Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 21-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 3 năm 1995

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ21/CP NGÀY 4 THÁNG 3 NĂM 1995 VỀ VIỆC THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG HỌC HÀM NHÀ NƯỚC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1.- Thành lập Hội đồng Học hàm Nhà nước trực thuộc Chính phủ để xét duyệt, công nhận học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư cho các cán bộ khoa học, giáo dục.

Điều 2.- Hội đồng Học hàm Nhà nước có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1/ Xét duyệt, công nhận và cấp giấy chứng nhận học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư cho các cán bộ khoa học và giáo dục của tất cả các ngành nghề chuyên môn.

2/ Tước bỏ Học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư của những người đã được công nhận, nhưng bị phát hiện là không đủ tiêu chuẩn.

Điều 3.-

a) Các thành viên của Hội đồng Học hàm Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, gồm có:

- Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;

- Tổng thư ký Hội đồng;

- Các Uỷ viên Hội đồng là các Giáo sư hoặc Phó Giáo sư, đại diện cho các ngành chuyên môn.

b) Ban Thường trực Hội đồng gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch và Tổng thư ký.

c) Tổng thư ký Hội đồng là cán bộ chuyên trách của Hội đồng, còn các thành viên khác đều hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm.

d) Nhiệm kỳ của Hội đồng là 5 năm.

Điều 4.- Hội đồng Học hàm Nhà nước tiến hành xét duyệt, công nhận và cấp giấy chứng nhận học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư theo quy chế xét duyệt và công nhận học hàm do Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành.

Điều 5.- Giúp việc cho Hội đồng Học hàm Nhà nước là Ban thư ký và Văn phòng Hội đồng. Thành viên Ban thư ký Hội đồng phải có học vị Tiến sỹ, Phó tiến sỹ hoặc có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư.

Tổng số cán bộ biên chế của Văn phòng và Ban thư ký Hội đồng tối đa không quá 15 người. Số cán bộ này do Chủ tịch Hội đồng trực tiếp quản lý.

Điều 6.- Hội đồng Học hàm Nhà nước có con dấu riêng và tài khoản riêng. Kinh phí hoạt động của Hội đồng do ngân sách Nhà nước cấp thông qua ngân sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trụ sở làm việc của Hội đồng đặt tại trụ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 7.- Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Nghị định này thay thế Nghị định số 153-HĐBT ngày 25 tháng 9 năm 1989 về việc xét duyệt học vị và chức danh khoa học Nhà nước. Việc xét duyệt công nhận học vị này giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các thành viên của Hội đồng Học hàm Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 21-CP năm 1995 về việc thành lập Hội đồng học hàm Nhà nước

  • Số hiệu: 21-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 04/03/1995
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: 04/03/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 01/06/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản