Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2012/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2012

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA CÁC NGHỊ ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM, TRỢ GIÚP PHÁP LÝ, LUẬT SƯ, TƯ VẤN PHÁP LUẬT

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 10 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm

1. Sửa đổi cụm từ “Chi cục hàng hải hoặc cảng vụ hàng hải thuộc Cục Hàng hải Việt Nam” bằng cụm từ “Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam” tại khoản 2 Điều 24, khoản 2 Điều 25, khoản 2 Điều 26, khoản 2 Điều 27, khoản 2 Điều 47.

2. Khoản 2 Điều 52 được bổ sung như sau:

“2. Bãi bỏ điểm b khoản 2 Điều 31 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.”

3. Sửa đổi, bổ sung một số cụm từ sau đây:

a) Bổ sung cụm từ “(01 bộ)” trong các cụm từ về loại hồ sơ đăng ký tại khoản 1 các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 34, 35, 36 và 37.

b) Sửa đổi cụm từ “Đơn đề nghị xóa đăng ký thế chấp tàu biển” tại khoản 1 Điều 27 bằng cụm từ “Đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp tàu biển”.

c) Bỏ cụm từ “bản sao có chứng thực giấy chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký” tại điểm c khoản 1 Điều 20, điểm c khoản 1 Điều 21, điểm c khoản 1 Điều 22, điểm d khoản 1 Điều 23, điểm c khoản 1 Điều 24, điểm d khoản 1 Điều 25, điểm c khoản 1 Điều 26, điểm d khoản 1 Điều 27, điểm d khoản 1 Điều 28, điểm d khoản 1 Điều 29, điểm c khoản 1 Điều 30điểm d khoản 1 Điều 31”.

4. Bãi bỏ khoản 2 Điều 53.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 27 của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý như sau:

“1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Trợ giúp pháp lý và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Trợ giúp pháp lý, nếu tự nguyện làm cộng tác viên thì gửi hồ sơ đến Trung tâm ở địa phương nơi mình cư trú hoặc công tác.

Hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên bao gồm:

a) Đơn đề nghị làm cộng tác viên theo mẫu;

b) Bản sao bằng cử nhân luật; bằng đại học khác hoặc bằng trung cấp luật;

c) Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc của cơ quan nơi người đề nghị làm cộng tác viên làm việc làm hai ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm.

Trong trường hợp người đề nghị làm cộng tác viên thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi mà có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên hoặc có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng thì trong hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên ngoài các giấy tờ tài liệu quy định tại điểm a, c nêu trên cần có giấy xác nhận thời gian công tác pháp luật của cơ quan, tổ chức nơi người đó đã hoặc đang công tác hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về kiến thức pháp luật và uy tín trong cộng đồng của người đề nghị.

2. Trong thời hạn bốn ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Giám đốc Trung tâm kiểm tra tính đầy đủ và đúng đắn của hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ thì trình Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, công nhận và cấp thẻ cộng tác viên. Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì trả lại hồ sơ cho người đề nghị làm cộng tác viên và thông báo rõ lý do bằng văn bản.

3. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Giám đốc Trung tâm trình, Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, ký quyết định công nhận và cấp thẻ cộng tác viên. Trong trường hợp từ chối phải thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người đề nghị làm cộng tác viên. Người bị từ chối có quyền khiếu nại đối với việc từ chối công nhận và cấp thẻ cộng tác viên. Việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.”

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư

1. Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể chuyển đổi sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể chuyển đổi sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

2. Trong trường hợp chuyển đổi từ hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên sang hình thức công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì Giám đốc công ty luật phải gửi 01 bộ hồ sơ chuyển đổi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp nơi công ty đăng ký hoạt động. Hồ sơ chuyển đổi gồm có:

a) Đơn đề nghị chuyển đổi trong đó nêu rõ mục đích và lý do chuyển đổi;

b) Dự thảo Điều lệ của công ty luật mới;

c) Danh sách thành viên hoặc luật sư chủ sở hữu của công ty luật mới;

d) Giấy đăng ký hoạt động đã được cấp.

3. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoặc giấy tờ chuyển đổi quy định tại khoản 2 của Điều này, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho công ty luật trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Luật sư. Trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

2. Khoản 1 Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Các công ty luật nước ngoài gửi 01 bộ hồ sơ gồm hợp đồng hợp nhất và đơn đề nghị hợp nhất, trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tư pháp. Trong hợp đồng hợp nhất phải có quy định về thủ tục và điều kiện hợp nhất; phương án sử dụng lao động; thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản; thời hạn thực hiện hợp nhất.

Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp ra quyết định chấp thuận viện hợp nhất dưới hình thức cấp Giấy phép thành lập công ty luật nước ngoài mới; trong trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản.”

3. Khoản 1 Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Các công ty luật nước ngoài liên quan gửi 01 bộ hồ sơ gồm hợp đồng sáp nhập và đơn đề nghị sáp nhập, trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tư pháp. Trong hợp đồng sáp nhập phải có quy định về phương án sử dụng lao động; thời hạn, thủ tục và điều kiện chuyển đổi tài sản; thủ tục và thời hạn thực hiện sáp nhập.”

4. Khoản 2, khoản 5 Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Trong trường hợp tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam tạm ngừng hoạt động theo quy định tại điểm a khoản 1 của Điều này thì phải thông báo bằng văn bản, gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tư pháp, chậm nhất là ba mươi ngày, trước ngày dự kiến tạm ngừng hoạt động.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, Bộ Tư pháp ra quyết định chấp thuận cho tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam tạm ngừng hoạt động. Trong trường hợp không chấp thuận, Bộ Tư pháp phải thông báo lý do bằng văn bản.

Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam được tạm ngừng hoạt động kể từ ngày có văn bản chấp thuận của Bộ Tư pháp.

5. Chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày dự kiến hoạt động trở lại, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam phải có báo cáo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Đoàn luật sư và cơ quan thuế của địa phương nơi đặt trụ sở về việc hoạt động trở lại.”

Điều 4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về tư vấn pháp luật

1. Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp, nơi đặt trụ sở của Trung tâm. Khi đăng ký hoạt động, Trung tâm tư vấn pháp luật gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp.

Hồ sơ đăng ký hoạt động gồm có:

a) Đơn đăng ký hoạt động;

b) Quyết định của tổ chức chủ quản về việc thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật; về việc cử Giám đốc của Trung tâm tư vấn pháp luật;

c) Dự thảo quy chế tổ chức, hoạt động của Trung tâm tư vấn do tổ chức chủ quản ban hành;

d) Danh sách kèm theo hồ sơ của người được đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật, của luật sư làm việc theo hợp đồng lao động cho Trung tâm.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm tư vấn pháp luật; trong trường hợp từ chối, phải thông báo lý do bằng văn bản.

2. Khi cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm tư vấn pháp luật, Sở Tư pháp đồng thời cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật cho người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 19 của Nghị định này.

Bộ Tư pháp quy định mẫu Giấy đăng ký hoạt động, Thẻ tư vấn viên pháp luật.

3. Trung tâm tư vấn pháp luật được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.”

2. Khoản 1 Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Người đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp.

Hồ sơ cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật gồm có:

a) Giấy đề nghị cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật;

b) Bản sao Bằng cử nhân luật;

c) Giấy xác nhận về thời gian công tác pháp luật của người được đề nghị.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp, nơi Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký hoạt động có trách nhiệm cấp Thẻ tư vấn viên pháp luật cho người đủ điều kiện, trong trường hợp từ chối, phải thông báo lý do bằng văn bản.”

Điều 5. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư

1. Khoản 2 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Hồ sơ thành lập Đoàn luật sư do những người sáng lập Đoàn luật sư lập và gửi 01 bộ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) về việc cho phép thành lập Đoàn luật sư.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định của Sở Tư pháp kèm theo hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Tư pháp về việc thành lập Đoàn luật sư tại địa phương. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tư pháp có văn bản về việc thành lập Đoàn luật sư.

Sau khi có ý kiến nhất trí bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong thời hạn bảy ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép thành lập Đoàn luật sư; trong trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.”

2. Khoản 1, khoản 2 Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày Điều lệ Đoàn luật sư được thông qua, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt Điều lệ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp. Hồ sơ gồm có:

a) Văn bản đề nghị phê duyệt Điều lệ;

b) Điều lệ và biên bản thông qua Điều lệ;

c) Nghị quyết Đại hội;

d) Văn bản nhất trí của Liên đoàn Luật sư Việt Nam về nội dung Điều lệ.

2. Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc phê duyệt Điều lệ Đoàn luật sư.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thẩm định của Sở Tư pháp kèm theo hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt hoặc từ chối phê duyệt Điều lệ Đoàn luật sư; trong trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản.”

3. Khoản 3 Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Chậm nhất ba mươi ngày trước ngày dự kiến tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo về Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, phương án xây dựng Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật nhiệm kỳ mới. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định và xem xét, cho ý kiến về Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, phương án xây dựng Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật nhiệm kỳ mới.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cho ý kiến về Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, phương án xây dựng Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật nhiệm kỳ mới.”

4. Khoản 2 Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc Đại hội, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư phải gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp báo cáo kết quả Đại hội, kèm theo biên bản bầu cử, danh sách trích ngang của Chủ nhiệm, các ủy viên Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư; Nghị quyết Đại hội.

Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả Đại hội, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ xem xét và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc phê chuẩn kết quả Đại hội của Đoàn luật sư.

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê chuẩn hoặc từ chối phê chuẩn kết quả Đại hội; trong trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản.”

5. Khoản 2 khoản 3 Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Trong trường hợp Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b và c khoản 1 của Điều này thì Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc ra quyết định đình chỉ hoạt động của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư và yêu cầu Đoàn luật sư tổ chức Đại hội bất thường để bầu Ban Chủ nhiệm và Chủ nhiệm mới của Đoàn luật sư.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định đình chỉ hoạt động của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư và yêu cầu Đoàn luật sư tổ chức Đại hội bất thường để bầu Ban Chủ nhiệm và Chủ nhiệm mới của Đoàn luật sư. Trong trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản.

Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư tạm thời thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chủ nhiệm; Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật tạm thời thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ nhiệm Đoàn luật sư cho đến khi bầu Ban Chủ nhiệm và Chủ nhiệm mới của Đoàn luật sư.

Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày có quyết định đình chỉ Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư, Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư phải triệu tập Đại hội luật sư bất thường.

3. Trong trường hợp Chủ nhiệm Đoàn luật sư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 của Điều này thì Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định đình chỉ chức vụ Chủ nhiệm và yêu cầu Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư cử một Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư giữ chức vụ Quyền Chủ nhiệm Đoàn luật sư cho đến khi bầu Chủ nhiệm mới của Đoàn luật sư.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định đình chỉ chức vụ Chủ nhiệm và yêu cầu Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư cử một Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư giữ chức vụ Quyền chủ nhiệm Đoàn luật sư cho đến khi bầu Chủ nhiệm mới của Đoàn luật sư. Trong trường hợp từ chối phải thông báo lý do bằng văn bản.

Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cử, Quyền Chủ nhiệm Đoàn luật sư phải triệu tập Đại hội bất thường để bầu Chủ nhiệm mới của Đoàn luật sư.”

6. Khoản 1 Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thông qua, Hội đồng luật sư toàn quốc gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tư pháp 01 bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt Điều lệ.

Hồ sơ gồm có:

a) Văn bản đề nghị phê duyệt Điều lệ;

b) Điều lệ và biên bản thông qua Điều lệ;

c) Nghị quyết Đại hội.”

7. Khoản 3 Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Chậm nhất sáu mươi ngày trước ngày dự kiến tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tư pháp báo cáo về Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, phương án xây dựng các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ mới. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, cho ý kiến về Đề án tổ chức Đại hội.”

8. Khoản 2 Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc Đại hội, Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam phải gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Bộ Tư pháp báo cáo kết quả Đại hội, kèm theo biên bản bầu cử, danh sách trích ngang của các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Nghị quyết Đại hội.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả Đại hội, Bộ Tư pháp xem xét, phê chuẩn hoặc từ chối phê chuẩn kết quả bầu cử, Nghị quyết Đại hội của Liên đoàn Luật sư Việt Nam sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ.”

9. Khoản 2 Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Trong trường hợp Hội đồng luật sư toàn quốc thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b và c khoản 1 của Điều này hoặc Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 của Điều này thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đình chỉ hoạt động của Hội đồng luật sư toàn quốc hoặc đình chỉ chức vụ Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam và yêu cầu Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Đại hội bất thường để bầu mới các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn.

Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định về việc đình chỉ hoạt động của Hội đồng luật sư toàn quốc hoặc đình chỉ chức vụ Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam và yêu cầu Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Đại hội bất thường để bầu mới các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn.”

10. Khoản 2 Điều 27 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Trong trường hợp Liên đoàn Luật sư Việt Nam bị giải thể theo quy định tại khoản 1 của Điều này thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định giải thể Liên đoàn Luật sư Việt Nam và quyết định việc thành lập lại Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định giải thể Liên đoàn Luật sư Việt Nam.”

Điều 6. Điều khoản thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2012.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 05/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật

  • Số hiệu: 05/2012/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 02/02/2012
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 149 đến số 150
  • Ngày hiệu lực: 01/04/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản