Hệ thống pháp luật

KHUYẾN NGHỊ CỦA UNESCO

VỀ CÁC NGUYÊN TẮC QUỐC TẾ ÁP DỤNG CHO KHAI QUẬT KHẢO CỔ

"KHUYẾN NGHỊ NEW DELHI", 1956

Đại hội đồng của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), họp tại New Delhi từ ngày 05 tháng 11 đến ngày 05 tháng 12 năm 1956, kỳ họp thứ 9.

Cho rằng việc đảm bảo chắc chắn nhất cho công tác bảo tồn các công trình và tác phẩm của quá khứ nằm chính ở sự tôn trọng và tình cảm mà các dân tộc dành cho những công trình và tác phẩm đó, và tình cảm của họ sẽ được khích lệ nhiều hơn nhờ có những biện pháp phù hợp mà qua đó các Nước thành viên mong muốn phát triển khoa học và quan hệ quốc tế.

Bị thuyết phục bởi những tình cảm được khơi dậy từ sự trưng bày và nghiên cứu các tác phẩm của quá khứ sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia và đó chính là khao khát tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực này và xa hơn nữa, bằng mọi cách có thể, hoàn thành nhiệm vụ xã hội của chính đất nước mình.

Cho rằng trong khi từng nước đang trực tiếp quan tâm tới những khám phá khảo cổ trên lãnh thổ của nước mình thì cộng đồng quốc tế với tư cách là một thể thống nhất cũng đang hưởng lợi từ những khám phá đó.

Cho rằng lịch sử của loài người chứa đựng tri thức của tất cả các nền văn minh khác nhau; và rằng vì lợi ích chung, cần thiết phải nghiên cứu những di vật khảo cổ đó và nếu có thể bảo tồn và bảo quản chúng.

Mong muốn các cơ quan quốc gia chịu trách nhiệm bảo vệ di sản khảo cổ cần tuân theo các nguyên tắc chung vốn đã được kiểm nghiệm và được các cơ quan khảo cổ quốc gia thực thi.

Thống nhất ý kiến rằng do quy định về khảo cổ là tiên quyết trong luật pháp của từng quốc gia nên nguyên tắc này cần phù hợp với những quy định đó và được hiểu một cách rộng rãi và chấp nhận tự nguyện trong hợp tác quốc tế.

Trước khi có nguyên tắc này, đã có những đề xuất liên quan đến các nguyên tắc quốc tế áp dụng cho khai quật khảo cổ, được ghi tại các mục 9.4.3 trong chương trình nghị sự của kỳ họp.

Đã quyết định tại kỳ họp thứ 8 rằng những đề xuất này cần được xây dựng thành quy định ở cấp quốc tế dưới hình thức lập một bản khuyến nghị cho các Nước thành viên.

Thông qua, ngày 05 tháng 12 năm 1956, Bản khuyến nghị như sau:

Đại hội đồng khuyến nghị các Nước thành viên nên áp dụng những điều khoản sau bằng cách ban hành vào bản qui phạm pháp luật hay bằng những biện pháp cần thiết khác, trong khuôn khổ nước mình nhằm thực hịên những nguyên tắc và quy định ghi trong Bản khuyến nghị này.

Đại hội đồng khuyến nghị các Nước thành viên cần gửi Bản khuyến nghị này cho các cơ quan chức trách và tổ chức có liên quan đến khai quật khảo cổ và bảo tàng.

Đại hội đồng khuyến nghị các Nước thành viên nên lập báo cáo vào các ngày và theo cách thức do Hội nghị toàn thể quy định về những hành động mà họ đã thực hiện nhằm đưa Bản khuyến nghị này vào hiệu lực.

I. ĐỊNH NGHĨA

Khai quật khảo cổ

1. Vì mục đích của Bản khuyến nghị này, khai quật khảo cổ nghĩa là thực thi bất kỳ nghiên cứu nào nhằm mục đích khám phá những hiện vật có đặc điểm khảo cổ, không kể nghiên cứu đó có liên quan đến việc đào đất hoặc khai thác có hệ thống bề mặt của đất hoặc được tiến hành trong lòng đất hoặc tại tầng đất hoặc tại vùng lãnh thổ của một Nước thành viên.

Tài sản được bảo vệ

2. Các điều khoản trong Bản khuyến nghị này áp dụng cho bất kỳ di vật nào mà việc bảo tồn nó là vì lợi ích chung xét theo khía cạnh lịch sử hoặc nghệ thuật và kiến trúc, mỗi Nước thành viên tự nguyện chấp nhận những tiêu chuẩn phù hợp nhất để đánh giá lợi ích chung của mỗi hiện vật tìm được trong phạm vi lãnh thổ của mình. Nói cụ thể hơn, các điều khoản của Bản khuyến nghị này sẽ áp dụng cho bất kỳ công trình và động sản hay bất động sản nào có đặc điểm khảo cổ xét theo nghĩa rộng.

3. Tiêu chuẩn áp dụng cho việc đánh giá lợi ích chung của di vật khảo cổ có thể thay đổi tuỳ theo đó là vấn đề bảo tồn tài sản hay là nghĩa vụ của người khai quật hoặc người tìm ra phải công bố khám phá của mình.

Trong trường hợp đầu (bảo tồn tài sản), tiêu chuẩn được dựa trên việc bảo tồn tất cả những hiện vật có nguồn gốc trước một thời điểm nào đó cần được huỷ bỏ và thay thế bằng tiêu chuẩn mà theo đó việc bảo vệ được mở rộng cho tất cả những hiện vật thuộc vào một thời kỳ xác định hoặc có một tuổi thọ tối thiểu được ấn định theo luật.

Trong trường hợp sau (nghĩa vụ của người khai quật hoặc người tìm ra phải công bố khám phá của mình), mỗi Nước thành viên cần chấp nhận những tiêu chuẩn rộng hơn, buộc người khai quật hay người tìm ra phải công bố bất kỳ hiện vật nào có đặc điểm khảo cổ, dù hiện vật đó là động sản hay bất động sản mà anh ta có thể tìm thấy.

II. CÁC NGUYÊN TẮC CHUNG

Bảo vệ di sản khảo cổ học

4. Mỗi Nước thành viên cần đảm bảo việc bảo vệ di sản khaỏ cổ học của nước mình, xem xét kỹ lưỡng những vấn đề nảy sinh liên quan đến việc khai quật và tuân theo những điều khoản của Bản khuyến nghị này.

5. Cụ thể mỗi Nước thành viên nên:

a. khai phá và khai quật khảo cổ cần có sự uỷ quyền ưu tiên của cơ quan có thẩm quyền;

b. bắt buộc bất kỳ ai tìm kiếm di vật khảo cổ phải thông báo vào ngày sớm nhất có thể cho các cơ quan có thẩm quyền;

c. áp dụng hình phạt đối với bất kỳ ai vi phạm những quy định này;

d. tịch thu những hiện vật nào không thông báo;

e. xác định tư cách pháp lý của địa tầng khảo cổ được công nhận địa tầng khảo cổ thuộc chủ quyền quốc gia và đặc biệt ghi điều này vào văn bản qui phạm pháp luật;

f. coi việc phân loại các công trình lịch sử là yếu tố cần thiết đối với di sản khảo cổ học.

Cơ quan bảo vệ: khai quật khảo cổ

6. Cho dù có những khác biệt về truyền thống và sự mất cân đối về nguồn tài chính buộc tất cả các Nước thành viên không thể cùng chấp nhận một hệ thống đồng nhất về tổ chức trong các cơ quan hành chính chịu trách nhiệm khai quật thì vẫn có những nguyên tắc chung nào đó có thể áp dụng cho tất cả các cơ quan khảo cổ quốc gia:

a. Cơ quan khảo cổ cần, nếu như có thể, trở thành cơ quan hành chính trung ương, hoặc ở mọi cấp, trở thành một tổ chức được luật pháp quy định cho những phương tiện cần thiết để tiến hành bất kỳ biện pháp khẩn cấp nào có thể phát sinh. Bên cạnh bộ máy hành chính chung cho công việc khảo cổ, cơ quan này cần hợp tác với các viện nghiên cứu và các trường đại học về đào tạo kỹ thuật cho các nhà khai quật. Cơ quan này cũng nên thiết lập một phòng tư liệu trung tâm, bao gồm bản đồ về những động sản hoặc bất động sản và những phòng tư liệu nhánh cho tất cả các bảo tàng, các bộ sưu tập gốm sứ hay tranh tượng. ..vv.

b. Cần thực hiện những biện pháp đảm bảo cụ thể việc cấp vốn đều đặn: (i) quản lý các cơ quan theo phương pháp phù hợp; (ii) triển khai chương trình làm việc tương xứng với các nguồn lực khảo cổ của đất nước, bao gồm xuất bản ấn phẩm khoa học; (iii) kiểm soát những khám phá ngẫu nhiên; (iv) bảo tồn và bảo vệ những địa danh và công trình khai quật.

7. Mỗi Nước thành viên cần giám sát chặt chẽ công việc phục chế di vật và hiện vật khảo cổ được khám phá.

8. Phải nhận được sự chấp thuận trước từ các cơ quan chức trách có thẩm quyền đối với việc di chuyển bất kỳ công trình nào mà lẽ ra phải được bảo tồn ở đúng chỗ của nó.

9. Mỗi Nước thành viên cần coi việc duy trì nguyên trạng không khai quật một phần hay toàn bộ một số địa danh khảo cổ ở những thời điểm khác nhau để việc khai quật có thể tận dụng được tối đa kỹ thuật hiện đại và tri thức khảo cổ tiên tiến. Trên mỗi địa danh khảo cổ lớn đang được khai quật ở mức mà điều kiện đất đai cho phép, những vùng được xác định là “bằng chứng” cần được để nguyên không khai quật ở một số chỗ nhằm triển khai những bước kiểm tra cuối cùng về địa tầng và cấu tạo khảo cổ của địa danh đó.

Quá trình hình thành các bộ sưu tập trung ương và khu vực

10. Do khảo cổ học là một ngành khoa học so sánh, vậy nên cần chú ý trong quá trình xây dựng và tổ chức các bảo tàng và bộ sưu tập sao cho công việc so sánh càng được thuận lợi nhiều càng tốt. Vì mục đích này, những bộ sưu tập trung ương và khu vực cần được thiết lập, hoặc trong những trường hợp ngoại lệ, những bộ sưu tập địa phương về những địa danh khảo cổ đặc biệt quan trọng (những bộ sưu tập nhỏ phân tán) nên để cho số ít người tiếp cận. Quá trình thiết lập này cần có tính vĩnh cửu, đơn giản về thủ tục hành chính và có đủ số nhân viên khoa học cần thiết để đảm bảo thực hiện bảo tồn hiện vật trưng bày.

11. Ở những địa danh khảo cổ quan trọng, một triển lãm nhỏ có tính giáo dục, có thể là một bảo tàng, cần được thiết lập để truyền đạt cho người xem niềm thích thú và sự quan tâm tới di vật khảo cổ.

Giáo dục công chúng

12. Cơ quan có thẩm quyền nên bắt đầu thực hiện những biện pháp có tính giáo dục nhằm khơi dậy và phát triển sự tôn trọng và tình cảm của công chúng đối với những di vật của quá khứ bằng cách dạy lịch sử, cho phép sinh viên tham gia vào một số hoạt động khai quật, xuất bản ấn phẩm về thông tin khảo cổ với tác giả là những chuyên gia khảo cổ được công nhận, tổ chức những chuyến đi du lịch có hướng dẫn, triển lãm và diễn thuyết về những biện pháp khảo cổ và kết quả đạt được, công khai những địa danh khảo cổ đã được khai phá và những hiện vật được tìm thấy, phát hành chuyên khảo rẻ tiền và đơn giản dễ hiểu. Để khuyến khích công chúng tới thăm địa danh khảo cổ, các Nước thành viên cần sắp xếp tạo điều kiện cho họ tiếp cận.

III. CÁC QUY ĐỊNH UỶ QUYỀN CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI KHAI QUẬT

13. Mỗi Nước thành viên nơi sẽ tiến hành khai quật cần thể hiện vai trò chủ nhà tích cực trong việc quy định cấp phép khai quật, điều kiện cần phải có đối với người khai quật, quy định các cơ quan có thẩm quyền giám sát việc khai quật, thời hạn cho phép khai quật, lý giải nguyên nhân rút lui hay trì hoãn công việc hoặc chuyển giao từ người được uỷ quyền khai quật cho cơ quan khảo cổ quốc gia.

14. Các điều kiện áp dụng cho người khai quật nước ngoài cũng là các điều kiện áp dụng cho người khai quật trong nước. Do đó, văn bản cho phép cần bao gồm những quy định riêng biệt không có tính bắt buộc chung.

Phối hợp quốc tế

15. Vì lợi ích cao hơn cho khảo cổ học và phối hợp quốc tế, các Nước thành viên cần khuyến khích khảo cổ bằng một chính sách tự do. Các nước có thể cho phép các cá nhân đủ trình độ hay các cơ quan đủ năng lực, không phụ thuộc vào quốc tịch, đăng ký xin cấp phép được khai quật. Các Nước thành viên cần khuyến khích các nhóm tổng hợp các nhà khoa học của chính nước đó hoặc và các thiết chế khảo cổ tiêu biểu của nước ngoài hoặc các phái bộ quốc tế thực hiện việc khai quật.

16. Khi một phái bộ nước ngoài được cấp phép, đại diện của nước cấp phép được chỉ định, nếu có thể, là một nhà khảo cổ học có năng lực giúp đỡ phái bộ đó và phối hợp hành động.

17. Nếu thiếu các nguồn lực cần thiết để tổ chức khai quật khảo cổ ở nước ngoài, các Nước thành viên cần được chấp thuận gửi các nhà khảo cổ học tới địa danh khảo cổ đang được các Nước thành viên khác khai quật với sự đồng ý của trưởng đoàn khai quật.

18. Mỗi Nước thành viên nếu thiếu các nguồn lực kỹ thuật hay nguồn lực khác để tiến hành khai quật về mặt khoa học cũng có thể kêu gọi sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài hoặc phái bộ nước ngoài.

Bảo đảm tương hỗ

19. Uỷ quyền tiến hành khai quật chỉ nên cấp cho những cơ quan tổ chức có đại diện là những nhà khảo cổ học có đủ trình độ hoặc những cá nhân không bị nghi ngờ về năng lực khoa học, đạo đức và tài chính để bảo đảm bất kỳ công việc khai quật nào cũng được hoàn thành theo đúng những điều khoản quy định trong văn bản cấp phép và trong thời hạn xác định.

20. Mặc khác, khi các nhà khảo cổ học nước ngoài được cấp phép, cần cho họ một thời hạn đủ để thực hiện công việc, bảo vệ an toàn cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho họ hoàn thành nhiệm vụ và đảm bảo công việc của họ không bị gián đoạn, chẳng hạn như buộc họ tuân theo những lý do pháp lý phải ngừng công việc trong một khoảng thời gian nào đó.

Bảo tồn di vật khảo cổ

21. Văn bản cấp phép cần quy định rõ nghĩa vụ của người khai quật trong và khi hoàn thành công việc. Cụ thể là văn bản cần ghi rõ về việc bảo vệ, bảo quản và phục chế tại địa danh khai quật cùng việc bảo tồn những hiện vật và công trình được tìm thấy trong và sau khi hoàn thành công việc. Hơn thế nữa, văn bản cũng ghi rõ những gì các nhà khảo cổ có thể mong đợi ở nước cấp phép sau khi hoàn thành công việc được minh chứng là nặng nề này.

Đánh giá địa danh khai quật

22. Chuyên gia có năng lực bất kể quốc tịch nào cần được phép đến địa danh, với sự đồng ý của trưởng đoàn khai quật, trước khi báo cáo công việc được chính thức công bố, thậm chí ngay cả khi công việc đang được tiến hành. Đặc quyền này sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi khoa học của nhà khai quật đối với những gì được tìm thấy.

Nhượng lại hiện vật tìm thấy

23.

a. Mỗi Nước thành viên cần xác định rõ những nguyên tắc có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ nước mình đối với vấn đề chuyển nhượng những hiện vật được khai quật.

b. Trước tiên cần đưa những hiện vật này vào bảo tàng quốc gia nơi tiến hành khai quật, hoàn thiện những bộ sưu tập biểu trưng cho nền văn minh, lịch sử, nghệ thuật và kiến trúc của quốc gia đó.

c. Với mục tiêu chính là thúc đẩy nghiên cứu khảo cổ thông qua phân phối di vật gốc, nhà chức trách nước cấp phép khai quật, sau khi xuất bản ấn phẩm khoa học, có thể xem xét trao cho người khai quật được cấp phép một số di vật từ công trình khai quật của người này, bao gồm cả bản gốc thứ hai, nói một cách rộng hơn là trong công trình khai quật này có những hiện vật hoặc một nhóm hiện vật giống nhau. Việc trao cho người khai quật những hiện vật thu được cần tuân theo điều kiện là những hiện vật này phải được trao cho trung tâm khoa học mà trong một khoảng thời gian xác định sẽ được giới thiệu trước công chúng, và cũng với điều kiện là nếu điều kiện trên không được đáp ứng, hoặc bị ngừng thi hành, những hiện vật được trao tặng này sẽ phải trả lại cho nước cấp phép khai quật.

d. Xuất khẩu tạm thời những hiện vật tìm thấy, không bao gồm hiện vật có nguy cơ dễ vỡ hoặc ảnh hưởng đến nguyên trạng hoặc có tầm quan trọng quốc gia, phải theo yêu cầu được uỷ quyền từ cơ quan khoa học nhà nước hoặc tư nhân nếu việc nghiên cứu những hiện vật này ở nước cấp phép là không thể thực hiện được do thiếu phương tiện khoa học kỹ thuật hay tài liệu cần thiết, hoặc nếu gặp khó khăn không thể tiếp cận được.

e. Mỗi Nước thành viên cần xem xét nhượng lại, trao đổi hoặc gửi bán ở các bảo tàng nước ngoài những hiện vật mà không yêu cầu phải đưa vào các bộ sưu tập quốc gia.

Quyền và nghĩa vụ của người khai quật

24.

a. Nước cấp phép cần đảm bảo cho người khai quật được hưởng quyền lợi về khoa học trong lĩnh vực của mình trong một khoảng thời gian hợp lý.

b. Nước cấp phép nên yêu cầu người khai quật công bố kết quả công việc của mình trong khoảng thời gian xác định ghi trong văn kiện, hoặc, nếu không thực hiện được quy định này, trong một khoảng thời gian phù hợp. Khoảng thời gian này không được vượt quá hai năm đối với bản báo cáo sơ bộ. Trong khoảng thời gian năm năm sau khi phát hiện, các cơ quan khảo cổ có thẩm quyền cần cam kết sẽ không đưa ra bộ sưu tập di vật tìm được, cũng không công bố tài liệu khoa học tương ứng cho một công trình nghiên cứu chi tiết nếu như chưa có báo cáo bằng văn bản của người khai quật. Cũng tuân theo những điệu kiện đó, những cơ quan chức trách này cần cấm chụp ảnh hay sao chép những di vật khảo cổ mà chưa được công bố. Trong trường hợp cần thiết xin phép xuất bản đồng thời báo cáo sơ bộ ở cả hai nước (nước cấp phép và nước của người được cấp phép khai quật), người khai quật cần trình bản sao báo cáo sơ bộ của mình cho các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.

c. Các ấn phẩm khoa học về nghiên cứu khảo cổ và được phát hành bằng ngôn ngữ không được sử dụng rộng rãi cần đính kèm bản tóm tắt, và nếu có thể, danh mục nội dung và đoạn thuyết minh được minh hoạ bằng những ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi.

Cung cấp tư liệu về công trình khai quật

25. Theo các quy định trong Mục 24, các cơ quan khảo cổ quốc gia cần, với toàn bộ khả năng có thể, xây dựng bộ tư liệu riêng của mình và chuẩn bị sẵn di vật khảo cổ để cho người khai quật và chuyên gia có đủ năng lực kiểm tra và nghiên cứu, đặc biệt là cho những người đã được cấp phép ở một địa danh cụ thể hoặc những người mong muốn được cấp phép.

Hội nghị khu vực và thảo luận khoa học

26. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu những vấn đề thuộc diện quan tâm chung, các Nước thành viên có thể thỉnh thoảng triệu tập các hội nghị khu vực với sự tham dự của các đại diện, hoặc các cơ quan khảo cổ của các nước hữu quan. Tương tự, mỗi Nước thành viên nên khuyến khích các nhà khai quật thường xuyên gặp gỡ để trao đổi về khoa học.

IV. BUÔN BÁN ĐỒ CỔ

27. Với sự quan tâm nhiều hơn về di sản khảo cổ chung, các Nước thành viên cần xem xét thông qua các quy định về buôn bán đồ cổ để đảm bảo rằng việc buôn bán đồ cổ không khuyến khích nạn buôn lậu di vật khảo cổ hoặc không gây ảnh hưởng bất lợi đến việc bảo vệ các địa danh và thu thập di vật để trưng bày trước công cộng.

28. Các bảo tàng nước ngoài có thể, nhằm thực hiện các mục đích khoa học và giáo dục, thu nhận hiện vật không thuộc diện hạn chế hoặc bị cấm theo pháp luật hiện hành tại nước xuất xứ hiện vật.

V. NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG KHAI QUẬT TRÁI PHÉP VÀ XUẤT KHẨU DI VẬT KHẢO CỔ

Bảo vệ địa danh khảo cổ khỏi nguy cơ khai quật lén lút và gây hư hại

29. Mỗi Nước thành viên cần thực hiện những biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn khai quật lén lút và gây hư hại có thể xảy ra đối với các công trình ghi trong các Mục 2 và 3 nói trên, và ngăn chặn xuất khẩu những hiện vật có được từ việc khai quật trái phép đó.

Hợp tác quốc tế về các biện pháp ngăn chặn

30. Cần thực hiện các biện pháp cần thiết để các bảo tàng thu nhận hiện vật khảo cổ biết chắc rằng những hiện vật này có được không phải từ khai quật trái phép, đánh cắp hoặc bằng các hình thức khác mà các nhà chức trách có thẩm quyền của nước xuất xứ hiện vật coi là trái phép. Bất kỳ sự thu nhận nào bị nghi ngờ và tất cả chi tiết nghi vấn đó sẽ được trình cho cơ quan có thẩm quyền. Khi các bảo tàng thu nhận tài sản văn hóa, cần cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến đặc điểm của hiện vật và phương thức thu nhận hiện vật.

Trả lại hiện vật cho nước xuất xứ hiện vật đó

31. Cơ quan khai quật và các bảo tàng cần giúp đỡ lẫn nhau đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hồi những hiện vật có được do khai quật trái phép hoặc đánh cắp hoặc bị xuất khẩu trái phép theo quy định của luật pháp nước xuất xứ. Việc cần làm là mỗi Nước thành viên nên thực hiện những biện pháp cần thiết để đảm bảo việc thu hồi. Những nguyên tắc này cũng được áp dụng cho trường hợp xuất khẩu tạm thời được ghi trong Mục 23 (c), (d) và (e) nói trên, nếu như hiện vật không được hoàn trả theo đúng thời hạn quy định.

VI. KHAI QUẬT Ở NƯỚC BỊ CHIẾM ĐÓNG

32. Trong trường hợp có xung đột, Nước thành viên nào chiếm đóng một nước khác cần hạn chế tiến hành khai quật khảo cổ trên lãnh thổ bị chiếm đóng. Trong trường hợp di vật được tìm thấy trong công việc quân sự, Nước chiếm đóng cần thực hiện những biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ di vật, và sau khi kết thúc chiến tranh cần trao trả lại cho các cơ quan có thẩm quyền của Nước bị chiếm đóng, cùng với tất cả tư liệu liên quan.

VII. THOẢ THUẬN SONG PHƯƠNG

33. Các Nước thành viên cần, trong trường hợp cần thiết hoặc mong muốn ký kết các thoả thuận song phương về những vấn đề cùng quan tâm phát sinh từ việc áp dụng Bản khuyến nghị này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Khuyến nghị của Unesco về nguyên tắc quốc tế áp dụng cho khai quật khảo cổ

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 05/12/1956
  • Nơi ban hành: Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hợp quốc
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1900
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản