Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 020-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 1960

NGHỊ ĐỊNH

TỔ CHỨC MỘT HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI Ở CÁC CẤP TRUNG ƯƠNG, KHU, THÀNH PHỐ, TỈNH VÀ Ở MỖI BỘ CHỦ QUẢN LÝ XÍ NGHIỆP

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị quyết của Hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 02 tháng 12 năm 1959;
Căn cứ bản điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước ban hành do Nghị định số 004-TTg ngày 04 tháng 01 năm 1960;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Ở các cấp trung ương, khu, thành phố, tỉnh và ở mỗi Bộ chủ quản xí nghiệp đều tổ chức một Hội đồng trọng tài.

Hội đồng trọng tài thuộc cấp nào đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cơ quan chính quyền cấp ấy.

Điều 2.– Bên cạnh Hội đồng Chính phủ, tổ chức Hội đồng trọng tài trung ương, thành phần gồm:

- Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế-Tài chính, Thủ tướng phủ: Chủ tịch (phụ trách thường trực Hội đồng)

- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế-Tài chính, Thủ tướng phủ: Phó chủ tịch

- Ủy viên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước: Ủy viên

- Ủy viên Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ: Ủy viên

Ủy viên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ủy viên Ban Thanh ra trung ương của Chính phủ, do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ủy viên Ban Thanh ra trung ương của Chính phủ đề nghị, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.

Điều 3.- Hội đồng trọng tài trung ương theo dõi, hướng dẫn về nghiệp vụ cho Hội đồng trọng tài Bộ, khu, thành phố, tỉnh.

Hội đồng trọng tài trung ương xử lý những việc tranh chấp về từ chối ký kết hợp đồng kinh tế và vi phạm hợp đồng đã ký kết trong phạm vi các loại hợp đồng kinh tế có liên quan đến nhiều Bộ, có liên quan giữa trung ương và địa phương, có liên quan giữa nhiều địa phương.

Điều 4.- Đối với những việc tranh chấp về từ chối ký kết hợp đồng và vi phạm hợp đồng đã ký kết thuộc phạm vi xử lý của Hội đồng trọng tài trung ương, thì trước hết hai Hội đồng trọng tài và hai bên ký kết hợp đồng có trách nhiệm cùng nhau thương lượng giải quyết trong phạm vi chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước; nếu không thỏa thuận được, mới chuyển hồ sơ lên Hội đồng trọng tài trung ương xử lý.

Điều 5.- Bên cạnh Bộ chủ quản xí nghiệp, tổ chức Hội đồng trọng tài Bộ, thành phần gồm:

- Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng: Chủ tịch (phụ trách thường trực Hội đồng)

- Giám đốc Vụ Kế hoạch: Ủy viên

- Giám đốc Vụ Tài vụ: Ủy viên

Điều 6.- Hội đồng trọng tài Bộ xử ký những việc tranh chấp về từ chối ký kết hợp đồng kinh tế và vi phạm hợp đồng đã ký kết trong phạm vi các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước thuộc Bộ quản lý.

Điều 7.- Bên cạnh Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh, tổ chức Hội đồng trọng tài khu, thành phố, tỉnh, thành phần gồm:

- Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh: Chủ tịch (phụ trách thường trực Hội đồng)

- Ủy viên Ủy ban Kế hoạch: Ủy viên

- Ủy viên Ban Thanh tra: Ủy viên

Ủy viên Ủy ban Kế hoạch và Ủy viên Ban thanh tra do Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh chỉ định.

Điều 8.- Hội đồng trọng tài khu, thành phố, tỉnh xử lý những việc tranh chấp về từ chối ký kết hợp đồng và vi phạm hợp đồng đã ký kết trong phạm vi các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước thuộc địa phương quản lý.

Điều 9.- Các ông Bộ trưởng các Bộ có liên quan, ông Chủ tịch Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh, chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 10.- Hội đồng trọng tài trung ương có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

ĐIỀU LỆ

TẠM THỜI VỀ CHẾ ĐỘ HỢP ĐỒNG KINH TẾ GIỮA CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH VÀ CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC.

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. - Bản điều lệ này ban hành nhằm mục đích: thông qua việc ký kết hợp đồng kinh tế mà tăng cường quan hệ kinh tế và trách nhiệm giữa các xí nghiệp quốc doanh và các cơ quan Nhà nước (kể cả quân đội) trong việc đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước và những nguyên tắc của chế độ hạch toán kinh tế.

Hợp đồng kinh tế nói trong điều lệ này là hợp đồng về sản xuất, về cung cấp và tiêu thụ hàng hóa, về vận tải, xây dựng, bao thầu v .v…

Điều 2. – Ký kết hợp đồng kinh tế là một kỷ luật bắt buộc trong quan hệ hi giữa các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước.

Cơ sở để ký kết hợp đồng kinh tế là chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước chỉ được ký kết hợp đồng trong phạm vi chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

Các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước phải tiến hành ký kết hợp đồng ngay sau khi chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước được Hội đồng Chính phủ thông qua.

Điều 3. – Hợp đồng kinh tế có hiệu lực pháp lý. Mỗi xí nghiệp quốc doanh, mỗi cơ quan Nhà nước, sau khi ký kết hợp đồng, phải có nghĩa vụ thực hiện đúng hợp đồng.

Nếu xí nghiệp quốc doanh, cơ quan Nhà nước nào không thực hiện đúng hợp đồng, sẽ do Hợp đồng trọng tài các cấp xử lý theo điều 11 dưới đây.

Điều 4. – Hợp đồng kinh tế chỉ được điều chỉnh hay hủy bỏ khi Nhà nước điều chỉnh hay hủy bỏ các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu gặp những trở lực khách quan không thể khắc phục nổi, hai bên ký hợp đồng có thể cùng nhau điều chỉnh hợp đồng trong phạm vi không ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch Nhà nước và phải được Hợp đồng trọng tài đồng ý.

Chương 2:

NỘI DUNG HỢP ĐỒNG, TRÁCH NHIỆM KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

Điều 5. – Hợp đồng kinh tế có hai loại: loại dài hạn và loại ngắn hạn.

- Hợp đồng dài hạn là hợp đồng có giá trị từ trên một năm trở lên đến 5 năm, nhằm đảm bảo thực hiện kế hoạch Nhà nước dài hạn.

- Hợp đồng ngắn hạn là hợp đồng có giá trị từ một năm trở xuống, nhằm đảm bảo thực hiện kế hoạch Nhà nước hàng quý, hàng năm.

Điều 6. - Nội dung hợp đồng cần ghi những điểm căn bản sau đây:

- Mặt hàng, số lượng hay trọng lương, phẩm chất, quy cách, bao bì.

-Thời gian hoàn thành, thời gian giao nhận.

- Giá cả, điều kiện thanh toán, thể thức, địa điểm giao nhận hàng.

- Các điều khoản bồi thường.

- Tên xí nghiệp, cơ quan, tư cách pháp nhân người ký kết.

Ngoài ra, tùy đặc điểm của từng hợp đồng mà bổ sung những điều cần thiết cho thích hợp và chặt chẽ.

Điều 7. – Trách nhiệm ký kết hợp đồng là trách nhiệm của Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng, Tổng cục trưởng hoặc Tổng cục phó, Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Ủy ban hành chính địa phương, Giám đốc hoặc phó giám đốc các xí nghiệp quốc doanh trung ương hoặc địa phương, Chủ nhiệm hoặc Phó chủ nhiệm Công ty địa phương.

- Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng, Tổng cục trưởng hoặc Tổng cục phó, Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Ủy ban hành chính địa phương, ký kết loại hợp đồng dài hạn và hợp đồng nguyên tắc, có quan hệ giữa hai hay nhiều ngành ở trung ương hoặc ở địa phương để làm cơ sở cho các cơ quan, các xí nghiệp trực thuộc, trực tiếp ký kết hợp đồng cụ thể.

- Giám đốc hoặc Phó giám đốc các xí nghiệp quốc doanh, Thủ trưởng cơ quan trung ương và địa phương, Chủ nhiệm hoặc Phó chủ nhiệm các Công ty địa phương ký kết loại hợp đồng ngắn hạn, là hợp đồng cụ thể giữa các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước trong phạm vi chức trách của mình.

Nếu ủy quyền cho người khác ký thay, phải có giấy tờ hợp lệ, và người ủy quyền phải chịu trách nhiệm như chính mình ký.

Điều 8. - Thực hiện đúng hợp đồng là nghĩa vụ của hai bên đã ký kết đối với Nhà nước; đồng thời cũng là trách nhiệm giữa đôi bên ký kết.

Nếu một bên không tôn trong hợp đồng, gây thiệt hại cho việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, gây thiệt hại cho bên kia, thì phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại ấy và bên bị thiệt hại có quyền khiếu nại với Hội đồng trọng tài.

Chương 3:

HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI

Điều 9. - Ở các cấp trung ương, khu, thành phố, tỉnh và ở mỗi Bộ chủ quản xí nghiệp đều tổ chức Hội đồng trọng tài.

Tổ chức Hội đồng trọng tài các cấp sẽ có Nghị định riêng.

Điều 10. - Để đảm bảo tính chất pháp lý của việc ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng, nhằm hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước, Hội đồng trọng tài các cấp có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Căn cứ theo chủ trương của Chính phủ và kế hoạch Nhà nước, xử lý những vụ tranh chấp về từ chối ký kết hợp đồng và vi phạm hợp đồng đã ký kết.,

- Đề ra những biện pháp để kịp thời ngăn ngừa và hạn chế những tổn thất có thể xảy ra, vì không chấp hành đúng hợp đồng.

Điều 11. - Đối với những vụ tranh chấp về từ chối ký kết hợp đồng và vi phạm hợp đồng đã ký kết, Hội đồng trọng tài các cấp xử lý như sau:

- Buộc bên từ chối ký kết hợp đồng phải ký kết hợp đồng, trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

- Quyết định bên không thực hiện đúng hợp đồng phải bồi thường về kinh tế cho bên bị thiệt hại.

- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thi hành kỷ luật hành chính đối với người ký kết hợp đồng và bên không thực hiện đúng hợp đồng.

Điều 12. – Quyết định của Hội đồng trọng tài các cấp sau khi công bố có hiệu lực pháp lý. Các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước, sau khi nhận được quyết định của Hội đồng trọng tài trực tiếp xử lý, phải thi hành ngay. Nếu có điều gì khiếu nại đến Hội đồng trọng tài cấp trên, trong khi chờ đợi giải quy hoạch quyết, vẫn phải thi hành quyết định ấy.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. - Bản điều lệ tạm thời này có hiệu lực thi hành sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành những nguyên tắc, thể lệ cụ thể, biểu mẫu ký kết các loại hợp đồng.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 020-TTg năm 1960 về việc tổ chức một Hội đồng trọng tài ở các cấp trung ương, khu, thành phố, tỉnh và ở mỗi Bộ chủ quản lý xí nghiệp do Thủ Tướng ban hành

  • Số hiệu: 020-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 14/01/1960
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 29/01/1960
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản