Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 168/2025/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN ĐĂNG KÝ KINH DOANH VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP, ĐĂNG KÝ HỘ KINH DOANH

Điều 20. Cơ quan đăng ký kinh doanh

Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở xã, phường, đặc khu (sau đây gọi chung là cấp xã), bao gồm:

1. Ở cấp tỉnh:

a) Cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có địa chỉ tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi địa phương quản lý trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này. Cơ quan đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Cơ quan đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh;

b) Ban quản lý khu công nghệ cao cấp đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có địa chỉ đặt trong khu công nghệ cao;

c) Cơ quan đăng ký kinh doanh quy định tại điểm a và điểm b khoản này (sau đây gọi là Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh) có tài khoản và con dấu riêng.

2. Ở cấp xã: Phòng Kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc) thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã (sau đây gọi là Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã).

Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã có tài khoản và con dấu riêng để phục vụ công tác đăng ký kinh doanh.

Điều 21. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh

1. Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; cấp hoặc từ chối cấp đăng ký doanh nghiệp.

2. Hướng dẫn doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

3. Phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; thực hiện việc chuyển đổi dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật dữ liệu đăng ký doanh nghiệp tại địa phương vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

4. Cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong phạm vi địa phương quản lý cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cơ quan quản lý thuế tại địa phương và theo yêu cầu của cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan có liên quan và các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.

5. Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp.

6. Trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát doanh nghiệp theo nội dung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

7. Yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật.

8. Thu hồi, khôi phục Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh theo quy định pháp luật.

9. Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều này, Cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Hướng dẫn Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh;

b) Theo dõi, kiểm tra Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về đăng ký hộ kinh doanh;

c) Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan về tình hình đăng ký hộ kinh doanh trên địa bàn theo quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước;

d) Cập nhật thông tin theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tại khoản 3 Điều 11, khoản 4 Điều 27 và khoản 4 Điều 38 Luật Các tổ chức tín dụng vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.

Điều 22. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã

1. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh; xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp hoặc từ chối cấp đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Hướng dẫn hộ kinh doanh và người thành lập hộ kinh doanh về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh.

3. Phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh hoạt động trên phạm vi địa bàn; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Sở Tài chính và các cơ quan liên quan về tình hình đăng ký hộ kinh doanh trên địa bàn theo quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước.

4. Cung cấp thông tin về đăng ký hộ kinh doanh trên phạm vi địa bàn cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có liên quan khác theo quy định của pháp luật.

5. Trực tiếp theo dõi, kiểm tra hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo dõi, kiểm tra hộ kinh doanh theo nội dung trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh.

6. Yêu cầu hộ kinh doanh báo cáo về việc tuân thủ các quy định về hộ kinh doanh tại Nghị định này để thực hiện công tác quản lý nhà nước.

7. Yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc hộ kinh doanh kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật.

8. Thu hồi, khôi phục Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị định này.

9. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện việc số hóa, chuẩn hóa, chuyển đổi dữ liệu, cập nhật, bổ sung thông tin có liên quan đến đăng ký hộ kinh doanh theo quy định pháp luật tại địa phương vào Cơ sở dữ liệu về đăng ký hộ kinh doanh.

Điều 23. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh

1. Bộ Tài chính:

a) Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh, chế độ báo cáo phục vụ công tác đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh;

b) Phối hợp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho Cơ quan đăng ký kinh doanh; hướng dẫn Cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện việc số hóa hồ sơ, chuẩn hóa, chuyển đổi dữ liệu, cập nhật, bổ sung thông tin đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh tại địa phương vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu về đăng ký hộ kinh doanh;

c) Theo dõi, kiểm tra Cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện nghiệp vụ đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh;

d) Cung cấp thông tin về nội dung đăng ký doanh nghiệp, tình trạng pháp lý, báo cáo tài chính và các thông tin khác của doanh nghiệp lưu giữ tại Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; thông tin về nội dung đăng ký hộ kinh doanh, tình trạng pháp lý và các thông tin khác của hộ kinh doanh lưu giữ tại Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có liên quan khác, các tổ chức, cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật;

đ) Xây dựng, quản lý và phát triển Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh; hỗ trợ kỹ thuật cho Cơ quan đăng ký kinh doanh, người thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp, người thành lập hộ kinh doanh, hộ kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác trong việc sử dụng Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh;

e) Liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp;

g) Chủ trì hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và việc sử dụng lệ phí đăng ký doanh nghiệp, phí cung cấp thông tin và công bố nội dung về đăng ký doanh nghiệp đảm bảo việc nâng cấp, duy trì, vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

h) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi, chia sẻ, kết nối thông tin về doanh nghiệp giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, thông tin về hộ kinh doanh giữa Cơ sở dữ liệu về đăng ký hộ kinh doanh với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

i) Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh;

k) Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ thông tin về tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân từ Hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu công nghiệp.

3. Bộ Nội vụ có trách nhiệm kết nối, chia sẻ dữ liệu số theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Nghị định này.

4. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công trong quản lý nhà nước có trách nhiệm:

a) Theo dõi, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các điều kiện đầu tư kinh doanh, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước;

b) Rà soát và công bố trên trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước và gửi cho Bộ Tài chính để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

c) Công khai các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, hộ kinh doanh; công khai thông tin về hành vi vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính của doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Đôn đốc, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật; tổng hợp tình hình quản lý doanh nghiệp, hộ kinh doanh sau đăng ký thành lập trong phạm vi địa phương;

b) Ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh sau đăng ký thành lập, bao gồm các nội dung chủ yếu: mục tiêu, nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn trong việc trao đổi, cung cấp, công khai thông tin doanh nghiệp, hộ kinh doanh; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; xử lý vi phạm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và các vi phạm khác; báo cáo tình hình thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh sau đăng ký thành lập; các nội dung khác (nếu có);

c) Ban hành quy trình kiểm tra nội dung về đăng ký kinh doanh trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch, bao gồm các nội dung chủ yếu: phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, thẩm quyền, hình thức, thời hạn, tần suất kiểm tra; lập, phê duyệt, điều chỉnh, công khai kế hoạch kiểm tra; nội dung, trình tự kiểm tra; tổ chức thực hiện kết luận kiểm tra; công tác phối hợp, chia sẻ thông tin và trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan có liên quan trong hoạt động kiểm tra; theo dõi, kiểm soát hoạt động kiểm tra; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra; các nội dung khác (nếu có). Quy trình kiểm tra phải phù hợp với quy định pháp luật và không chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh;

d) Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác đăng ký kinh doanh; công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh sau đăng ký thành lập; công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh;

đ) Phân bổ đủ nhân lực, kinh phí và nguồn lực khác cho cơ quan đăng ký kinh doanh các cấp theo số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và điều kiện vị trí địa lý trên địa bàn để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định;

e) Xây dựng, triển khai kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh; định kỳ tổ chức đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, hộ kinh doanh;

g) Quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 82 Nghị định này;

h) Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm kết nối, chia sẻ thông tin về doanh nghiệp, hộ kinh doanh với Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh.

6. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Thực hiện quản lý nhà nước về đăng ký hộ kinh doanh theo thẩm quyền, thực hiện các giải pháp về phát triển hộ kinh doanh trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

b) Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm kết nối, liên thông và chia sẻ thông tin với Hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh;

c) Chỉ đạo Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 22 Nghị định này;

d) Có trách nhiệm bố trí đủ nhân lực, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định này.

7. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp không được ban hành các quy định, văn bản về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh áp dụng riêng cho ngành hoặc địa phương mình. Những quy định về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh do các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành trái với quy định tại Nghị định này không có hiệu lực thi hành.

Nghị định 168/2025/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp

  • Số hiệu: 168/2025/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/06/2025
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Chí Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH