Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 66-KL/TW

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2013

 

KẾT LUẬN CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

VỀ TỔNG KẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN - THỰC TIỄN QUA 30 NĂM ĐỔI MỚI (1986 - 2016)

Tại phiên họp ngày 31-5-2013, sau khi nghe Tờ trình số 21-TTr/HĐLLTW, ngày 03-4-2013 của Hội đồng Lý luận Trung ương về Đề án tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), ý kiến các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận như sau :

1- Đồng ý về chủ trương tiến hành tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016) ở nước ta. Đây là việc làm cần thiết, quan trọng, góp phần tiếp tục hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng, trực tiếp chuẩn bị Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Phạm vi tổng kết là một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới, trọng tâm là 10 năm đổi mới gần đây (2006 - 2016).

2- Đồng ý với yêu cầu tổng kết như đã nêu trong Tờ trình của Hội đồng Lý luận Trung ương và nhấn mạnh : Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới phải xuất phát từ thực tiễn đổi mới của đất nước, từ thực tiễn biến đổi của thế giới; dựa trên các quan điểm, đường lối của Đảng từ Đại hội VI (năm 1986) đến Đại hội XI (năm 2011) và các Hội nghị Trung ương các khóa nói trên; cần kế thừa những kết quả, kết luận của các lần tổng kết, những kết quả nghiên cứu đã có (tổng kết 20 năm đổi mới 1986 - 2006; 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 - 2011; 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992 - 2012...). Đặc biệt, việc tổng kết phải coi trọng tính thiết thực và hiệu quả, gắn chặt lý luận với thực tiễn, từ thực tiễn đổi mới của đất nước mà tổng kết lý luận. Cần kết hợp việc tổng kết những vấn đề dài hạn với việc giải quyết, xử lý các vấn đề trước mắt, nhất là các vấn đề đang có vướng mắc; góp phần thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc tổng kết phải góp phần phát triển tư duy lý luận của Đảng, phát hiện, đề xuất được một số vấn đề, luận điểm mới có căn cứ lý luận - thực tiễn, những giải pháp, kiến nghị mới đúng đắn, thiết thực, cụ thể.

3- Về nội dung tổng kết, tập trung vào 10 vấn đề nêu trong Tờ trình, nhưng cần điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cho phù hợp, nhất là các vấn đề đang cần làm sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn, các vấn đề mới nảy sinh hoặc còn có ý kiến khác nhau. Gộp vấn đề phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với xây dựng nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp thành một mục; bổ sung nội dung công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trình bày thành vấn đề riêng; vấn đề bảo vệ Tổ quốc cần gắn với những vấn đề về an ninh, quốc phòng, đối ngoại và việc xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; cần tập trung đi sâu giải quyết, làm sáng tỏ 8 mối quan hệ lớn đã được xác định trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011).

4- Về phương pháp, phương thức tổng kết, cần quán triệt tinh thần thiết thực, hiệu quả; không đặt vấn đề tổ chức tổng kết ở các cấp từ dưới lên. Lực lượng tham gia tổng kết chủ yếu là các bộ, ban, ngành, các cơ quan quản lý, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận ở Trung ương và một số tỉnh ủy, thành ủy. Lập Ban Chỉ đạo tổng kết do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban.

Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tổng kết có nhiệm vụ giúp Ban Chỉ đạo theo dõi, tổng hợp, hướng dẫn các đơn vị làm tổng kết và kiến nghị với Ban Chỉ đạo tổng kết những vấn đề cần giải quyết; giúp Ban Chỉ đạo hoàn thành Báo cáo kết quả tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016) trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét vào quý IV-2014.

5- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy có trách nhiệm cung cấp cho Ban Chỉ đạo tổng kết (qua Hội đồng Lý luận Trung ương) những số liệu, tài liệu, báo cáo, thông tin cần thiết cho việc tổng kết.

6- Căn cứ kết luận của Bộ Chính trị, Hội đồng Lý luận Trung ương hoàn thiện Đề cương chi tiết, xác định phạm vi, nội dung tổng kết của từng vấn đề, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Văn phòng Trung ương Đảng có trách nhiệm bảo đảm kinh phí phục vụ cho công tác tổng kết này.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư (để báo cáo),
- Hội đồng Lý luận Trung ương,
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị trực thuộc Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Lê Hồng Anh

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kết luận 66-KL/TW năm 2013 về tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016) do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 66-KL/TW
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 12/06/2013
  • Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
  • Người ký: Lê Hồng Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản