Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 149-HĐBT

Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 1992

NGHỊ ĐỊNH

CUẢ HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 149-HĐBT NGÀY 5-5-1992BAN HÀNH "QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ TẠM GIỮ, TẠM GIAM"

HỘIĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Nay ban hành kèm theo Nghị định này "Quy định về chế độ tạm giữ, tạm giam" đối với những người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Điều 2. - Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành. Những văn bản trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. - Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

Điều 4. - Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Quốc phòng và các Bộ có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ TẠM GIỮ, TẠM GIAM
(Ban hành kèm theo Nghị định số 149-HĐBT ngày 5 tháng 5 năm 1992của Hội đồng Bộ trưởng)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. - Việc giam, giữ người bị tạm giữ, tạm giam phải đúng pháp luật, đúng chế độ; phải quản chế nghiêm, đồng thời bảo đảm tính nhân đạo để phục vụ yêu cầu điều tra xử lý các vụ án.

Điều 2. - Những người bị tạm giữ, tạm giam phải được tạm giữ, tạm giam tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam theo quy định của Bộ Nội vụ.

Chương 3:

TỔ CHỨC NHÀ TẠM GIỮ , TRAỊ TẠM GIAM

Điều 3. - Mỗi huyện, quận và cấp hành chính tương đương được tổ chức một nhà tạm giữ. Nhà tạm giữ ở cấp huyện, quận có một số buồng để tạm giam những người có lệnh tạm giam thuộc thẩm quyền điều tra, xét xử của cấp huyện, quận. Nhà tạm giữ cấp huyện, quận do công an huyện, quận quản lý.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tổ chức 1 hoặc 2 trại giam để tạm giam những người đã có lệnh tạm giam. Trại tạm giam có một số buồng để tạm giữ những người có lệnh tạm giữ. Trại tạm giam tỉnh, thành phố do công an tỉnh, thành phố quản lý.

Bộ Nội vụ tổ chức và quản lý các nhà tạm giữ, trại tạm giam để tạm giữ, tạm giam những người thuộc thẩm quyền điều tra của mình.

Điều 4. - Việc tổ chức các nhà tạm giữ ở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và cấp tương đương, trại tạm giam thuộc các cấp Quân khu, Quân chủng, Binh chủng và cấp tương đương; trại tạm giam ở Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định theo quy định chung của Bộ Nội vụ.

Điều 5. - Nhà tạm giữ do Trưởng nhà tạm giữ phụ trách, trại tạm giam do Trưởng trại tạm giam phụ trách và có một số Phó trưởng trại giúp việc, Trưởng nhà tạm giữ, Trưởng trại tạm giam có trách nhiệm quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam và phải chấp hành đầy đủ những quy định của pháp luật về chế độ tạm giữ, tạm giam.

Điều 6. - Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập hoặc giải thể các nhà tạm giữ, trại tạm giam và quy định mẫu thiết kế diện tích theo số lượng người bị tạm giữ, tạm giam cho từng nhà tạm giữ, trại tạm giam. Việc xây dựng các nhà tạm giữ, trại tạm giam phải đảm bảo yêu cầu an toàn, chắc chắn, có nhiều loại buồng để phục vụ cho việc tạm giữ, tạm giam riêng từng người, từng loại người.

Mỗi trại tạm giam được xây dựng một bệnh xá hoặc trạm xá để khám và chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam.

Điều 7. - Kinh phí phục vụ cho việc cải tạo sửa chữa và xây dựng mới nhà tạm giữ, trại tạm giam; mua sắm các phương tiện giam, giữ, ăn ở, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam do Bộ Tài chính cấp theo dự trù hàng năm của Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng.

Chương 3:

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CUẢ CÁN BỘ QUẢN LÝ NHÀ TẠM GIỮ , TRẠI TẠMGIAM

Điều 8. - Trưởng nhà tạm giữ, Trưởng trại tạm giam chỉ được nhận tạm giữ, tạm giam hoặc cho xuất trại những người bị tạm giữ, tạm giam khi có lệnh hoặc quyết định của người có thẩm quyền được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự.

Điều 9. - Trưởng nhà tạm giữ, Trưởng trại tạm giam có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ và kịp thời, thông báo bằng văn bản trước khi hết hạn tạm giữ, tạm giam cho những cơ quan có thẩm quyền đã ra lệnh tạm giữ, tạm giam:

a) Một ngày trước khi hết thời hạn tạm giữ.

b) Thông báo trước khi hết thời hạn tạm giam:

- Lần thứ nhất trước khi hết thời hạn 20 ngày.

- Lần thứ 2 trước khi hết hạn 10 ngày.

Điều 10. - Không được giữ người bị tạm giữ chung với người bị tạm giam trong cùng một buồng; không được đưa người bị tạm giữ theo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính vào giữ chung một buồng với người bị tạm giữ, tạm giam.

Điều 11. - Phải tạm giữ, tạm giam tại buồng riêng đối với những loại người phạm tội sau:

a) Buồng giam từng người:

Những người bị Toà án xử phạt tử hình.

b) Buồng tạm giữ, tạm giam từng loại người:

- Người phạm tội là vị thành niên.

- Người phạm tội là nữ.

- Người phạm tội có bệnh truyền nhiễm.

- Người phạm tội thuộc loại lưu manh, côn đồ hung hãn; phạm các tội cướp của, giết người, tái phạm nguy hiểm.

- Người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia.

c) Những người trong cùng một vụ án đang điều tra không được giam chung một buồng nhưng được giam chung với những người trong các vụ án khác.

Điều 12. - Số phạm nhân thành án được để lại không quá 15% so với tổng số người bị tạm giam quy định cho trại tạm giam đó để phục vụ cho việc nấu ăn, làm vệ sinh, sửa chữa trại. Chỉ được để lại những phạm nhân thành án, không phạm các tội cướp, giết người, không phải là loại lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn, tái phạm và phải là những phạm nhân có mức án phạt tù từ 5 năm trở xuống.

Điều 13. - Trưởng nhà tạm giữ, Trưởng trại tạm giam khi nhận được đơn, thư khiếu nại, tố cáo của người bị tạm giữ, tạm giam phải giải quyết theo thẩm quyền hoặc chuyển ngay cho cơ quan có trách nhiệm để giải quyết.

Điều 14. - Trưởng nhà tạm giữ, Trưởng trại tạm giam khi thi hành kỷ luật đối với người bị tạm giữ, tạm giam phải ra quyết định bằng văn bản, ghi rõ lý do và hình thức kỷ luật. Văn bản này phải lưu vào hồ sơ của người đó để theo dõi.

Điều 15. - Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết, Trưởng nhà tạm giữ, Trưởng trại tạm giam phải mời bác sĩ pháp y và Kiểm sát viên đến khám nghiệm và lập biên bản theo thủ tục tố tụng hình sự, đồng thời phải thông báo cho cơ quan ra lệnh tạm giữ hoặc tạm giam và thân nhân người bị tạm giữ, tạm giam biết.

Chương 4:

CHẾĐỘSINH HOẠT, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI BỊ TẠM GIỮ, TẠM GIAM

Điều 16. - Người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng mức ăn theo định lượng hàng tháng do Bộ Nội vụ cùng Bộ Tài chính quy định bảo đảm mức sống cần thiết cho họ.

Điều 17. - Người bị tạm giữ, tạm giam trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam được sử dụng quần áo, chăn màn của mình mang theo, nếu không có thì nhà tạm giữ, trại tạm giam sẽ cho mượn.

Điều 18. - Người bị tạm giữ, tạm giam được bố trí chỗ nằm bằng phản gỗ hoặc bệ đổ xi-măng, có chiếu, diện tích bình quân chỗ nằm của một người tối thiểu là 2m2.

Điều 19. - Người bị tạm giữ, tạm giam khi ốm đau được khám và chữa bệnh tại bệnh xá hoặc trạm xá của trại, nếu ốm đau nặng được điều trị tại các bệnh viện của Nhà nước.

Người bị tạm giữ, tạm giam bị chết được mai táng theo quy định chung của Nhà nước.

Điều 20. - Người bị tạm giữ, tạm giam được quyền khiếu nại, tố cáo về việc tạm giữ, tạm giam trái pháp luật hoặc không thực hiện đúng chế độ tạm giữ, tạm giam.

Điều 21. - Người bị tạm giữ, tạm giam được nhận thư và gửi thư cho gia đình, được nhận đồ tiếp tế, quần áo, chăn màn, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cần thiết (trừ rượu, bia, thuốc phiện, hàng xa xỉ phẩm, sách báo đồi truỵ, phản động) của gia đình, nếu việc gửi, nhận đó không gây trở ngại cho việc điều tra, xét xử án. Cán bộ quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam, phối hợp với cơ quan điều tra giải quyết theo nội quy của trại.

Nếu xét thấy không trở ngại cho việc điều tra, xét xử thì người bị tạm giữ, tạm giam được gặp thân nhân gia đình có sự giám sát của nhân viên nhà tạm giữ, trại tạm giam.

Điều 22. - Nghiêm cấm người bị tạm giữ, tạm giam đem những vật cấm như vũ khí, những vật bằng kim loại... vào buồng tạm giữ, tạm giam. Tài sản, tiền bạc của người bị tạm giữ, tạm giam phải ký gửi ở bộ phận lưu ký của nhà tạm giữ, trại tạm giam và được phép sử dụng theo nội quy của trại, khi ra trại được thanh toán và trả lại những thứ còn lại. Nếu trại để mất hoặc hư hỏng thì phải bồi thường.

Điều 23. - Người bị tạm giữ, tạm giam được nghe đài truyền thanh và đọc báo của Nhà nước.

Điều 24. - Người bị tạm giữ, tạm giam chấp hành tốt nội quy, kỷ luật của nhà tạm giữ, trại tạm giam và có thành tích xuất sắc sẽ được đề nghị xem xét khi quyết định hình thức xử lý, xét xử.

Điều 25. - Người bị tạm giữ, tạm giam nếu phạm tội mới, ngoài hình thức kỷ luật của trại còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Người bị tạm giữ, tạm giam nếu có hành vi vi phạm nội quy của nhà tạm giữ, trại tạm giam thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý bằng các hình thức sau:

- Cảnh cáo.

- Phạt giam ở buồng kỷ luật từ 2 đến 15 ngày.

Điều 26. - Chế độ đối với người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam sẽ được quy định riêng.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 149-HĐBT năm 1992 Quy định chế độ tạm giữ, tạm giam do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 149-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 05/05/1992
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản