Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 232-NĐ-TC-TCCB

Hà Nội, ngày 27 tháng 05 năm 1957

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT TỔ CHỨC NGÂN HÀNG KIẾN THIẾT VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ nghị định số 177-TTg ngày 26/4/1957 của Thủ tướng phủ thành lập Ngân hàng kiến thiết Việt Nam tại Bộ Tài chính thay thế cho Vụ cấp phát vốn kiến thiết cơ bản;
Theo đề nghị của ông Giám đốc Ngân hàng kiến thiết và ông Trưởng phòng Tổ chức và cán bộ Bộ Tài chính;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Nay quy định chi tiết tổ chức “NGÂN HÀNG KIẾN THIẾT VIỆT NAM” thuộc Bộ Tài chính như sau.

Điều 2. - Ngân hàng kiến thiết trung ương gồm năm phòng:

1. Phòng nhân sự và tổng hợp.

2. Phòng kế toán.

3. Phòng cấp phát I.

4. Phòng cấp phát II.

5. Phòng cấp phát III.

Điều 3. - Nhiệm vụ của từng phòng quy định như sau:

1. - PHÒNG NHÂN SỰ VÀ TỔNG HỢP.

a) Nhân sự:

Quản lý công tác hành chính, quản trị trong cơ quan: công văn đi đến, lưu trữ hồ sơ, đánh máy, điện thoại, mật mã, giữ con dấu, tiếp khách, đôn đốc thực hiện nội quy cơ quan, bảo vệ cơ quan, trả tiền lương, mua sắm vật liệu văn phòng, dụng cụ nghiệp vụ, và phụ trách kho quỹ của cơ quan trung ương, v.v…

Triệu tập tổ chức hội nghị.

Nghiên cứu, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chế độ về tổ chức và cán bộ của toàn ngành (theo dõi tư tưởng, chấp hành chính sách nghiệp vụ, giáo dục, khen thưởng kỷ luật, đề nghị việc tuyển dụng, điều động, biên chế…).

b) Tổng hợp:

Tổng kết và nghiên cứu công tác nghiệp vụ toàn ngành, giúp Ban Giám đốc đặt ra nhiệm vụ và kế hoạch công tác trong từng thời kỳ.

Làm biên bản, nghị quyết các hội nghị chuyên môn của các ngành và đôn đốc việc thi hành.

Dự thảo báo cáo gửi lên trên và những chỉ thị công tác có tính cách chung gửi xuống các Chi hàng.

Nghiên cứu và góp ý kiến về các báo cáo và kế hoạch công tác của cấp dưới.

Lập kế hoạch cho vay của Ngân hàng kiến thiết.

Chuyển phát những con số kiểm tra về cấp phát vốn kiến thiết cơ bản, nghiên cứu xác định các đơn vị trọng điểm để thực hiện giám đốc về tài chính.

Nghiên cứu tìm hiểu chủ trương, biện pháp, của các Bộ sở quan, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước về công tác kiến thiết cơ bản để cải tiến phương pháp công tác cấp phát.

Dự thảo điều lệ, chế độ công tác cấp phát và theo dõi việc chấp hành.

Nghiên cứu chế độ thống kê nghiệp vụ của ngành, đôn đốc kiểm tra việc thực việc.

Đúc báo cáo thống kê của ngành, phân tích, nghiên cứu sử dụng và trao đổi các tài liệu có liên quan về thống kê với Cục Thống kê của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.

Biên soạn nội san, tài liệu để phổ biến các điều lệ, chế độ, nghị định… có liên quan đến công tác kiến thiết cơ bản.

2. - PHÒNG KẾ TOÁN.

Thảo điều lệ cung cấp tiếp vốn, điều lệ về séc, chế độ kế toán, các thủ tục, mẫu sổ sách, giấy tờ kế toán cách ghi chép.

Sửa đổi các điều lệ, chế độ trên, giải quyết những khó khăn do các địa phương, các ngành có liên quan nêu lên.

Tính toán và lĩnh tiền ở Bộ Tài chính gửi Ngân hàng quốc gia, kết toán với Ngân hàng quốc gia và các Chi hàng Kiến thiết địa phương.

Điều chuyển vốn.

Bảo quản chứng từ kế toán và ấn chỉ để cung cấp cho toàn ngành.

Đúc và làm báo cáo kế toán của ngành lên Bộ Tài chính; phân tích quy luật dùng tiền.

Lập kế hoạch thu chi tài vụ toàn ngành và quản lý kinh phí toàn ngành.

Thực hiện và theo dõi việc thực hiện kế hoạch cho vay của Ngân hàng.

Nhận tiền gửi của các đơn vị kiến thiết, xí nghiệp xây lắp và cơ quan cung ứng.

3. - PHÒNG CẤP PHÁT I.

Cấp phát cho Bộ công nghiệp và Thương nghiệp.

4. - PHÒNG CẤP PHÁT II.

Cấp phát cho Bộ Giao thông Bưu điện.

5. - PHÒNG CẤP PHÁT III.

Cấp phát cho Bộ Nông lâm, Bộ Thuỷ lợi và Kiến trúc.

Các phòng cấp I, II, III có nhiệm vụ:

Nghiên cứu công tác cấp phát, chấp hành điều lệ, chỉ đạo công tác nghiệp vụ và đề nghị sửa đổi bổ sung điều lệ cấp phát.

Căn cứ vào chủ trương kế hoạch hàng năm của các Bộ sở quan để thẩm tra kế hoạch kiến thiết cơ bản của các đơn vị kiến thiết.

Thẩm tra hạn mức; duyệt và chuyển các giấy tờ báo hạn mức, giữ sổ theo dõi hạn mức.

Liên hệ với các ngành sở quan để trao đổi tài liệu có liên quan, giải quyết những công việc cụ thể trong công tác cấp phát như: bớt dự toán, động viên nguồn vốn nội bộ, tính và cấp tạm ứng, thu hồi hạn mức, v.v…

Thu thập tài liệu để cung cấp cho các cơ quan địa phương làm căn cứ để thẩm tra dự toán.

Thu thập tài liệu theo hệ thống chuyên nghiệp; nghiên cứu những đặc điểm xây dựng và quy luật dùng tiền của các loại kiến thiết cơ bản khác nhau.

Theo dõi nắm vững tình hình công tác cấp phát sử dụng vốn, khối lượng công trình để tổng kết và cung cấp tài liệu làm báo cáo cho cấp trên.

Tham gia việc kiểm tra, giao nhận những công trình đã hoàn thành.

Kiểm tra tại chỗ những công trình đang xây dựng.

Tập trung tài liệu để cung cấp cho Bộ Tài chính và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để làm căn cứ cho việc đặt các định mức dự toán, các tiêu chuẩn về giá cả, về phí tổn gián tiếp, phí tổn trực tiếp, các tỷ lệ khấu hao,v.v…

Xét duyệt các kế hoạch vay vốn của cơ quan sở quan gửi đến và gửi các hạn mức cho vay xuống dưới.

Điều 4. - Mỗi phòng, có thể tùy theo khối lượng và tính chất công việc mà tổ chức thành các bộ phận công tác, mỗi phòng do một Trưởng phòng một Phó phòng điều khiển.

Điều 5. - Tùy theo sự cần thiết và tầm quan trọng của từng ngành có công tác kiến thiết cơ bản, Ngân hàng kiến thiết trung ương có thể thành lập những chi nhánh Ngân hàng kiến thiết chuyên nghiệp trực thuộc Ngân hàng trung ương và đặt bên cạnh ngành sở quan đó (gọi tắt là Chi hàng chuyên nghiệp) để tiện việc theo dõi cấp phát và giám đốc công việc tại chỗ.

Điều 6. - Tại các khu, tỉnh, thành phố xét cần thiết, sẽ lập một chi nhánh Ngân hàng kiến thiết, gọi tắt là Chi hàng kiến thiết.

Điều 7. - Chi hàng chuyên nghiệp và Chi hàng kiến thiết có nhiệm vụ:

Căn cứ vào kế hoạch hạn mức và dự toán kiến thiết cơ bản đã được Bộ sở quan và Ngân hàng kiến thiết trung ương duyệt y để cung cấp kịp thời vốn kiến thiết cơ bản cho những ngành đó.

Cho các xí nghiệp quốc doanh nhận thầu ở địa phương vay ngắn hạn theo kế hoạch cho vay đã được cấp trên duyệt y.

Quản lý toàn bộ vốn do Ngân sách Nhà nước cấp cho kiến thiết cơ bản và vốn tự có của các ngành kiến thiết cơ bản thuộc phạm vi Chi hàng phụ trách.

Tổ chức làm công tác nghiệp vụ kế toán kiến thiết cơ bản, kiểm tra theo dõi tình hình sử dụng vốn và hoạt động tài vụ, tính giá thành công trình, tình hình hoàn thành kế hoạch bỏ vốn của xí nghiệp nhận thầu và đơn vị kiến thiết thuộc phạm vi Chi hành phụ trách.

Điều 8. - Tuỳ theo sự cần thiết và khối lượng công tác và sau khi được Ngân hàng kiến thiết trung ương chuẩn y, Chi hàng có thể tổ chức các bộ phận hay phòng sau đây:

1) Hành chính, kế toán và tổng hợp phụ trách các công việc về quản trị, hành chính và nhân sự. Phụ trách việc giữ sổ sách kế toán, báo cáo kế toán và thống kê. Tổng hợp tình hình chung của toàn ngành.

2) Cấp phát: Phụ trách việc cấp phát, theo dõi và báo cáo về công tác cấp phát.

Điều 9. - Chi hàng chuyên nghiệp và Chi hàng kiến thiết do một Chi hàng trưởng và có thể có một hay hai Chi hàng phó điều khiển.

Phòng (nếu có) do một trưởng phòng điều khiển.

Điều 10. - Một nghị định của Bộ Tài chính sẽ quy định việc thành lập các Chi hàng kiến thiết ở những nơi cần thiết.

Điều 11. - Tại những tỉnh, khu, thành phố có kiến thiết cơ bản nhưng xét chưa cần thiết lập Chi hàng kiến thiết, Ngân hàng kiến thiết sẽ thương lượng với Ngân hàng quốc gia đảm nhiệm hộ công việc bằng một hợp đồng ký kết giữa hai bên.

Điều 12. - Biên chế hàng năm của Ngân hàng kiến thiết trung ương và của các Chi hàng kiến thiết do Ngân hàng kiến thiết trung ương đề nghị và Bộ Tài chính duyệt y và ban hành.

Điều 13. - Về tính chất và nhiệm vụ, Ngân hàng kiến thiết Việt Nam là một cơ quan thuộc loại xí nghiệp kinh doanh nên được sử dụng một quỹ tự trị riêng và được quyền quản lý cán bộ, nhân viên toàn ngành dưới sự lãnh đạo thống nhất của Bộ Tài chính.

Điều 14. - Các Chi hàng kiến thiết chịu sự lãnh đạo hai chiều của Ngân hàng kiến thiết trung ương và Ủy ban Hành chính địa phương. Nếu ý kiến của Ngân hàng kiến thiết trung ương và của Ủy ban địa phương không thống nhất, các Chi hàng kiến thiết phải chấp hành chỉ thị của Ngân hàng trung ương (gồm cả về nghiệp vụ, tổ chức cán bộ) đồng thời báo cáo trường hợp đó lên Bộ Tài chính giải quyết.

Điều 15. - Ông Giám đốc Ngân hàng kiến thiết, ông Chánh văn phòng và ông trưởng phòng tổ chức và cán bộ Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

K. T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Văn Bính

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 232-NĐ-TC-TCCB năm 1957 quy định chi tiết tổ chức Ngân hàng kiến thiết Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 232-NĐ-TC-TCCB
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 27/05/1957
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trịnh Văn Bính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: 11/06/1957
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản