Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34-HĐBT

Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 1984

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 34-HĐBT NGÀY 1-3-1984 QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA CỤC LƯU TRỮ NHÀ NƯỚC

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Điều 14 và 16 của chương III Pháp lệnh bảo vệ tài liệu lữu trữ quốc gia ngày 30 tháng 11 năm 1982,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1 - Cục Lưu trữ Nhà nước là cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng có nhiệm vụ giúp Hội đồng Bộ trưởng quản lý tập trung thống nhất tài liệu lưu trữ quốc gia, xây dựng và phát triển ngành lưu trữ trong cả nước, Cục Lưu trữ Nhà nước có những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như sau:

1. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển công tác lưu trữ. Dự thảo các văn bản pháp luật và các văn bản khác về quản lý công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ quốc gia để Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc trình Hội đồng Nhà nước ban hành.

2. Hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện các chế độ về quản lý công tác lưu trữ và nghiệp vụ lưu trữ, và các công tác khác có liên quan đến công tác lưu trữ.

3. Thực hiện chế độ kiểm tra và thống kê Nhà nước đối với tài liệu lưu trữ quốc gia trong cả nước.

4. Tổ chức, chỉ đạo, xây dựng nội dung, chương trình nghiên cứu khoa học nghiệp vụ, áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật nghiệp vụ lưu trữ.

5. Phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng và quản lý kế hoạch và chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lưu trữ bậc trung học và đại học lưu trữ.

6. Phối hợp với các ngành khoa học kỹ thuật trong nước, đồng thời hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước khác trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học lưu trữ.

7. Quản lý tổ chức, biên chế, vật tư, tài sản được giao cho Cục theo chế độ chung của Nhà nước.

Điều 2 - Hệ thống tổ chức ngành lưu trữ Nhà nước gồm có:

a. Cục Lưu trữ Nhà nước

b. Phòng lưu trữ ở các Bộ, Uỷ ban Nhà nước và các cơ quan khác thuộc

Hội đồng Bộ trưởng.

c. Phòng lưu trữ ở cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương.

d. Các kho lưu trữ của các ngành, các cấp.

đ. ở các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, bệnh viện, tuỳ khối lượng tài liệu lưu trữ có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm công tác lưu trữ.

Điều 3 - Tổ chức bộ máy của Cục Lưu trữ Nhà nước như sau:

a. Các cơ quan chức năng:

1. Phòng quy hoạch, kế hoạch và thống kê.

2. Phòng nghiệp vụ,

3. Phòng tổ chức cán bộ và lao động tiền lương.

4. Ban thanh tra,

5. Văn phòng.

b. Các đơn vị sự nghiệp.

1. Các kho lưu trữ Nhà nước Trung ương,

2. Trường trung học văn thư - lưu trữ.

Điều 4 - Cục trưởng Cục Lưu trữ Nhà nước có trách nhiệm quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan đơn vị nói tại Điều 4 trên nguyên tắc tổ chức gọn nhẹ trong tổng số biên chế được phân bổ.

Điều 5 - Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ các văn bản trước đây trái với Nghị định này.

Điều 6 - Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Lưu trữ Nhà nước, các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Tố Hữu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 34-HĐBT năm 1984 quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Cục Lưu trữ Nhà nước do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 34-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/03/1984
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 01/03/1984
  • Ngày hết hiệu lực: 11/06/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản