Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 117/2016/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2016

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 204/2004/NĐ-CP NGÀY 14 THÁNG 12 NĂM 2004 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 21 tháng 12 năm 1999; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 03 tháng 6 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 5, Điều 7Điều 11 của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP) như sau:

1. Sửa đổi Điểm b Khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP như sau:

“b) Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu, tùy theo từng đối tượng được xếp lương theo bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân (bảng 6) với mức lương cao nhất bằng mức lương của cấp bậc quân hàm Trung tướng (trừ sĩ quan quân đội nhân dân và sĩ quan công an nhân dân được Điều động, biệt phái) và bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân (bảng 7)”.

2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 7 của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP như sau:

“3. Thực hiện thăng, giáng cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm và nâng lương:

a) Việc thăng, giáng cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm và nâng phụ cấp cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp và chuyên môn kỹ thuật thuộc lực lượng vũ trang thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành đối với lực lượng vũ trang.

b) Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và sĩ quan Công an nhân dân đã giữ cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ hiện đảm nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ, đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe thì được xét nâng lương.

Thời hạn xét nâng lương của cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm đối với cấp Tướng, cấp Tá và Đại úy là 04 năm; đối với Thượng úy là 03 năm.

Thẩm quyền quyết định nâng lương:

Đối với sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Đối với sĩ quan Công an nhân dân: Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đối với cấp bậc hàm Đại tướng và Thượng tướng; Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định đối với cấp bậc hàm Trung tướng trở xuống.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điểm đ Khoản 1 Điều 11 của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP như sau:

“đ) Hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11, tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định này và các tổ chức được thành lập mới theo quy định của pháp luật.”

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) và Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP:

1. Bổ sung vào ghi chú của đối tượng áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP:

“(4) Đối với viên chức đang xếp lương ở chức danh giảng viên cao cấp được bổ nhiệm chức danh giáo sư thì được thực hiện xếp lương như sau:

a) Trường hợp chưa xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì được xếp lên 01 bậc trên liền kề từ ngày được bổ nhiệm chức danh giáo sư, thời gian xét nâng bậc lương lần sau kể từ ngày giữ bậc lương cũ.

b) Trường hợp đã xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì được cộng thêm 03 năm (36 tháng) để tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư.”

2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Mục I Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP như sau:

a) Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của Cục thuộc Bộ:

STT

Chức danh lãnh đạo

Hệ số

1

Cục trưởng thuộc Bộ

1,00

2

Phó Cục trưởng thuộc Bộ

0,80

3

Trưởng phòng (Ban) và tổ chức tương đương

0,60

4

Phó trưởng phòng (Ban) và tổ chức tương đương

0,40

b) Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với tổ chức sự nghiệp thuộc Cục thuộc Bộ:

STT

Chức danh lãnh đạo

Hệ số

1

Giám đốc

0,60

2

Phó Giám đốc

0,40

3

Trưởng phòng

0,30

4

Phó Trưởng phòng

0,20

c) Trường hợp đang hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo có chênh lệnh cao hơn giữa hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo đã được hưởng so với hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều này thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đã được hưởng cho đến hết thời gian giữ chức vụ đã được bổ nhiệm. Trường hợp đã giữ chức vụ theo thời hạn được bổ nhiệm còn dưới 06 tháng thì được hưởng bảo lưu phụ cấp chức vụ đã được hưởng đủ 06 tháng.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 9 năm 2016.

2. Bãi bỏ quy định về thang, bậc lương của chức danh giáo sư quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi Tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật giáo dục đại học năm 2012.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn trình tự, thủ tục xét nâng lương đối với sĩ quan thuộc phạm vi quản lý.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (3).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG





Nguyễn Xuân Phúc

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 117/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công, viên chức và lực lượng vũ trang

  • Số hiệu: 117/2016/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 21/07/2016
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 09/08/2016
  • Số công báo: Từ số 849 đến số 850
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản