Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 29-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 1976

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHẾ ĐỘ BÁO CÁO THỐNG KÊ NHANH CỦA NHÀ NƯỚC.

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ nghị định số 27-CP ngày 22-2-1962 của Hội đồng Chính phủ quy định các nguyên tắc về việc lập và ban hành các chế độ, biểu mẫu và phương án điều tra thống kê;
Căn cứ nghị quyết số 2-CP ngày 2-1-1971 của Hội đồng Chính phủ về việc tổ chức lại hệ thống thông tin kinh tế (phần nói riêng về hệ thống thông tin thống kê và kế toán);
Để đáp ứng yêu cầu thông tin của Thường vụ Hội đồng Chính phủ trong công tác chỉ đạo về quản lý kinh tế trong tình hình mới;
Theo đề nghị của đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1. – Nay ban hành kèm theo nghị định này chế độ báo cáo thống kê nhanh của Nhà nước.

Điều 2. – Các đơn vị kinh tế cơ sở, các Bộ, Tổng cục, các Ủy ban hành chính và cơ quan thống kê cấp tỉnh, thành phố, huyện, thị xã được quy định là đơn vị báo cáo nhanh của Nhà nước có trách nhiệm làm các báo cáo theo thời gian quy định gửi tới Tổng cục Thống kê; Tổng cục Thống kê có trách nhiệm tổng hợp, phân tích trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ đồng thời cung cấp cho các cơ quan tổng hợp có liên quan ở trung ương.

Điều 3. – Chế độ báo cáo nói ở điều 1 áp dụng từ ngày 1 tháng 3 năm 1976. Kể từ ngày đó, các quy định về báo cáo tiến độ, báo cáo nhanh 5 ngày, 7 ngày, 10 ngày trong chế độ báo cáo nhanh về tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo nghị định số 179-CP ngày 28-12-1967 của Hội đồng Chính phủ và trong chỉ thị số 167-TTg ngày 13-6-1972 của Thủ tướng Chính phủ sẽ không còn hiệu lực, trừ tiến độ sản xuất nông nghiệp 10 ngày ban hành theo nghị định số 179-CP ngày 28-12-1967

Điều 4. – Đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê có trách nhiệm căn cứ nghị định này và tùy theo yêu cầu chỉ đạo của Thường vụ Hội đồng Chính phủ trong từng thời gian mà quy định cụ thể biểu mẫu báo cáo, đơn vị báo cáo, thời hạn báo cáo, phương thức truyền tin và trao đổi ý kiến với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, văn phòng Phủ thủ tướng, Tổng cục Bưu điện về những vấn đề liên quan trước khi ban hành.

Điều 5. – Thủ trưởng các cơ quan, các đơn vị kinh tế cơ sở được Tổng cục Thống kê quy định là đơn vị báo cáo nhanh đối với Nhà nước có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh nghị định này cùng với những quy định cụ thể của Tổng cục Thống kê về chế độ báo cáo nhanh và chịu trách nhiệm trực tiếp về sự chính xác, đúng hạn của báo cáo.

Điều 6. – Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý của mình thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo nhanh của Nhà nước; đồng thời căn cứ quy định cụ thể của Tổng cục Thống kê mà tổng hợp báo cáo số liệu và tình hình gửi cho Tổng cục Thống kê.

Điều 7. – Các đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ thủ tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nghị định này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

PHÓ THỦ TƯỚNG

Nguyễn Duy Trinh

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO THỐNG KÊ NHANH CỦA NHÀ NƯỚC

(ban hành kèm theo nghị định số 29-CP ngày 12-2-1976 của Hội đồng Chính phủ)

I. MỤC ĐÍCH CỦA CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Phản ánh kịp thời, trung thực, qua từng thời gian ngắn tình hình diễn biến trong quá trình thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch Nhà nước, khả năng hệ thống hoặc vượt thực hiện Nhà nước, những khó khăn khách quan, chủ yếu, những trở ngại do chủ quan quyết định gây ra, để làm căn cứ cho Thường vụ Hội đồng Chính phủ chỉ đạo thường xuyên, điều hòa, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp nhằm hệ thống thắng lợi kế hoạch Nhà nước và ngân sách Nhà nước.

2. Đặc cơ sở cho các Bộ, Tổng cục, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cải tiến công tác nắm tình hình trong ngành, trong địa phương, phục vụ sự chỉ đạo và quản lý của Bộ, Tổng cục. Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố đồng thời đáp ứng yêu cầu thông tin của Thường vụ Hội đồng Chính phủ.

3. Đặc cơ sở cho việc sử dụng máy tính vào công tác thống kê.

II. NỘI DUNG BÁO CÁO VÀ HỆ THỐNG CHỈ TIÊU BÁO CÁO

A. Nội dung báo cáo

1. Loại báo cáo định kỳ: được quy định trước nội dung và kỳ hạn báo cáo.

a) Đối với các đơn vị cơ sở được quy định là đơn vị báo cáo nhanh của Nhà nước phải thu thập số liệu thực tế (không ước tính) để làm báo cáo theo đúng biểu mẫu do Tổng cục Thống kê ban hành. Ngoài phần số liệu, phải phản ánh những cố gắng hoặc sáng kiến đã thực hiện và những khó khăn trở ngại có ảnh hưởng đến tình hình kế hoạch, phân tích nguyên nhân và đề ra những vấn đề cần giải quyết (nếu có).

b) Đối với các Bộ, Tổng cục, Ủy ban hành chính tỉnh được quy định là đơn vị báo cáo nhanh đối với Nhà nước, thì sau khi tổng hợp và xử lý phải báo cáo Tổng cục Thống kê cả số liệu, tình hình và biện pháp xử lý.

2. Loại báo cáo đột xuất: không định trước nội dung và kỳ hạn

a) Đối với các đơn vị cơ sở được quy định là đơn vị báo cáo nhanh của Nhà nước khi có tình hình đột xuất nếu chưa đến kỳ báo cáo cũng phải báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên và đồng gửi Tổng cục Thống kê để tổng hợp.

b) Đối với tất cả các Bộ, Tổng cục, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khi có tình hình đột xuất xảy ra ở các đơn vị cơ sở thuôc trách nhiệm chỉ đạo, quản lý của mình, phải báo cáo ngay lên Thủ tướng Chính phủ theo điều 32 bản quy định cụ thể về chế độ làm việc của Hội đồng Chính phủ ban hành theo quyết định số 141-CP ngày 14 tháng 6 năm 1974. Các báo cáo đột xuất này nếu thuộc về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội thì phải đồng gửi Tổng cục Thống kê để Tổng cục Thống kê tổng hợp, phân tích tình hình chung trong nền kinh tế quốc dân.

B. Hệ thống chỉ tiêu báo cáo

1. Nông nghiệp:

- Tiến độ sản xuất các loại cây chính trong từng thời vụ qua các khâu chuẩn bị, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch;

- Thiên tai, dịch bệnh đối với cây trồng và gia súc.

2. Công nghiệp:

- Kết quả sản xuất và những khó khăn xảy ra trong quá trình sản xuất một số loại sản phẩm là tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng thiết yếu. Biện pháp giải quyết.

3. Xây dựng cơ bản:

- Tiến độ thi công các công trình trọng điểm của Nhà nước;

- Xây dựng đê, kè và chuẩn bị chống lũ, lụt, bão;

- Tiến độ xây dựng nhà ở tại các thành phố, khu công nghiệp tận trung;

- Tiến độ khai hoang, phục hóa.

4. Giao thông vận tải

- Bốc xếp, tồn kho hàng nhập tại cảng biển, trên đường sắt;

- Tầu ra, vào và ứ đọng tại các cảng biển. Tiền phạt do ứ đọng tầu.

- Vận chuyển một số loại hàng và khách trên những tuyến đường chính kể cả vận chuyển giữa 2 miền Nam, Bắc.

5. Cung ứng vật tư:

- Xuất, nhập, tồn kho và cung ứng một số loại vật tư kỹ thuật chủ yếu.

6. Thương nghiệp

- Tiến độ nhập kho lương thực;

- Thu mua, điều về trung ương và giao cho xuất khẩu một số loại hàng;

- Tồn kho một số loại mặt hàng tiêu dùng chủ yếu;

- Giá cả một số mặt hàng ở một số chợ đại diện;

- Hàng xuất, nhập khẩu qua ngoại thương.

7. Ngân hàng

- Thu, chi tiền mặt

8. Lao động

- Số lượng lao động điều động cho một số nhiệm vụ quan trọng như điều đi xây dựng vùng kinh tế mới...

9. Đời sống y tế, giáo dục:

- Tình hình đời sống nông dân khi giáp hạt;

- Diễn biến và kết quả phòng, chống dịch bệnh cho người;

- Kết quả khai giảng và thi tốt nghiệp của các cấp học phổ thông.

Ngoài hạch toán chỉ tiêu báo cáo trên, các đơn vị cần phản ánh tình hình thực hiện kế hoạch, khả năng hoàn thành kế hoạch, nguyên nhân chủ quan, khách quan, những khó khăn chủ yếu và những tình hình đặc biệt đột xuất xảy ra, nếu có.

Khi có yêu cầu mới, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê có thể sửa đổi bổ sung hệ thống chỉ tiêu báo cáo nhanh sau khi trao đổng thống nhất với Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ thủ tướng.

III. THỜI GIAN BÁO CÁO, PHẠM VI THU THẬP VÀ PHƯƠNG THỨC BÁO CÁO

1. Thời gian báo cáo

a) Kỳ báo cáo

Đối với các chỉ tiêu phản ánh tiến độ thực hiện kế hoạch phải báo cáo 5 ngày một lần. Riêng một số ít chỉ tiêu mà các đơn vị cơ sở chưa theo dõi, tổng hợp được thường xuyên nếu được Tổng cục Thống kê đồng ý thì kỳ báo cáo có thể nới rộng hơn (10 hoặc 15 ngày một lần)

Đối với những chỉ tiêu có tính chất thời vụ thì kỳ báo cáo được quy định thích hợp với thời vụ. Những chỉ tiêu mang tính chất bất thường hoặc nhất thời thì chỉ quy định kỳ báo cáo khi có tình hình xảy ra (như thiên tai, dịch bệnh đối với người và cây trồng, gia súc...)

b) Thời gian báo cáo

Cần quy định chặt chẽ đối với từng khâu (thu thập, truyền đơn, tổng hợp) sao cho chậm nhất là 2 ngày sau kỳ báo cáo Tổng cục Thống kê đã nhận được đầy đủ các báo cáo của các đơn vị để Tổng cục Thống kê có thể tổng hợp tình hình trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ. Thời hạn này phải phấn đấu rút ngắn hơn nữa trong năm tới.

2. Phạm vi thu thập

Căn cứ vào tình hình và khả năng hiện nay, trừ một số ít chỉ tiêu có điều kiện thu thập toàn bộ, còn các chỉ tiêu khác chủ yếu là thu thập ở các đơn vị kinh tế trọng điểm và phấn đấu mở rộng dần phạm vi thu thập, cần quy định đơn vị báo cáo và đường đi của báo cáo một cách hợp lý nhằm tạo điều kiện cho cơ quan thống kê Nhà nước từng bước mở rộng việc trực tiếp thu thập và kiểm tra báo cáo của các đơn vị kinh tế cơ sở. Những đơn vị kinh tế do trung ương quản lý được quy định gởi báo cáo nhanh thẳng lên Tổng cục Thống kê hoặc qua cơ quan quản lý cấp trên thì phải đồng gửi báo cáo tới Chi cục thống kê tỉnh để phục vụ cho việc quản lý kinh tế theo lãnh thổ.

3. Phương thức báo cáo

Các báo cáo nhanh phải được truyền đi bằng phương tiện truyền tin nhanh nhất, nhưng phải bảo đảm bí mật đối với một số chỉ tiêu, Tổng cục Thống kê và Tổng cục Bưu điện phải thống nhất kế hoạch truyền tin đối với báo cáo nhanh và hướng dẫn cơ quan thống kê Nhà nước cùng với cơ quan bưu điện cấp tỉnh, huyện quy định cụ thể phương thức truyền tin đối với từng đơn vị báo cáo đóng tại địa phương.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê căn cứ vào chế độ này sẽ ban hành những quy định cụ thể thực hiện chế độ báo cáo này, gồm nội dung biểu mẫu báo cáo, thời gian báo cáo, đơn vị trọng điểm phải báo cáo, cơ quan tổng hợp báo cáo và nơi gửi báo cáo.

2. Thủ trưởng các đơn vị, các cơ quan được quy định là đơn vị báo cáo theo chế độ báo cáo nhanh của Nhà nước phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc chấp hành chế độ báo cáo, về tính chính xác, đúng hạn của báo cáo. Trường hợp gặp khó khăn trong việc tổ chức thực hiện thì phải báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan thống kê Nhà nước. Cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm giải quyết những điều kiện, phương tiện vật chất cần thiết cho công tác hạch toán và báo cáo thống kê của cấp dưới; cơ quan thống kê Nhà nước có trách nhiệm giải quyết các vấn đề nghiệp vụ phù hợp với điều kiện hạch toán và báo cáo của các đơn vị báo cáo. Cơ quan thống kê Nhà nước phải theo dõi chặt chẽ tình hình chấp hành kỷ luật báo cáo của các đơn vị báo cáo, kiến nghị với các cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị báo cáo các hình thức xử lý đối với thủ trưởng những đơn vị nhiều lần báo cáo chậm hoặc không báo cáo hoặc cố ý báo cáo sai sự thật.

3. Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị cấp dưới thực hiện tốt chế độ báo cáo này, kết hợp với việc cải tiến công tác báo cáo nhanh trong ngành hoặc địa phương mình. Các ngành hoặc địa phương khi cần ban hành thêm chỉ tiêu, biểu mẫu báo cáo nhanh phục vụ sự chỉ đạo của ngành mình, địa phương mình thì phải bảo đảm không trái, không gây trở ngại cho việc thực hiện chế độ báo cáo nhanh của Nhà nước và phải được sự thỏa thuận bằng văn bản của Tổng cục Thống kê như nghị định số 72-CP ngày 5 tháng 4 năm 1974 của Hội đồng Chính phủ đã quy định.

4. Đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện phối hợp với Tổng cục Thống kê có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chấn chỉnh và tăng cường hạch toán truyền tin nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin kinh tế trong thời gian trước mắt và những năm tới, và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các vấn đề ngoài phạm vi quyền hạn của Tổng cục Bưu điện, quy định cụ thể chế độ ưu tiên cho các báo cáo thống kê, trước hết là báo cáo nhanh, trên mọi phương tiện truyền tin (đường bưu điện thoại, điện báo) và giải quyết cước phí, cách thanh toán thuận tiện cho các đơn vị kinh tế cơ sở. Tổng cục Thống kê cùng với Tổng cục Bưu điện và Bộ Tài chính quy định cụ thể cách thanh toán các cước phí bưu điện trong công tác báo cáo thống kê. Đối với các đơn vị kinh tế tập thể, cước phí này do ngân sách Nhà nước chịu.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

PHÓ THỦ TƯỚNG

Nguyễn Duy Trinh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 29-CP năm 1976 về chế độ báo cáo thống kê nhanh của Nhà nước do Hội Đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 29-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 12/02/1976
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Duy Trinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 27/02/1976
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản