Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 298-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 1957

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT SỐ 100-SL/L002 NGÀY 20-05-1957 VỀ CHẾ ĐỘ BÁO CHÍ.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật số 100-SL/Lt002 ngày 20 tháng 05 năm 1957 và Sắc lệnh số 282-SL ngày 14 tháng 12 năm 1956 về chế độ báo chí;
Chiếu Sắc lệnh số 18-SL ngày 31 tháng 1 năm 1956 đặt thể lệ lưu chiểu văn hóa phẩm,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành:

- Việc cấp giấy phép xuất bản báo chí.

- Việc nộp lưu chiểu trước khi phát hành báo chí.

- Việc áp dụng kỷ thuật.

MỤC I. - THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP

Điều 2. Trước khi xuất bản một tờ báo, người chủ nhiệm phải nộp đơn xin phép kèm theo các giấy tờ sau đây:

1) Một tờ khai ghi rõ: tên, tôn chỉ, mục đích, trụ sở chính thức, nhà in và chương trình hoạt động của tờ báo.

2) Một bản sơ lược lý lịch, một giấy chứng nhận có chủ quyền công dân và hiện không bị truy tố trước pháp luật của mỗi người: chủ nhiệm, chủ bút (hoặc tổng biên tập, hoặc thư ký tòa soạn) và quản lý của tờ báo, bản sơ lược lý lịch do Ủy ban Hành chính thành phố hoặc tỉnh nơi những người này cư trú cấp Giấy chứng nhận có đủ quyền công dân và không bị truy tố trước pháp luật do tòa án nhân dân thành phố hoặc tòa án nhân dân tỉnh nơi cư trú cấp. Riêng đối với Khu Tự trị Thái mèo và Khu Hồng quảng thì các giấy tờ trên do Ủy ban Hành chính hay Tòa án nhân dân Khu cấp.

3) Một danh sách biên tập viên, công tác viên thường xuyên giúp việc tờ báo.

Sở Báo chí Trung ương sẽ ấn định những mẫu giấy tờ và hướng dẫn việc khai báo.

Điều 3. Đơn cùng các giấy tờ nói trên nộp tại các cơ quan sau đây:

- Ở Hà nội: tại Sở Báo chí Trung ương.

- Ở Hải phòng, Nam định: tại Ủy ban Hành chính thành phố.

- Ở khu Hồng quảng và Khu Tự trị Thái mèo: tại Ủy ban Hành chính Khu.

- Ở các tỉnh: tại Ủy ban Hành chính tỉnh.

Sau khi nhận được đơn xin phép xuất bản báo chí và các giấy tờ khai báo hợp thức, cơ quan nhận đơn sẽ cấp cho người nộp đơn một giấy biên nhận.

Điều 4. Giấy phép cho xuất bản báo do Thủ tướng Phủ cấp.

Điều 5. Trong thời hạn hai tháng kể từ ngày nhận được giấy phép, nếu báo không xuất bản mà không có lý do chính đáng, thì giấy phép coi như không có giá trị nữa.

Báo nào tự ý đính bản một thời gian quá ba tháng mà sau này muốn tục bản thì phải xin phép và khai báo lại.

Điều 6. Khi chưa được cấp giấy phép xuất bản, báo không được bắt đầu hoạt động như quảng cáo bằng áp phích, truyền đơn, trên màn ảnh; cho người đi cổ động; đặt đại lý, nhận tiền mua báo, lấy quảng cáo, vv…

Điều 7. Sau khi được phép xuất bản, báo nào thay đổi một trong những điểm dưới đây đều phải làm lại thủ tục xin phép và khai báo về những điểm thay đổi, đồng thời phải trình bày rõ lý do:

1) Thay đổi tên báo.

2) Thay đổi nội dung, thể tài căn bản khác với tôn chỉ, mục đích đã ghi trong giấy phép cho xuất bản báo.

3) Thay đổi kỳ hạn phát hành như tờ báo hàng ngày chuyển sang hàng tuần, hàng tháng hoặc ngược lại.

4) Thay đổi một hoặc nhiều người chịu trách nhiệm chính của tờ báo.

Điều 8. Báo nào xuất bản thêm phụ san mà hình thức, khuôn khổ, nội dung, thể tài khác hẳn với tính chất tờ báo đó, thì phụ san coi như một tờ báo mới, phải nộp đơn xin phép và làm đầy đủ các thủ tục khai báo.

Điều 9. Nếu có sự thay đổi về trụ sở, nhà in, nhân viên ban biên tập, mở rộng phạm vi phát hành, tạm đình bản trong một thời gian không quá ba tháng, đình bản hẳn, thì người chịu trách nhiệm về tờ báo phải báo cho Sở Báo chí trung ương và chính quyền địa phương (là Ủy ban hành chính tỉnh, Ủy ban hành chính thành phố, Ủy ban hành chính Khu Tự trị Thái Mèo hoặc Ủy ban hành chính Khu Hồng Quảng, tuỳ theo nơi xuất bản của tờ báo) biết trước bảy ngày và nói rõ lý do. Trường hợp vì một lý do đặc biệt gì mà báo phải tạm đình bản cũng phải báo ngay cho Sở Báo chí trung ương và chính quyền địa phương biết.

MỤC 2 - THỂ LỆ NỘP LƯU CHIỂU

Điều 10. Tất cả các báo chí đều phải nộp lưu chiểu trước khi phát hành ra ngoài công chúng, trừ báo chí lưu hành trong nội bộ quân đội và công an.

Báo ra hàng ngày phải nộp trước ba tiếng đồng hồ; báo không ra hàng ngày trước sáu tiếng đồng hồ; các loại tạp chí, tập san, chuyên san trước mười hai tiếng đồng hồ.

Điều 11. Báo lưu chiểu nộp cho:

- Sở Báo chí Trung ương: năm bản,

- Ủy ban Hành chính và Tòa án nhân dân thành phố hoặc tỉnh nơi nào xuất bản, mỗi cơ quan hai bản.

Ở khu Hồng quảng và Khu tự trị Thái mèo nộp cho Ủy ban Hành chính và Tòa án nhân dân Khu, mỗi cơ quan hai bản.

Riêng các báo chí, tập san, chuyên san của các cơ quan, đoàn thể, các chính đảng chỉ lưu hành trong nội bộ, không lưu hành ngoài công chúng, chỉ phải nộp lưu chiểu mỗi số ba bản cho Sở Báo chí Trung ương.

Đối với các báo chí không xuất bản tại Hà nội, số báo nộp lưu chiểu cho Sở Báo chí Trung ương sẽ gửi qua cơ quan bưu điện cùng một lúc với khi nộp lưu chiểu cho Ủy ban Hành chính và Tòa án nhân dân địa phương.

Điều 12. Trên các số báo nộp lưu chiểu, phải ghi rõ là “báo lưu chiểu”, số lượng phát hành, ngày giờ nộp lưu chiểu, có đóng dấu của tòa báo và có chữ ký của quản lý hay chủ nhiệm tờ báo.

Điều 13. Báo chí nào đã xuất bản, mỗi lần in lại đều phải nộp lưu chiểu như khi in lần thứ nhất, dù không có thêm bớt gì về nội dung hoặc không thay đổi gì về hình thức.

Điều 14. Đối với thư viện Trung ương, việc lưu chiểu vẫn theo thể lệ lưu chiểu văn hóa phẩm do Sắc lệnh số 18-SL ngày 31 tháng 1 năm 1946 quy định.

MỤC 3. - KỶ LUẬT

Điều 15. Báo chí nào vi phạm điều 2 hoặc điều 6 Nghị định này, sẽ bị trừng phạt theo đoạn 1 điều 3 Sắc lệnh số 282-SL ngày 14 tháng 12 năm 1956.

Báo chí nào vi phạm điều 5, điều 7, hoặc điều 8 Nghị định này, sẽ tùy lỗi nặng hay nhẹ, bị cảnh cáo hoặc trừng phạt theo đoạn 1 điều 13 Sắc lệnh số 282-SL ngày 14 tháng 12 năm 1956.

Báo chí nào vi phạm điều 9, điều 10, điều 11, điều 12, điều 13 hoặc điều 24 Nghị định này sẽ bị trừng phạt theo đoạn 4, điều 13 Sắc lệnh số 282-SL ngày 14 tháng 12 năm 1956.

Báo chí nào in lại toàn bộ hoặc trích đăng những bài báo đã đăng trên những báo chí đã có lệnh tịch thu hay thu hồi, sẽ bị trừng phạt theo đọan 2 điều 13 Sắc lệnh số 282-SL, ngày 14 tháng 12 năm 1956.

Điều 16. Về hình phạt cảnh cáo, tùy theo lỗi nặng hay nhẹ, sẽ áp dụng hình thức từ thấp đến cao sau đây: cảnh cáo bằng thư, tuyên bố quyết định báo cáo trong một hội nghị báo chí, công bố quyết định cảnh cáo trên một hoặc nhiều báo.

Điều 17. Đối với các báo chí xuất bản ở Hà nội thì quyền cảnh cáo ủy cho Sở Báo chí Trung ương.

Đối với các báo chí xuất bản ở các địa phương thì quyền cảnh cáo ủy cho Ủy ban Hành chính địa phương: Ủy ban Hành chính tỉnh, Ủy ban hành chính thành phố, Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái mèo hoặc Ủy ban Hành chính Khu Hồng quảng, tùy theo nơi xuất bản của tờ báo.

Điều 18. Việc tịch thu hoặc thu hồi những số báo vi phạm luật lệ về báo chí, việc đình bản tạm thời hoặc đình bản vĩnh viễn một tờ báo vi phạm luật lệ về báo chí do Thủ tướng Phủ quyết định.

Điều 19. Nếu báo nào đăng bài vu khống, dùng những lời lẽ hoặc nêu những sự việc không chính xác xét ra có phương hại đến cương vị, uy tín, danh dự về mặt chính trị và xã hội của một cơ quan Nhà nước, đảng phái chính trị, hợp pháp, đoàn thể nhân dân hay là của một công dân nào, thì đương sự có quyền yêu cầu báo ấy cải chính hoặc đăng bài cải chính của đương sự. Ngoài ra, đương sự có quyền yêu cầu tòa án xét xử người vi phạm về mặt hình sự, đồng thời bắt những người này bồi thường những thiệt hại về vật chất tinh thần đã gây ra theo pháp luật hiện hành.

Điều 20. Bài cải chính của các tổ chức hoặc cá nhân gửi tới phải đăng nguyên văn, không được xen vào những lời giải thích hay bàn thêm của tòa soạn, phải đăng vào đúng chỗ, in cùng một thứ chữ như bài báo đã vu khống, xúc phạm tới danh dự của tổ chức hay cá nhân đó. Khi xét cần thiết, Sở Báo chí Trung ương, hoặc Ủy ban Hành chính cấp Khu, Liên khu và thành phố có thể yêu cầu đăng bài cải chính của các tổ chức bị xúc phạm vào chỗ dễ xem nhất ở trang của một tờ báo.

Bài cải chính không được dài quá gấp đôi bài báo đã xúc phạm, nhưng ít nhất cũng được viết dài tới năm mươi dòng trong cột báo.

Số lượng phát hành của số báo đăng bài cải chính không được ít hơn kỳ đã có bài vu khống, xúc phạm tới danh dự.

Đối với báo xuất bản hàng ngày, chậm nhất ba ngày sau khi nhận được phải đăng bài cải chính. Đối với các báo chí khác không xuất bản hàng ngày, nếu nhận được bài cải chính đến một ngày trước khi báo lên khuôn, thì phải đăng ngay trong số báo sắp ra đó.

Những bài cải chính của tổ chức hay cá nhân gửi tới đăng đều không phải trả tiền cho tờ báo.

Điều 21. Nếu tổ chức hay cá nhân bị xúc phạm chỉ yêu cầu cải chính thì tòa soạn phải viết bài cải chính.

Những điều quy định ở điều 20 Nghị định này cũng áp dụng cho bài cải chính do tòa soạn viết.

Điều 22. Nếu sau khi đăng bài cải chính, tờ báo còn có những ý kiến, bình luận, nhận xét thêm khác với bài cải chính thì tổ chức hay cá nhân bị xúc phạm có quyền tiếp tục yêu cầu tòa báo cải chính lại hoặc đăng bài cải chính của mình. Thể thức cải chính những lần sau này cũng giống như lần đầu.

Điều 23. Tòa soạn có thể không đăng bài cải chính của đương sự gửi đến, nếu bài này xét ra phạm đến luật pháp hoặc đến danh dự của người viết báo. Nhưng tòa soạn phải báo tin ngay cho đương sự biết lý do không đăng.

Đối với các việc tòa soạn không đăng bài cải chính, đăng chậm, đăng không đúng thể thức quy định ở các điều 20, 21 và 22 trên đây, đương sự có thể khiếu nại tại các cơ quan có thẩm quyền xét định nói ở điều 3,điều 4 Nghị định này. Ngoài ra đương sự còn có thể khiếu nại tại tòa án nhân dân, thành phố, tòa án nhân dân tỉnh, tòa án nhân dân Khu tự trị Thái mèo, tòa án nhân dân khu Hồng quảng, tùy theo nơi xuất bản của tờ báo. Tòa án sẽ xét xử theo thủ tục xét xử nhanh (thủ tục cấp thẩm) trong hạn ba ngày. Nếu tòa án xét cần phải cải chính ngay, thì tòa soạn phải đăng bài cải chính trong số báo gần nhất, mặc dù có đơn chống án. Nếu có đơn chống án, thì tòa án nhân dân phúc thẩm phải xét xử trong hạn mười ngày kể từ ngày nhận được đơn.

MỤC 4. - ĐIỀU KHOẢN CHUNG.

Điều 24. Báo chí nào xuất bản trước ngày ban hành Sắc lệnh số 282-SL ngày 14 tháng 12 năm 1956 mà chưa làm đầy đủ các thủ tục khai báo quy định trong Nghị định này thì chậm nhất trong hai tháng sau ngày công bố Nghị định phải khai báo xong cho hợp lệ.

Điều 25. Những điều khoản ban hành trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 26. Các ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Ủy ban Hành chính các cấp và ông Giám đốc Sở Báo chí Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phan Kế Toại

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 298-TTg năm 1957 hướng dẫn luật chế độ báo chí do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 298-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 09/07/1957
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Kế Toại
  • Ngày công báo: 17/07/1957
  • Số công báo: Số 29
  • Ngày hiệu lực: 24/07/1957
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản