Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG QUỐC GIA
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 181-VP-NGĐ

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 1959

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH QUY TẮC QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN MIỀN NÚI

TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM

Căn cứ quy tắc tổ chức Hợp tác xã tín dụng nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành số 739-TTg ngày 17-04-1956;
Căn cứ Công văn số 418-TTg ngày 25-11-1959 của Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Ngân hàng quốc gia Việt Nam trung ương được ban hành bản quy tắc tổ chức quỹ tín dụng nhân dân miền núi;
Để giúp nhân dân miền núi giải quyết khó khăn trong sinh hoạt, đẩy mạnh sản xuất, đi vào con đường làm ăn tập thể theo hướng xã hội chủ nghĩa ở toàn miền Bắc Việt Nam;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành quy tắc quỹ tín dụng nhân dân miền núi kèm theo nghị định này.

Điều 2. – Quy tắc này được áp dụng kể từ ngày ban hành.

Điều 3. – Ông Chánh văn phòng Ngân hàng trung ương, ông Giám đốc Cục Tín dụng Nông thôn và các ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính các tỉnh thuộc miền núi chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG QUỐC GIA VIỆT NAM




Lê Viết Lượng

QUY TẮC

TỔ CHỨC QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN MIỀN NÚI

Chương 1:

NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC

Điều 1. – Quỹ tín dụng nhân dân miền núi, (gọi tắt là quỹ tín dụng) là một tổ chức tương trợ của nhân dân lao động và các tầng lớp lao động khác ở nông thôn miền núi, mục đích, tập trung tiền tạm thời nhàn rỗi của nhân dân để giải quyết khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt, đồng thời hướng dẫn nhân dân đi vào con đường làm ăn tập thể tương trợ theo hướng xã hội chủ nghĩa.

Điều 2. – Tổ chức phải theo đúng nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Nông dân lao động và những người dân nghèo ở nông thôn từ 16 tuổi trở lên (trừ những người mất quyền công dân) đều có thể tùy ý xin vào quỹ tín dụng mà không bao giờ bắt buộc ai gia nhập theo ý mình.

Điều 3. – Quỹ tín dụng lấy bản, thôn, liên bản, liên thôn làm đơn vị tổ chức. Trường hợp ở những vùng dân cư tập trung, việc đi lại dễ dàng, trình độ cán bộ và nhân dân khá thì có thể thống nhất lên xã làm cơ sở tổ chức cao nhất về quỹ tín dụng. Ở dưới quỹ tín dụng, có các tổ tín dụng tổ chức theo tổ lao động, tổ sản xuất hay theo đơn vị xóm.

Quỹ tín dụng là một tổ chức độc lập về vốn và tài vụ kế toán, song về mặt tổ chức và hình thức hoạt động có thể tổ chức riêng theo đơn vị bản, thôn, liên bản hay liên thôn, trong trường hợp đó, thì ở xã không có Ban quản trị mà do chính quyền xã cử cán bộ phụ trách, lãnh đạo đôn đốc các quỹ tín dụng trong xã thực hiện nhiệm vụ, nắm tình hình và phản ảnh đều kỳ lên cấp trên. Nhưng tùy điều kiện từng nơi, tổ tín dụng cũng có thể lồng vào các Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Nơi nào quỹ tín dụng đã lồng vào Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thì Ban quản trị Hợp tác xã sản xuất có thể kiêm cả nhiệm vụ quản trị quỹ tín dụng, nhưng có phân công một hay hai ủy viên chuyên trách công tác quỹ tín dụng để đảm bảo tính chất độc lập của nó.

Điều 4. – Đại hội đại biểu tổ viên hay đại hội tổ viên là cơ quan có quyền hạn cao nhất có nhiệm vụ:

a) Thông qua hay sửa đổi điều lệ.

b) Thảo luận chương trình công tác, khen thưởng hay thi hành kỷ luật cán bộ và tổ viên, bầu cử hay bãi miễn Ban quản trị và các nhân viên kiểm soát.

c) Xây dựng các kế hoạch cho vay, huy động vốn, ấn định mức lãi cho vay và tiền gửi theo sự hướng dẫn của Ngân hàng.

d) Đại hội đại biểu tổ viên hay đại hội tổ viên 06 tháng họp một lần. Nếu cần thì có thể hợp bất thường.

Chương 2:

A. NHIỆM VỤ CỦA BAN QUẢN TRỊ VÀ TỔ VIÊN

a) Bản Quản trị.

Điều 5. – Ban quản trị ở xã gồm có: 1 chủ nhiệm lãnh đạo chung, 1 phó chủ nhiệm kiêm thủ quỹ, 1 thư ký kế toán và một số ủy viên; ngoài ra còn có một số nhân viên kiểm soát giúp việc. Mỗi ủy viên trong Ban quản trị được chỉ định phụ trách một thôn, bản. Ở những thôn, bản không có ủy viên quản trị phụ trách có thể đặt 1 ủy nhiệm trực tiếp điều khiển sinh hoạt và đôn đốc các tổ tín dụng trong thôn, bản thực hiện công tác.

Trường hợp các quỹ tín dụng tổ chức theo đơn vị bản, thôn hoặc liên bản, liên thôn thì Ban quản trị này gồm có: 1 chủ nhiệm lãnh đạo chung kiêm thủ quỹ, 1 thư ký kế toán, ngoài ra có các ủy viên trong Ban quản trị giúp việc mà không có Ban kiểm soát.

Ban quản trị có nhiệm vụ:

1. Chấp hành nghị quyết của đại hội đại biểu tổ viên hay đại hội toàn thể tổ viên.

2. Kiểm tra đôn đốc việc chấp hành nghị quyết của đại hội.

3. Báo cáo tình hình hoạt động công tác của quỹ cho đại hội và cho chính quyền, Ngân hàng địa phương (nơi nào chưa có chi điếm Ngân hàng ở huyện thì báo cáo cho Chi nhánh Ngân hàng tỉnh thông qua Ủy ban Hành chính Huyện).

4. Xét duyệt các đơn vay, quyết định cho vay, theo dõi sử dụng vốn, đôn đốc thu nợ,

5. Gìn giữ tài sản, tiền bạc không để mất mát, hao hụt.

6. Tuyên truyền giải thích chính sách, kết nạp tổ viên mới.

7. Nhiệm vụ của Ban quản trị là một năm (tức là qua hai thời vụ nông nghiệp); Ban quản trị sinh hoạt một tháng một lần (nếu cần thì họp bất thường). Hội nghị do Chủ nhiệm quỹ tín dụng triệu tập.

b) Tổ trưởng.

Điều 6. – Mỗi tổ tín dụng có tổ trưởng và 1 tổ phó do các tổ viên bầu ra để lãnh đạo tổ (nơi đã sát nhập vào Hợp tác xã nông nghiệp thì tổ trưởng tổ lao động kiêm tổ trưởng tổ tín dụng).

Tổ trưởng có nhiệm vụ:

1. Đi sát tìm hiểu khả năng từng tổ viên và nhân dân trong phạm vi mình phụ trách để tuyên truyền vận động gửi tiền, tìm hiểu khó khăn thiếu thốn của tổ viên để hướng dẫn góp ý kiến cho tổ nhận xét và giới thiệu lên Ban Quản trị vay tiền. theo dõi sử dụng tiền vay đúng mục đích, đôn đốc trả nợ đúng hạn.

2. Truyền đạt các nghị quyết của Ban quản trị để tổ viên thi hành và thu nhận ý kiến của tổ viên phản ảnh lên Ban quản trị để giải quyết, triệu tập và chủ trì các cuộc hội nghị tổ. Nhiệm kỳ của tổ trưởng là 06 tháng (sau mỗi vụ làm mùa) bầu lại một lần. Tổ tín dụng mỗi tháng sinh hoạt 2 lần (trừ trường hợp bất thường).

c) Tổ viên.

Điều 7. – Mỗi người vào quỹ tín dụng phải có tổ viên cũ giới thiệu và nộp tiền cổ phần từ 1đ đến 3đ và 0đ20 xã phí. Nếu tổ viên xin ra quỹ tín dụng và khi được phép ra thì phải trả lại tiền cổ phần của họ. Nếu tổ viên chết sẽ trả lại tiền cổ phần của họ. Nếu tổ viên chết sẽ trả lại tiền cổ phần cho người thừa kế (cha mẹ, vợ con, anh em ruột). Nếu tổ viên chuyển đi nơi khác thì được trả lại tiền cổ phần hoặc chuyển đến quỹ tín dụng nơi đến. Tiền xã phí không trả lại.

Điều 8. – Tổ viên được quyền bầu cử, ứng cử và Ban quản trị, thảo luận, đề nghị, phê bình, kiểm soát về mọi mặt công việc của quỹ tín dụng và được hưởng các quyền lợi khác như: vay tiền quỹ tín dụng, chia lãi, v.v... Khi có thành tích công tác thì được biểu dương, khen thưởng.

Điều 9. – Tổ viên có nhiệm vụ tuân theo điều lệ, nội quy của quỹ, bảo vệ tài sản, tuyên truyền và phổ biến các chính sách, tham gia gửi tiền và vận động người khác gửi tiền, dùng tiền vay đúng mục đích, trả nợ đúng hạn, giới thiệu tổ viên mới.

Tổ viên phạm lỗi sẽ tùy trường hợp nặng hay nhẹ được phê bình giáo dục hoặc bị thi hành kỷ luật từ hình thức cảnh cáo đến khai trừ ra khỏi quỹ tín dụng.

B. NHIỆM VỤ CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN, ĐOÀN THỂ ĐỊA PHƯƠNG VÀ NGÂN HÀNG NHÀ NƯƠC

Điều 10. – Các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương có nhiệm vụ, lãnh đạo các quỹ, tổ tín dụng tiến hành đúng đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn miền núi, chấp hành đầy đủ các chính sách tiền tệ và tín dụng của Nhà nước, theo dõi tình hình hoạt động các quỹ tín dụng trong phạm vi của địa phương, báo cáo kịp thời lên cấp trên và Ngân hàng các cấp.

Điều 11. – Ngân hàng có nhiệm vụ giúp đỡ các cấp chính quyền và đoàn thể địa phương tổ chức và xây dựng các quỹ tín dụng, hướng dẫn và đào tạo cán bộ về chuyên môn và kiểm tra theo dõi, đồng thời giúp đỡ các quỹ tín dụng, hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ về hóa tệ và tín dụng ở nông thôn thực hiện chỉ tiêu kế hoạch thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa ở địa phương mình.

Chương 3:

VỐN, MỨC LÃI, CHẾ ĐỘ SỐ SÁCH VÀ QUYẾT TOÁN

Điều 12. – Vốn của quỹ tín dụng gồm có: vốn tự có và vốn huy động.

Vốn tự có gồm: tiền cổ phần, xã phí, vốn tích lũy. Vốn huy động gồm: tiền gửi của xã viên và nhân dân, cùng các khoản tiền gửi khác như: tiền các quỹ công, các quỹ đoàn thể.

Khi cần có thể vay thêm vốn của Ngân hàng.

Điều 13. – Mức lãi cho vay và tiền gửi của quỹ tín dụng tùy theo tình hình cụ thể của từng địa phương mà định theo thích hợp theo sự hướng dẫn của chi nhánh Ngân hàng tỉnh theo nguyên tắc: mức lãi cho vay phải thấp hơn mức lãi thị trường, mức lãi tiền gửi phải thấp hơn mức lãi cho vay.

Điều 14. – Sổ sách kế toán phải đơn giản, bố trí tài khoản và ghi chép số liệu phải thích hợp với trình độ cán bộ, nhân dân miền núi.

Việc thu chi phải rành mạch, có chứng nhận của Ban quản trị hoặc có hóa đơn, để làm chứng từ.

Điều 15. – Quỹ tín dụng cuối năm phải quyết toán lỗ lãi. Nếu có lãi thì 50% dùng để phụ cấp cho cán bộ thường trực, còn 50% bỏ vào vốn tính lũy nhằm tăng thêm vốn hoạt động của quỹ tín dụng. Nơi nào quần chúng yêu cầu thì có thể trích từ 10% đến 30% tổng số lãi chia cho các cổ phần tổ viên (trường hợp này phải bớt phần lãi bỏ vào tích lũy). Nếu bị lỗ thì mỗi tổ viên phải chịu trách nhiệm thanh toán các khoản lỗ của quỹ tín dụng trong phạm vi cổ phần của mình. Nếu là tham ô, mất cấp thì người có khuyết điểm phải bồi thường.

Dự án chia lãi do Ban quản trị dự thảo, nhân viên kiểm soát xét lại và được đại hội toàn thể tổ viên hay đại hội đại biểu tổ viên thông qua mới được thi hành.

Chương 4:

THÀNH LẬP HAY GIẢI TÁN QUỸ TÍN DỤNG

Điều 16. – Quỹ tín dụng được chính thức thành lập sau khi đã có chương trình điều lệ được đại hội tổ viên thông qua và được Ủy ban Hành chính huyện cho phép. Nếu vì lý do nào đó mà quỹ tín dụng phải ngừng hoạt động hay giải tán thì phải do Đại hội toàn thể tổ viên quyết định và Ủy ban Hành chính huyện thông qua. Trước khi giải tán, đại hội toàn thể tổ viên phải cử đại biểu cùng với cán bộ Ngân hàng tổ chức Ban Thanh toán để kiểm kê và thanh toán các khoản tiền nợ và tiền quỹ. Ban thanh toán làm việc xong phải báo cáo kết quả cho đại hội tổ viên.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN PHỤ

Điều 17. – Mỗi quỹ tín dụng tổ chức ở miền núi sẽ căn cứ vào bản Quy tắc này mà định ra điều lệ của mình cho thích hợp.

Điều 18. – Cục Tín dụng nông thôn Ngân hàng trung ương chịu trách nhiệm giải thích bản Quy tắc này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 181-VP-Ngđ năm 1959 về quy tắc quỹ tín dụng nhân dân miền núi do Tổng giám đồc Ngân Hàng Quốc Gia ban hành

  • Số hiệu: 181-VP-Ngđ
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 05/12/1959
  • Nơi ban hành: Ngân hàng quốc gia
  • Người ký: Lê Viết Lượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 49
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản