Chương 2 Nghị định 11/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Địa chất và khoáng sản về khai thác khoáng sản nhóm IV
Điều 4. Thời hạn của giấy phép khai thác
1. Giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV (sau đây gọi là giấy phép khai thác) cấp cho tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản có thời hạn tối đa không quá 10 năm, bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản. Thời hạn của giấy phép khai thác có thể được gia hạn nhiều lần theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 5 năm.
2. Giấy phép khai thác cấp cho tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản có thời hạn tối đa bằng với thời hạn thực hiện của dự án, công trình sử dụng khoáng sản ghi trong giấy phép khai thác, bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác. Thời hạn của giấy phép khai thác có thể được gia hạn nhiều lần theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này, nhưng tổng thời gian cấp và gia hạn không vượt quá thời hạn thực hiện (kể cả thời hạn được gia hạn, điều chỉnh) của dự án, công trình sử dụng khoáng sản ghi trong giấy phép khai thác.
Điều 5. Cơ quan giải quyết hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại, thu hồi giấy phép khai thác
1. Bộ phận một cửa là cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ khi hồ sơ đủ thành phần theo quy định. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thành phần, bộ phận một cửa không tiếp nhận hồ sơ và nêu rõ lý do không tiếp nhận trong phiếu yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính.
2. Cơ quan chuyên môn về địa chất, khoáng sản thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại, thu hồi giấy phép khai thác.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại, thu hồi giấy phép khai thác.
4. Việc yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác được thực hiện như sau:
a) Trong quá trình thẩm định, trình hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác, trường hợp phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, cơ quan thẩm định hồ sơ có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện, trong đó nêu rõ nội dung cần bổ sung, hoàn thiện. Việc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ chỉ thực hiện một lần. Trường hợp hồ sơ sau hoàn thiện không đáp ứng theo yêu cầu bổ sung, hoàn thiện lần đầu thì có thể đề nghị bổ sung, hoàn thiện lại, nhưng không được phát sinh nội dung yêu cầu mới;
b) Thời gian hoàn thiện, bổ sung hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định, trình cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại, thu hồi giấy phép khai thác;
c) Trường hợp sau khi bổ sung, hoàn thiện lại mà hồ sơ vẫn không đáp ứng yêu cầu theo quy định, cơ quan thẩm định hồ sơ dừng thẩm định và trả lại hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác. Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp này được quyền nộp lại hồ sơ nhưng sẽ được tính là hồ sơ nộp mới.
Điều 6. Cấp giấy phép khai thác
1. Điều kiện cấp giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản như sau:
a) Có quyết định chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
b) Có quyết định phê duyệt báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
c) Phù hợp với nguyên tắc khai thác khoáng sản quy định tại khoản 2 Điều 73 của Luật Địa chất và khoáng sản;
d) Khu vực đề nghị cấp giấy phép khai thác đã có kết quả khảo sát, đánh giá thông tin chung đối với khoáng sản nhóm IV hoặc kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, công nhận hoặc phê duyệt;
đ) Có hồ sơ đủ điều kiện tiếp nhận theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
2. Điều kiện cấp giấy phép khai thác cho tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản như sau:
a) Đáp ứng điều kiện quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều này;
b) Có hồ sơ đủ điều kiện tiếp nhận theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.
3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác được lập thành 01 bộ nộp cho bộ phận một cửa. Thành phần hồ sơ bao gồm:
a) Đối với tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản: Bản chính văn bản đề nghị cấp giấy phép khai thác; bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính: Dự án khai thác khoáng sản được phê duyệt theo quy định, báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản hoặc báo cáo kết quả khảo sát thông tin chung về khoáng sản nhóm IV, các văn bản chứng minh vốn chủ sở hữu theo quy định tại Điều 9 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;
b) Đối với tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản: Bản chính văn bản đề nghị cấp giấy phép khai thác, phương án khai thác khoáng sản nhóm IV; bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính văn bản chấp thuận, lựa chọn là nhà thầu thi công, báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản hoặc báo cáo kết quả khảo sát thông tin chung về khoáng sản nhóm IV.
4. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản được thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thẩm định hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các tài liệu, hồ sơ và các nội dung có liên quan đến việc cấp giấy phép khai thác; kiểm tra tại thực địa; trường hợp cần thiết, gửi văn bản lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về xây dựng, văn hoá, lâm nghiệp, đê điều, thuỷ lợi, thuỷ điện, tôn giáo, giao thông, viễn thông, quốc phòng, an ninh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản và các nội dung liên quan đến việc cấp giấy phép khai thác.
Thời điểm kiểm tra tại thực địa do cơ quan thẩm định hồ sơ quyết định nhưng phải hoàn thành trước khi trình hồ sơ cấp giấy phép khai thác cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan thẩm định hồ sơ có văn bản lấy ý kiến quy định tại điểm a khoản này, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về các vấn đề có liên quan. Sau thời hạn quy định tại khoản này, cơ quan được lấy ý kiến không có văn bản trả lời được coi là đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan trong hồ sơ cấp giấy phép khai thác;
c) Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong các nội dung quy định tại điểm a và điểm b khoản này, cơ quan thẩm định hồ sơ phải hoàn thành việc thẩm định các nội dung: tọa độ, diện tích, chiều sâu, khối lượng khoáng sản, công suất, thời hạn khai thác của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác và các nội dung khác có liên quan đến việc cấp giấy phép khai thác; xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; trình hồ sơ cấp giấy phép khai thác, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
d) Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình cấp giấy phép khai thác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc cấp hoặc không cấp giấy phép khai thác. Trong trường hợp không cấp giấy phép khai thác thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
đ) Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cấp hoặc không cấp giấy phép khai thác, bộ phận một cửa chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm định hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép khai thác để nhận kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan theo quy định;
e) Trong trường hợp tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ văn bản chứng minh việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan, bộ phận một cửa bàn giao giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân.
5. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép khai thác cho tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản được thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thẩm định hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các tài liệu, hồ sơ và các nội dung có liên quan đến việc cấp giấy phép khai thác; kiểm tra tại thực địa; trường hợp cần thiết, gửi văn bản lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về xây dựng, văn hoá, lâm nghiệp, đê điều, thuỷ lợi, thuỷ điện, tôn giáo, giao thông, viễn thông, quốc phòng, an ninh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản và các nội dung liên quan đến việc cấp giấy phép khai thác.
Thời điểm kiểm tra tại thực địa do cơ quan thẩm định hồ sơ quyết định nhưng phải hoàn thành trước khi trình hồ sơ cấp giấy phép khai thác cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan thẩm định hồ sơ có văn bản lấy ý kiến quy định tại điểm a khoản này, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về các vấn đề có liên quan. Sau thời hạn quy định tại khoản này, cơ quan được lấy ý kiến không có văn bản trả lời được coi là đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan trong hồ sơ cấp giấy phép khai thác;
c) Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong các nội dung quy định tại điểm a và điểm b khoản này, cơ quan thẩm định hồ sơ phải hoàn thành việc thẩm định các nội dung: tọa độ, diện tích, chiều sâu, khối lượng khoáng sản, công suất, thời hạn khai thác của hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác và các nội dung khác có liên quan đến việc cấp giấy phép khai thác; xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; trình hồ sơ cấp giấy phép khai thác, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
d) Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình cấp giấy phép khai thác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc cấp hoặc không cấp giấy phép khai thác. Trong trường hợp không cấp giấy phép khai thác thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
đ) Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cấp hoặc không cấp giấy phép khai thác, bộ phận một cửa chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm định hồ sơ thông báo cho tổ chức đề nghị cấp giấy phép khai thác để nhận kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan theo quy định;
e) Trong trường hợp được cấp giấy phép khai thác, bộ phận một cửa bàn giao giấy phép khai thác cho tổ chức đề nghị cấp giấy phép ngay khi nhận đủ văn bản chứng minh việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan.
Điều 7. Gia hạn giấy phép khai thác
1. Giấy phép khai thác cấp cho tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản được xem xét gia hạn để khai thác khối lượng khoáng sản còn lại quy định trong giấy phép khai thác chưa khai thác hết khi đáp ứng đủ điều kiện sau đây:
a) Có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc quyết định gia hạn thời hạn hoạt động đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản thuộc diện phải điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
b) Có quyết định phê duyệt báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường, giấy phép môi trường được điều chỉnh, cấp lại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
c) Tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép khai thác, tổ chức, cá nhân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với giấy phép khai thác đề nghị gia hạn, bao gồm: tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tiền hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản (nếu có); phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; thuế tài nguyên đối với khoáng sản, tiền ký quỹ bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản;
d) Có hồ sơ đủ điều kiện tiếp nhận theo quy định tại khoản 3 Điều này nộp trước ngày giấy phép khai thác hết thời hạn khai thác.
2. Giấy phép khai thác cấp cho tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản được xem xét gia hạn để khai thác khối lượng khoáng sản còn lại quy định trong giấy phép khai thác chưa khai thác hết khi đáp ứng đủ điều kiện sau đây:
a) Đáp ứng điều kiện quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này;
b) Dự án, công trình sử dụng khoáng sản quy định trong Giấy phép khai thác phải còn thời hạn (bao gồm cả thời hạn được gia hạn, điều chỉnh) ít nhất bằng thời gian gia hạn giấy phép khai thác.
3. Hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép khai thác được lập thành 01 bộ nộp cho bộ phận một cửa. Thành phần hồ sơ bao gồm:
a) Bản chính: Văn bản đề nghị gia hạn giấy phép khai thác; bản đồ hiện trạng khu vực khai thác khoáng sản tại thời điểm đề nghị gia hạn giấy phép khai thác; báo cáo kết quả hoạt động khai thác khoáng sản tính đến thời điểm đề nghị gia hạn giấy phép khai thác; kế hoạch khai thác khoáng sản tiếp theo;
b) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính: Dự án khai thác khoáng sản được phê duyệt điều chỉnh theo quy định của pháp luật đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản; văn bản điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện các dự án, công trình sử dụng khoáng sản quy định trong giấy phép khai thác đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản; các văn bản chứng minh đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
4. Trình tự, thủ tục gia hạn giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản được thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thẩm định hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các tài liệu, hồ sơ và các nội dung có liên quan đến việc gia hạn giấy phép khai thác; kiểm tra tại thực địa; trường hợp cần thiết, gửi văn bản lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc gia hạn giấy phép khai thác.
Thời điểm kiểm tra tại thực địa do cơ quan thẩm định hồ sơ quyết định nhưng phải hoàn thành trước khi trình hồ sơ gia hạn giấy phép khai thác cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan thẩm định hồ sơ có văn bản lấy ý kiến quy định tại điểm a khoản này, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về các vấn đề có liên quan. Sau thời hạn quy định tại khoản này, cơ quan được lấy ý kiến không có văn bản trả lời được coi là đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan trong hồ sơ gia hạn giấy phép khai thác;
c) Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong các nội dung quy định tại điểm a và điểm b khoản này, cơ quan thẩm định hồ sơ phải hoàn thành việc thẩm định các tài liệu, hồ sơ, thời gian gia hạn và các nội dung khác có liên quan đến việc gia hạn giấy phép khai thác; trình hồ sơ gia hạn giấy phép khai thác cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
d) Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình gia hạn giấy phép khai thác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc gia hạn hoặc không gia hạn giấy phép khai thác. Trong trường hợp không gia hạn giấy phép khai thác thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
đ) Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định gia hạn hoặc không gia hạn giấy phép khai thác, bộ phận một cửa chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm định hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị gia hạn giấy phép khai thác để nhận kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép khai thác và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan theo quy định;
e) Trong trường hợp tổ chức, cá nhân được gia hạn giấy phép khai thác, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ văn bản chứng minh việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan, bộ phận một cửa bàn giao giấy phép khai thác khoáng sản gia hạn cho tổ chức, cá nhân.
5. Trình tự, thủ tục gia hạn giấy phép khai thác cho tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản được thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thẩm định hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các tài liệu, hồ sơ và các nội dung có liên quan đến việc gia hạn giấy phép khai thác; kiểm tra tại thực địa; trường hợp cần thiết, gửi văn bản lấy ý kiến chủ đầu tư dự án, công trình sử dụng khoáng sản về việc gia hạn giấy phép khai thác.
Thời điểm kiểm tra tại thực địa do cơ quan thẩm định hồ sơ quyết định nhưng phải hoàn thành trước khi trình hồ sơ gia hạn giấy phép khai thác cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan thẩm định hồ sơ có văn bản lấy ý kiến quy định tại điểm a khoản này, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về các vấn đề có liên quan. Sau thời hạn quy định tại khoản này, cơ quan được lấy ý kiến không có văn bản trả lời được coi là đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan trong hồ sơ gia hạn giấy phép khai thác;
c) Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong các nội dung quy định tại điểm a và điểm b khoản này, cơ quan thẩm định hồ sơ phải hoàn thành việc thẩm định các tài liệu, hồ sơ, thời gian gia hạn và các nội dung khác có liên quan đến việc gia hạn giấy phép khai thác; trình hồ sơ gia hạn giấy phép khai thác cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
d) Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình gia hạn giấy phép khai thác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc gia hạn hoặc không gia hạn giấy phép khai thác. Trong trường hợp không gia hạn giấy phép khai thác thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
đ) Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định gia hạn hoặc không gia hạn giấy phép khai thác, bộ phận một cửa chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm định hồ sơ thông báo cho tổ chức đề nghị gia hạn giấy phép khai thác để nhận kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép khai thác và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan theo quy định;
e) Trong trường hợp được gia hạn giấy phép khai thác bộ phận một cửa bàn giao giấy phép khai thác khoáng sản gia hạn cho tổ chức đề nghị gia hạn khi nhận đủ văn bản chứng minh việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan.
6. Trường hợp giấy phép khai thác hết thời hạn trong quá trình thẩm định, xem xét gia hạn:
a) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải dừng khai thác khoáng sản đến khi giấy phép khai thác được gia hạn. Trường hợp không được gia hạn giấy phép khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định khi giấy phép khai thác hết hiệu lực;
b) Cơ quan thẩm định hồ sơ tiếp tục thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gia hạn giấy phép khai thác nếu hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép khai thác đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
7. Văn bản đề nghị gia hạn giấy phép khai thác quy định tại Mẫu số 1 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; kế hoạch khai thác khoáng sản tiếp quy định tại Mẫu số 4 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; báo cáo kết quả hoạt động khai thác khoáng sản tính đến thời điểm đề nghị gia hạn giấy phép khai thác thực hiện theo quy định tại điểm h khoản 4 Điều 73 của Luật Địa chất và khoáng sản và quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 8. Điều chỉnh giấy phép khai thác
1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải điều chỉnh giấy phép khai thác khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Thay đổi khối lượng (trữ lượng) khoáng sản quy định trong giấy phép;
b) Mở rộng diện tích, thay đổi chiều sâu khai thác khoáng sản;
c) Trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản;
d) Tăng công suất khai thác khoáng sản;
đ) Giảm công suất khai thác khoáng sản đồng thời với kéo dài thời hạn khai thác so với thời hạn quy định trong giấy phép khai thác;
e) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác thay đổi tên gọi;
g) Một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản bị công bố là khu vực cấm hoạt động khoáng sản hoặc khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản;
h) Thay đổi hoặc bổ sung dự án, công trình sử dụng khoáng sản đối với trường hợp giấy phép khai thác được cấp cho các tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản.
2. Giấy phép khai thác cấp cho tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 72 được xem xét điều chỉnh khi đáp ứng đủ điều kiện sau đây:
a) Có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc quyết định gia hạn thời hạn hoạt động đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản thuộc diện phải điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
b) Có quyết định phê duyệt báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường, giấy phép môi trường được điều chỉnh, cấp lại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
c) Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, điểm b khoản 1 Điều này, phải có kết quả khảo sát, đánh giá thông tin chung đối với khoáng sản nhóm IV ở phần mở rộng hoặc xuống sâu của khu vực khai thác;
d) Đối với trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ và điểm h khoản 1 Điều này, tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép khai thác, tổ chức, cá nhân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với giấy phép khai thác đề nghị điều chỉnh, bao gồm: tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tiền hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản (nếu có); phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; thuế tài nguyên đối với khoáng sản, tiền ký quỹ bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản;
đ) Có hồ sơ đủ điều kiện tiếp nhận theo quy định tại khoản 4 Điều này.
3. Giấy phép khai thác cấp cho tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 72 được xem xét điều chỉnh khi đáp ứng đủ điều kiện sau đây:
a) Đáp ứng điều kiện quy định tại điểm c, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;
b) Đối với trường hợp điều chỉnh giấy phép khai thác có kèm theo điều chỉnh thời hạn khai thác, dự án, công trình sử dụng khoáng sản quy định trong giấy phép khai thác phải còn thời hạn (bao gồm cả thời hạn được gia hạn, điều chỉnh) ít nhất bằng thời hạn khai thác điều chỉnh;
c) Đối với trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều này, dự án, công trình sử dụng khoáng sản đề nghị thay đổi hoặc bổ sung vào giấy phép khai thác phải do tổ chức được cấp giấy phép khai thác là nhà thầu thi công.
4. Hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép khai thác được lập thành 01 bộ nộp cho bộ phận một cửa. Thành phần hồ sơ bao gồm:
a) Bản chính: Văn bản đề nghị điều chỉnh giấy phép khai thác; bản đồ hiện trạng khu vực khai thác khoáng sản tại thời điểm đề nghị điều chỉnh giấy phép khai thác, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này; báo cáo kết quả hoạt động khai thác khoáng sản tính đến thời điểm đề nghị điều chỉnh giấy phép khai thác, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này; kế hoạch khai thác khoáng sản tiếp theo, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này; đề án đóng cửa một phần khu vực khai thác khoáng sản đối với trường hợp quy định tại điểm c và điểm g khoản 1 Điều này;
b) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính các văn bản chứng minh đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại điểm d khoản 2 Điều này; dự án khai thác khoáng sản được phê duyệt điều chỉnh theo quy định pháp luật đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này; văn bản chấp thuận, lựa chọn là nhà thầu thi công dự án, công trình, sử dụng khoáng sản đối với trường hợp điều chỉnh giấy phép khai thác quy định tại điểm h khoản 1 Điều này; văn bản, tài liệu liên quan đến thay đổi tên gọi đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này.
5. Trình tự, thủ tục điều chỉnh giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản được thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thẩm định hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các tài liệu, hồ sơ và các nội dung có liên quan đến điều chỉnh giấy phép khai thác; kiểm tra tại thực địa đối với trường hợp quy định tại điểm b, điểm c và điểm g khoản 1 Điều này. Trường hợp cần thiết, gửi văn bản lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về xây dựng, văn hoá, lâm nghiệp, đê điều, thuỷ lợi, thuỷ điện, tôn giáo, giao thông, viễn thông, quốc phòng, an ninh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản và các nội dung liên quan đến điều chỉnh giấy phép khai thác đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này; lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về nội dung điều chỉnh giấy phép khai thác đối với trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này.
Thời điểm kiểm tra tại thực địa do cơ quan thẩm định hồ sơ quyết định nhưng phải hoàn thành trước khi trình hồ sơ điều chỉnh giấy phép khai thác cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan thẩm định hồ sơ có văn bản lấy ý kiến quy định tại điểm a khoản này, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về các vấn đề có liên quan. Sau thời hạn quy định tại khoản này, cơ quan được lấy ý kiến không có văn bản trả lời được coi là đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan trong hồ sơ điều chỉnh giấy phép khai thác;
c) Đối với trường hợp quy định tại điểm c và điểm g khoản 1 Điều này, trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ các ý kiến của cơ quan có liên quan quy định tại điểm a và điểm b khoản này, cơ quan thẩm định hồ sơ phải trình Hội đồng thẩm định đề án đóng cửa mỏ khoáng sản để thẩm định theo quy định tại Điều 45 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP;
d) Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong các nội dung quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này, cơ quan thẩm định hồ sơ phải hoàn thành việc thẩm định các tài liệu, hồ sơ, các nội dung đề nghị điều chỉnh và các nội dung khác có liên quan đến việc điều chỉnh giấy phép khai thác, xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản điều chỉnh (nếu có); trình hồ sơ điều chỉnh giấy phép khai thác (đồng thời phê duyệt đề án đóng cửa một phần khu vực khai thác khoáng sản đối với trường hợp quy định tại điểm c và điểm g khoản 1 Điều này), phê duyệt điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (nếu có) cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
đ) Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình điều chỉnh giấy phép khai thác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều chỉnh hoặc không điều chỉnh giấy phép khai thác. Trong trường hợp không điều chỉnh giấy phép khai thác thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
e) Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh hoặc không điều chỉnh giấy phép khai thác, bộ phận một cửa chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm định hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị điều chỉnh giấy phép khai thác để nhận kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép khai thác và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan theo quy định;
g) Trong trường hợp tổ chức, cá nhân được điều chỉnh giấy phép khai thác, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ văn bản chứng minh việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan, bộ phận một cửa bàn giao quyết định điều chỉnh giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân.
6. Trình tự, thủ tục điều chỉnh giấy phép khai thác cho tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản được thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thẩm định hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các tài liệu, hồ sơ và các nội dung có liên quan đến điều chỉnh giấy phép khai thác; kiểm tra tại thực địa đối với trường hợp quy định tại điểm b, điểm c và điểm g khoản 1 Điều này. Trường hợp cần thiết, gửi văn bản lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về xây dựng, văn hoá, lâm nghiệp, đê điều, thủy lợi, thủy điện, tôn giáo, giao thông, viễn thông, quốc phòng, an ninh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản và các nội dung liên quan đến điều chỉnh giấy phép khai thác đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này; lấy ý kiến chủ đầu tư dự án, công trình sử dụng khoáng sản về việc sử dụng khoáng sản đối với trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều này.
Thời điểm kiểm tra tại thực địa do cơ quan thẩm định hồ sơ quyết định nhưng phải hoàn thành trước khi trình hồ sơ điều chỉnh giấy phép khai thác cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan thẩm định hồ sơ có văn bản lấy ý kiến quy định tại điểm a khoản này, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về các vấn đề có liên quan. Sau thời hạn quy định tại khoản này, cơ quan được lấy ý kiến không có văn bản trả lời được coi là đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan trong hồ sơ điều chỉnh giấy phép khai thác;
c) Đối với trường hợp quy định tại điểm c và điểm g khoản 1 Điều này, trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ các ý kiến của cơ quan có liên quan quy định tại điểm a và điểm b khoản này, cơ quan thẩm định hồ sơ phải trình Hội đồng thẩm định đề án đóng cửa mỏ khoáng sản để thẩm định theo quy định tại Điều 45 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP;
d) Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong các nội dung quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này, cơ quan thẩm định hồ sơ phải hoàn thành việc thẩm định các tài liệu, hồ sơ, các nội dung đề nghị điều chỉnh và các nội dung khác có liên quan đến việc điều chỉnh giấy phép khai thác, xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản điều chỉnh (nếu có); trình hồ sơ điều chỉnh giấy phép khai thác (đồng thời phê duyệt đề án đóng cửa một phần khu vực khai thác khoáng sản đối với trường hợp quy định tại điểm c và điểm g khoản 1 Điều này), phê duyệt điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (nếu có) cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
đ) Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình điều chỉnh giấy phép khai thác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều chỉnh hoặc không điều chỉnh giấy phép khai thác. Trong trường hợp không điều chỉnh giấy phép khai thác thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
e) Trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh hoặc không điều chỉnh giấy phép khai thác, bộ phận một cửa chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm định hồ sơ thông báo cho tổ chức đề nghị điều chỉnh giấy phép khai thác để nhận kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép khai thác và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan theo quy định;
g) Trong trường hợp tổ chức được điều chỉnh giấy phép khai thác, bộ phận một cửa bàn giao quyết định điều chỉnh giấy phép khai thác cho tổ chức đề nghị điều chỉnh giấy phép ngay khi nhận đủ văn bản chứng minh việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan.
7. Trường hợp giấy phép khai thác hết thời hạn trong quá trình thẩm định, xem xét điều chỉnh:
a) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải dừng khai thác khoáng sản đến khi giấy phép khai thác được điều chỉnh (bao gồm nội dung điều chỉnh thời hạn khai thác). Trường hợp không được điều chỉnh giấy phép khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định khi giấy phép khai thác hết hiệu lực;
b) Cơ quan thẩm định hồ sơ tiếp tục thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh giấy phép khai thác nếu hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép khai thác đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.
8. Đối với trường hợp quy định tại điểm c và điểm g khoản 1 Điều này, sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh giấy phép khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu và quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010 và quy định tại Điều 46 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP.
9. Văn bản đề nghị điều chỉnh giấy phép khai thác quy định tại Mẫu số 2, của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; kế hoạch khai thác khoáng sản tiếp theo quy định tại Mẫu số 4 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; đề án đóng cửa một phần khu vực khai thác khoáng sản quy định tại Mẫu số 5 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; quyết định điều chỉnh giấy phép khai thác quy định tại Mẫu số 6 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; báo cáo kết quả hoạt động khai thác khoáng sản tính đến thời điểm đề nghị điều chỉnh giấy phép khai thác thực hiện theo quy định tại điểm h khoản 4 Điều 73 của Luật Địa chất và khoáng sản và quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 9. Trả lại giấy phép khai thác
1. Giấy phép khai thác được xem xét cho phép trả lại khi tổ chức, cá nhân có hồ sơ đủ điều kiện tiếp nhận theo quy định tại khoản 2 Điều này nộp trước ngày giấy phép khai thác hết thời hạn khai thác.
2. Hồ sơ đề nghị trả lại giấy phép khai thác được lập thành 01 bộ nộp cho bộ phận một cửa. Thành phần hồ sơ bao gồm bản chính: Văn bản đề nghị trả lại giấy phép khai thác; bản đồ hiện trạng khu vực khai thác khoáng sản tại thời điểm đề nghị trả lại giấy phép khai thác; báo cáo kết quả hoạt động khai thác khoáng sản tính đến thời điểm đề nghị trả lại giấy phép khai thác; đề án đóng cửa mỏ khoáng sản.
3. Trình tự, thủ tục cho phép trả lại giấy phép khai thác được thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thẩm định hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các tài liệu, hồ sơ và các nội dung có liên quan đến việc trả lại giấy phép khai thác; kiểm tra tại thực địa; gửi văn bản lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc trả lại giấy phép khai thác.
Thời điểm kiểm tra tại thực địa do cơ quan thẩm định hồ sơ quyết định nhưng phải hoàn thành trước khi trình hồ sơ trả lại giấy phép khai thác cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan thẩm định hồ sơ có văn bản lấy ý kiến quy định tại điểm b khoản này, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về các vấn đề có liên quan. Sau thời hạn quy định tại khoản này, cơ quan được lấy ý kiến không có văn bản trả lời được coi là đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan trong hồ sơ trả lại giấy phép khai thác;
c) Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ các ý kiến của cơ quan có liên quan quy định tại điểm a và điểm b khoản này, cơ quan thẩm định hồ sơ phải trình Hội đồng thẩm định đề án đóng cửa mỏ khoáng sản để thẩm định theo quy định tại Điều 45 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP;
d) Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong các nội dung quy định tại điểm b, điểm c và điểm d khoản này, cơ quan thẩm định hồ sơ phải hoàn thành việc thẩm định các tài liệu, hồ sơ và các nội dung khác có liên quan đến việc trả lại giấy phép khai thác; trình hồ sơ trả lại giấy phép khai thác đồng thời với phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
đ) Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình cho phép trả lại giấy phép khai thác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc cho phép trả lại hoặc không cho phép trả lại giấy phép khai thác. Trong trường hợp không cho phép trả lại giấy phép khai thác thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
e) Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép trả lại hoặc không cho phép trả lại giấy phép khai thác, bộ phận một cửa chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm định hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị trả lại giấy phép khai thác để nhận kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị trả lại giấy phép khai thác và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan theo quy định;
g) Trong trường hợp tổ chức, cá nhân được trả lại giấy phép khai thác, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ văn bản chứng minh việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan, bộ phận một cửa bàn giao quyết định cho phép trả lại giấy phép cho tổ chức, cá nhân.
4. Sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép trả lại giấy phép khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu và quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật Khoáng sản và quy định tại Điều 46 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP.
5. Văn bản đề nghị trả lại giấy phép khai thác quy định tại Mẫu số 3 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quy định tại Mẫu số 5 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; quyết định cho phép trả lại giấy phép khai thác quy định tại Mẫu số 7 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; báo cáo kết quả hoạt động khai thác khoáng sản tính đến thời điểm đề nghị trả lại giấy phép khai thác thực hiện theo quy định tại điểm h khoản 4 Điều 73 của Luật Địa chất và khoáng sản và quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 10. Thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác
1. Giấy phép khai thác bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
a) Giấy phép khai thác cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái quy định của pháp luật;
b) Khu vực được phép khai thác bị công bố là khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản;
c) Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất đã được cấp giấy phép khai thác để sử dụng vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Đối với giấy phép khai thác cấp cho tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản, sau 06 tháng kể từ ngày dự án, công trình sử dụng khoáng sản ghi trong giấy phép khai thác chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc bị thu hồi giấy phép đầu tư hoặc hợp đồng dự án PPP bị chấm dứt theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư mà tổ chức được cấp giấy phép khai thác không nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị điều chỉnh giấy phép theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 8 của Nghị định này cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
2. Giấy phép khai thác chấm dứt hiệu lực khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Giấy phép khai thác bị thu hồi;
b) Giấy phép khai thác đã hết thời hạn khai thác nhưng không đủ điều kiện để gia hạn;
c) Giấy phép khai thác được trả lại;
d) Tổ chức khai thác khoáng sản giải thể, phá sản;
đ) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã;
e) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về đầu tư;
g) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi toàn bộ diện tích đất tại khu vực khai thác khoáng sản do vi phạm pháp luật về đất đai;
h) Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.
3. Tổ chức, cá nhân phát hiện trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép khai thác.
4. Trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép khai thác được thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn không quá 60 ngày, kể từ ngày phát hiện hoặc nhận được thông báo đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, cơ quan chuyên môn về địa chất, khoáng sản thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan xác minh, làm rõ các nội dung không đúng thẩm quyền hoặc trái quy định của pháp luật; tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hồ sơ thu hồi giấy phép khai thác theo quy định tại khoản 5 Điều này.
Trong thời hạn không quá 20 ngày, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền công bố khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, thu hồi toàn bộ diện tích đất hoạt động khoáng sản quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, cơ quan chuyên môn về địa chất, khoáng sản thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hồ sơ thu hồi giấy phép khai thác theo quy định tại khoản 5 Điều này;
b) Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình thu hồi giấy phép khai thác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định thu hồi giấy phép khai thác;
c) Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định thu hồi giấy phép khai thác, cơ quan chuyên môn về địa chất, khoáng sản thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thông báo công khai việc thu hồi giấy phép khai thác trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời có văn bản thông báo chấm dứt hiệu lực của giấy phép khai thác bị thu hồi và yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ khoáng sản và các nghĩa vụ khác có liên quan giấy phép khai thác chấm dứt hiệu lực.
5. Hồ sơ trình thu hồi giấy phép khai thác bao gồm:
a) Tờ trình hoặc Phiếu trình về lý do, kết quả rà soát, kiểm tra hồ sơ, tài liệu có liên quan và đề xuất việc thu hồi hoặc không thu hồi giấy phép khai thác;
b) Văn bản thông báo của tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều này đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
c) Biên bản, tài liệu xác minh, làm rõ các nội dung không đúng thẩm quyền hoặc trái quy định của pháp luật đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
d) Bản sao quyết định phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
đ) Bản sao quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
e) Dự thảo Quyết định thu hồi giấy phép khai thác.
6. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép khai thác có nghĩa vụ thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản theo quy định của pháp luật.
7. Quyết định thu hồi giấy phép khai thác quy định tại Mẫu số 8 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
1. Tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản được cấp giấy phép khai thác chỉ được phép sử dụng khoáng sản nhóm IV cho các dự án, công trình sử dụng khoáng sản quy định trong giấy phép khai thác.
2. Trường hợp dự án, công trình sử dụng khoáng sản quy định trong giấy phép khai thác không còn nhu cầu sử dụng, phần khoáng sản dôi dư được xử lý như sau:
a) Cung cấp cho các dự án, công trình sử dụng khoáng sản khác sau khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh giấy phép khai thác theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 8 của Nghị định này;
b) Cung cấp cho các dự án đầu tư công khác sau khi có chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Sử dụng để cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án khai thác khoáng sản.
Điều 12. Bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản nhóm IV
1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản phải thực hiện thủ tục về môi trường và thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Tổ chức khai thác khoáng sản quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản phải thực hiện các yêu cầu sau:
a) Có phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án khai thác khoáng sản;
b) Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
c) Thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác; cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong phương án khai thác khoáng sản khi kết thúc khai thác khoáng sản.
3. Việc hoàn trả tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường cho tổ chức khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Nghị định 11/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Địa chất và khoáng sản về khai thác khoáng sản nhóm IV
- Số hiệu: 11/2025/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 15/01/2025
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Trần Hồng Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/01/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 4. Thời hạn của giấy phép khai thác
- Điều 5. Cơ quan giải quyết hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại, thu hồi giấy phép khai thác
- Điều 6. Cấp giấy phép khai thác
- Điều 7. Gia hạn giấy phép khai thác
- Điều 8. Điều chỉnh giấy phép khai thác
- Điều 9. Trả lại giấy phép khai thác
- Điều 10. Thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác
- Điều 11. Xử lý khoáng sản nhóm IV dôi dư đối với giấy phép khai thác cấp cho tổ chức quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật Địa chất và khoáng sản
- Điều 12. Bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản nhóm IV
- Điều 13. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 22 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2019, Nghị định số 22/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ
- Điều 14. Quy định chuyển tiếp
- Điều 15. Điều khoản thi hành