Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Luật số: 40/2024/QH15 | Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2024 |
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CẢNH VỆ
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ số 13/2017/QH14.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ
1. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 3 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng và đối tượng khác được áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định của Luật này.”;
b) Bổ sung các khoản 7, 8, 9 và 10 vào sau khoản 6 như sau:
“7. Chế độ cảnh vệ là những chính sách mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dành cho đối tượng cảnh vệ quy định tại Luật này.
8. Kiểm tra an ninh, an toàn là biện pháp cảnh vệ được lực lượng Cảnh vệ áp dụng để phát hiện vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất cháy, chất độc sinh học, chất độc hóa học, chất phóng xạ và các yếu tố khác nhằm kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ mất an ninh, an toàn cho đối tượng cảnh vệ.
9. Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống là biện pháp cảnh vệ được lực lượng Cảnh vệ áp dụng nhằm kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ đầu độc, ngộ độc từ thức ăn, nước uống.
10. Sử dụng thẻ, phù hiệu là biện pháp cảnh vệ được lực lượng Cảnh vệ áp dụng để kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra, vào khu vực cảnh vệ.”.
2. Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 6 như sau:
“3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.”.
3. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 10 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung câu dẫn của khoản 1 như sau:
“1. Người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm:”;
b) Sửa đổi, bổ sung các điểm e, g và h khoản 1 như sau:
“e) Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị;
g) Ủy viên Ban Bí thư;
h) Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:
“b) Cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại;”;
d) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 như sau:
“d) Khách mời khác theo đề nghị của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại.”;
đ) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 4 như sau:
“đ) Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức có đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c hoặc d khoản 1 Điều này tham dự; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 hoặc điểm a khoản 2 Điều này tham dự.”;
e) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 và bổ sung khoản 6 vào sau khoản 5 như sau:
“5. Căn cứ tình hình an ninh chính trị trong từng giai đoạn, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định bổ sung đối tượng cảnh vệ và việc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ phù hợp với quy định tại các điều 11, 11a, 12, 12a, 13 và 14 của Luật này.
6. Trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:
“Điều 11. Chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
1. Đối với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ:
a) Được bảo vệ tiếp cận;
b) Được bảo vệ nơi ở;
c) Được bảo vệ nơi làm việc;
d) Được bảo vệ địa điểm hoạt động;
đ) Được bảo đảm an ninh, an toàn về đồ dùng, vật phẩm, thức ăn, nước uống, phương tiện đi lại;
e) Được bố trí xe Cảnh sát giao thông dẫn đường khi đi công tác bằng ô tô; được bố trí toa riêng khi đi công tác bằng tàu hỏa; được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ khi đi công tác bằng tàu bay; được sử dụng tàu riêng có phương tiện dẫn đường, hộ tống bảo vệ khi đi công tác bằng tàu thủy.
2. Đối với nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ:
a) Được bảo vệ tiếp cận;
b) Được bảo vệ nơi ở.
3. Đối với người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị:
a) Được bảo vệ tiếp cận;
b) Được bảo vệ nơi ở;
c) Được bảo vệ nơi làm việc;
d) Được bố trí xe Cảnh sát giao thông dẫn đường khi đi công tác trong nước bằng ô tô trong trường hợp cần thiết.
4. Đối với Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ:
a) Được bảo vệ tiếp cận;
b) Được bố trí xe Cảnh sát giao thông dẫn đường khi đi công tác trong nước bằng ô tô trong trường hợp cần thiết.
5. Trường hợp một người hưởng nhiều chế độ cảnh vệ khác nhau thì người đó được hưởng chế độ cảnh vệ ở mức cao nhất.”.
5. Bổ sung Điều 11a vào sau Điều 11 như sau:
“Điều 11a. Biện pháp cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
1. Đối với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ:
a) Bảo vệ tiếp cận;
b) Vũ trang tuần tra, canh gác nơi ở, nơi làm việc, địa điểm hoạt động;
c) Kiểm tra an ninh, an toàn nơi ở, nơi làm việc, địa điểm hoạt động, đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại;
d) Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng;
đ) Tổ chức khảo sát, nắm tình hình để xây dựng, triển khai phương án bảo vệ;
e) Sử dụng thẻ, phù hiệu;
g) Biện pháp khoa học và công nghệ, sử dụng phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại;
h) Biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.
2. Đối với nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ:
a) Bảo vệ tiếp cận;
b) Vũ trang tuần tra, canh gác nơi ở.
3. Đối với người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị:
a) Bảo vệ tiếp cận;
b) Vũ trang tuần tra, canh gác nơi ở, nơi làm việc;
c) Tổ chức khảo sát, nắm tình hình để xây dựng, triển khai phương án bảo vệ trong trường hợp cần thiết;
d) Sử dụng thẻ, phù hiệu;
đ) Biện pháp khoa học và công nghệ, sử dụng phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại;
e) Biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.
4. Đối với Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ:
a) Bảo vệ tiếp cận;
b) Tổ chức khảo sát, nắm tình hình để xây dựng, triển khai phương án bảo vệ trong trường hợp cần thiết;
c) Sử dụng thẻ, phù hiệu;
d) Biện pháp khoa học và công nghệ, sử dụng phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại;
đ) Biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.
5. Tăng cường lực lượng, phương tiện, biện pháp bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội phức tạp.
6. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết các biện pháp cảnh vệ quy định tại Điều này.”.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:
“Điều 12. Chế độ cảnh vệ đối với khách quốc tế khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam
1. Đối với người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam được hưởng chế độ cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này và được bố trí phương tiện hộ tống theo nghi lễ đối ngoại của Nhà nước.
Đối với người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam được hưởng chế độ cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại và được bố trí phương tiện hộ tống theo nghi lễ đối ngoại của Nhà nước.
2. Đối với cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam được hưởng chế độ cảnh vệ theo quy định tại khoản 4 Điều 11 của Luật này.
Đối với cấp phó của người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam được hưởng chế độ cảnh vệ theo quy định tại khoản 4 Điều 11 của Luật này trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại.
3. Đối với khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc khách mời khác theo đề nghị của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mà không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam thì căn cứ vào yêu cầu đối ngoại và thông lệ quốc tế, đề nghị của phía khách mời và tình hình thực tế để áp dụng một hoặc các chế độ cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này.”.
7. Bổ sung Điều 12a vào sau Điều 12 như sau:
“Điều 12a. Biện pháp cảnh vệ đối với khách quốc tế khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam
1. Đối với người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11a của Luật này.
Đối với người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11a của Luật này trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại.
2. Đối với cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều 11a của Luật này.
Đối với cấp phó của người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều 11a của Luật này trên nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại.
3. Đối với khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc khách mời khác theo đề nghị của Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mà không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam thì căn cứ vào yêu cầu đối ngoại và thông lệ quốc tế, đề nghị của phía khách mời và tình hình thực tế để áp dụng một hoặc các biện pháp cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11a của Luật này.
4. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết các biện pháp cảnh vệ quy định tại Điều này.”.
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:
“Điều 13. Biện pháp cảnh vệ đối với khu vực trọng yếu
1. Vũ trang tuần tra, canh gác.
2. Kiểm tra, kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực.
3. Kiểm tra an ninh, an toàn.
4. Biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.
5. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết các biện pháp cảnh vệ quy định tại Điều này.”.
9. Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 14 như sau:
“3. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết các biện pháp cảnh vệ quy định tại Điều này.”.
10. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 15 như sau:
“1. Có quyền yêu cầu lực lượng Cảnh vệ thực hiện biện pháp, chế độ cảnh vệ theo quy định của Luật này;”.
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16 như sau:
“1. Lực lượng Cảnh vệ bao gồm:
a) Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an; cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của đơn vị thuộc phòng của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định khi cần thiết, căn cứ yêu cầu bảo vệ đối tượng cảnh vệ;
b) Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Cục Bảo vệ an ninh Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng.”.
12. Bổ sung một số điểm, khoản của Điều 18 như sau:
a) Bổ sung các điểm g, h và i vào sau điểm e khoản 1 như sau:
“g) Huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và lực lượng khác tham gia, phối hợp thực hiện công tác cảnh vệ;
h) Huấn luyện nâng cao; huấn luyện đặc thù; huấn luyện, diễn tập phương án tác chiến; ra quân thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ;
i) Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ phục vụ nhiệm vụ cảnh vệ.”;
b) Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 như sau:
“3. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ huấn luyện nâng cao; huấn luyện đặc thù; huấn luyện, diễn tập phương án tác chiến; ra quân thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Công an.”.
13. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 20 như sau:
a) Bổ sung điểm g1 và điểm g2 vào sau điểm g khoản 1 như sau:
“g1) Quyết định phát hành thẻ, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ;
g2) Trong trường hợp do quy định của pháp luật nước sở tại hoặc các nguồn nhân lực và phương tiện, thiết bị cần mang theo không đáp ứng được công tác cảnh vệ, quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 10 của Luật này khi đi công tác nước ngoài;”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội có quyền hạn quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, g1, g2 và h khoản 1 Điều 20 của Luật này.”.
14. Bổ sung Điều 20a vào sau Điều 20 như sau:
“Điều 20a. Giấy bảo vệ đặc biệt
1. Giấy bảo vệ đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Công an cấp cho sĩ quan cảnh vệ thuộc Bộ Công an, sĩ quan cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng để thực hiện công tác cảnh vệ.
2. Giấy bảo vệ đặc biệt chỉ được sử dụng khi thực hiện công tác cảnh vệ; sĩ quan cảnh vệ phải báo cáo ngay lãnh đạo đơn vị trực tiếp quản lý trong trường hợp Giấy bảo vệ đặc biệt được cấp bị mất, hư hỏng.
3. Bộ trưởng Bộ Công an quy định mẫu, việc quản lý, sử dụng, cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, tiêu hủy Giấy bảo vệ đặc biệt.”.
15. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 25 như sau:
“4. Chỉ đạo các đơn vị thuộc lực lượng Công an nhân dân tổ chức thực hiện công tác cảnh vệ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; hướng dẫn nghiệp vụ cảnh vệ.”.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28 tháng 6 năm 2024.
| CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Luật số: /2023/QH15 |
|
DỰ THẢO 2 |
|
LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CẢNH VỆ
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ số 13/2017/QH14.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ số 13/2017/QH14
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:
Bổ sung các khoản sau vào sau khoản 6 Điều 3:
"7. Chế độ cảnh vệ là những chính sách mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dành cho đối tượng cảnh vệ quy định tại Điều 10 Luật này được thụ hưởng và được đảm bảo thực hiện.
8. Kiểm tra an ninh, an toàn là biện pháp nghiệp vụ cảnh vệ được lực lượng Cảnh vệ áp dụng nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ mất an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ.
9. Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống là biện pháp nghiệp vụ cảnh vệ được lực lượng Cảnh vệ áp dụng nhằm kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ đầu độc, ngộ độc từ thức ăn, nước uống.
10. Thẻ, phù hiệu là biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Cảnh vệ.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:
Bổ sung 01 khoản sau khoản 2 Điều 6
"3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này".
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 1 như sau:
“e) Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”.
b) Sửa đổi, bổ sung điểm h khoản 1 như sau:
“h. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ”
c) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 4 như sau:
“đ. Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ tổ chức; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này tham dự hoặc chủ trì”.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:
Tách Điều 11 thành 02 điều luật
Điều 11. Chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam
1. Chế độ cảnh vệ đối với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ
a) Được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận;
b) Được bảo vệ nơi ở;
c) Được bảo vệ nơi làm việc;
d) Được bảo vệ địa điểm hoạt động;
đ) Được bảo đảm an ninh, an toàn về đồ dùng, vật phẩm, thức ăn, nước uống, phương tiện đi lại;
e) Khi đi công tác bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường; đi bằng tàu hỏa được bố trí toa riêng; đi bằng tàu bay được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ; đi bằng tàu thủy được sử dụng tàu riêng có phương tiện dẫn đường, hộ tống bảo vệ.
2. Chế độ cảnh vệ đối với nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ
a) Được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận;
b) Được bảo vệ nơi ở;
3. Chế độ cảnh vệ đối với Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
a) Được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận;
b) Được bảo vệ nơi ở;
c) Được bảo vệ nơi làm việc;
d) Khi đi công tác trong nước bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.
4. Chế độ cảnh vệ đối với Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ
a) Được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận;
b) Khi đi công tác trong nước bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.
5. Trường hợp một người hưởng nhiều chế độ cảnh vệ khác nhau thì người đó được hưởng chế độ cảnh vệ ở mức cao nhất.
Điều 11a. Biện pháp cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam
1. Đối với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ
a) Bảo vệ tiếp cận;
b) Vũ trang, tuần tra, canh gác;
c) Kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi;
d) Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng;
đ) Bố trí lực lượng đi trước nắm tình hình để triển khai kế hoạch, phương án bảo vệ;
e) Sử dụng khoa học và công nghệ, phương tiện trang thiết bị kỹ thuật hiện đại;
g) Sử dụng thẻ, phù hiệu;
h) Biện pháp khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.
2. Đối với nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ
Áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này.
3. Chế độ cảnh vệ đối với Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
a) Được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận;
b) Được bảo vệ nơi ở;
c) Được bảo vệ nơi làm việc;
d) Khi đi công tác trong nước bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.
4. Biện pháp cảnh vệ đối với Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ
a) Áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại điểm a, điểm e, điểm g và điểm h khoản 1 Điều này;
b) Bố trí lực lượng đi trước nắm tình hình để triển khai kế hoạch, phương án bảo vệ trong trường hợp cần thiết.
5. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể nội dung, điều kiện, thẩm quyền, trình tự thủ tục và trách nhiệm áp dụng các biện pháp cảnh vệ quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:
Tách Điều 12 thành 02 điều luật
Điều 12. Chế độ cảnh vệ đối với khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam
1. Đối với Người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam được hưởng chế độ cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này và được bố trí phương tiện hộ tống theo nghi lễ đối ngoại của Nhà nước.
Đối với Người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước khi đến thăm và làm việc tại Việt Nam, được áp dụng chế độ cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này trên cơ sở có đi có lại và được bố trí phương tiện hộ tống theo nghi lễ đối ngoại của Nhà nước.
2. Cấp phó của Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam được hưởng chế độ cảnh vệ quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 11 của Luật này.
3. Khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mà không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam thì căn cứ vào yêu cầu đối ngoại và thông lệ quốc tế, đề nghị của phía khách mời và tình hình thực tế để áp dụng một hoặc các chế độ cảnh vệ quy định tại tại khoản 1 Điều 11 của Luật này.
Điều 12a. Biện pháp cảnh vệ đối với khách quốc tế khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam
1. Đối với Người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam, áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11a của Luật này.
Đối với Người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước khi đến thăm và làm việc tại Việt Nam, được áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11a của Luật này trên cơ sở có đi có lại.
2. Đối với cấp phó của Người đứng đầu Nhà nước, Cơ quan lập pháp, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam
Áp dụng biện pháp cảnh vệ quy định tại điểm a, điểm e và điểm g và điểm h khoản 1 Điều 11a của Luật này.
3. Đối với khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mà không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam thì căn cứ vào yêu cầu đối ngoại và thông lệ quốc tế, đề nghị của phía khách mời và tình hình thực tế để áp dụng một hoặc các biện pháp cảnh vệ quy định tại tại khoản 1 Điều 11a của Luật này.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:
“c) Kiểm tra an ninh, an toàn”.
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:
“b) Kiểm tra an ninh, an toàn”.
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16 như sau:
“1. Lực lượng Cảnh vệ gồm cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ thuộc Bộ Công an và cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng".
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:
a) Bổ sung điểm h, điểm i vào sau điểm g khoản 1 Điều 20 như sau:
"h) Quyết định phát hành thẻ, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ trong nước và nước ngoài; trong trường hợp cần thiết, quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài.
i) Xử phạt vi phạm hành chính trong khi thi hành công vụ theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”.
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
2. Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội có quyền hạn quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, h, i và j khoản 1 Điều 20 của Luật này
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
Bổ sung điểm h vào sau điểm g như sau:
"Xử phạt vi phạm hành chính trong khi thi hành công vụ theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính".
9. Bổ sung Điều 20a sau Điều 20; cụ thể như sau:
Điều 20a. Sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt
1. Giấy Bảo vệ đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Công an cấp cho sĩ quan cảnh vệ sử dụng để thực hiện công tác cảnh vệ.
2. Khi sử dụng, sĩ quan cảnh vệ xuất trình Giấy Bảo vệ đặc biệt cùng Giấy Chứng minh Công an nhân dân hoặc Giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu công tác cảnh vệ khi sĩ quan cảnh vệ xuất trình Giấy Bảo vệ đặc biệt.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực kể từ ngày tháng năm
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa , kỳ họp thứ thông qua ngày tháng năm
| CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
- 1Quyết định 1636/QĐ-TTg năm 2017 về kế hoạch triển khai thi hành Luật Cảnh vệ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 90/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cảnh vệ
- 3Thông báo 48/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về các Dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi) và các Đề nghị xây dựng: Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) do Văn phòng Chính phủ ban hành