Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 70-KL/TW

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2024

 

KẾT LUẬN

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHÁT TRIỂN THỂ DỤC, THỂ THAO TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 đạt được nhiều kết quả tích cực, phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao được chú trọng, góp phần tăng cường sức khỏe, lối sống lành mạnh cho Nhân dân. Nhà nước tăng cường nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện để phát triển thể dục, thể thao quần chúng, giáo dục thể chất và thể thao trường học, thể thao chuyên nghiệp, đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên. Thể thao thành tích cao đạt nhiều tiến bộ vượt bậc, tăng vị trí xếp hạng trong khu vực, châu lục và quốc tế. Chính sách xã hội hóa từng bước được đẩy mạnh, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo sự đa dạng trong cung ứng hàng hóa, dịch vụ thể dục, thể thao; hợp tác quốc tế được mở rộng.

Bên cạnh đó, một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển thể dục, thể thao; nguồn lực đầu tư còn thấp; thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao phát triển chưa vững chắc; chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên có mặt còn hạn chế; công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, y học và công tác huấn luyện chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.

Những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò quan trọng của sự nghiệp thể dục, thể thao trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới công tác quản lý nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chính sách phát triển kinh tế thể thao, xã hội hóa, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ chưa đủ mạnh. Vai trò của các tổ chức xã hội và xã hội - nghề nghiệp chưa được phát huy đầy đủ.

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng con người Việt Nam phát triển hài hòa, toàn diện, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và Nhân dân đối với phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao; lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về thể dục, thể thao trong nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, đơn vị. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai nhiệm vụ phát triển thể dục, thể thao.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ứng dụng công nghệ số, tăng cường vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng, xây dựng các kênh truyền thông về thể dục, thể thao nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng hoạt động thể chất, thông tin có liên quan cho Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng phối hợp tuyên truyền, vận động thành viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia tập luyện thể dục, thể thao gắn với các cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở".

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, sớm ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao trong giai đoạn mới. Chú trọng cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển thiết chế, cơ sở hạ tầng; thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng, giáo dục thể chất và thể thao trường học; khung khổ pháp lý về kinh tế thể thao, quyền sở hữu, chuyển nhượng, khai thác bản quyền và tài trợ, thúc đẩy xã hội hóa. Bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc y tế, nhà ở, tiền lương, trợ cấp, ưu đãi khác đối với vận động viên, huấn luyện viên, nhân tài trong lĩnh vực thể dục, thể thao.

Thực hiện tốt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030; xây dựng hệ thống chỉ số rèn luyện, đánh giá thể lực con người Việt Nam. Nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người trực tiếp làm công tác thể dục, thể thao. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác, giao lưu quốc tế, góp phần nâng cao hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia, dân tộc.

Đẩy mạnh sắp xếp, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thể dục, thể thao theo hướng tự chủ, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ gắn với chuẩn mực quốc tế. Tăng cường công khai, minh bạch, thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật; kịp thời hướng dẫn xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thể dục, thể thao.

3. Khuyến khích phát triển thể dục, thể thao quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí. Tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn phong trào thể dục, thể thao quần chúng; xây dựng công trình thể thao công cộng ở khu dân cư. Quan tâm phát triển thể thao dân tộc, thể thao giải trí, thể thao quốc phòng, các đối tượng trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật... trong hoạt động thể dục, thể thao.

Đổi mới giáo dục thể chất và thể thao trường học gắn với mục tiêu giáo dục, phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, tạo nền tảng để phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng trẻ. Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất, phát triển các loại hình hoạt động, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, phát triển thể chất. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên, giảng viên cho các cấp học, trình độ đào tạo và nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý lứa tuổi, thể dục, thể thao trường học.

Đẩy mạnh công tác huấn luyện thể lực, nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang. Tăng cường huấn luyện thi đấu thể thao, ứng dụng nghiệp vụ phục vụ cho công tác, chiến đấu, thể thao thành tích cao. Phát huy vai trò của lực lượng vũ trang trong phát triển thể dục, thể thao, nhất là ờ vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tập trung phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao, hoàn thiện hệ thống phát hiện, đào tạo vận động viên, thi đấu thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao trình độ quốc gia, quốc tế, nhất là các môn thể thao Olympic trọng điểm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ thể dục, thể thao đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Chú trọng việc học tập văn hóa, chính trị, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc cho vận động viên. Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên, tổ chức thi đấu, chuyển nhượng vận động viên hợp pháp.

4. Tăng cường các nguồn lực cho sự nghiệp thể dục, thể thao. Rà soát, hoàn thiện quy hoạch, phát triển mạng lưới thiết chế, cơ sở thể thao đồng bộ, từng bước hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ưu tiên đầu tư một số cơ sở trọng điểm về đào tạo, huấn luyện chất lượng cao; hiện đại hóa các trung tâm huấn luyện, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, cơ sở nghiên cứu khoa học và y học thể thao. Phát triển thị trường thể thao, thúc đẩy hợp tác công - tư, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở thể thao, tham gia tổ chức thi đấu, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài và cung cấp các dịch vụ thể dục, thể thao.

5. Tổ chức thực hiện

- Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Kết luận này.

- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan; bố trí đủ nguồn lực; tăng cường công tác quản lý nhà nước bảo đảm thực hiện đồng bộ chính sách, pháp luật về thể dục, thể thao.

- Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo ban hành Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận.

- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hội quần chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giám sát, phản biện xã hội, tích cực tham gia thực hiện Kết luận này.

- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Kết luận này.

 

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Trương Thị Mai

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kết luận 70-KL/TW năm 2024 phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 70-KL/TW
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 31/01/2024
  • Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
  • Người ký: Trương Thị Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản