Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC
*****

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 125-NĐ

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 1956

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH THỂ LỆ TỔ CHỨC KỲ THI TỐT NGHIỆP TRƯỜNG PHỔ THÔNG 9 NĂM

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Chiếu Sắc lệnh số 119-SL ngày 09-7-1945 tổ chức Bộ Giáo dục;
Chiếu Nghị định số 96-NĐ ngày 17-4-1951 và Nghị định số 177-NĐ ngày 28-7-1953 tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trường Phổ thông 9 năm;
Theo đề nghị của ông Giám đốc Nha Giáo dục Phổ thông,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay bãi bỏ Nghị định số 96-NĐ và 177-NĐ nói trên và quy định sau đây thể lệ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trường Phổ thông 9 năm.

Chương 1:

THỂ LỆ TỔNG QUÁT

Điều 2. Bắt đầu tư năm 1956, sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trường Phổ thông 9 năm vào cuối mỗi niên học cho tất cả học sinh lớp 9 các trường Phổ thông công và tư và tự do thí sinh đã học hết chương trình lớp 9 Phổ thông.

Điều 3. Kỳ thi tốt nghiệp này do Khu Giáo dục phụ trách tổ chức và giấy chứng nhận tốt nghiệp do Nha giáo dục Phổ thông cấp.

Điều 4. Kỳ thi tốt nghiệp này có một khóa.

Về mỗi khóa thi, Bộ Giáo dục sẽ ấn định ngày thi thống nhất và nơi tổ chức các Hội đồng thi theo đề nghị của các Khu Giáo dục.

Điều 5. Lúc vào thi, thí sinh phải xuất trình một giấy chứng nhận căn cước có dán ảnh. Giấy căn cước của học sinh trường công phải có chữ ký và dấu của Hiệu trưởng. Giấy căn cước của học sinh trường tư và của thí sinh tự do phải có thị thực của UBHC từ cấp Huyện trở lên.

Chương 2:

ĐIỀU KIỆN GHI TÊN VÀ HỒ SƠ XIN THI

Điều 6. Thí sinh phải đủ 15 tuổi tính đến 31 tháng 12 năm thi và đã học hết chương trình lớp 9 Phổ thông.

Điều 7. Muốn dự thi, thí sinh phải nộp những giấy tờ sau đây:

a. Nếu là học sinh trường công:

- Đơn dự thi làm theo mẫu đính kèm Nghị định này, do tay thí sinh viết và ký. Trên đơn có chữ nhận thực của Hiệu trưởng trường công.

b. Nếu là học sinh trường tư hay thí sinh tự do:

- Đơn dự thi do tay thí sinh viết và ký.

- Bản sao giấy khai sinh.

- Học bạ hay giấy chứng nhận đã học hết lớp 9 trường Phổ thông có chứng thực của cơ quan Giáo dục từ cấp Tỉnh trở lên.

Điều 8. Giấy chứng nhận đã học hết lớp 9 Phổ thông của những thí sinh tự do không học trước đây ở một trường Phổ thông công hay tư nào, phải được cấp theo đúng thể thức và điều kiện dưới đây mới coi là hợp lệ:

- Giấy chứng nhận phải do một giáo viên cấp 3 hay một người nào có trình độ văn hóa tương đương với giáo viên cấp 3 nhận thực. Giấy này phải được cơ quan giáo dục từ cấp tỉnh trở lên chứng thực.

- Nếu thí sinh là quân nhân, công nhân viên của Chính phủ hay đoàn thể thì giấy chứng nhận phải do chính Thủ trưởng đơn vị quân đội từ cấp Trung đoàn trở lên, Thủ trưởng cơ quan hay đoàn thể nhận thực về trình độ học lực.

Điều 9. Hồ sơ thi đầy đủ và hợp lệ phải gửi đến các Khu Giáo dục trước ngày hết hạn nộp đơn mới được chấp nhận. Trong mỗi khóa thi, thí sinh chỉ được xin thi ở một Hội đồng thi nhất định theo đơn xin của mình.

Điều 10. Trước khi bắt đầu vào thi, thí sinh nào có học bạ mà chưa nộp cùng với hồ sơ phải nộp cho Hội đồng thi.

Chương 3:

HỘI ĐỒNG THI

Điều 11. Tại mỗi nơi thi sẽ tổ chức, tùy theo tình hình các trường trong Khu và số thí sinh, một Hội đồng giám khảo kiêm giám thị hay chỉ tổ chức một Hội đồng giám thị trông coi riêng kỳ thi viết.

Trong trường hợp tại nơi thi chỉ đặt Hội đồng giám thị, việc chấm bài thi viết và tổ chức thi vấn đáp cho học sinh sẽ tập trung vào một số Hội đồng giám khảo trong Khu.

Điều 12. Những nhân viên Hội đồng thi trong Khu đều do Ủy ban hành chính Khu cử theo đề nghị của Khu giáo dục và báo cáo cho Nha Giáo dục Phổ thông biết.

Điều 13. Tại mỗi Hội đồng thi (Hội đồng giám khảo hay Hội đồng giám thị), các ông Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thư ký hợp thành ban lãnh đạo Hội đồng thi.

Hội đồng giám khảo hay Hội đồng giám thị có quyền quyết định mọi công việc trong kỳ thi.

Điều 14. Khi có thí sinh bị bắt quả tang gian lậu hay có ý gian lậu, Ban lãnh đạo có quyền đuổi ngay thí sinh này khỏi phòng thi.

Quyết định này phải ghi rõ ràng vào biên bản.

Chương 4:

KỶ LUẬT

Điều 15. Thí sinh không được thông đồng với nhau hoặc với ngoài, không được mang vào phòng thi những giấy tờ, sách, vở, tài liệu v.v...Trái lệ này, thí sinh sẽ bị đuổi ra khỏi phòng thi.

Điều 16. Thí sinh nào bị bắt quả tang gian lậu hay có ý gian lậu trong kỳ thi, không những bị cảnh cáo hay bị đuổi ra khỏi phòng thi mà còn có thể bị cấm thi trong 1 hay 2 năm tuỳ theo trường hợp.

Việc cấm thi sẽ do Bộ Giáo dục quyết định.

Điều 17. Thí sinh nào gian lậu hoặc đã nộp giấy tờ có chỗ gian trá mà Hội đồng giám khảo không bắt được quả tang, nhưng sau bị phát giác, cũng bị huỷ bỏ giấy chứng nhận tốt nghịêp.

Việc huỷ bỏ giấy chứng nhận tốt nghiệp do Bộ Giáo dục quyết định.

Chương 5:

BÀI THI VÀ ĐIỀU KIỆN TRÚNG TUYỂN

Điều 18. Đề thi mỗi khoá sẽ do Nha Giáo dục Phổ thông chọn chung cho tất cả các Hội đồng thi trong toàn quốc.

Về các bài thi viết, trừ các bài tính đố, những bài thi khác sẽ ra 2 đầu đề, để cho thí sinh được tuỳ ý chọn.

Điều 19. Chương trình thi là chương trình cấp 3 Trường Phổ thông (lớp 8 và 9).

Điều 20. Bài thi gồm có:

A- Bài thi viết:

- Luận Quốc văn: 3 giờ

- Toán: 3 giờ

- Vạn vật hay Lý Hoá: 2 giờ

- Sử địa hay Địa lý: 2 giờ

do Nha Giáo dục Phổ thông chọn môn sẽ thi trong mỗi khoá.

B – Bài thi vấn đáp (đối với mỗi thí sinh, mỗi bài không hỏi quá 15 phút).

- Giảng văn.

- Chính trị thường thức

- Sử ký hay Địa lý

- Vạn vật hay Lý Hoá (trong kỳ thi viết mỗi khoá)

thí sinh sẽ thi môn nào chưa thi trong kỳ thi viết mỗi khoá.

Điều 21. Kỳ thi vấn đáp sẽ tổ chức công khai. Công chúng được vào nghe nhưng phải theo đúng Kỷ luật của Hội đồng thi.

Điều 22. Các bài thi viết và vấn đáp đều cho điểm từ 0 đến 10 và tính hệ số: 1. Bài nào thí sinh bỏ không thì sẽ coi là bị điểm 0.

Điều 23. Thí sinh phải được 1/2 số điểm tối đa bài thi viết mới được vào vấn đáp.

Muốn được trúng tuyển hẳn thí sinh phải được đủ:

- 1/2 tổng số điểm tối đa về tất cả các bài thi viết và vấn đáp.

- và 3/10 tổng số điểm tối đa riêng về các bài thi Khoa học xã hội cũng như riêng về các bài thi Khoa học tự nhiên.

Điều 24. Những thí sinh chưa đạt đủ 3/10 tổng số điểm tối đa riêng về các bài thi Khoa học xã hội cũng như riêng về các bài thi Khoa học tự nhiên chỉ có thể bị loại sau khi Hội đồng giám khảo đã xét học bạ, thảo luận và quyết định là đáng loại.

Điều 25. Sau kỳ thi viết cũng như sau kỳ thi vấn đáp, Hội đồng giám khảo có thể xét vớt một số thí sinh thiếu điểm. Việc vớt một thí sinh nào cũng sẽ chỉ quyết định hẳn sau khi Hội đồng đã xét học bạ của thí sinh ấy.

Trong việc xét vớt một thí sinh, toàn thể nhân viên Hội đồng giám khảo có quyền biểu quyết. Quyết định sẽ lấy theo đa số tương đối. Nếu số người biểu quyết ngang nhau thì ý kiến của chủ tịch Hội đồng giám khảo là ý kiến quyết định.

Nghị quyết của Hội đồng về việc vớt sẽ ghi rõ vào biên bản.

Chương 6:

HỒ SƠ HỘI ĐỒNG THI

Điều 26. Thi xong, ông chủ tịch Hội đồng sẽ gửi về Khu Giáo dục biên bản Hội đồng thi kèm danh sách thí sinh trúng tuyển vào hồ sơ kỳ thi. Biên bản phải có chữ ký của tất cả nhân viên Hội đồng thi.

Điều 27. Khu Giáo dục, sau khi kiểm soát lại công việc của Hội đồng thi trong Khu, làm báo cáo gửi về Nha Giáo dục phổ thông để xin duyệt y kết quả kỳ thi.

Kết quả kỳ thi của mỗi Hội đồng thi chỉ sẽ coi là chính thức sau khi được Nha Giáo dục phổ thông duyệt y.

Điều 28. Các ông Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Giám đốc Nha Giáo dục phổ thông chiếu nghị định thi hành.

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên

Mẫu đơn

0m15 x 0m20

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

ĐƠN XIN THI TỐT NGHIỆP TRƯỜNG PHỔ THÔNG 9 NĂM (1)

Tôi, tên là:.........................................................................................................................................

Sinh ngày:.........................................................................................................................................

tại (2): Xã........................................................... huyện...................................... tỉnh...........................

học sinh lớp 9 trường Phổ thông cấp 3 (3):...........................................................................................

xin ông Giám đốc Giáo dục Liên Khu ghi tên tôi vào danh sách thí sinh kỳ thi tốt nghiệp trường Phổ thông 9 năm khoá ngày:..................................................... tháng..................... năm 19...........

Hội đồng thi: .........................................................................

Tôi xin đính theo đây:(4)

a- Một bản sao giấy khai sinh

b- Học bạ hay giấy chứng nhận đã học hết lớp 9 Phổ thông.

Địa chỉ hiện thời của thí sinh

(ghi rõ ràng và đầy đủ)

………ngày…… tháng….. năm 19…

(Thí sinh ký tên)

Nhận thực lời khai trên là đúng

………ngày…… tháng….. năm 19…

Hiệu trưởng trường……………………..

(Ký tên và đóng dấu)

­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­______________________

CHÚ THÍCH:

(1) Đơn phải do thí sinh tự viết lấy và ký tên.

(2) Ghi rõ xã (hay phố), huyện tỉnh.

(3) Ghi rõ quốc lập hay tư thục và tên trường hay là thí sinh tự do.

(4) Nếu là học sinh trường công thì bỏ đoạn này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 125-NĐ năm 1956 quy định thể lệ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trường Phổ thông 9 năm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 125-NĐ
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 27/02/1956
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
  • Người ký: Nguyễn Văn Huyên
  • Ngày công báo: 20/03/1956
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 13/03/1956
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản