Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI THƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 271-BNT

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 1958

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH THỦ TỤC KHAI HÀNG VÀ KIỂM HÓA HÀNG XUẤT, NHẬP KHẨU

BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 116-TTg ngày 13-8-1951 và Nghị định bổ sung số 462-P1 ngày 18-2-1955 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều lệ tạm thời về hàng xuất nhập khẩu và thu thuế xuất nhập khẩu;
Căn cứ Nghị định số 512-TTg ngày 16-4-1955 của Thủ tướng phủ quy định điều lệ về quản lý Ngoại thương;
Căn cứ đề nghị của Sở Hải quan trung ương;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nghị định này quy định thủ tục khai hàng và kiểm hóa hàng xuất nhập khẩu và không thi hành đối với hàng trao đổi của nhân dân biên giới.

KHAI HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU

Điều 2. – Khi hàng xuất nhập khẩu tới cửa khẩu, người xuất nhập khẩu hàng hay người thay mặt phải nộp cho cơ quan Hải quan tờ khai xuất khẩu hay nhập khẩu, theo mẫu do Sở Hải quan trung ương ấn định, kể cả đối với hàng miễn thuế. Người khai hàng phải cam đoan những điều khai trong tờ khai là đúng.

Người khai hàng xuất nhập khẩu phải xuất trình giấy phép xuất nhập hàng hoặc giấy tờ thay thế. (Như bản trích sao hợp đồng …)

Tờ khai hàng phải kèm theo hóa đơn và các chứng từ cần thiết về quy cách, phẩm chất, các phí tổn, có liên quan đến việc xuất nhập khẩu hàng, giấy chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch, nếu là hàng phải kiểm nghiệm, kiểm dịch.

Đối với hàng nhập khẩu, người khai hàng phải xuất trình hợp đồng vận tải hoặc giấy tờ thay thế.

Trường hợp hàng xuất nhập khẩu được hưởng chế độ đặc biệt miễn hoặc giảm thuế, thì phải xuất trình đầy đủ những chứng từ cần thiết.

Tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu phải nộp, sau khi hàng xuất nhập khẩu đã tới cửa khẩu trong thời hạn 5 ngày, kể từ khi dỡ hàng xong đối với hàng nhập khẩu và 3 ngày trước khi xếp hàng lên tàu đối với hàng xuất khẩu.

Điều 3. – Tờ khai phải ghi đầy đủ những chi tiết cần thiết cho việc kiểm hóa và tính thuế.

- Họ tên địa chỉ cơ quan, công ty hoặc người đứng khai.

- Phương tiện vận chuyển (nếu là tàu thì ghi tên và quốc tịch tàu).

- Họ, tên địa chỉ người nhận hàng hay người gửi hàng.

- Tên loại hàng, nhãn hiệu, mã hiệu, số thứ tự các kiện hàng, phẩm chất, quy cách (căn cứ theo sự sắp xếp của thuế biểu) trọng lượng cả bì, trọng lượng trừ bì, nơi sản xuất hàng, nơi nhận hàng, trị giá hàng.

Khi đã bắt đầu tiến hành kiểm hóa, thì người khai hàng không được sửa chữa các chi tiết trong tờ khai nữa.

Điều 4. – Để tiện cho việc kiểm hóa, người khai hàng phải kèm theo tờ khai hàng nhập khẩu hay xuất khẩu một bản khai chi tiết ghi rõ số lượng, trọng lượng và loại hàng của từng kiện. Bản khai chi tiết này phải do người khai hàng đề ngày và ký tên và chỉ có giá trị như một tài liệu để giúp cho việc kiểm hóa được dễ dàng.

Điều 5. – Tờ khai chỉ được đăng ký vào sổ để kiểm hóa khi đã làm đúng những điểm quy định trong điều 2 và điều 3 trên đây.

Điều 6. – Trước khi kiểm hóa, đối với hàng nhập khẩu gửi ở kho, người khai hàng có thể xin phép vào xem hàng và lấy mẫu. Việc xem hàng phải tiến hành trước mặt cán bộ hải quan và không được thay đổi hoặc lấy tài liệu gì có thể ảnh hưởng đến sự nhận xét về giá trị hàng hay số thuế phải nộp. Hàng lấy làm mẫu phải trả thuế như thường lệ.

KIỂM HÓA HÀNG XUẤT NHẬP KHẨU

Điều 7. – Tất cả hàng xuất nhập khẩu, kể cả hàng được miễn thuế, đều phải trình để Hải quan kiểm hóa, nhằm mục đích kiểm soát sự thi hành kế hoạch ngoại thương của quốc gia và tính thuế.

Tùy hoàn cảnh cụ thể, cơ quan hải quan có thể kết hợp với các cơ quan bạn để đơn giản thủ tục kiểm hóa.

Điều 8. – Hàng xuất nhập khẩu phải kiểm hóa ở địa điểm do cơ quan hải quan quy định công khai cho việc kiểm hóa. Trường hợp người khai hàng yêu cầu kiểm hóa tại các kho chứa hàng xuất nhập khẩu của cơ quan cảng, cơ quan vận tải thủy, cơ quan đường sắt, cơ quan giao nhận, Mậu dịch quốc doanh hoặc ở ngoài địa điểm đã quy định, và được Hải quan đồng ý thì người khai hàng phải bố trí mọi điều kiện thuận tiện (phương tiện làm việc, phương tiện cân đo…) và phải trả mọi phí tổn cần thiết nếu có.

Hàng phải kiểm hóa trước mặt người khai hàng hoặc người thay mặt. Người khai hàng có nhiệm vụ trình bày hàng hóa để Hải quan kiểm hóa và phải chịu mọi phí tổn chuyển vận hoặc đóng mở các kiện hàng.

Không ai được tự tiện mở các kiện hàng hoặc thay bao bì hay di chuyển các kiện hàng để trong kho, nếu không có sự đồng ý của Hải quan.

Trong khi kiểm hóa, người khai hàng không được làm điều gì cản trở đến việc kiểm hóa.

Điều 9. – Ngày kiểm hóa do Hải quan ấn định theo thứ tự đăng ký. Hàng dễ hư hỏng (hoa quả, rau thịt, cá tươi …) động vật sống và hàng cần thiết để phục vụ kịp thời cho kế hoạch thì được ưu tiên kiểm hóa trước.

Điều 10. – Hải quan có thể hoãn việc kiểm hóa trong một thời gian để phân chất, điều tra thêm tài liệu hoặc đề nghị công chúng giám định.

Điều 11. – Hải quan có thể kiểm hóa lại những hàng đã kiểm hóa rồi, nếu xét cần thiết.

Điều 12. – Việc kiểm hóa nguyên tắc phải tiến hành cho toàn bộ số hàng xuất nhập khẩu.

Trường hợp hàng có đủ điều kiện đảm bảo một cách chắc chắn, thì Hải quan có thể không kiểm hóa và công nhận tờ khai là đúng.

Trường hợp hàng có một loại mà đóng theo các kiện giống nhau về kích thước và đều nhau về trọng lượng hoặc trường hợp có tờ khai chi tiết kèm theo, thì Hải quan có thể kiểm hóa bộ phận.

Điều 13. – Để chiếu cố điều kiện cân chưa được thật chính xác, nếu trọng lượng kiểm hóa và trọng lượng đã khai chênh lệch nhau trong phạm vi tỷ lệ ba phần ngàn (3%o) so với trọng lượng đã khai thì có thể công nhận lời khai là đúng; trị giá phần chênh lệch và số thuế phải dưới một mức tối thiểu do Sở Hải quan trung ương quy định.

Điều 14. – Khi xét cần thiết, Hải quan có thể lấy mẫu hàng để nghiên cứu, việc lấy mẫu hàng phải có sự thỏa thuận của người khai hàng, số hàng mẫu được phép lấy cho từng loại phải do Sở Hải quan trung ương quy định.

Điều 15. – Sau khi kiểm hóa, cán bộ kiểm hóa phải tự tay ghi và ký tên vào tờ khai hàng, nói rõ cách kiểm hóa, kết quản nhận xét “về số lượng, nhãn hiệu, số thứ tự các kiện hàng; loại hàng, khối lượng và số lượng hàng, nơi sản xuất hàng, trị giá hàng và thuế suất áp dụng, và mọi sự việc xẩy ra nếu có (lấy mẫu hàng, phạm pháp)”.

Điều 16. – Trường hợp kiểm hóa lại, thì cán bộ kiểm hóa lại phải tự tay ghi kết quả và ký tên vào tờ khai.

Điều 17. – Coi là vi phạm thể lệ và trừng phạt theo điều 1 Nghị định số 462-P1 ngày 18-2-1955 bổ sung cho Nghị định số 116-TTg ngày 18-3-1951 và điều 10 Nghị định số 512-TTg ngày 16-4-1955 của Thủ tướng phủ, những hành vi dưới đây hoặc hành vi tương tự:

- Không nộp, nộp không đúng hạn, nộp không đầy đủ, khai không đúng những giấy tờ khai nộp cho Hải quan hoặc những giấy tờ, tài liệu Hải quan yêu cầu cho xem.

- Có hành vi làm cản trở việc kiểm hóa, không khai hoặc khai man tên hàng, loại hàng, số lượng, trọng lượng, trị giá hàng hóa hay tiền phí tổn để trốn thuế hoặc trốn thể lệ quản lý ngoại thương.

Điều 18. – Ông giám đốc Sở Hải quan trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI THƯƠNG




Phan Anh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 271-BNT năm 1958 quy định thủ tục khai hàng và kiểm hóa hàng xuất, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Ngoại thương ban hành.

  • Số hiệu: 271-BNT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 08/10/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Ngoại thương
  • Người ký: Phan Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 36
  • Ngày hiệu lực: 23/10/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản