Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 352-HĐBT

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 1990

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 352-HĐBT NGÀY 2-10-1990 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Luật thuế tiêu thụ đặc biệt;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Nhà nước số 270B-NQ/HĐNN 8 ngày 8 tháng năm 1990 về công bố hiệu lực 3 Luật thuế doanh thu, thuế tiêu thụ đặc biệt, lợi tức,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

PHẠM VI ÁP DỤNG THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Điều 1. Đối tượng nộp thuế tiêu thụ đặc biệt gồm tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trên lãnh thổ Việt Nam quy định tại điều 9 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có bán ra thị trường Việt Nam thì cũng phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Điều 2. Mỗi mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt một lần ở khâu sản xuất. Cơ sở trực tiếp sản xuất không phải nộp thuế doanh thu trên số hàng đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Cơ sở kinh doanh khi nộp thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ tiền thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc phần nguyên liệu ở khâu trước, nếu có chứng từ hợp lệ.

Hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt dùng để xuất khẩu, thì không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trường hợp không xuất khẩu được mà tiêu thụ, tiêu dùng trong nước thì phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chương 2:

CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Điều 3. Căn cứ tính thuế đối với hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là số lượng hàng hoá tiêu thụ, giá tính thuế đơn vị hàng hoá và thuế suất.

Điều 4. Số lượng hàng hoá tiêu thụ báo gồm số lượng, trọng lượng của mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt xuất ra để bán, để trao đổi hoặc để biếu tặng người khác hoặc tiêu dùng sinh hoạt nội bộ của cơ sở.

Điều 5. Giá tính thuế của mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán thực tế đã có thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ sở sản xuất.

Đối với hàng gia công, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán buôn của mặt hàng cùng loại hoặc của mặt hàng tương đương đã có có thuế tiêu thụ đặc biệt do cơ sở sản xuất bán ra.

Trường hợp cơ sở sản xuất không có đầy đủ các điều kiện xác định được giá thì giá tính thuế là giá bán trung bình trên thị trường do cơ quan thuế cấp tỉnh hoặc cấp tương đương quy định cho từng thời kỳ. Khi giá cả thị trường biến động từ 20% trở lên, cơ quan thuế tỉnh hoặc cấp tương đương phải điều chỉnh lại giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với trường hợp trao đổi hàng hoá hoặc cung ứng hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cho nhu cầu tiêu dùng sinh hoạt nội bộ hoặc để biếu tặng người khác thì giá tính thuế là giá bán buôn cùng loại hàng hoá đó của cơ sở sản xuất.

Điều 6. Thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với từng mặt hành phải thực hiện đúng quy định tại Điều 9 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, nhất thiết không được thu cao hay thấp hơn thuế suất đã quy định.

Chương 3:

ĐĂNG KÝ, KÊ KHAI NỘP THUẾ VÀ VẬN CHUYỂN HÀNG HOÁ

Điều 7. Cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phải thực hiện đầy đủ những quy định về kê khai, đăng ký, nộp thuế vận chuyển hàng hoá theo quy định tại điều 10, điều 11, điều 12 và điều 13 của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ Tài chính hướng dẫn thi tiết về nội dung, thủ tục kê khai, đăng ký nộp thuế.

Điều 8. Cở sở sản xuất kinh doanh phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ sổ sách kế toán theo Pháp lệnh kế toán và thống kê ngày 10 tháng 5 năm 1988, chế độ lập chứng từ mua bán hàng, cung ứng dịch vụ thu tiền theo các quy định hiện hành.

Điều 9. Khi cơ quan thuế có yêu cầu về tài luệu, số liệu có liên quan đến việc kiểm tra tính thuế, cơ sở kinh doanh có nhiệm vụ:

1. Cung cấp đầy đủ, đúng hạn các hồ sơ tài liệu, số liệu có liên quan đến việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

2. Giải thích, chứng minh các khoản chưa rõ trong tờ khai, sổ sách, chứng từ kế toán.

Cơ sở kinh doanh không được viện lý do bí mật nghề nghiệp để từ chối xuất trình, cung cấp hoặc giải thích các tài liệu cần thiết nói trên theo yêu cầu của cơ quan thuế.

Cơ quan thuế phải giữ bí mật nghề nghiệp về những tài liệu do cơ sở sản xuất kinh doanh cung cấp.

Điều 10. Đối với sản xuất công nghiệp kể cả hàng gia công, thuế tiêu thụ đặc biệt do cơ sở sản xuất nộp khi bán hàng, trả hàng cho đơn vị đưa gia công, xuất hàng trao đổi, biếu, tặng người khác hoặc tiêu dùng sinh hoạt nội bộ.

Điều 11. Việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt được quy định như sau:

Đối với cơ sở sản xuất lớn, số thuế phát sinh lớn thì cơ sở sản xuất phải kê khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt khi bán hàng, trả hàng hoặc theo định kỳ. Cơ sở sản xuất trực tiếp nộp thuế tại kho bạc.

Đối với cơ sở sản xuất nhỏ trên cơ sở khoán số lượng hàng hoá sản xuất tiêu thụ, thuế tiêu thụ đặc biệt theo định kỳ hàng tháng vào ngày 10, ngày 20 và ngày cuối tháng tại kho bạc theo quy định của cơ quan thuế.

Đối với thuốc lá lá, thuốc lá sợi, thuế tiêu thụ đặc biệt do người mua nộp tại nơi mua trước khi vận chuyển hàng để đưa vào lưu thông hoặc đưa vào sản xuất. Trường hợp cơ sở sản xuất trực tiếp bán cho người tiêu dùng thì cơ sở sản xuất nộp khi bán hàng.

Điều 12

1. Hàng đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt khi vận chuyển phải có biên lai nộp thuế hoặc giấy vận chuyển hoặc hoá đơn bán hàng đã đăng ký tại cơ quan thuế. Trường hợp chuyển kho hàng trong cùng một cơ sở sản xuất chưa tiêu thụ phải có giấy chuyển kho chưa nộp thuế do cơ quan thuế cấp.

2. Hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt dự trữ tại các kho hàng, các cửa hiệu buôn bán phải có chứng từ chứng minh đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bộ Tài chính quy định cụ thể việc phát hành, quản lý sử dụng các chứng từ về thuế tiêu thụ đặc biệt.

Chương 4:

GIẢM THUẾ, MIỄN THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Điều 13. Việc giảm thuế, miến thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ áp dụng cho các trường hợp cơ sở sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn do thiên tại, địch hoạ, tai nạn bất ngờ.

Mức giảm thuế, miễn thuế cho hàng bị thiệt hại nói trên được tính theo tỷ lệ thiệt hại so với doanh thu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho từng trường hợp cụ thể theo hồ sơ kê khai của cơ sở bị thiệt hại và đề nghị của cơ quan thuế tỉnh hoặc cấp tương đương.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 14. Đối với hàng được phép xuất khẩu, nhập khẩu vượt quá tiêu chuẩn miễn thuế quy định tại điều 32 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt được thực hiện theo Nghị định riêng của Hội đồng Bộ trưởng về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Điều 15. Hội đồng Bộ trưởng có quy định riêng về chế độ khen thưởng đối với cơ quan thuế, cán bộ thuế hoàn thành nhiệm vụ được giao và người có công phát hiện các vụ vi phạm Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Điều 16. Những quy định về thuế hàng hoá và chế độ thu quốc doanh trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 17. Luật thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực thi hành kể từ này 1 tháng 10 năm 1990 đối với kinh tế ngoài quốc doanh và xí gnhiệp quốc doanh đã thực hiện bàn giao xong vốn, tài sản.

Đối với xí nghiệp quốc doanh chưa thực hiện bàn giao xong vốn, tài sản được tiếp tục áp dụng chế độ nộp thu quốc doanh, trích nộp lợi nhuận cho đến khi thực hiện bàn giao xong vốn, tài sản nhưng chậm nhất không quá ngày 31 tháng 12 năm 1990.

Điều 18. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 352-HĐBT năm 1990 Hướng dẫn Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 352-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 02/10/1990
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: 17/10/1990
  • Ngày hết hiệu lực: 01/09/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản