Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19/2002/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 19 tháng 2 năm 2002

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 19/2002/NĐ-CP NGÀY 19 THÁNG 2 NĂM 2002 VỀ HUY ĐỘNG TIỀM LỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA NHÀ NƯỚC PHỤC VỤ QUỐC PHÒNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25-12-2001;
Căn cứ Luật Khoc học và Công nghệ ngày 09-6-2000;
Để huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước phục vụ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường;

NGHỊ ĐỊNH

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước phục vụ quốc phòng theo kế hoạch thường xuyên hoặc đột xuất khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nghị định này không bao gồm việc huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước phục vụ quốc phòng trong trường hợp Nhà nước ban bố tình trạng chiến tranh, lệnh Tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, tình trạng khẩn cấp.

Điều 2. Mục tiêu huy động

Huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước phục vụ quốc phòng nhằm nâng cao trình độ và năng lực khoa học và công nghệ của quân đội, phát triển công nghiệp quốc phòng, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Điều 3. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trong việc thực hiện nhiệm vụ huy động.

1- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là các Bộ, ngành), Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ quốc phòng theo sự phân công của Chính phủ.

2- Các tổ chức khoa học và công nghệ của Nhà nước cấp quốc gia, các doanh nghiệp Nhà nước (sau đây gọi tắt là các cơ quan, tổ chức khác của Nhà nước), cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ quốc phòng theo kế hoạch và sự chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 4. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân không thuộc khối Nhà nước tham gia việc huy động.

Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân không thuộc khối Nhà nước tham gia hoạt động huy động tiềm lực khoa học và công nghệ để góp phần giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ quốc phòng và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Chế độ, chính sách áp dụng đối với tổ chức, cá nhân được huy động.

Tổ chức, cá nhân được huy động dài hạn, ngắn hạn hoặc được huy động tại chỗ phục vụ quốc phòng được hưởng các quyền lợi về vật chất và tinh thần theo các chế độ, chính sách của Nhà nước và được hưởng thêm các chế độ ưu đãi đặc biệt theo quy định.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động và Thương binh xã hội, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và các cơ quan, tổ chức có liên quan quy định cụ thể về việc áp dụng thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân được huy động phục vụ quốc phòng.

Điều 6. Chế độ bảo mật

Quá trình xây dựng, tổ chức,triển khai thực hiện kế hoạch huy động phải tuân thủ những quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước.

Chương 2:

NỘI DUNG, PHƯƠNG PHỨC HUY ĐỘNG TIỀM LỰC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA NHÀ NƯỚC PHỤC VỤ QUỐC PHÒNG

Điều 7. Chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ quốc phòng.

Việc chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ quốc phòng bao gồm các hoạt động và bảo đảm các yêu cầu sau:

1- Chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tiến tiến liên quan tới quốc phòng cho Bộ Quốc phòng.

2- Hợp tác chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức khoa học và công nghệ trong và ngoài quân dội để ứng dụng các kỹ thuật tiến bộ nhằm giải quyết các nhiệm vụ quốc phòng.

3- Trong hợp tác quốc tế, phải chú ý đến công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến để tạo ra các sản phẩm có nhiều công dụng.

4- Mở rộng hợp tác quốc tế, khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi cá nhân và tổ chức người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong việc chuyển giao công nghệ và các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ quốc phòng.

Điều 8. Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của quân đội.

Nhà nước tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các cở đào tạo và nghiên cứu của quân đội, bao gồm các hoạt động sau :

1- Xây dựng phòng thí nghiệm, trạm thử nghiệm, trạm quan trắc cấp quốc gia thuộc lĩnh vực chuyên môn của quốc phòng giao cho Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý và sử dụng.

2- Đầu tư, bổ sung, sửa chữa và nâng cấp các phòng thí nghiệm, trạm thử nghiệm, trạm quan trắc ở các cơ sở nghiên cứu và đào tạo của Bộ Quốc phòng theo quy hoạch và kế hoạch hàng năm.

Điều 9. Tăng cường tiềm lực thông tin, cơ sở dữ liệu, tư liệu khoa học và công nghệ phục vụ quốc phòng.

Tăng cường tiềm lực thông tin, cơ sở dữ liệu, tư liệu khoa học và công nghệ phục vụ quốc phòng bao gồm các hoạt động sau:

1- Trao đổi, cung cấp thông tin, tư liệu về các thành tựu khoa học và công nghệ mới trong và ngoài nước, đặc biệt các thông tin, tư liệu liên quan tới lĩnh vực quân sự, kỹ thuật, công nghệ và sản xuất quốc phòng.

2- Phối hợp khai thác các nguồn dữ liệu khoa học và công nghệ phục vụ quốc phòng.

3- Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa và nâng cấp các cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ cho quân đội.

4- Tạo điều kiện khai thác tốt các kho tư liệu sáng chế, hệ thống các tiêu chuẩn, phương tiện đo lường và đánh giá các chỉ tiêu chất lượng Nhà nước.

Điều 10. Bổ sung lực lượng, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ quốc phòng.

Bổ sung lực lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ quốc phòng bao gồm các hoạt động sau:

1- Tuyển chọn, điều động cán bộ, nhân viên khoa học và công nghệ đã được đào tạo thuộc các ngành, nghề thích hợp vào phục vụ dài hạn hoặc ngắn hạn trong quân đội.

2- Trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn các ngành, nghề cho quân đội hoặc tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngành, nghề tại các cơ sở đào tạo của quân đội theo yêu cầu phục vụ quốc phòng.

3- Ưu tiên tạo mọi điều kiện cho quân đội cử người đủ tiêu chuẩn đi học tập, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn ở nước ngoài , ngoài những loại hình đào tạo riêng của Bộ Quốc phòng.

Điều 11. Huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ quốc phòng.

Huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ quốc phòng (ngoài nội dung quy định tại các Điều 7, 8, 9 và Điều 10 của Nghị định này) bao gồm việc huy động tại chỗ cán bộ khoa học và công nghệ, việc huy động cơ sở vật chất - kỹ thuật, phòng thí nghiệm thuộc các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan , tổ chức khác của Nhà nước tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ quốc phòng.

Điều 12. Phương thức huy động.

Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức khác của Nhà nước có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước phục vụ quốc phòng, tuỳ theo tính chất công việc mà thực hiện theo phương thức sau:

1- Bắt buộc đối với các nội dung có ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc phòng.

2- Theo kế hoạch thường xuyên và đột xuất khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3- Theo hợp đồng thoả thuận với Bộ Quốc phòng.

4- Tự nguyện giúp đỡ Bộ quốc phòng theo khả năng của mình.

Chương 3:

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Nguyên tắc xây dựng kế hoạch huy động

1- Kế hoạch huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước phục vụ quốc phòng là kế hoạch đặc biệt, được tổng hợp vào kế hoạch chung về khoa học và công nghệ và được lập theo định kỳ 5 năm, hàng năm.

2- Trong trường hợp đột xuất, sẽ lập kế hoạch huy động bổ sung riêng.

3- Kế hoạch huy động phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, không trùng lặp, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và thống nhất giữa các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức khác của Nhà nước.

Điều 14. Trình tự xây dựng kế hoạch huy động.

1- Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức khác của Nhà nước có trách nhiệm giúp Bộ Quốc phòng tìm hiểu tiềm lực khoa học và công nghệ của các cơ sở thuộc quyền để hoạch định kế hoạch huy động.

2- Định kỳ 5 năm một lần và hàng năm, Bộ Quốc phòng xác định nhu cầu cụ thể cần huy động. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập kế hoạch huy động đối với các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức khác của Nhà nước.

3- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức thẩm định kế hoạch huy động nằm trong kế hoạch chung về khoa học và công nghệ 5 năm, hàng năm để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu nội dung huy động là dự án đầu tư thì thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư của Nhà nước.

4- Khi có nhu cầu đột xuất, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập kế hoạch huy động bổ sung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.

Điều 15. Phê duyệt kế hoạch huy động.

1- Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt kế hoạch huy động thường xuyên trong kế hoạch chung về khoa học và công nghệ cho các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức khác của Nhà nước.

2- Trong trường hợp đột xuất, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt kế hoạch huy động bổ sung và giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức khác của Nhà nước triển khai thực hiện.

3- Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức khác của Nhà nước xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cần huy động cho các đơn vị thuộc quyền.

Điều 16. Trách nhiệm thực hiện kế hoạch huy động.

1- Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện kế hoạch huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước phục vụ quốc phòng.

2- Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức khác của Nhà nước trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện kế hoạch huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước phục vụ quốc phòng.

3- Tổ chức, cá nhân được huy động có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ kế hoạch huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước phục vụ quốc phòng.

Điều 17. Kiểm tra, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch huy động.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để đánh giá và đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ huy động.

Hàng năm, trên cơ sở báo cáo tình hình thực hiện của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức khác của Nhà nước và kết quả kiểm tra, đánh giá, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 18. Bàn giao kết quả huy động.

1- Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức khác của Nhà nước có trách nhiệm bàn giao cho Bộ Quốc phòng kết quả huy động theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kết quả huy động phải được bàn giao bằng văn bản.

2- Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tiếp nhận và sử dụng kết quả huy động. Hết thời gian huy động, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm bàn giao lại cho các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức khác của Nhà nước những nội dung phải bàn giao lại đã được ghi trong kế hoạch huy động.

Điều 19. Kinh phí thực hiện kế hoạch huy động.

1- Kinh phí thực hiện kế hoạch huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước phục vụ quốc phòng được đảm bảo từ các nguồn:

a- Ngân sách Nhà nước cấp để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ;

b) Ngân sách Nhà nước cấp cho Bộ Quốc phòng;

c) Ngân sách Nhà nước cấp cho các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chi cho công tác quốc phòng và an ninh;

d) Các quỹ phát triển khoa học và công nghệ được thành lập theo quy định của Luật khoa học và công nghệ;

đ) Các nguồn kinh phí khác.

2- Kinh phí thực hiện kế hoạch huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước phục vụ quốc phòng được chi để thực hiện:

a) Những công việc quy định tại các Điều 5, 7, 8, 9, 10 và Điều 11 của Nghị định này;

b) Các Chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ phục vụ quốc phòng;

c) Những công việc khác có liên quan tới huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ quốc phòng.

Chương 4:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 20. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước phục vụ quốc phòng được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

Điều 21. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân có hành vi thiếu trách nhiệm, trốn tránh, cản trở, chống đối việc huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước phục vụ quốc phòng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo

1- Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, cá nhân có quyền tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật trong việc huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước phục vụ quốc phòng.

2- Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về những hành vi vi phạm các quy định của việc huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước phục vụ quốc phòng được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 24. Trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 25. Điều khoản thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có lỉên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 19/2002/NĐ-CP về huy động tiềm lực khoa học và công nghệ của Nhà nước phục vụ quốc phòng

  • Số hiệu: 19/2002/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 19/02/2002
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 06/03/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản