- 1Luật Bảo hiểm xã hội 2006
- 2Nghị định 205/2004/NĐ-CP quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước
- 3Nghị định 152/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc
- 4Thông tư liên tịch 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN hướng dẫn thủ tục buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 5Luật bảo hiểm y tế 2008
- 6Nghị định 86/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
- 7Luật thanh tra 2010
- 8Quyết định 1111/QĐ-BHXH năm 2011 về Quy định quản lý thu bảo hiểm xã hội, y tế; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 9Nghị định 103/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động
- 10Nghị định 49/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về tiền lương
- 11Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
- 12Nghị định 182/2013/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động
- 13Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- 14Thông báo 417/TB-VPCP năm 2013 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 15Luật Bảo hiểm xã hội 2014
THANH TRA CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 622/KL-TTCP | Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2015 |
VỀ VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ TẠI MỘT SỐ DOANH NGHIỆP
Thực hiện Chương trình, kế hoạch thanh tra năm 2014 của Thanh tra Chính phủ, Đoàn thanh tra theo Quyết định số 2125/QĐ-TTCP ngày 11/9/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ đã thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) tại một số doanh nghiệp trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Xét Báo cáo kết quả thanh tra ngày 29/01/2015 của Đoàn thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kết luận như sau:
Thực hiện ý kiến kết luận của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thông báo số 417-TB/VPCP ngày 11/11/2013 của Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ đã thành lập Đoàn thanh tra liên ngành (Quyết định số 2125/QĐ-TTCP ngày 11/9/2014) tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại 70 doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương (sau đây gọi tắt là 12 tỉnh). Thời kỳ thanh tra: Từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/7/2014.
Trong tổng số 70 đơn vị được thanh tra tại 12 tỉnh, có 63 doanh nghiệp trong nước, 7 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu thuộc các nhóm ngành, nghề: Sản xuất và chế biến nông sản, sản xuất xi măng, gia công cơ khí, xây dựng hạ tầng và công trình dân dụng, may mặc, thủy sản, nông nghiệp. Tổng số nợ BHXH, BHYT (kể cả lãi chậm đóng) của 70 doanh nghiệp đến 31/7/2014 là 373.161,2 triệu đồng, số tháng nợ trung bình là 26 tháng. Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra trực tiếp tại 68/70 doanh nghiệp trên địa bàn 12 tỉnh (02 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động[1] nên không tiến hành thanh tra trực tiếp).
Các doanh nghiệp được thanh tra nhìn chung đã đăng ký tham gia đóng BHXH, BHYT cho người lao động theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH năm 2006, Điều 12 Luật BHYT năm 2008; lập các biểu mẫu tăng, giảm BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hàng tháng theo biểu mẫu quy định tại Quyết định 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
1. Việc chấp hành pháp luật về thời gian đóng BHXH, BHYT
Qua thanh tra cho thấy: Trong thời kỳ thanh tra từ 01/01/2013 đến 31/7/2014, tất cả 68 doanh nghiệp đều chậm đóng BHXH, BHYT (đóng không đúng thời gian quy định) với thời gian chậm đóng kéo dài từ 4 tháng đến 67 tháng (trung bình 26 tháng), vi phạm Khoản 2 Điều 134 Luật BHXH năm 2006, khoản 1 Điều 11 Luật BHYT năm 2008, việc chậm đóng BHXH vi phạm Điểm a Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (viết tắt là Nghị định số 95/2013/NĐ-CP). Tổng số nợ BHXH, BHYT (kể cả lãi chậm đóng) của 68 doanh nghiệp đến 31/7/2014 là 359.413,5 triệu đồng.
Tính đến ngày 15/01/2015, các doanh nghiệp đã nộp số tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT vào tài khoản của BHXH địa phương được 104.529,7 triệu đồng, đạt 29,08% tổng số nợ đến thời điểm 31/7/2014, trong đó: 9 doanh nghiệp đã nộp 100% số tiền nợ, 48 doanh nghiệp đã nộp một phần, 11 doanh nghiệp chưa nộp (chi tiết theo Biểu số 1).
2. Việc chấp hành pháp luật về mức đóng, phương thức đóng, số người thuộc diện tham gia BHXH, BHYT
2.1. Về mức đóng
Có 5 doanh nghiệp đóng BHXH, BHYT với mức tiền lương, tiền công của 326 lao động thấp hơn mức quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 103/2012/NĐ-CP ngày 04/12/2012, Nghị định số 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, vi phạm Khoản 3 Điều 134 Luật BHXH năm 2006 và Khoản 1 Điều 11 Luật BHYT năm 2008, việc đóng BHXH không đúng mức vi phạm Điểm b Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP; số tiền truy đóng BHXH, BHTN, BHYT 05 doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan BHXH địa phương là 193,4 triệu đồng. Tính đến 15/01/2015, có 02 doanh nghiệp đã nộp số tiền là 65,4 triệu, đạt 33,8% (chi tiết theo Biểu số 2).
2.2. Về phương thức đóng
Qua thanh tra cho thấy: Có 24 doanh nghiệp đã trích từ tiền lương, tiền công của người lao động để đóng BHXH, BHYT nhưng chưa đóng hết cho cơ quan BHXH số tiền lả 32.624,2 triệu đồng, chiếm dụng sử dụng vào mục đích khác (để mua nguyên liệu, vật tư, trả lương cho người lao động...) vi phạm Khoản 2 Điều 43 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, Khoản 1 Điều 136 Luật BHXH năm 2006, Khoản 3 Điều 11 Luật BHYT năm 2008.
Đến ngày 15/01/2015 có 21/24 doanh nghiệp đã nộp về cơ quan BHXH số tiền là 18.559,5 triệu đồng, đạt 56,88% (trọng đó có 12 doanh nghiệp đã nộp hết, 9 doanh nghiệp đã nộp một phần, 3 doanh nghiệp chưa nộp[2]) (chi tiết theo Biểu số 3).
2.3. Về số người thuộc diện tham gia BHXH, BHYT
Qua thanh tra cho thấy:
- Trong tổng số 68 doanh nghiệp được thanh tra có 21 doanh nghiệp đóng không đủ số người (2.063 người) thuộc diện tham gia BHXH, BHYT (dưới các hình thức: Trốn đóng, đóng thiếu thời gian của người lao động...), vi phạm Khoản 4 Điều 134 Luật BHXH năm 2006 và Khoản 1 Điều 11 Luật BHYT năm 2008, việc đóng BHXH không đủ số người thuộc diện tham gia vi phạm Điểm c Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP. Số tiền truy đóng BHXH, BHYT, BHTN các doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan BHXH địa phương là 16.581,86 triệu đồng. Đến ngày 15/01/2015 có 18/21 doanh nghiệp đã nộp hết số tiền truy thu cho cơ quan BHXH là 1.150,1 triệu đồng, đạt 6,9% (còn 03 doanh nghiệp chưa nộp số tiền truy thu[3]) (chi tiết theo Biểu số 4).
- Có 251 người lao động của 12 doanh nghiệp không có tên trong bảng lương (không làm việc tại doanh nghiệp) nhưng có tên trong danh sách tham gia đóng BHXH, BHTN, BHYT (chi tiết theo Biểu số 5). Đây là việc doanh nghiệp đóng không đúng đối tượng tham gia BHXH, BHYT quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2006 và Khoản 1 Điều 12 Luật BHYT năm 2008. Trong quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra đã yêu cầu doanh nghiệp ngừng đóng BHXH, BHTN, BHYT cho 251 người lao động này và thực hiện báo giảm với cơ quan BHXH địa phương.
3. Về giải quyết chế độ BHXH, BHYT
Nhìn chung, các doanh nghiệp được thanh tra đã thực hiện tương đối nghiêm túc việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho người lao động, đăng ký và quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT theo quy định. Một số doanh nghiệp đã ứng tiền (từ 2% quỹ tiền lương hàng tháng được giữ lại hoặc tiền của doanh nghiệp) để chi trả trợ cấp ốm đau, thai sản, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Do các doanh nghiệp còn nợ tiền BHXH, BHYT nên chưa được cơ quan BHXH quyết toán khoản chi này và còn có 35 doanh nghiệp chưa xác nhận được sổ và trả sổ BHXH cho 8.805 người lao động đã nghỉ việc hoặc chuyển làm việc tại đơn vị khác, vi phạm khoản 2 Điều 135 Luật BHXH năm 2006 (chi tiết theo Biểu số 6).
4. Một số nội dung liên quan phát hiện qua thanh tra
4.1. Về xây dựng thang lương, bảng lương làm cơ sở trả lương và đóng BHXH, BHYT cho người lao động
Qua thanh tra cho thấy: Hầu hết các doanh nghiệp chưa thực hiện việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở trả lương và đóng BHXH, BHYT cho người lao động theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP mà đang vận dụng thang lương, bảng lương theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP của Chính phủ hoặc thang lương, bảng lương cũ của doanh nghiệp (trước đây đã đăng ký và được cơ quan lao động chấp thuận).
Đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp về việc xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương tại Điểm đ Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP.
4.2. Việc tính lãi chậm đóng BHTN, BHYT
Qua thanh tra cho thấy:
- BHXH thành phố Hải Phòng chưa tính lãi chậm đóng tiền nợ BHTN của 05/05 doanh nghiệp được thanh tra.
- BHXH huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) chưa tính lãi chậm đóng tiền nợ BHTN (thời kỳ trước năm 2013), không tính lãi chậm đóng tiền nợ BHYT (7 tháng đầu năm 2014) đối với 02 doanh nghiệp được thanh tra.
- BHXH huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) chưa tính lãi chậm đóng tiền nợ BHTN, BHYT (thời kỳ trước năm 2013), chưa tính lãi chậm đóng của tiền nợ BHYT (7 tháng đầu năm 2014) đối với 01 doanh nghiệp được thanh tra.
Việc chưa tính lãi chậm đóng nêu trên của cơ quan BHXH thành phố Hải Phòng, BHXH huyện Yên Phong, BHXH huyện Tiên Du chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 56 Quy định quản lý thu BHXH, BHYT, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của BHXH Việt Nam và chưa thực hiện đúng trách nhiệm quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật BHXH năm 2006.
Việc chưa thực hiện tính lãi chậm đóng tiền nợ BHTN, BHYT đối với 8 doanh nghiệp dẫn đến giảm nguồn thu quỹ BHXH, BHYT là 113,3 triệu đồng (chi tiết theo Biểu số 7).
BHXH Việt Nam đã chấn chỉnh công tác thu sau thanh tra, trong đó có yêu cầu BHXH các tỉnh thực hiện việc tính lãi chậm đóng đối với các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định; kịp thời chấn chỉnh những tồn tại trong công tác quản lý thu, thu hồi nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN đã nêu trong kết luận thanh tra doanh nghiệp của Thanh tra tỉnh, thành phố. Xác định rõ nguyên nhân để rút kinh nghiệm trong công tác quản lý thu; kiểm điểm xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chưa tính lãi chậm đóng đối với tiền nợ BHTN, BHYT (Công văn số 5473/BHXH-BT ngày 31/12/2014).
BHXH thành phố Hải Phòng, BHXH tỉnh Bắc Ninh đã có báo cáo giải trình, xác định rõ nguyên nhân của việc chưa tính lãi chậm đóng tiền nợ BHTN, BHYT (do lỗi tác nghiệp khi nhập số liệu trong phần mềm thu, nhận thức của cán bộ tổng hợp thu chưa đầy đủ khi nghiên cứu văn bản hướng dẫn về lãi suất của BHXH Việt Nam); đã thực hiện tính truy đóng, bổ sung số phải thu đối với các doanh nghiệp nêu trên (Công văn số 320/BHXH-PT ngày 05/3/2015, Công văn số 153/BHXH-PT ngày 06/3/2015).
4.3. Về công tác quản lý đơn vị nợ, kiểm tra, khởi kiện của cơ quan BHXH
- Nhìn chung, công tác quản lý đơn vị nợ tiền BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp được thanh tra được thực hiện theo đúng quy định tại Điểm a Khoản 1.8 Điều 53 Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của BHXH Việt Nam.
- Công tác kiểm tra: Trong 68 doanh nghiệp thanh tra trực tiếp, có 32 doanh nghiệp được cơ quan BHXH, thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, thanh tra về BHXH, BHYT (chiếm 47% số đơn vị được thanh tra). Nhìn chung, việc thực hiện theo kết luận của cơ quan BHXH, cơ quan thanh tra, Đoàn kiểm tra liên ngành tại các biên bản kiểm tra, thanh tra của doanh nghiệp còn rất hạn chế, hầu như không được thực hiện.
- Công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH, BHYT kéo dài: Có 18 doanh nghiệp trong tổng số 68 doanh nghiệp được thanh tra bị cơ quan BHXH khởi kiện[4]. Như vậy, việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH, BHYT kéo dài của 11 tỉnh (trừ TP.HCM) chưa được thực hiện nghiêm theo quy định tại Điểm c Khoản 1.8 Điều 53 Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của BHXH Việt Nam (danh sách các doanh nghiệp chưa bị khởi kiện chi tiết theo Biểu số 8).
4.4. Về công tác thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng BHXH bắt buộc
Trong thời kỳ thanh tra (01/01/2013 đến 31/7/2014), các văn bản quy phạm pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính gồm: Nghị định số 86/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH (hết hiệu lực ngày 09/10/2013); Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN ngày 18/02/2008 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thủ tục buộc trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh (hết hiệu lực ngày 27/12/2013); Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo các văn bản nêu trên thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã, huyện, tỉnh; Thanh tra lao động, Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng đoàn thanh tra lao động cấp Sở, cấp Bộ, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyền.
Qua thanh tra cho thấy: Trong tổng số 68 doanh nghiệp được thanh tra trên địa bàn 12 tỉnh, có 6 doanh nghiệp[5] đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH (hành vi chậm đóng BHXH), với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 236 triệu đồng. Tỷ lệ các doanh nghiệp được thanh tra bị xử phạt vi phạm hành chính là rất nhỏ (đạt 8,8%). Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH đối với hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền chưa được thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Số lượng doanh nghiệp vi phạm hành chính bị xử phạt thấp nên chưa đủ sức răn đe. Do đó còn có việc nhiều doanh nghiệp trốn tránh, cố tình chây ỳ hoặc chấp nhận nộp phạt cho hành vi chậm đóng BHXH.
Mặt khác, trong thời gian qua, cơ quan BHXH chưa được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về đóng BHXH của doanh nghiệp nên dẫn đến hiệu quả công tác thu BHXH, BHYT của các doanh nghiệp chậm đóng chưa cao.
Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH của các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền còn rất hạn chế nên việc thực hiện cưỡng chế hành chính (buộc trích tiền từ tài khoản của người sử dụng lao động để nộp tiền BHXH) hầu như chưa được thực hiện.
Trong thời kỳ thanh tra từ 01/01/2013 đến 31/7/2014, các doanh nghiệp được thanh tra cơ bản chấp hành đăng ký đóng BHXH, BHYT cho người lao động; giải quyết các chế độ BHXH, BHYT cho người lao động; thực hiện thủ tục BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật.
BHXH Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương triển khai thực hiện Luật BHXH năm 2006, Luật BHYT năm 2008. BHXH của 12 tỉnh đã có sự phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan lao động địa phương trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các doanh nghiệp, từng bước triển khai có hiệu quả nhiệm vụ thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
2. Hạn chế, khuyết điểm, vi phạm
Qua thanh tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT thấy các doanh nghiệp còn một số hạn chế, khuyết điểm, vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT như sau:
- Các doanh nghiệp được thanh tra đều chậm đóng BHXH, BHYT.
- Có một số doanh nghiệp đóng BHXH, BHYT với mức tiền lương, tiền công của người lao động thấp hơn mức quy định[6]; chưa thực hiện việc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động làm cơ sở trả lương và đóng BHXH, BHYT cho người lao động theo quy định.
- Nhiều doanh nghiệp đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHYT[7]; trích từ tiền lương, tiền công của người lao động để đóng BHXH, BHYT nhưng chưa đóng hết cho cơ quan BHXH mà chiếm dụng sử dụng vào mục đích khác[8]; chưa xác nhận được sổ và trả sổ BHXH cho người lao động đã nghỉ việc hoặc chuyển làm việc tại đơn vị khác[9].
Những vi phạm pháp luật BHXH, BHYT nêu trên của các doanh nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích chính đáng của người lao động như: Không được trả sổ BHXH sau khi chấm dứt HĐLĐ để chuyển đi nơi khác hoặc đã đủ điều kiện để giải quyết chế độ nghỉ hưu, nghỉ mất sức nhưng chưa được giải quyết chế độ kịp thời; không được hưởng chế độ bảo hiểm khi khám chữa bệnh, nghỉ ốm đau, thai sản; người lao động thất nghiệp nhưng không được hưởng BHTN trong thời gian chưa tìm được việc làm...
- Một số cơ quan BHXH, cơ quan có liên quan khác có hạn chế, khuyết điểm, vi phạm sau:
+ Một số cơ quan BHXH[10] chưa thực hiện tính lãi chậm đóng tiền nợ BHTN, BHYT theo quy định của BHXH Việt Nam; công tác kiểm tra còn hạn chế; việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH, BHYT kéo dài chưa thực hiện nghiêm theo quy định của BHXH Việt Nam.
+ Công tác thanh tra của các cơ quan thanh tra chuyên ngành BHXH chưa được thường xuyên, sâu, rộng; chế tài xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH đã có quy định rõ ràng nhưng việc áp dụng chế tài của những người có thẩm quyền hầu như chưa được thực hiện.
+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương để doanh nghiệp thực hiện theo quy định.
- Nguyên nhân khách quan: Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và trong nước dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp các ngành: Công nghiệp tàu thủy, thép, xây dựng, dệt may, nuôi trồng thủy sản... gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro, nhiều ngân hàng đồng loạt thu hẹp hạn mức tín dụng, làm cho tình hình tài chính của các doanh nghiệp này trở nên khó khăn hơn (có một số doanh nghiệp vẫn đang nợ lương của người lao động). Do đó, doanh nghiệp chưa nộp đủ, chậm đóng tiền BHXH, BHYT.
- Nguyên nhân chủ quan:
+ Ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT của nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm. Người sử dụng lao động chưa nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình và chưa quan tâm đúng mức đến quyền lợi của người lao động trong lĩnh vực BHXH, BHYT; một số doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chậm nộp tiền BHXH, BHYT để giảm chi và tăng lợi nhuận hoặc chiếm dụng tiền BHXH, BHYT của người lao động sử dụng vào mục đích khác.
+ Nhận thức của nhiều người lao động về chế độ, chính sách BHXH, BHYT còn hạn chế nên chưa biết được quyền và lợi ích của mình được hưởng.
+ Việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong tuyên truyền, vận động, thanh tra, kiểm tra, giám sát về BHXH, BHYT còn hạn chế.
+ Việc thực hiện chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH còn thấp, chưa thường xuyên, chưa đủ sức răn đe nên nhiều doanh nghiệp còn vi phạm.
+ Cơ quan BHXH chưa được giao trách nhiệm xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH (mới được giao trách nhiệm thanh tra trong lĩnh vực đóng BHXH theo Luật BHXH mới được Quốc hội thông qua tháng 11/2014).
+ Công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan để các cơ quan này nắm được đầy đủ tình hình thu, nộp BHXH, BHYT trên địa bàn chưa thường xuyên.
Các hạn chế, khuyết điểm, vi phạm nêu trên trách nhiệm thuộc về các tập thể và cá nhân sau (thời kỳ từ 01/01/2013 đến 31/7/2014):
- Đối với tập thể:
+ Ban giám đốc của các doanh nghiệp được thanh tra.
+ Ban giám đốc BHXH 12 tỉnh; Ban giám đốc BHXH quận, huyện, thành phố (thuộc tỉnh) quản lý các doanh nghiệp được thanh tra.
+ Ban giám đốc BHXH thành phố Hải Phòng; Ban giám đốc BHXH tỉnh Bắc Ninh, Ban giám đốc BHXH huyện Tiên Du, Ban giám đốc BHXH huyện Yên Phong (trách nhiệm trong việc không tính lãi tiền nợ BHTN, BHYT).
- Đối với cá nhân:
+ Giám đốc (hoặc người đại diện pháp luật) của các doanh nghiệp được thanh tra.
+ Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách công tác thu, Trưởng phòng thu, cán bộ thu của BHXH 12 tỉnh; Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách công tác thu, cán bộ thu của BHXH quận, huyện, thành phố (thuộc tỉnh) quản lý các doanh nghiệp được thanh tra.
1. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:
1.1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ để doanh nghiệp có căn cứ thực hiện xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở trả lương và đóng BHXH, BHYT cho người lao động theo quy định.
1.2. Ủy ban nhân dân 12 tỉnh
- Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh và các cơ quan liên quan thường xuyên phối hợp với BHXH tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn chấp hành nghiêm pháp luật về BHXH, BHYT.
- Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra tỉnh, UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm thanh tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, nhất là với các doanh nghiệp chậm đóng, nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN kéo dài.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân 12 tỉnh căn cứ vào Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ chỉ đạo cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH; áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị có vi phạm cố tình chây ỳ không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BHXH được quy định tại Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tăng cường thực hiện chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH trên địa bàn, nâng cao hiệu quả thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH.
1.3. Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- Chỉ đạo BHXH địa phương tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan khác để các cơ quan này nắm được đầy đủ tình hình thu, nộp BHXH, BHYT trên địa bàn nhằm bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời, hạn chế việc trốn đóng, nợ BHXH, BHYT.
- Chỉ đạo BHXH địa phương chủ động, thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động chấp hành nghiêm pháp luật về BHXH, BHYT.
- Chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, thanh tra (về đóng BHXH khi Luật BHXH mới có hiệu lực) việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trong thời gian tới.
- Chỉ đạo BHXH 12 tỉnh tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nộp tiền nợ, tiền truy đóng BHXH, BHYT, BHTN theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ. Thực hiện khởi kiện doanh nghiệp nợ tiền BHXH, BHYT kéo dài theo đúng quy định của BHXH Việt Nam.
- Chỉ đạo BHXH thành phố Hải Phòng, BHXH tỉnh Bắc Ninh rà soát việc tính lãi chậm đóng đối với tiền nợ BHTN, BHYT trên địa bàn phụ trách, từ đó xác định số tiền lãi cần phải thu thêm, thông báo đến các đơn vị và thực hiện thu đủ, thu đúng quy định để không làm thất thu quỹ BHXH, BHYT; xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chưa tính lãi chậm đóng đối với tiền nợ BHTN, BHYT, báo cáo BHXH Việt Nam.
2. Xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT
Thanh tra Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp:
- Nộp ngay tiền truy đóng BHXH, BHTN, BHYT (kể cả tiền lãi chậm đóng) tính đến 31/7/2014 do doanh nghiệp đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHYT cho cơ quan BHXH địa phương số tiền là 15.431,7 triệu đồng (Mười lăm tỷ, bốn trăm ba mươi mốt triệu, bảy trăm nghìn đồng), chi tiết theo Biểu số 4.
- Nộp ngay tiền truy đóng BHXH, BHTN, BHYT (kể cả tiền lãi chậm đóng) tính đến 31/7/2014 do doanh nghiệp đóng BHXH, BHYT với mức tiền lương, tiền công của người lao động thấp hơn mức quy định cho cơ quan BHXH địa phương số tiền là 127,9 triệu đồng (Một trăm hai bảy triệu, chín trăm nghìn đồng), chi tiết theo Biểu số 2.
- Nộp tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT còn nợ (kể cả tiền lãi chậm đóng) tính đến 31/7/2014 cho cơ quan BHXH địa phương số tiền là 254.883,8 triệu đồng (Hai trăm năm mươi bốn tỷ, tám trăm tám ba triệu, tám trăm nghìn đồng), chi tiết theo Phụ lục số 1.
- Chấp hành nghiêm pháp luật về BHXH, BHYT trong thời gian tới.
Đối với những doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, lộ trình nộp tiền BHXH, BHYT thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật như quy định tại Khoản 2 Điều 41 Luật Thanh tra năm 2010.
Trên đây là Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT tại một số doanh nghiệp, trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (giai đoạn 01/01/2013 đến 31/7/2014)./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG THANH TRA |
[1] Công ty Cổ phần XNK và Vận tải sông biển Quảng Ninh (tỉnh Quảng Ninh; bị thu hồi GPĐKKD; nợ 895,35 triệu đồng); Công ty TNHH Diễn Viên (tỉnh Bình Dương; ngừng hoạt động: nợ 12.772,34 triệu đồng).
[2] 03 doanh nghiệp chưa nộp: TT Điện Thoại Di Động CDMA tại Hà Nội; Công ty TNHH một thành viên 508: Công ty TNHH Vĩnh Nguyên.
[3] 03 doanh nghiệp chưa nộp số tiền truy thu: Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương số tiền là 15.131,5 triệu đồng: Công ty TNHH Vĩnh Nguyên số tiền là 241,7 triệu đồng; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng 533 số tiền là 58,4 triệu đồng.
[4] BHXH TP.HCM: 10 doanh nghiệp; BHXH Đồng Nai: 2 doanh nghiệp; BHXH Thanh Hóa: 3 doanh nghiệp; BHXH Đăk Lăk: 1 doanh nghiệp; BHXH Hà Nội: 2 doanh nghiệp.
[5] 06 doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Dệt 19/5 Hà Nội, Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long, Công ty cổ phần Vietstar, Công ty TNHH Nam Phương, Công ty cổ phần Bê tông Biên Hòa, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng 533.
[6] 05 doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Công nghệ điện Nam Triệu (Hải Phòng); Công ty Cổ phần Công trình giao thông Quảng Ninh, Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy sông Chanh (Quảng Ninh); Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, Công ty Cổ phần Ván công nghiệp Trường Thành (Bình Dương).
[7] 21 doanh nghiệp, danh sách theo Biểu số 4.
[8] 24 doanh nghiệp, danh sách theo Biểu số 3.
[9] 31 doanh nghiệp, danh sách theo Biểu số 8.
[10] BHXH thành phố Hải Phòng; BHXH huyện Yên Phong, BHXH huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh).
- 1Công văn 2172/BHXH-VP chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 2Công văn 2046/TTCP-V.III năm 2014 triển khai thanh tra chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do Thanh tra Chính phủ ban hành
- 3Chương trình 937/CTPH-TLĐ-MTTW-BLĐTBXH-BHXH-TTCP năm 2014 phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - Thanh tra Chính phủ - Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 4Hướng dẫn 06-HD/BNCTW năm 2015 về tổ chức rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội tại địa phương do Ban Nội chính Trung ương ban hành
- 5Chương trình 2388/CTr-BHXH-BTTTT năm 2015 phối hợp tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2015 - 2020
- 1Luật Bảo hiểm xã hội 2006
- 2Nghị định 205/2004/NĐ-CP quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước
- 3Nghị định 152/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc
- 4Thông tư liên tịch 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN hướng dẫn thủ tục buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 5Luật bảo hiểm y tế 2008
- 6Nghị định 86/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
- 7Luật thanh tra 2010
- 8Quyết định 1111/QĐ-BHXH năm 2011 về Quy định quản lý thu bảo hiểm xã hội, y tế; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 9Công văn 2172/BHXH-VP chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 10Nghị định 103/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động
- 11Nghị định 49/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về tiền lương
- 12Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
- 13Nghị định 182/2013/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động
- 14Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- 15Thông báo 417/TB-VPCP năm 2013 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 16Công văn 2046/TTCP-V.III năm 2014 triển khai thanh tra chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do Thanh tra Chính phủ ban hành
- 17Chương trình 937/CTPH-TLĐ-MTTW-BLĐTBXH-BHXH-TTCP năm 2014 phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - Thanh tra Chính phủ - Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 18Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- 19Hướng dẫn 06-HD/BNCTW năm 2015 về tổ chức rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội tại địa phương do Ban Nội chính Trung ương ban hành
- 20Chương trình 2388/CTr-BHXH-BTTTT năm 2015 phối hợp tuyên truyền thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam - Bộ Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2015 - 2020
Kết luận thanh tra 622/KL-TTCP năm 2015 chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại một số doanh nghiệp do Thanh tra Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 622/KL-TTCP
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 31/03/2015
- Nơi ban hành: Thanh tra Chính phủ
- Người ký: Trần Đức Lương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 31/03/2015
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định