Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 275-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 1957

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH SẮC LUẬT SỐ 003-SLT NGÀY 18-06-1957 QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ XUẤT BẢN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Sắc luật số 003-SLt ngày 18 tháng 6 năm 1957 quy định chế độ xuất bản;
Căn cứ Sắc lệnh số 18-SL ngày 31 tháng 1 năm 1946 quy định thể lệ lưu chuyển văn hóa phẩm;
Theo đề nghị của Bộ Văn hóa,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành Sắc luật số 003-SLt ngày 18 tháng 6 năm 1957 về:

1) Việc cấp giấy phép cho lập nhà xuất bản hoặc cho cá nhân hoạt động xuất bản;

2) Việc nộp lưu chiểu các loại xuất bản phẩm;

3) Việc áp dụng kỷ luật.

MỤC I. - THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP

Điều 2. Muốn lập một nhà xuất bản, người chủ nhiệm (hoặc giám đốc) phải nộp đơn xin phép tại Bộ Văn hóa kèm theo các giấy tờ sau đây:

1) Tờ khai, làm thành hai bản, nói rõ tên, tôn chỉ, mục đích, hướng hoạt động, trụ sở chính thức của nhà xuất bản.

2) Lý lịch sơ lược, làm thành hai bản, của từng người chịu trách nhiệm chính thức của nhà xuất bản (chủ nhiệm hoặc Giám đốc, quản lý và tổng biên tập).

Mỗi bản đều có chứng thực của Ủy ban Hành chính thành phố hay tỉnh nơi đương sự cư trú.

3) Lý lịch tư pháp (một bản) của từng người, chủ nhiệm (hoặc Giám đốc), quản lý và tổng biên tập, do Tòa án nhân dân thành phố hoặc Tòa án nhân dân tỉnh nơi đương sự cư trú cấp.

Ở những khu không có tỉnh như Khu tự trị Thái mèo, và Khu Hồng quảng hiện nay, thì các bản lý lịch sơ lược do Ủy ban Hành chính khu chứng thực và bản lý lịch tư pháp do Tòa án nhân dân khu cấp.

Một tổ chức đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc Việt nam hoặc một cơ quan Nhà nước muốn lập nhà xuất bản, phải làm đơn xin phép, nói rõ tên, tôn chỉ, mục đích, hướng hoạt động, trụ sở chính thức, họ tên chủ nhiệm (hoặc giám đốc), người quản lý và người tổng biên tập của nhà xuất bản.

Bộ Văn hóa ấn định những mẫu giấy tờ và hướng dẫn việc khai báo.

Điều 3. Chậm nhất là một tháng kể từ ngày ban hành Nghị định này, các nhà xuất bản hiện đang hoạt động phải khai báo lại hoặc xin phép lại, như đã quy định ở điều 19 Sắc luật số 003-SLt ngày 18 tháng 6 năm 1957.

Quá hạn đó nhà xuất bản nào chưa làm đầy đủ thủ tục khai báo hoặc xin phép lại thì không được hoạt động nữa.

Điều 4. Cá nhân nào muốn đứng ra xuất bản tác phẩm của mình hoặc của người khác thì phải nộp đơn xin phép hoạt động xuất bản nhất thời, nói rõ tên tác phẩm và tên tác giả. Đơn xin phép phải kèm theo hai bản lý lịch sơ lược và một bản lý lịch tư pháp của người đứng xin theo thể thức nói ở điều 2 Nghị định này.

Điều 5. Một tổ chức đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc Việt nam hoặc một cơ quan người muốn xuất bản tác phẩm hoặc tài liệu để phát hành ra ngoài hoặc lưu hành trong nội bộ, thì phải nộp đơn xin phép hoạt động xuất bản nhất thời, nói rõ tên tác phẩm hoặc tài liệu, và tên tác giả.

Trường hợp một tổ chức ở ngoài Mặt trận Tổ quốc Việt nam muốn xuất bản tác phẩm hoặc tài liệu, thì đơn xin phép hoạt động xuất bản nhất thời phải kèm thêm một giấy chứng nhận của Ủy ban Hành chính thành phố, tỉnh hay là khu (ở những khu không có tỉnh như khu tự trị Thái mèo và khu Hồng quảng) chứng nhận tổ chức đó đã được phép thành lập.

Điều 6. Các tổ chức hoặc cá nhân từ trước đến nay vẫn hoạt động xuất bản nhưng không phải là nhà xuất bản chuyên nghiệp, từ nay mỗi lần muốn hoạt động xuất bản nhất thời thì phải xin phép theo đúng thể thức nói trong các điều 4 và 5.

Điều 7. Đơn và giấy tờ nói ở các điều 2, 3, 4, 5 và 6 nộp tại các cơ quan sau đây:

- Ở Hà nội: tại Cục quản lý xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm (gọi tắt là Cục xuất bản) thuộc Bộ Văn hóa;

- Ở Hải phòng, Khu Hồng quảng, khu Tự trị Thái mèo; tại Sở Văn hóa;

- Ở các nơi khác: tại Ty Văn hóa tỉnh.

Sau khi nhận đơn và các giấy tờ hợp lệ, các cơ quan nói trên cấp cho người nộp đơn một giấy biên nhận và gửi đơn và hồ sơ lên Bộ Văn hóa xét định.

Điều 8. Giấy cho phép lập nhà xuất bản và giấy cho phép một tổ chức hoặc một cá nhân hoạt động xuất bản nhất thời do Bộ Văn hóa cấp.

Điều 9. Khi chưa được cấp giấy phép thì các nhà xuất bản hay là các tổ chức hoặc cá nhân có đơn xin phép hoạt động xuất bản nhất thời không được tiến hành mọi hoạt động về xuất bản như quảng cáo, cổ động, đặt đại lý, nhận tiền đặt mua xuất bản phẩm, vv…

Riêng những nhà xuất bản thực tế vẫn liên tục hoạt động xuất bản chuyên nghiệp cho tới ngày ban hành Sắc luật số 003-SLt ngày 18 tháng 06 năm 1957 và đã làm đầy đủ các thủ tục xin phép hoặc khai báo nói ở các điều 2 và 3 trên đây, thì vẫn được tiếp tục hoạt động xuất bản trong khi chờ đợi quyết định của Bộ Văn hóa.

Điều 10. Quá ba tháng kể từ ngày được cấp giấy phép mà nhà xuất bản hay là người xin phép hoạt động xuất bản nhất thời chưa phát hành xuất bản phẩm nào thì giấy phép không có giá trị nữa, nếu không được cơ quan nhận đơn xin phép thừa nhận sự chậm trễ có lý do chính đáng.

Nhà xuất bản nào đã tự ý đóng cửa mà muốn hoạt động lại, thì phải xin phép lại theo thủ tục ấn định ở các điều 2 và 7 Nghị định này.

Điều 11. Nhà xuất bản nào có sự thay đổi về một hay nhiều điểm sau đây thì người chủ nhiệm (hoặc Giám đốc) phải xin phép lại theo thủ tục ấn định ở các điều 2 và 7 Nghị định này.

1) Tên, tôn chỉ, mục đích, hướng hoạt động của nhà xuất bản.

2) Người chủ nhiệm (hoặc giám đốc) của nhà xuất bản.

Thay đổi trụ sở nhà xuất bản ghi trong thời hạn hai mươi bốn giờ người chủ nhiệm (hoặc Giám đốc) nhà xuất bản phải báo cáo cho Cục xuất bản và Ty hoặc sở Văn hóa địa phương biết địa điểm trụ sở mới và lý do thay đổi; dời trụ sở nhà xuất bản đến một địa phương khác thì phải báo cáo cả cho Ty hoặc Sở Văn hóa địa phương mình đến.

Trường hợp thay đổi người quản lý hoặc người tổng biên tập thì trong thời hạn hai mươi bốn giờ người chủ nhiệm (hoặc Giám đốc) nhà xuất bản phải báo cho Cục xuất bản và Ty hoặc Sở Văn hóa địa phương biết về sự thay đổi và lý do. Đồng thời người chủ nhiệm (hoặc Giám đốc) nhà xuất bản phải nộp cho Ty hoặc Sở Văn hóa địa phương, hoặc cho Cục xuất bản nếu nhà xuất bản hoạt động ở Hà nội, hai bản lý lịch sơ lược và một bản lý lịch tư pháp (làm theo thể thức quy định ở điều 2 Nghị định này) của người quản lý hoặc tổng biên tập mới. Nhận được những lý lịch đó, Ty hoặc Sở Văn hóa hoặc Cục xuất bản phải chuyển ngay lên Bộ Văn hóa.

Nhà xuất bản nào muốn tự ý đóng cửa không hoạt động nữa thì chỉ cần báo cho:

- Cục Xuất bản nếu là nhà xuất bản hoạt động ở Hà nội.

- Ty hoặc Sở Văn hóa nếu là nhà xuất bản hoạt động ở các địa phương.

MỤC 2. - THỂ LỆ NỘP LƯU CHIỂU

Điều 12. Ngoài việc nộp lưu chiểu ở Thư viện Trung ương theo thể lệ quy định trong Sắc lệnh số 18-SL ngày 31 tháng 1 năm 1946, các xuất bản phẩm nói trong điều 18 Sắc luật số 003-SLt ngày 18 tháng 06 năm 1957 còn phải nộp lưu chiểu tại:

- Cục Xuất bản: hai bản

- Ty hoặc Sở Văn hóa địa phương: một bản.

Trường hợp cần miễn nộp lưu chiểu cho một tài liệu hoặc một loại tài liệu để giữ gìn bí mật quốc gia, thì cơ quan, đoàn thể xuất bản những tài liệu đó phải đề nghị lên Thủ tướng Chính phủ xét và quyết định.

Điều 13. Thời hạn nộp lưu chiểu các xuất bản phẩm quy định như sau:

Bản nộp lưu chiểu tại địa phương phải đưa đến Ty hoặc Sở Văn hóa và được cơ quan này biên nhận chính thức, chậm nhất là hai mươi bốn giờ sau khi in xong và bốn mươi tám giờ trước khi phát hành.

Bản nộp tại Cục Xuất bản có thể gửi bằng bưu điện hay bằng phương tiện khác nhưng phải gửi trong ngày nộp lưu chiểu tại địa phương.

Đối với các khu, tỉnh ở xa, giao thông không thuận tiện, Bộ Văn hóa tùy theo hoàn cảnh cụ thể từng nơi mà quy định thời hạn nộp lưu chiểu cho thích hợp.

Điều 14. Trên các bản xuất bản phẩm lưu chiểu phải có chữ ký hay đóng dấu của nhà xuất bản hoặc cá nhân xuất bản và ghi rõ “Tài liệu lưu chiểu”. Nhà xuất hoặc cá nhân xuất bản phải gửi kèm theo một tờ khai nói rõ: tên nhà xuất bản hay là cá nhân xuất bản, tên tác phẩm, tên tác giả, tên nhà in, số lượng ấn hành, khuôn khổ, tên loại giấy, ngày in xong, ngày phát hành, giá bán, ngày nộp lưu chiểu, số thứ tự trong sổ lưu chiểu của nhà xuất bản.

Điều 15. Khi tái bản một tác phẩm, nhà xuất bản hoặc cá nhân xuất bản phải làm thủ tục lưu chiểu như lúc xuất bản lần đầu và ghi rõ tái bản lần thứ mấy trong tờ khai nói ở điều 44.

MỤC 3. - KỶ LUẬT

Điều 16. Thẩm quyền quyết định thi hành các hình thức kỷ luật hành chính nói trong điều 16 Sắc luật số 003-SLt ngày 18 tháng 6 năm 1957 quy định như sau:

- Cục Xuất bản có quyền phê bình và cảnh cáo đối với các nhà xuất bản và cá nhân xuất bản hoạt động ở Hà nội.

- Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố (Hải phòng) hoặc khu (Khu Tự trị Thái mèo, Khu Hồng quảng) có quyền phê bình và cảnh cáo đối với các nhà xuất bản hoặc cá nhân xuất bản hoạt động ở các địa phương.

- Bộ Văn hóa có quyền quyết định việc tịch thu xuất bản phẩm, thu hồi tạm thời hay là vĩnh viễn giấy phép.

Nếu xét cần thiết, các cơ quan có thẩm quyền nói trên đây có thể cho công bố trên báo chí các hình thức kỷ luật đã thi hành.

Điều 17. Cục Xuất bản có quyền đưa truy tố trước tòa án các vụ vi phạm Sắc luật số 003-SLt ngày 18 tháng 6 năm 1957 đối với các nhà xuất bản hoặc cá nhân xuất bản hoạt động ở Hà nội.

Đối với các nhà xuất bản hoặc các cá nhân xuất bản hoạt động ở địa phương, quyền đưa truy tố các vụ vi phạm Sắc luật số 003-SLt ngày 18 tháng 6 năm 1957 giao cho Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố (Hải phòng) hoặc khu (ở những khu không có tỉnh như Khu Tự trị Thái mèo, Khu Hồng quảng).

Đối với các vụ vi phạm vào điều 9 Sắc luật số 003-SLt ngày 18 tháng 6 năm 1957, thì các cơ quan, đoàn thể nói trong điều 9 đó có quyền đưa truy tố trước tòa án.

MỤC 4. - ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 18. Những điều khoản ban hành trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 19. Các ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch Ủy ban Hành chính các khu, tỉnh và thành phố chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 275-TTg năm 1957 hướng dẫn Sắc luật 003-SLt về chế độ xuất bản do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 275-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/06/1957
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 29
  • Ngày hiệu lực: 09/07/1957
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản