứ vào kế hoạch chung của cấp trên, quyết định kế hoạch sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, quyết định kế hoạch phát triển sự nghiệp hợp tác tương trợ và các công tác kinh tế khác.

5) Căn cứ kế hoạch chung của cấp trên, quyết định kế hoạch thực hiện công tác văn hóa, xã hội và công trình lợi ích công cộng.

6) Căn cứ vào kế hoạch chung của cấp trên, quyết định kế hoạch thực hiện các công tác quân sự trong địa phương.

7) Bầu cử và bãi miễn Ủy viên Ủy ban Hành chính cấp mình và Ủy viên Ủy ban Hành chính huyện nếu là Hội đồng nhân dân xã và thị trấn.

8) Thẩm tra và phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách của cấp mình.

9) Thẩm tra các báo cáo công tác của Ủy ban Hành chính cấp mình.

10) Sửa đổi hoặc hủy bỏ những nghị quyết không thích đáng của Ủy ban Hành chính cấp mình.

11) Bảo vệ tài sản công cộng.

12) Bảo vệ trật tự, an ninh chung.

13) Bảo đảm quyền công dân.

MỤC 3 - CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 15. - Hội nghị Hội đồng nhân dân cấp nào do Ủy ban Hành chính cấp ấy triệu tập.

Điều 16. - Hội đồng nhân dân các cấp làm việc theo nguyên tắc dân chủ tập trung.

Những vấn đề quan trọng có liên quan đến một dân tộc ít người thì cần phải có sự thảo luận, thương lượng đầy đủ với đại biểu của dân tộc ấy mới có thể biểu quyết.

Điều 17. - Hội đồng nhân dân Khu Tự trị và tỉnh họp sáu tháng một lần. Hội đồng nhân dân xã, thị xã và thị trấn họp ít nhất ba tháng một lần.

Ngoài các khóa họp thường kỳ, Ủy ban Hành chính các cấp có thể triệu tập hội nghị bất thường của Hội đồng nhân dân cấp mình nếu xét thấy cần thiết, hoặc theo chỉ thị của cấp trên, hoặc khi có từ 1/3 số đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên yêu cầu.

Điều 18. - Mỗi kỳ họp hội nghị, Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch đoàn để điều khiển hội nghị. Hội nghị có một hay nhiều thư ký do Chủ tịch đoàn đề cử và Hội đồng nhân dân thông qua.

Điều 19. – Khi họp hội nghị, Hội đồng nhân dân các cấp có thể lập những tiểu ban cần thiết để làm việc trong thời gian hội nghị.

Điều 20. – Trong hội nghị, đại biểu Hội đồng nhân dân, Chủ tịch đoàn và Ủy ban Hành chính cùng cấp đều có thể đề xuất vấn đề kèm dự án nghị quyết. Các dự án này do Chủ tịch đoàn đưa ra hội nghị thảo luận, hoặc giao cho một tiểu ban xét trước rồi đưa ra hội nghị thảo luận, hoặc giao cho Ủy ban Hành chính nghiên cứu để trình bày trong phiên họp sau của Hội đồng.

Điều 21. – Các cuộc họp của Hội đồng nhân dân các cấp phải có quá nửa số đại biểu đến dự và trong số đại biểu ấy phải có quá nửa thành phần dân tộc trong Hội đồng nhân dân đến dự, thì mới có giá trị.

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân phải được quá nửa số đại biểu có mặt biểu quyết thỏa thuận mới có giá trị.

Điều 22. - Chậm nhất là mười ngày sau cuộc họp của Hội đồng nhân dân các cấp, những nghị quyết của Hội đồng nhân dân đều phải gửi lên cơ quan hành chính cấp trên trực tiếp thông qua.

Sau khi nhận được biên bản của hội nghị Hội đồng nhân dân cấp dưới, cơ quan hành chính cấp trên, nếu xét thấy có những nghị quyết không thích đáng cần sửa đổi hoặc hủy bỏ thì một mặt báo cho Ủy ban Hành chính cấp dưới hoãn việc thi hành và nói rõ lý do, một mặt trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xét.

Điều 23. – Khi hội đồng nhân dân các cấp họp hội nghị, cán bộ phụ trách các cơ quan chuyên môn cùng cấp, đại biểu các đoàn thể nhân dân cùng cấp, đại biểu Ủy ban Hành chính cấp dưới trực tiếp và những cá nhân có uy tín ở địa phương có thể được mời đến tham dự.

Những người được mời tới dự có quyền tham gia ý kiến, những không có quyền biểu quyết.

Điều 24. - Trừ trường họp đặc biệt phải họp kín, Hội đồng nhân dân các cấp thường họp công khai, có nhân dân dự thính.

Điều 25. - Hội đồng nhân dân các cấp khi họp hội nghị sẽ dùng tiếng thông dụng nhất của địa phương và dùng chữ quốc ngữ, trong khi chưa có chữ riêng. Đối với những đại biểu không hiểu tiếng thông dụng của địa phương thì cần có phiên dịch.

Điều 26. - Đại biểu hội đồng nhân dân các cấp đi họp hội nghị, đi báo cáo công tác hay phổ biến nghị quyết của Hội đồng nhân dân được hưởng cấp phí đi đường và cấp phí lưu trú.

Điều 27. – Trong thời gian Hội đồng nhân dân các cấp họp hội nghị, nếu không có sự đồng ý của Chủ tịch đoàn thì không được bắt và xét hỏi đại biểu. Trong trường hợp phạm pháp quả tang hoặc trường hợp khẩn cấp, thì cơ quan có trách nhiệm, sau khi bắt giữ một đại biểu phải lập tức báo cáo với Chủ tịch đoàn để được sự thỏa thuận của Chủ tịch đoàn về việc bắt giữ ấy.

MỤC 4 – QUAN HỆ GIỮA ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ CỬ TRI

Điều 28. - Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri đã bầu ra mình, báo cáo hoạt động của mình với cử tri (mỗi năm ít nhất một kỳ đối với Hội đồng nhân dân Khu Tự trị, tỉnh và ít nhất hai kỳ đối với Hội đồng nhân dân thị xã, xã, thị trấn), thu thập và phản ảnh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính, giúp Ủy ban Hành chính cấp mình đẩy mạnh công tác và tuyên truyền, phổ biến luật lệ, chính sách của Nhà nước và nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp trên có thể tham dự hội nghị Hội đồng nhân dân cấp dưới ở đơn vị bầu cử mình.

Điều 29. – Đại biểu Hội đồng nhân dân chịu sự giám sát của cử tri đã bầu ra mình.

Cử tri có quyền bãi miễn đại biểu Hội đồng nhân dân do mình bầu ra.

Việc bãi miễn một đại biểu Hội đồng nhân dân phải có quá nửa tổng số cử tri thuộc đơn vị bầu cử đã bầu ra đại biểu ấy bỏ phiếu thông qua. Nếu bãi miễn một đại biểu của dân tộc ít người thì trong số quá nửa tổng số cử tri nói trên phải có quá nửa tổng số cử tri thuộc dân tộc ấy bỏ phiếu thông qua. Thủ tục bỏ phiếu bãi miễn theo như luật bầu cử.

Chương 3:

ỦY BAN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP TRONG KHU TỰ TRỊ VIỆT BẮC

MỤC 1 – TỔ CHỨC

Điều 30. – Ủy ban Hành chính mỗi cấp là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân cùng cấp, là cơ quan hành chính của Nhà nước ở cấp ấy.

Ủy ban Hành chính huyện là cơ quan hành chính của Nhà nước ở cấp huyện.

Điều 31. – Ủy ban Hành chính ở cấp có Hội đồng nhân dân thì do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra. Người ứng cử vào Ủy ban Hành chính cấp nào phải là người có chân trong Hội đồng nhân dân cấp ấy.

Ủy ban Hành chính cấp huyện do các đại biểu Hội đồng nhân dân xã và thị trấn bầu ra. Người ứng cử vào Ủy ban Hành chính huyện không nhất thiết phải là người có chân trong Hội đồng nhân dân xã hay thị trấn, nhưng phải có đủ điều kiện ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 32. – Ủy ban Hành chính các cấp chịu trách nhiệm và báo cáo công tác với Hội đồng nhân dân cùng cấp, với cơ quan hành chính cấp trên trực tiếp và đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Chính phủ.

Điều 33. - Số lượng ủy viên Ủy ban Hành chính các cấp trong Khu Tự trị này ấn định như sau:

- Ủy ban Hành chính xã và thị trấn có từ 5 đến 11 ủy viên.

- Ủy ban Hành chính huyện và thị xã có từ 7 đến 13 ủy viên.

- Ủy ban Hành chính tỉnh có từ 11đến 19 ủy viên.

- Ủy ban Hành chính Khu có từ 17 đến 25 ủy viên.

Việc quy định số lượng ủy viên cho từng Ủy ban Hành chính ở mỗi cấp cần phải căn cứ vào địa phương to hay nhỏ, dân số và thành phần dân tộc nhiều hay ít.

Ủy ban Hành chính các cấp có một Chủ tịch và một hoặc nhiều Phó chủ tịch.

Điều 34. - Cấp có thẩm quyền ấn định số lượng ủy viên cụ thể cho Ủy ban Hành chính mỗi cấp quy định như sau:

- Hội đồng Chính phủ quy định số ủy viên cho Ủy ban Hành chính Khu tự trị và tỉnh.

- Ủy ban Hành chính Khu Tự trị quy định số ủy viên cho Ủy ban Hành chính huyện và thị xã.

- Ủy ban Hành chính tỉnh quy định số ủy viên cho Ủy ban Hành chính xã và thị trấn.

Điều 35. – Ủy ban Hành chính do Hội đồng nhân dân các cấp bầu ra phải được cấp có thẩm quyền công nhận mới được nhận chức:

Thủ tướng Chính phủ công nhận Ủy ban Hành chính Khu Tự trị.

Bộ Nội vụ công nhận Ủy ban Hành chính tỉnh.

Ủy ban Hành chính Khu Tự trị công nhận Ủy ban Hành chính huyện và thị xã.

Ủy ban Hành chính tỉnh công nhận Ủy ban Hành chính xã và thị trấn.

Điều 36. - Nhiệm kỳ của Ủy ban Hành chính theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân đã bầu ra nó.

Khi Hội đồng Nhân dân một cấp mãn khóa, Ủy ban Hành chính cấp đó vẫn tiếp tục làm việc cho đến khi có Ủy ban Hành chính mới do Hội đồng nhân dân khóa sau bầu ra và được cấp trên công nhận.

Điều 37. Trong nhiệm kỳ, nếu ủy viên Ủy ban Hành chính vì lý do gì mà không đảm nhận được chức vụ thì Hội đồng nhân dân đã bầu ra ủy viên đó sẽ bầu người thay thế. Ủy viên mới nên là người cùng một dân tộc với ủy viên cũ.

MỤC 2. - NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 38 – Trong phạm vi Khu Tự trị và trong phạm vi luật lệ quy định, Ủy ban Hành chính Khu Tự trị có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

1) Thi hành luật lệ của Nhà nước, quyết định, chỉ thị của cơ quan hành chính cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân khu.

2) Căn cứ vào luật lệ, quyết định, nghị quyết và chỉ thị nói trên, ra những quyết định, chỉ thị, thể lệ thi hành trong Khu, đồng thời kiểm tra, đôn đốc việc thi hành các quyết định, chỉ thị và thể lệ đó.

Những quyết định, chỉ thị, thể lệ thuộc thẩm quyền xét duyệt của cấp trên theo luật lệ quy định phải được cấp có thẩm quyền thông qua trước khi ban hành.

3) Tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân Khu.

4) Triệu tập hội nghị Hội đồng Nhân dân khu, báo cáo công tác và trình các đề án công tác trước Hội đồng Nhân dân khu.

5) Lãnh đạo công tác của các cơ quan chuyên môn cấp khu và công tác Ủy ban Hành chính cấp dưới.

6) Sửa đổi hoặc hủy bỏ các quyết định, chỉ thị không thích đáng của các cơ quan chuyên môn cấp khu và của Ủy ban Hành chính cấp dưới.

Đình chỉ thi hành thi hành những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân cấp dưới và trình Hội đồng Nhân dân khu xét.

Xét duyệt những nghị quyết của cấp dưới trong các trường hợp do luật lệ quy định.

7) Quản lý các cán bộ nhân viên công tác tại các cơ quan thuộc quyền khu.

8) Chấp hành kế hoạch kinh tế, văn hóa của khu; quản lý dự toán ngân sách khu.

9) Quản lý thị trường, quản lý công thương nghiệp quốc doanh, lãnh đạo và cải tạo công thương nghiệp tư doanh trong khu.

10) Lãnh đạo sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệp và cuộc vận động hợp tác tương trợ.

11) Quản lý công tác thu thuế.

12) Quản lý công tác giao thông vận tải và các sự nghiệp lợi ích công cộng.

13) Quản lý nhân lực, bảo đảm thi hành các luật lệ lao động.

14) Quản lý công tác văn hóa, xã hội.

15) Quản lý công tác kiến thiết, sửa sang thành thị và nông thôn.

16) Căn cứ vào kế hoạch xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng của cấp trên mà chỉ đạo việc xây dựng các lực lượng vũ trang địa phương, lực lượng hậu bị, dân quân, quản lý các công tác nghĩa vụ quân sự, phục viên, thương binh và các công tác quân sự khác.

17) Quản lý tài sản công cộng.

18) Bảo vệ trật tự an ninh chung.

19) Bảo đảm quyền công dân, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữa nam giới và phụ nữ ở trong khu về mọi mặt.

20) Giúp đỡ các dân tộc ít người phát triển mau chóng về mọi mặt chính trị, kinh tế và văn hóa.

21) Thi hành các công tác do cơ quan hành chính cấp trên giao cho.

Điều 39. – Trong phạm vi tỉnh và phạm vi luật lệ quy định, Ủy ban Hành chính tỉnh trong Khu Tự trị có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

1) Thi hành luật lệ của Nhà nước, quyết định, chỉ thị của cơ quan hành chính cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2) Căn cứ vào luật lệ của Nhà nước, quyết định, chỉ thị và nghị quyết nói trên, ra những quyết định, chỉ thị hướng dẫn cấp dưới thi hành, đồng thời kiểm tra, đôn đốc việc thi hành những quyết định và chỉ thị đó.

Những quyết định, chỉ thị thuộc thẩm quyền xét duyệt của cấp trên theo luật lệ quy định, phải được cấp có thẩm quyền thông qua trước khi ban hành.

3) Tổ chức bầu cử Hội đồng Nhân dân tỉnh.

4) Triệu tập hội nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh, báo cáo công tác và trình các đề án công tác trước Hội đồng Nhân dân tỉnh.

5) Lãnh đạo công tác của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và công tác của Ủy ban Hành chính cấp dưới.

6) Sửa đổi hoặc hủy bỏ những quyết định, chỉ thị không thích đáng của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và của Ủy ban Hành chính cấp dưới.

Đình chỉ thi hành thi hành những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng Nhân dân cấp dưới và trình Hội đồng Nhân dân tỉnh xét.

Xét duyệt những nghị quyết của cấp dưới trong các trường hợp do luật lệ quy định.

7) Quản lý các cán bộ nhân viên công tác tại các cơ quan thuộc quyền tỉnh.

8) Chấp hành kế hoạch kinh tế, văn hóa, quản lý dự toán ngân sách tỉnh.

9) Quản lý thị trường, quản lý kế hoạch kinh doanh của công thương nghiệp quốc doanh, lãnh đạo và cải tạo công thương nghiệp tư doanh.

10) Lãnh đạo sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệp và cuộc vận động hợp tác tương trợ.

11) Quản lý công tác thu thuế.

12) Quản lý công tác giao thông vận tải và các sự nghiệp lợi ích công cộng.

13) Quản lý nhân lực, bảo đảm thi hành các luật lệ lao động.

14) Quản lý công tác văn hóa, xã hội.

15) Quản lý công tác kiến thiết, sửa sang thành thị và nông thôn.

16) Căn cứ vào kế hoạch xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng của cấp trên mà chỉ đạo việc xây dựng các lực lượng võ trang địa phương, lực lượng hậu bị, dân quân; quản lý các công tác nghĩa vụ quân sự, phục viên, thương binh và các công tác quân sự khác.

17) Quản lý tài sản công cộng.

18) Bảo vệ trật tự, an ninh chung.

19) Bảo đảm quyền công dân, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữa nam giới và phụ nữ ở trong địa phương.

20) Giúp đỡ các dân tộc ít người phát triển mau chóng về mọi mặt: chính trị, kinh tế và văn hóa.

21) Thi hành các công tác do cơ quan hành chính cấp trên giao cho.

Điều 40. – Trong phạm vi huyện và trong phạm vi luật lệ quy định, Ủy ban Hành chính huyện có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

1) Thi hành luật lệ của Nhà nước, quyết định chỉ thị của cơ quan hành chính cấp trên.

2) Lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác của các bộ phận chuyên môn của huyện và công tác của Ủy ban Hành chính xã và thị trấn.

3) Căn cứ vào kế hoạch của cấp trên, hướng dẫn xã, thị trấn xây dựng kế hoạch của xã, thị trấn và kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành kế hoạch trong địa phương.

4) Lãnh đạo sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệp và cuộc vận động hợp tác tương trợ.

5) Đình chỉ thi hành những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính xã, thị trấn và trình Ủy ban Hành chính tỉnh xét duyệt.

Xét duyệt những nghị quyết của Hội đồng Nhân dân xã và thị trấn trong các trường hợp do luật lệ quy định.

6) Thi hành các công tác và quản lý các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp do cấp trên giao cho.

Điều 41. – Trong phạm vi địa phương và trong phạm vi luật lệ quy định, Ủy ban Hành chính xã, thị xã và thị trấn có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

1) Thi hành những luật lệ của Nhà nước, quyết định, chỉ thị của cơ quan hành chính cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

2) Căn cứ vào luật lệ, quyết định, nghị quyết và chỉ thị nói trên, đặt kế hoạch cụ thể và ra những quyết định, chỉ thị thi hành, đồng thời kiểm tra, đôn đốc việc thi hành những quyết định và chỉ thị đó.

Những quyết định, chỉ thị thuộc thẩm quyền xét duyệt của cấp trên theo luật lệ quy định phải được cấp có thẩm quyền thông qua trước khi ban hành.

3) Tổ chức bầu cử Hội đồng Nhân dân cùng cấp.

4) Triệu tập hội nghị Hội đồng Nhân dân cùng cấp, báo cáo công tác và trình các đề án công tác trước Hội đồng Nhân dân.

5) Lãnh đạo công tác của các cơ quan chuyên môn cấp cùng cấp.

6) Chấp hành kế hoạch kinh tế, văn hóa; quản lý dự toán ngân sách của xã, thị xã hoặc thị trấn.

7) Lãnh đạo sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp và cuộc vận động hợp tác tương trợ.

8) Quản lý công tác thu thuế.

9) Quản lý các sự nghiệp lợi ích công cộng.

10) Quản lý nhân lực, bảo đảm thi hành các luật lệ lao động.

11) Quản lý công tác văn hóa, xã hội.

12) Quản lý và thực hiện công tác nghĩa vụ quân sự, các công tác dân quân, phục viên, thương binh và các công tác quân sự khác.

13) Quản lý tài sản công cộng.

14) Bảo vệ trật tự, an ninh chung.

15) Bảo đảm quyền công dân, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữa nam giới và phụ nữ, thực hiện việc giúp đỡ các dân tộc ít người mau tiến bộ về mọi mặt.

16) Thi hành các công tác do Ủy ban Hành chính cấp trên giao cho.

MỤC 3 - CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 42. – Ủy ban Hành chính các cấp làm việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Những việc quan trọng đều phải do hội nghị Ủy ban Hành chính thảo luận và quyết định. Các quyết định của Ủy ban Hành chính không được trái với luật lệ của Nhà nước, chỉ thị của cấp trên và nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cùng cấp.

Trước khi Ủy ban Hành chính quyết định một vấn đề quan trọng có liên quan đến một dân tộc ít người, nhất thiết phải thảo luận đầy đủ với đại biểu dân tộc đó trong Ủy ban Hành chính hoặc trong Hội đồng Nhân dân nếu dân tộc đó không có đại biểu trong Ủy ban Hành chính.

Điều 43. - Chủ tịch Ủy ban Hành chính chủ trì các cuộc hội nghị và công tác của Ủy ban, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra toàn bộ công tác của Ủy ban, ban hành nghị quyết của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính.

Phó chủ tịch giúp Chủ tịch chấp hành chức vụ.

Từ cấp huyện trở lên, Ủy ban Hành chính có một bộ phận thường trực để thường xuyên phụ trách công tác, gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch, hoặc một số Phó chủ tịch và Ủy viên. Ở cấp xã, Chủ tịch và Phó chủ tịch làm nhiệm vụ thường trực. Trường hợp xã nào Phó chủ tịch không làm được nhiệm vụ thường trực, thì một Ủy viên sẽ thay thế làm nhiệm vụ thường trực.

Điều 44. – Ủy ban Hành chính các cấp trong Khu Tự trị mỗi tháng họp một lần. Khi cần thiết có thể họp hội nghị bất thường.

Khi Ủy ban Hành chính họp, cán bộ phụ trách các cơ quan chuyên môn có thể được mời tới tham dự. Những người được mời tới dự có quyền tham gia ý kiến, nhưng không có quyền biểu quyết.

Chương 4:

CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN TRONG KHU TỰ TRỊ VÀ QUAN HỆ GIỮA ỦY BAN HÀNH CHÍNH VỚI CÁC CƠ QUAN ĐÓ

Điều 45. – Ủy ban Hành chính khu và tỉnh có văn phòng và có thể tùy theo nhu cầu công tác lập ra các cơ quan chuyên môn.

Ủy ban Hành chính huyện và thị xã có văn phòng và có thể tùy nhu cầu công tác lập một bộ phận chuyên môn.

Ủy ban Hành chính xã và Ủy ban Hành chính thị trấn có một hoặc nhiều thư ký giúp việc bộ phận thường trực của Ủy ban Hành chính và có thể tùy nhu cầu công tác lập một số bộ phận chuyên môn

Điều 46. - Thủ tục thành lập, sửa đổi hoặc bãi bỏ các cơ quan chuyên môn nói trên quy định như sau:

- Ủy ban Hành chính Khu Tự trị quyết định sau khi Thủ tướng Chính phủ chuẩn y đối với các cơ quan chuyên môn bên cạnh Ủy ban Hành chính Khu Tự trị.

- Ủy ban Hành chính Khu Tự trị quyết định theo sự hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ đối với các cơ quan và bộ phận chuyên môn bên cạnh Ủy ban Hành chính từ cấp tỉnh trở xuống.

Điều 47. – Các cơ quan chuyên môn bên cạnh Ủy ban Hành chính Khu Tự trị chịu sự lãnh đạo thống nhất của Ủy ban Hành chính Khu, đồng htời chịu sự lãnh đạo của Bộ sở quan.

Các cơ quan chuyên môn và bộ phận chuyên môn bên cạnh Ủy ban Hành chính từ cấp tỉnh trở xuống trong Khu Tự trị, chịu sự lãnh đạo thống nhất của Ủy ban Hành chính cùng cấp, đồng thời chịu sự lãnh đạo về nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn bên cạnh Ủy ban hành chính cấp trên.

Điều 48. – Cơ quan chuyên môn bên cạnh Ủy ban Hành chính trong phạm vi nghiệp vụ và căn cứ vào quyết định, chỉ thị của Ủy ban Hành chính cùng cấp và chỉ thị của cơ quan chuyên môn cấp trên, ra chỉ thị cho cơ quan chuyên môn hoặc bộ phận chuyên môn bên cạnh Ủy ban Hành chính cấp dưới.

Điều 49. – Cán bộ phụ trách cơ quan chuyên môn ở cấp trên có nhiệm vụ kiểm tra công tác của ngành mình ở cấp dưới và có thể được Ủy ban Hành chính cùng cấp ủy nhiệm đi kiểm tra Ủy ban Hành chính cấp dưới về mặt lãnh đạo thực hiện công tác chuyên môn thuộc ngành mình.

Điều 50. – Đối với những đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp do các Bộ trực tiếp quản lý thì các Ủy ban Hành chính địa phương có trách nhiệm bảo vệ an toàn, theo dõi, kiểm soát việc thi hành các luật lệ, các chính sách chung của Chính phủ và những thể lệ của địa phương.

Ủy ban Hành chính địa phương có nhiệm vụ tham gia ý kiến về việc xây dựng kế hoạch sản xuất, chương trình công tác, theo dõi sự thực hiện kế hoạch, thực hiện chương trình công tác và giúp đỡ các đơn vị ấy làm nhiệm vụ, nhưng không chỉ đạo về công tác chuyên môn. Các đơn vị ấy phải báo cáo tình hình và công tác của mình với Ủy ban Hành chính địa phương.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 420-TTg năm 1958 về bản điều lệ tạm thời tổ chức chính quyền các cấp Khu Tự trị Việt Bắc do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.

  • Số hiệu: 420-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 29/08/1958
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trường Chinh
  • Ngày công báo: 10/09/1958
  • Số công báo: Số 33
  • Ngày hiệu lực: 13/09/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản