Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
THANH TRA BỘ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 191/KL-TTrB

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2016

 

KẾT LUẬN THANH TRA

CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI SỞ Y TẾ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Thực hiện Quyết định số 140/QĐ-TTrB ngày 17/8/2016 của Chánh Thanh tra Bộ Y tế thanh tra công tác quản lý nhà nước (QLNN) về an toàn thực phẩm (ATTP) tại Sở Y tế TP. Hải Phòng, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại Sở Y tế Hải Phòng.

Xét Báo cáo kết quả thanh tra số 157/BC-TTrB ngày 04/10/2016 của Trưởng Đoàn thanh tra và ý kiến giải trình của đối tượng thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Y tế kết luận thanh tra như sau:

I. KHÁI QUÁT THÔNG TIN CHUNG CỦA TP. HẢI PHÒNG LIÊN QUAN ĐẾN NỘI DUNG THANH TRA

Hải Phòng là đô thị loại I, là thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại, giáo dục, khoa học kỹ thuật của vùng Duyên hải Bắc bộ; là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc; dân số thành phố tại thời điểm tháng 12/2015 là 2.103.500 người.

Trong những năm qua, thành phố Hải phòng có sự phát triển ổn định về mọi mặt, trong đó có sự phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trên địa bàn thành phố hiện có một số trung tâm thương mại lớn có kinh doanh thực phẩm như BigC, Metro, Vincom, Intimex, Co.opMart...; một số nhà hàng, khách sạn có quy mô vừa lớn, các khu công nghiệp phát triển. Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn thành phố có khoảng 21.390 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó bao gồm: 9.005 cơ sở sản xuất, 4.432 cơ sở kinh doanh, 7.953 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại Hải Phòng có quy mô nhỏ, lẻ, quy mô hộ gia đình, kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố.

Đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp tăng cao, cùng với đó là sự phát triển của các bếp ăn tập thể, trong đó có nhiều bếp ăn tập thể với quy mô phục vụ từ 5.000 - 8.000 suất ăn ca; hàng hóa qua cảng tăng lên. Hằng năm, có một lượng thực phẩm không nhỏ nhập khẩu vào Việt Nam hoặc tạm nhập tái xuất. Hiện tại, Hải Phòng là một trong những đầu mối trung chuyển hàng thực phẩm lớn của Việt Nam.

Sự phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống gia tăng cả về số lượng, quy mô, đa dạng về loại hình phục vụ đã đặt ra cho công tác quản lý ATTP trên địa bàn thành phố không ít khó khăn, thách thức.

II. KẾT QUẢ KIỂM TRA, XÁC MINH

1. Ghi nhận theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng đối với công tác QLNN về ATTP từ 01/01/2015 đến tháng 8/2016

1.1. Việc ban hành văn bản và tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo về ATTP:

Để thực hiện tốt công tác quản lý ATTP trên địa bàn thành phố, Sở Y tế Hải Phòng với vai trò là thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành ATTP đã làm tốt chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố trong việc ban hành các văn bản quản lý; Chủ động đề xuất với UBND về chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp trong quản lý ATTP; Tham mưu giúp UBND thành phố điều phối hoạt động giữa các Sở, ngành, các địa phương, đơn vị, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý về ATTP; Giúp UBND thành phố chỉ đạo việc xây dựng; kế hoạch, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, công tác bảo đảm ATTP; Đề xuất xử lý, giải quyết các sự cố và những vấn đề phát sinh liên quan ATTP; Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện chương trình, kế hoạch về ATTP trên địa bàn. Các văn bản do UBND thành phố ban hành đã được phổ biến kịp thời cho các nhóm đối tượng, đảm bảo việc triển khai công tác bảo đảm ATTP được tiến hành nghiêm túc, đạt hiệu quả. Một số văn bản trọng tâm như:

- Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 20/4/2015 của UBND thành phố kiện toàn BCĐ liên ngành ATTP và tổ công tác giúp việc BCĐ.

- Quyết định số 2481/2015/QĐ-UBND ngày 02/11/2015 của UBND thành phố Hải Phòng quy định phân công trách nhiệm QLNN về ATTP trên địa bàn.

- Chỉ thị 19/CT-UBND ngày 25/7/2016 của UBND thành phố về việc tăng cường trách nhiệm QLNN về ATTP trên địa bàn.

- Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 19/CT-UBND ngày 25/7/2016 của UBND thành phố về việc tăng cường trách nhiệm QLNN về ATTP.

- Thông báo kết luận liên ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương về các giải pháp tăng cường công tác QLNN về ATTP trên địa bàn thành phố.

- Tham mưu xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện trong các đợt cao điểm về bảo đảm ATTP trong năm như Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu.

1.2. Về công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP:

Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định, kiến thức ATTP tới mọi tầng lớp nhân dân được Sở Y tế đặc biệt coi trọng, coi đây là một trong những giải pháp bảo đảm ATTP. Trong thời gian qua việc truyền thông đã được đẩy mạnh; Việc truyền thông được thực hiện theo từng đối tượng, bao gồm nhóm lãnh đạo, quản lý; Người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng, mỗi nhóm đối tượng được truyền thông với các nội dung và cách thức phù hợp.

Trong các cao điểm như Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu, Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục ATVSTP xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể; Chỉ đạo các Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các quận, huyện tăng cường công tác truyền thông bảo đảm ATTP trên địa bàn; Có công văn yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống treo băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền bảo đảm ATTP; Công văn gửi Đài Phát thanh và truyền hình Hải Phòng về việc tuyên truyền bảo đảm ATTP trong các đợt cao điểm; cấp đĩa tiếng, tài liệu truyền thông, thông điệp bảo đảm ATTP cho các quận huyện.

Kết quả một số hoạt động truyền thông cụ thể năm 2015: Tập huấn 452 người/9 buổi; hội nghị 150 người/3 buổi; phát thanh, truyền hình 115 lần/60 ngày (Tết Nguyên đán, Tháng hành động, Tết Trung thu); 6 bài viết; 25 băng zôn, khẩu hiệu; 250 tranh áp phích, 7.400 tờ gấp; 35 băng, đĩa âm...

1.3. Việc cấp các giấy liên quan quản lý an toàn thực phẩm

1.3.1. Cấp Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm

+ Năm 2015: cấp giấy cho 496 tổ chức, cá nhân với tổng số 3369 người.

+ Năm 2016: cấp giấy cho 327 tổ chức, cá nhân với tổng số 1424 người.

1.3.2. Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP:

+ Tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý: 710 cơ sở.

+ Tổng số cơ sở thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP: 644 (66 cơ sở ký cam kết bếp ăn tập thể).

+ Tổng số hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận: 342 hồ sơ (xin cấp mới: 172 hồ sơ; xin cấp lại 170 hồ sơ).

+ Tổng số hồ sơ đã được cấp: 318 hồ sơ.

+ Tổng số hồ sơ chưa được cấp: 24 hồ sơ.

Lý do chưa được cấp 01 hồ sơ hủy do cơ sở báo dừng sản xuất; 01 hồ sơ thẩm định không đạt yêu cầu; 22 hồ sơ đang trong quá trình hoàn thiện (tính đến thời điểm thanh tra).

Theo báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, việc tiếp nhận, thẩm xét hồ sơ, thẩm định tại cơ sở và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế và Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNN-BCT ngày 25/4/2014 của Liên Bộ hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP.

1.3.3. Việc cấp Giấy tiếp nhận công bố hợp quy (CBHQ) và Giấy xác nhận công bố phù hợp (CBPH) quy định ATTP:

+ Tổng số hồ sơ xin cấp Giấy tiếp nhận CBHQ/Giấy xác nhận CBPH quy định ATTP: 502 hồ sơ (CBPH: 410 hồ sơ, CBHQ: 92 hồ sơ).

+ Tổng số hồ sơ đã được cấp: 496 hồ sơ.

+ Tổng số hồ sơ chưa được cấp: 06 hồ sơ (02 hồ sơ phải hủy do cơ sở không bổ sung hồ sơ theo yêu cầu, 04 hồ sơ đang chờ giải quyết).

Về việc kiểm tra sau cấp giấy, kết quả kiểm tra: Chi cục ATVSTP chưa tổ chức đoàn kiểm tra riêng sau cấp giấy. Việc kiểm tra sau cấp giấy được lồng ghép trong các đợt kiểm tra liên ngành của thành phố.

1.3.4. Cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo:

+ Tổng số hồ sơ xin cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo: 09 hồ sơ.

+ Tổng số hồ sơ đã được cấp: 07 hồ sơ

+ Tổng số hồ sơ chưa được cấp: 02 (do hồ sơ không đầy đủ theo thông tư 09/2015/TT-BYT của Bộ Y tế; Chi cục đã có công văn trả lời, hướng dẫn cơ sở bổ sung nhưng đơn vị không bổ sung hồ sơ theo quy định).

Đối với hình thức tổ chức Hội nghị, hội thảo, từ 01/01/2015 đến khi Thông tư số 08/2013/TT-BYT hết hiệu lực không có cơ sở nào đăng ký. Từ khi Thông tư 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2016 của Bộ Y tế có hiệu lực đến thời điểm thanh tra có 10 hồ sơ đăng ký hình thức tổ chức Hội nghị, hội thảo, trong đó có 08 hồ sơ đạt yêu cầu đã được cấp; 02 hồ sơ không được cấp do không đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Về việc kiểm tra sau cấp giấy: Do chi cục chỉ có 10 nhân viên làm chuyên môn và chỉ được bố trí 01 xe ô tô, mặt khác các đơn vị xin phép tổ chức hội nghị, hội thảo hầu như ở các huyện ngoại thành nên việc kiểm tra sau cấp giấy được giao cho các Phòng Y tế địa phương nơi tổ chức hội thảo, hội nghị kiểm tra và giám sát.

1.4. Kết quả giám sát chất lượng mẫu thực phẩm:

Năm 2015, bằng nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP và nguồn kinh phí địa phương, Chi cục ATVSTP đã thực hiện giám sát chất lượng 353 mẫu thực phẩm, trong đó có 162 mẫu xét nghiệm chỉ tiêu hóa học, 191 mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu vi sinh, tỷ lệ đạt là 93,48%.

1.5. Kết quả triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, XLVPHC về ATTP:

Công tác thanh tra, kiểm tra ATTP tại Hải Phòng hiện nay chủ yếu do Chi cục ATVSTP Hải Phòng thực hiện. Theo số liệu báo cáo của Sở Y tế Hải Phòng, kết quả công tác thanh tra, kiểm tra ATTP do Chi cục ATVSTP Hải Phòng thực hiện từ 01/01/2015 - 8/2016 như sau:

1.5.1. Năm 2015: Số đoàn kiểm tra do Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP ban hành quyết định là 09 đoàn (02 đoàn bếp ăn tập thể; 02 đoàn dịch vụ ăn uống; 02 đoàn dịch vụ ăn uống khu du lịch; 02 đoàn nước uống đóng chai; 01 đoàn thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, vật liệu chứa đựng thực phẩm).

Kết quả thanh tra, kiểm tra: Với 713 cơ sở được thanh tra, kiểm tra (trong đó số cơ sở sản xuất, chế biến: 147; số cơ sở kinh doanh: 164; số cơ sở dịch vụ ăn uống: 402) có 586 cơ sở đạt, chiếm 82,2%; số cơ sở không đạt là 127 cơ sở chiếm 17,8%. Trong đó, số cơ sở vi phạm bị xử phạt là 12 cơ sở, chiếm 6,74% số cơ sở vi phạm; tổng số tiền phạt 27,95 triệu (93,24% số cơ sở vi phạm không bị xử phạt).

Về hành vi vi phạm hay gặp, theo báo cáo của Sở Y tế, một số hành vi vi phạm về ATTP hay gặp như:

+ Vi phạm về điều kiện con người (Sức khỏe, kiến thức, thực hành ATTP) chiếm 40%;

+ Vi phạm về ghi nhãn thực phẩm chiếm 30,5%;

+ Vi phạm về kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm chiếm 20,5%;

+ Vi phạm về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện chiếm 27%;

+ Vi phạm về lưu mẫu thức ăn chiếm 38%;

+ Vi phạm về kiểm thực 3 bước chiếm 45,7%;

+ Vi phạm về bao bì, vật liệu chứa đựng thực phẩm chiếm 29,3%.

+ Số mẫu không đạt qua test nhanh chiếm 20,3%;

1.5.2. Năm 2016:

Trong 8 tháng đầu năm 2016, Chi cục ATVSTP Hải Phòng triển khai 06 Đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó có 02 đoàn thanh tra tại bếp ăn tập thể; 02 đoàn thanh tra tại cơ sở dịch vụ ăn uống khu du lịch; 02 đoàn nước uống đóng chai.

Tổng số cơ sở được kiểm tra là 377 cơ sở, số cơ sở đạt yêu cầu là 323, chiếm 85,7%; số cơ sở có vi phạm là 54 cơ sở chiếm 14,3%.

Số cơ sở vi phạm bị xử lý là 05 chiếm 9,25 % số cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt 30,4 triệu.

Một số nội dung vi phạm hay gặp do vi phạm về điều kiện con người, ghi nhãn, quảng cáo, kiểm nghiệm định kỳ, lưu mẫu thức ăn, bao bì chứa đựng thực phẩm ... (cao nhất là 38,7%).

Về kết quả kiểm nghiệm mẫu trong thanh tra: Số mẫu được kiểm nghiệm bằng tests nhanh đạt 90,6%; số mẫu kiểm nghiệm tại labo là 09 mẫu, số mẫu đạt 9/9).

2. Kết quả kiểm tra, xác minh trực tiếp của Đoàn thanh tra tại các đơn vị và cơ sở thực phẩm:

2.1. Kết quả kiểm tra, xác minh tại Chi cục ATVSTP Hải Phòng:

Tại Chi cục ATVSTP Hải Phòng, Đoàn thanh tra tập trung kiểm tra, xác minh làm rõ một số nội dung liên quan đến việc cấp các loại giấy về ATTP. Kết quả kiểm tra cụ thể như sau:

2.1.1. Kết quả kiểm tra hồ sơ cấp Giấy xác nhận kiến thức ATTP:

Đoàn thanh tra lấy ngẫu nhiên 05 bộ hồ sơ xin cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP đã được Chi cục cấp để kiểm tra, kết quả ghi nhận:

Chi cục ATVSTP thành phố Hải Phòng đã cơ bản thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP.

2.1.2. Kết quả kiểm tra hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP:

Đoàn thanh tra lấy ngẫu nhiên 50 bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã được chi cục cấp để kiểm tra, kết quả ghi nhận:

Việc tiếp nhận, thẩm xét hồ sơ, thẩm định tại cơ sở thực phẩm và việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 của Bộ Y tế và Thông tư liên tịch 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT của Liên Bộ: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP; Thủ tục tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn tư vấn cơ sở thực hiện theo đúng quy định.

Tuy nhiên, cần lưu ý và kiểm tra kỹ lưỡng, điền đầy đủ các thông tin của hồ sơ (chữ ký, ngày, tháng, ...) khi tiếp nhận và soát xét hồ sơ để hồ sơ được cấp đáp ứng đầy đủ theo quy định.

2.1.3. Kết quả kiểm tra hồ sơ cấp Giấy tiếp nhận công bố hợp quy và Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP:

Đoàn thanh tra lấy ngẫu nhiên 64 bộ hồ sơ xin cấp Giấy tiếp nhận công bố hợp quy và Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP đã được chi cục cấp để kiểm tra, kết quả ghi nhận:

Việc tiếp nhận, thẩm xét hồ sơ và cấp Giấy tiếp nhận công bố hợp quy, Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 19/2012/TT-BYT ngày 09/11/2012 của Bộ Y tế hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP: Hồ sơ được tiếp nhận tại Phòng giao dịch một cửa, thực hiện đúng theo quy định. Các hồ sơ đều giải quyết theo đúng thời gian.

Tuy nhiên còn một số tồn tại:

- Hồ sơ công bố các sản phẩm nước mắm, chả cá, bánh dẻo, bánh mỳ tươi, ô mai, trong phiếu kiểm nghiệm không có chỉ tiêu kim loại nặng (hồ sơ số 06; 08; 16; 36 và 60/2016). Theo báo cáo của Chi cục, do chưa có quy chuẩn kỹ thuật đối các sản phẩm này nên không quy định chỉ tiêu bắt buộc. Do vậy, thiếu chỉ tiêu kim loại nặng trong phiếu kiểm nghiệm, sau khi có ý kiến của Đoàn thanh tra Chi cục I đã rà soát và yêu cầu các đơn vị thực hiện kiểm nghiệm đầy đủ.

- Hồ sơ công bố đã được duyệt còn thiếu nhãn chính của sản phẩm. Chi cục đã nhận thấy đây là thiếu sót trong việc kiểm soát thủ tục sau công bố. Hiện tại, Chi cục đã có văn bản gửi tất cả các đơn vị thực hiện nộp nhãn chính theo quy định, và đã có một số đơn vị khắc phục, nộp nhãn chính sản phẩm về Chi cục.

2.1.4. Kết quả kiểm tra hồ sơ cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm: Đoàn thanh tra lấy ngẫu nhiên 6 bộ hồ sơ xin cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được chi cục cấp để kiểm tra, kết quả ghi nhận: Việc cấp Giấy xác nhận hồ sơ quảng cáo thông qua hình thức hội thảo hội nghị được Chi cục thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/05/2015 của Bộ Y tế Quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

2.1.5. Kết quả kiểm tra hồ sơ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP:

Đoàn thanh tra lấy ngẫu nhiên 05 bộ hồ sơ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP do Chi cục thực hiện năm 2015 - 8/2016 để kiểm tra, kết quả ghi nhận: Nội dung vi phạm chủ yếu mà các đoàn thanh tra phát hiện là: điều kiện vệ sinh cơ sở, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, việc khám sức khỏe định kỳ, giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, hợp đồng mua bán nguyên liệu. Các hành vi vi phạm hành chính đã được xử phạt cơ bản theo đúng quy định. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại:

- Mặc dù có triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, song trong quá trình thanh tra, kiểm tra việc lấy mẫu kiểm nghiệm tại labo để đánh giá các chỉ tiêu ATTP Chi Cục thực hiện còn ít (năm 2015 có 6 mẫu được lấy để kiểm nghiệm phục vụ thanh tra; 8 tháng đầu có 02 mẫu được lấy để kiểm nghiệm phục vụ công tác thanh tra). Theo báo cáo của Chi cục, do không có nguồn kinh phí để lấy mẫu, kiểm nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm thực phẩm, nên Chi cục đã phải tự cân đối để thực hiện lấy một số ít mẫu trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

- Khi xử phạt chỉ áp dụng đối với một số hành vi vi phạm đã được ghi nhận tại biên bản kiểm tra, thanh tra, đối với một số hành vi vi phạm còn lại không bị xử phạt. Theo báo cáo của Chi Cục, các lỗi ghi trong biên bản kiểm tra nhưng không bị xử lý là những lỗi được xác định là vi phạm lần đầu, không cố ý và đã kịp thời khắc phục ngay.

- Áp dụng mức xử phạt thấp nhất nhưng không có tình tiết giảm nhẹ. Chi Cục đã nhận ra thiếu sót và đã rà soát, khắc phục từ năm 2016.

- Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT/BYT-BNNPTNT-BCT việc cấp giấy chứng nhận tập huấn kiến thức ATTP đã được loại bỏ, thay vào đó là việc cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP và tại Nghị định số 178/2013/NĐ-CP không có quy định hành vi vi phạm, hình thức và mức phạt đối với cơ sở không có giấy xác nhận kiến thức ATTP. Tuy nhiên, qua kiểm tra ghi nhận Chi cục đang xử phạt với hành vi không có giấy xác nhận kiến thức ATTP với mức phạt bằng với mức phạt đối với hành vi không có giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về ATTP được quy định tại Nghị định số 178/2013/NĐ-CP. Ngay sau khi phát hiện, Chi cục đã dừng việc xử phạt đối với hành vi không có giấy xác nhận kiến thức ATTP chờ đến khi Chính phủ có quy định mới.

2.2. Kết quả kiểm tra, xác minh tại TTYT dự phòng thành phố Hải Phòng

Tại Trung tâm Y tế dự phòng Hải Phòng, Đoàn thanh tra tập trung xác minh việc thực hiện các quy định trong kiểm tra nhà nước (KTNN) về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu và việc kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước (QLNN) về ATTP, kết quả ghi nhận:

2.2.1. Khái quát tổ chức, lực lượng của TTYT dự phòng Hải Phòng liên quan kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ QLNN về ATTP và KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu:

- Trung tâm YTDP Hải Phòng có 15 cán bộ tại Khoa xét nghiệm (2 bác sĩ, 2 dược sĩ trung học, 1 kỹ sư sinh học, 3 kỹ sư hóa phân tích, 2 kỹ sư hóa thực phẩm, 2 cử nhân sinh học, 1 kỹ thuật viên vi sinh, 2 cử nhân xét nghiệm ATTP).

- Tổ kiểm tra thuộc Trung tâm gồm 4 cán bộ (2 thạc sỹ, 2 cử nhân).

- Việc phân công công việc được thiết lập thành văn bản, đầy đủ và rõ ràng.

- Phòng thí nghiệm hóa lý và vi sinh được trang bị đầy đủ những trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác xét nghiệm ATTP. Các trang thiết bị thuộc danh mục bắt buộc hiệu chuẩn được hiệu chuẩn hằng năm theo quy định.

- Các hoạt động Kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về ATTP gồm:

+ Kiểm nghiệm phục vụ điều tra ngộ độc thực phẩm.

+ Giám sát thực phẩm.

+ Kiểm nghiệm phục vụ KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu.

+ Kiểm nghiệm mẫu thực phẩm phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

+ Các xét nghiệm dịch vụ về ATTP.

Các bước trong quá trình kiểm nghiệm từ nhận mẫu đến trả kết quả được thực hiện theo quy trình ISO/IEC 17025:2005 (Labo được công nhận đạt ISO/IEC17025: 2005 với mã số VILAS 513 từ 20/9/2011 và được cấp lại 27/11/2014).

2.2.2. Kết quả thực hiện kiểm nghiệm từ 2015 - 6/2016

Năm 2015: Tổng số 5.052 mẫu, trong đó:

- Mẫu xét nghiệm phục vụ điều tra NĐTP:

42 mẫu (4 vụ)

- Mẫu xét nghiệm phục vụ kiểm tra giám sát:

65

- Mẫu phục vụ công tác thanh kiểm tra

5

- Mẫu phục vụ KTNN về ATTP nhập khẩu

4.170

- Mẫu dịch vụ

770

6 tháng đầu năm 2016: Tổng số 2.731 mẫu, trong đó:

- Mẫu xét nghiệm phục vụ điều tra NĐTP:

6

- Mẫu xét nghiệm phục vụ kiểm tra giám sát:

0

- Mẫu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra:

9

- Mẫu phục vụ KTNN về ATTP nhập khẩu:

2170

- Mẫu dịch vụ:

545

Các hóa chất, sinh phẩm, môi trường được nhận từ phòng kế hoạch tài chính theo yêu cầu của khoa và được quản lý, thống kê lượng dùng, tồn theo từng quý.

Việc thu phí được thực hiện theo thông tư 149/2013/TT-BTC ngày 29 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đối với những chỉ tiêu nằm ngoài thông tư nói trên được thu theo hạch toán dịch vụ.

2.2.3. Về công tác KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu

Theo báo cáo của Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hải Phòng, hiện tại Trung tâm YTDP Hải Phòng đang tiến hành các hoạt động KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu thuộc Bộ Y tế quản lý và được thực hiện theo quy định. Kết quả thực hiện KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu từ 01/1/2015 đến nay được tổng hợp như sau:

Năm 2015: Tổng số lô được kiểm tra là 1.634, trong đó:

- Kiểm tra thường          : 1.552 lô;

- Chỉ kiểm tra hồ sơ       : 58 lô;

- Kiểm tra giảm nhẹ       : 24 lô;

- Kiểm tra chặt               : 0

6 tháng đầu năm 2016: Tổng số lô được kiểm tra là 575 lô (không bao gồm các hồ sơ một cửa), trong đó:

- Kiểm tra thường          : 569 lô;

- Chỉ kiểm tra hồ sơ       : 06 lô;

- Kiểm tra giảm nhẹ       : 0

- Kiểm tra chặt               : 0

2.2.4. Đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra thực tế một số khâu tại Trung tâm YTDP liên quan hoạt động kiểm nghiệm và KTNN về ATTP đối với nhập khẩu; kiểm tra 100 hồ sơ, bao gồm: 70 hồ sơ KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu; 30 hồ sơ kiểm nghiệm phục vụ QLNN về ATTP, kết quả ghi nhận:

2.2.4.1. Những mặt làm được:

- Trung tâm đã được đầu tư máy móc thiết bị, cơ sở vật chất tương đối tốt phục vụ cho công tác kiểm nghiệm thực phẩm và KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu.

- Đã bố trí cán bộ và thường xuyên đào tạo nhân sự với các chuyên ngành phù hợp để thực hiện công tác kiểm nghiệm thực phẩm và KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu.

- Phòng kiểm nghiệm đã được chứng nhận ISO 17025-2005 từ năm 2011, đến năm 2014, đã có trên 30 chỉ tiêu được công nhận.

- Đã xây dựng đầy đủ các quy trình để thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Thực hiện đầy đủ các hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm theo chức năng nhiệm vụ được giao và việc triển khai các hoạt động cơ bản theo đúng các quy định.

- Có kho lưu mẫu để phục vụ cho tái kiểm tra khi cần thiết.

- Thực hiện việc xử lý mẫu sau khi lưu theo đúng quy định, có sổ theo dõi và biên bản hủy mẫu đầy đủ.

2.2.4.2. Một số điểm tồn tại:

- Một số biên bản lấy mẫu chưa thể hiện được địa điểm lấy mẫu, chỉ ghi địa chỉ là kho công ty, không ghi địa chỉ cụ thể.

- Có tình trạng phiếu đánh giá cảm quan ghi không thống nhất về tên gọi của sản phẩm (hồ sơ số 1606/TBNK.16: Phần đánh giá ghi sản phẩm Bánh phomai, phần tên sản phẩm ghi TPCN Placenta 40000).

- Đã thực hiện thu phí theo đúng mức quy định nhưng không thể hiện chi tiết giá tiền của từng chỉ tiêu kiểm nghiệm trên phiếu báo thu.

- Hóa chất xét nghiệm bảo quản tại kho chưa được sắp xếp hợp lý.

2.3. Kiểm tra, xác minh tại cơ sở thực phẩm

Đoàn thanh tra cùng đại diện Chi cục kiểm tra, xác minh tại 04 cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, bếp ăn tập thể (làm việc trực tiếp với cơ sở, nghe báo cáo một số nội dung có liên quan công tác quản lý nhà nước của Sở Y tế, Chi cục ATVSTP như việc cấp các loại giấy liên quan ATTP, việc thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, công tác thanh tra, xử lý vi phạm về ATTP), kết quả ghi nhận:

- 04/04 cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thực hiện kinh doanh theo đúng đăng ký;

- 04/04 cơ sở có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP;

- 04/04 cơ sở thực hiện KSK định kỳ cho cán bộ nhân viên theo quy định;

- 04/04 cơ sở tổ chức học tập kiến thức về ATTP và khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ nhân viên theo quy định;

- 04/04 cơ sở chấp hành tốt các quy định về ATTP trong sản xuất kinh doanh;

- 04/04 cơ sở hằng năm đều có các đoàn thanh tra đến thanh tra, giám sát, chỉ ra những thiếu sót, hướng dẫn khắc phục kịp thời.

- 04/04 cơ sở được hỏi đều ghi nhận quá trình làm việc với Chi cục ATVSTP và Trung tâm YTDP thành phố liên quan đến việc cấp các loại giấy về ATTP, việc kiểm nghiệm thực phẩm và KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu được tiến hành thuận lợi, không có hiện tượng tiêu cực hay gây khó cho doanh nghiệp.

III. KẾT LUẬN

1. Những kết quả tích cực

1.1. Để triển khai công tác quản lý nhà nước về ATTP đạt hiệu quả, Sở Y tế đã chủ động ban hành và tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP.

1.2. Công tác thông tin giáo dục truyền thông về ATTP được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức phong phú có sự tham gia của các ngành có liên quan và các đoàn thể đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về ATTP của các nhóm đối tượng.

1.3. Việc cấp các loại giấy liên quan ATTP, bao gồm: Giấy tiếp nhận công bố hợp quy, Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy xác nhận đăng ký quảng cáo, Giấy xác nhận kiến thức về ATTP cơ bản thực hiện theo quy định.

1.4. Công tác phối hợp liên ngành trong quản lý nhà nước về ATTP đã được triển khai thường xuyên có sự tham gia tích cực của các ngành có liên quan góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ATTP.

1.5. Công tác kiểm tra ATTP được triển khai thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm về ATTP.

1.6. Hoạt động kiểm tra nhà nước về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu và kiểm nghiệm phục vụ QLNN về ATTP được thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu.

1.7. Kết quả xác minh tại 04 cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống ghi nhận 04/04 cơ sở thực hiện đầy đủ các quy định về bảo đảm ATTP; các cơ sở thực phẩm được xác minh đều ghi nhận quá trình làm việc với các cơ quan, đơn vị của Sở Y tế liên quan đến quản lý ATTP và việc cấp các loại giấy về ATTP, việc kiểm nghiệm thực phẩm và KTNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu được tiến hành thuận lợi, không có hiện tượng tiêu cực hay gây khó cho doanh nghiệp.

2. Một số tồn tại, hạn chế

2.1. Công tác thẩm định, cấp các loại giấy liên quan ATTP và việc xử lý vi phạm tại Chi cục ATVSTP cơ bản thực hiện theo đúng quy định, song vẫn còn vài tồn tại như nêu tại mục II của bản báo cáo.

2.2. Về công tác kiểm tra nhà nước về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu; kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về ATTP tại Trung tâm Y tế dự phòng còn một số thiếu sót trong hoạt động chuyên môn và việc quản lý hóa chất như nêu tại mục II của bản báo cáo.

2.3. Mặc dù Sở Y tế và các đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý ATTP, song tình trạng vi phạm các quy định về ATTP còn chiếm tỷ lệ cao, tuy nhiên số cơ sở có vi phạm bị xử phạt còn ít.

2.4. Hiện tại có một số sản phẩm thực phẩm đặc sản của địa phương chưa có quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn cụ thể để áp dụng, các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm chủ yếu dựa vào Quyết định 46/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế nên có một số chỉ tiêu chưa thực sự phù hợp.

IV. CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ THEO THẨM QUYỀN ĐÃ ÁP DỤNG

Trong quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra đã nhắc nhở và hướng dẫn Chi Cục ATVSTP, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hải Phòng khắc phục tồn tại, thiếu sót trong việc triển khai thực hiện các hoạt động về bảo đảm ATTP.

V. KIẾN NGHỊ

Đề nghị Sở Y tế Hải Phòng:

1. Chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố khắc phục những tồn tại như đã nêu trên.

2. Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra cần tăng cường lấy mẫu, kiểm nghiệm đánh giá các chỉ tiêu ATTP, kịp thời cảnh báo mối nguy mất an toàn thực phẩm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý ATTP.

3. Căn cứ kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục, đề nghị Sở Y tế Hải Phòng tổng hợp, báo cáo về Thanh tra Bộ Y tế trước ngày 31/12/2016 để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế.

Trên đây là Kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Sở Y tế TP. Hải Phòng. Chánh Thanh tra Bộ giao Trưởng Đoàn thanh tra công khai Kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật./.

 


Nơi nhận:
- BT. Nguyễn Thị Kim Tiến (để b/c);
- TT. Nguyễn Thanh Long (để b/c);
- Thanh tra Chính phủ (để b/c);
- Cục ATTP (để phối hợp);
- Viện KN ATVSTP Quốc gia (để phối hợp);
- Sở Y tế TP. Hải Phòng (để thực hiện);
- Cổng Thông tin điện tử BYT (để đăng tin);
- Lưu: TTrB; P8; Đoàn thanh tra.

CHÁNH THANH TRA BỘ




Đặng Văn Chính

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kết luận thanh tra 191/KL-TTrB năm 2016 công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Sở Y tế thành phố Hải Phòng do Thanh tra Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 191/KL-TTrB
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 09/11/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Đặng Văn Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/11/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản