PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 167-TTg | Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 1958 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH CHĂN NUÔI GIA SÚC.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Nông lâm;
NGHỊ ĐỊNH:
| THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
KHUYẾN KHÍCH CHĂN NUÔI GIA SÚC
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thức ăn cho nhân dân, về trâu bò cày, kéo và phân bón cho sản xuất nông nghiệp, về nguyên liệu cho công nghiệp, Chính phủ ban hành 7 chính sách khuyến khích chăn nuôi gia súc sau đây:
I. - ĐẢM BẢO QUYỀN SỞ HỮU VÀ SỬ DỤNG GIA SÚC:
Quyền sở hữu và sử dụng gia súc của mọi tầng lớp nhân dân, của các dân tộc đều được tôn trọng và bảo hộ:
Các việc:
- mua, bán chính đánh gia súc,
- thuê, mượn gia súc,
- cho nuôi rẽ gia súc,
- đổi công người lấy công trâu bò,
- thuê mượn nhân công để chăn nuôi gia súc, đều được tự do và dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng thỏa thuận.
II. - KHUYẾN KHÍCH CHĂN NUÔI ĐI ĐÔI VỚI TIẾT KIỆM:
1) Chính phủ khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân các tổ chức đổi công các hợp tác xã, các nông trường v.v… phát triển việc chăn nuôi nhiều gia súc, nhất là chăn nuôi gia súc sinh sản (trâu, bò, ngựa, lợn, gà, vịt).
2) Đi đôi với việc khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, phải thực hành tiết kiệm; tránh sử dụng quá sức, tránh mổ thịt những trâu, bò, ngựa còn khả năng sinh sản và cầy, kéo, tránh mổ thịt quá nhiều.
III. - GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ THỨC ĂN CHO GIA SÚC NO BÉO, KHỎE MẠNH, MAU LỚN, ĐẺ NHIỀU:
1) Để có đủ đồng cỏ, bãi cỏ dùng làm nơi chăn dắt và cắt cỏ cho trâu bò ăn, nhất là ở các vùng đồng bằng, Chính phủ chủ trương:
- Khôi phục và bảo vệ các đồng cỏ, bãi cỏ thiên nhiên.
- Khuyến khích việc gây thêm đồng cỏ và việc trồng cỏ.
- Từ nay những gò, đống, bãi cỏ, bờ cỏ, đê cỏ, đường cỏ, v.v… đều để dành làm nơi chăn dắt và cắt cỏ nuôi trâu bò, không được khai phá và trồng trọt bừa bãi. Nếu có những trường hợp cần thiết khai phá để trồng trọt thì phải do Uỷ ban hành chính xã xét và quyết định.
2) Để đảm bảo có đủ thức ăn chăn nuôi nhiều gia súc, Chính phủ chủ trương trồng nhiều hoa mầu, ngô, sắn, khoai lang kết hợp với việc giải quyết vấn đề lương thực nói chung. Ngoài ra, Chính phủ khuyến khích việc trồng những thứ rau, bèo, khoai, củ khác dùng để nuôi tiểu gia súc.
3) Để có đủ thức ăn cho gia súc nhất là trong mùa đông và ở các vùng đồng chiêm v.v… Chính phủ khuyến khích nhân dân hết sức tiết kiệm, tránh lãng phí các thứ: rơm, rạ, cám, bã, các thứ phi vật trong việc chế biến và thu hoạch nông sản. Đặc biệt cần để dành rơm, rạ ưu tiên cho việc chăn nuôi trâu, bò; giảm bớt dùng rơm đun bếp.
4) Những người có sáng kiến, phát minh thức ăn và chế biến thức ăn cho gia súc đều được Chính phủ khuyến khích.
IV.- KHUYẾN KHÍCH CHỌN LỌC VÀ CẢI LƯƠNG GIỐNG GIA SÚC:
1) Để có những giống gia súc tốt, đẻ nhiều, to khỏe, mau lớn… Chính phủ khuyến khích nhân dân, các tổ đội công, các hợp tác xã, các nông trường, chọn lọc các giống gia súc tốt để dần dần cải lương những giống trâu, bò, ngựa, lợn v.v…
Đặc biệt Chính phủ khuyến khích việc truyền các giống gia súc tốt từ vùng này qua vùng khác.
2) Những người nuôi được đực giống tốt (trâu, bò, ngựa, lợn) có quyền thu tiền truyền giống theo sự thỏa thuận giữa người thuê và người cho thuê đực giống. Cơ quan chuyên môn chăn nuôi của Chính phủ sẽ giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc những giống gia súc tốt mà nhân dân đã gây và nuôi được.
3) Các trại thí nghiệm, các trạm kỹ thuật chăn nuôi của Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu chọn lọc, nhập nội lai giống, gây giống và phổ biến các giống gia súc tốt.
Các nông trường quốc doanh chăn nuôi gia súc cũng có trách nhiệm chọn lọc, gây giống gia súc tốt để làm gương mẫu và sẽ truyền giống tốt cho nhân dân nuôi.
V. - KHUYẾN KHÍCH BẢO VỆ GIA SÚC:
1) Chính phủ khuyến khích nhân dân, các tổ đội công, các hợp tác xã, các nông trường, làm kết ước chăn nuôi, thực hiện vệ sinh phòng bệnh và tích cực chống đói, chống rét, chống thú dữ để bảo vệ gia súc và phát triển sinh sản.
2) Chính phủ chủ trương tăng cường công tác thú y về mọi mặt để phòng và chống bệnh tật cho gia súc; đồng thời khuyến khích các nhà tây y, đông y, những người có kinh nghiệm đem hết tài năng, sáng kiến của mình để chữa bệnh cho gia súc.
3) Nhân dân, cán bộ, quân đội đều phải triệt để thi hành các luật lệ bài trừ dịch tễ và các thể lệ sát sinh gia súc do Chính phủ đã ban hành.
VI.- CÁC CHÍNH SÁCH THUẾ, CHO VAY NHẰM KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIA SÚC.
1) Những ruộng đất trồng cỏ để nuôi trâu bò và những ao hồ chuyên thả rau, bèo dùng làm thức ăn nuôi gia súc đều được miễn thuế nông nghiệp.
Những đất chuyên trồng hoa màu của các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và các nông trường để chăn nuôi gia súc cũng được miễn thuế nông nghiệp.
2) Gia đình nông dân chăn nuôi gia súc, không kể thu hoạch nhiều hay ít đều được tính nhân khẩu nông nghiệp; trừ những người chuyên nghiệp chăn nuôi như nuôi vịt đàn, ấp vịt lò v.v… suốt năm không tham gia sản xuất mùa màng thì không được tính nhân khẩu nông nghiệp.
3) Chính phủ khuyến khích mọi người bỏ vốn kinh doanh và cho vay, tương trợ lẫn nhau để phát triển chăn nuôi gia súc theo nguyên tắc có vay có trả, có vốn có lãi, do hai bên thỏa thuận.
4) Đối với các tổ chức chung vốn chăn nuôi sinh sản, còn thiếu vốn mà không tự giải quyết được thì Ngân hàng sẽ tuỳ theo khả năng, cho vay thêm để phát triển.
VII. – KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT ĐỂ KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO VỆ CHĂN NUÔI GIA SÚC:
1) Chính phủ sẽ khen thưởng bằng huân chương, bằng khen và hiện vật cho những cá nhân, đơn vị tổ chức chăn nuôi và những cán bộ, cơ quan nào có nhiều thành tích về mọi mặt trong việc phát triển chăn nuôi gia súc.
Những thành tích, sáng kiến trong việc chăn nuôi gia súc phải được coi trọng khi tổ chức bình bầu chiến sĩ lao động nông nghiệp.
2) Những cá nhân hoặc đơn vị, tổ chức nào không thi hành đúng các luật lệ phòng trừ dịch tễ, các thể lệ sát sinh, gây cản trở hoặc làm thiệt hại đến các kế hoạch phát triển chăn nuôi gia súc sẽ bị trừng phạt thích đáng theo pháp luật của Nhà nước.
Nghị định 167-TTg năm 1958 về việc ban hành chính sách khuyến khích chăn nuôi gia súc do Thủ Tướng ban hành
- Số hiệu: 167-TTg
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 31/03/1958
- Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
- Người ký: Phạm Văn Đồng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 12
- Ngày hiệu lực: 15/04/1958
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định