Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 60-KL/TW

Buôn Ma Thuột, ngày 27 tháng 11 năm 2009

 

KẾT LUẬN

CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT THÀNH ĐÔ THỊ TRUNG TÂM VÙNG TÂY NGUYÊN (GIAI ĐOẠN 2010- 2020)

Thực hiện Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2009, ngày 03-11-2009, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắc Lắc về Đề án xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010 – 2020). Sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo và ý kiến các bộ, ban, ngành Trung ương, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận như sau:

1- Vị trí của thành phố Buôn Ma Thuột

- Thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Đắc Lắc, có vị trí chiến lược rất quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Thành phố nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, là đầu mối giao thông thuận tiện với toàn vùng, có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp chế biến, cây công nghiệp như cà phê, ca cao và một số loại cây có giá trị kinh tế cao khác; có kết cấu hạ tầng và hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối khá, tạo điều kiện cho các khu đô thị mới hình thành và phát triển các khu du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng.

- Buôn Ma Thuột được xác định là thành phố trung tâm cấp vùng, là trung tâm công nghiệp, khoa học kỹ thuật, giáo dục – đào tạo và y tế của vùng Tây Nguyên, là đầu mối giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ, duyên hải miền Trung và trong quan hệ quốc tế.

2- Về những kết quả đạt được

2.1- Thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ Đắc Lắc, trong những năm qua, đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã luôn đoàn kết, phát huy tốt các nguồn lực, đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành, khắc phục khó khăn, giành được những kết quả quan trọng và toàn diện, cụ thể là:

- Luôn duy trì tốt nhịp độ phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành sản xuất và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh; thu ngân sách tăng khá, là một trong những địa phương có nguồn thu ngân sách lớn của vùng.

- Đã thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội quan tâm nhân tố con người, chú trọng đầu tư cho giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, tạo những chuyển biến tích cực trên lĩnh vực này.

- Xã hội ổn định; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; thể trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ được củng cố một bước; các vụ việc nổi cộm, nhất là khiếu kiện đông người được xử lý tốt hơn, không để diễn biến xấu xảy ra.

- Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên một bước, hệ thống chính trị được kiện toàn, đội ngũ cán bộ trưởng thành; quan hệ giữa Đảng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân gắn bó chặt chẽ hơn; nội bộ cấp ủy đoàn kết, thống nhất; niềm tin, uy tín của Đảng bộ đối với nhân dân thành phố ngày càng được nâng cao.

2.2 – Bên cạnh những thành tựu đạt được, thành phố Buôn Ma Thuột cũng còn một số yếu kèm cần khắc phục là:

- Phát triển kinh tế chưa thực sự vững chắc, chất lượng tăng cường chưa cao, quy mô chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của thành phố. Vai trò trung tâm, sức lan tỏa và thu hút của Buôn Ma Thuột đối với kinh tế trong vùng còn hạn chế.

- Quy hoạch tổng thể và chi tiết phát triển kinh tế - xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ. Thu hút đầu tư còn yếu, chưa có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có thương hiệu, có uy tín và tiềm lực kinh tế mạnh, tham gia đầu tư vào các dự án lớn, như các khu công nghiệp, đô thị, các dự án phát triển hạ tầng của thành phố. Các lợi thế về xuất khẩu nông sản chưa được khai thác, phát huy tốt.

- Một số vấn đề xã hội còn bức xúc, như giải quyết việc làm cho người lao động, trật tự đô thị an toàn giao thông, môi trường; an ninh chính trị, trật tự xã hội còn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp gây mất ổn định.

- Công tác xây dựng Đảng, nhất là cấp cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành còn một số hạn chế, thủ tục hành chính chậm đổi mới; tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của một số cán bộ, công chức còn yếu.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém

- Về chủ quan, chủ yếu là do năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển của thành phố; chưa làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ chủ chốt; chưa coi trọng xây dựng chiến lược phát triển các ngành nghề mũi nhọn; chưa khai thác tốt các nguồn lực đầu tư cho phát triển.

- Về khách quan, đầu tư của Trung ương và tỉnh tuy đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, mất cân đối giữa nhu cầu đầu tư phát triển và khả năng cung cấp vốn; hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu.

3- Phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2020

3.1-  Bộ Chính trị cơ bản tán thành phương hướng xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2020 theo các bước: trước mắt xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắc Lắc; tập trung đầu tư phát triển lên quy mô cấp vùng trên một số lĩnh vực công nghiệp, khoa học kỹ thuật, giáo dục – đào tạo, y tế, thể dục, thể thao; phấn đấu trước năm 2020 trở thành đô thị trung tâm mang đặc sắc riêng của vùng Tây Nguyên. Duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát triển nông – lâm nghiệp theo xu hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường. Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị, gắn phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư và phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái; củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.

3.2- Để thực hiện phương hướng và nhiệm vụ trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắc Lắc cần tập trung lãnh đạo Đảng bộ thành phố thực hiện các nhiệm vụ sau:

(1) Rà soát các tiêu chí để sớm xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành thành phố loại I trực thuộc tỉnh Đắc Lắc. Làm tốt công tác quy hoạch đô thị, đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ để thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên vào trước năm 2020. Tận dụng cơ hội, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thể để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp.

- Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các ngành, các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng khoa học – công nghệ cao, ít gây ô nhiễm. Trước mắt, coi trọng phát triển một số ngành công nghiệp, thu hút nhiều lao động để giải quyết việc làm; ưu tiên công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

- Phát triển các ngành dịch vụ, như: giao thông vận tải, bưu chính – viễn thông, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…, để từng bước trở thành trung tâm dịch vụ lớn của vùng Tây Nguyên và cả nước.

- Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa gắn với các vùng, tiểu vùng chuyên canh hợp lý, phù hợp với điệu kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng, phục vụ nhu cầu chế biến trong nước và xuất khẩu; hình thành vùng chuyên canh sản xuất cây giống, cây trồng, vật nuôi…, xây dựng thương hiệu đặc sản nông nghiệp của thành phố.

- Đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại, phấn đấu đưa thành phố Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao lưu, buôn bán, hợp tác với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Cam–pu-chia; Có chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào thành phố.

-  Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi các thành phần kinh tế cùng phát triển. Thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, có cơ chế phù hợp để phát triển mạnh mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác.

- Huy động tối đa các nguồn lực, trong đó ưu tiên bố trí ngân sách để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị. Xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông thông suốt, đầu tư nâng cấp sân bay Buôn Ma Thuột trở thành sân bay quốc tế - đầu mối vận tải hàng không của khu vực Tây Nguyên; nâng cấp mạng lưới điện, thông tin và truyền thông, hạ tầng đô thị hướng tới bảo vệ môi trường sinh thái.

(2) Chú trọng giải quyết các vần đề xã hội, chăm lo phát triển con người toàn diện, lấy con người làm mục tiêu và động lực cho phát triển, đảm bảo đồng thuận, hài hòa giữa các nhóm lợi ích, đặc biệt quan tâm đến đối tượng nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Quan tâm hơn nữa yếu tố con người, đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ; mở rộng quy mô, cơ cấu hợp lý và nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo; phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống trường dân tộc nội trú; chú trọng đào tạo nghề, đào tạo cao đẳng, đại học để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao cho thành phố, vùng Tây Nguyên và vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Cam-pu-chia.

- Mở rộng, nâng cấp mạng lưới y tế, chú trọng đầu tư xâu dựng hệ thống y tế cơ sở, làm tốt công tác y tế dự phòng, đồng thời tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao phục vụ việc khám và chữa bệnh cho nhân dân tỉnh Đắc Lắc và vùng Tây Nguyên.

- Tạo lập môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, chăm lo phát triển, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao; quản lý chặt chẽ các hoạt động phát thanh, truyền hình, Internet, báo chí, xuất bản. Phát triển thể thao thành tích cao, nhất là các môn thể thao truyền thống, có ưu thế, sớm xây dựng thành phố trở thành trung tâm thể thao của vùng.

(3) Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo thế ổn định vững chắc cho vùng Tây Nguyên và cả nước; tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân, ngăn chặn và kịp thời đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; bảo đảm hài hòa về phát triển kinh tế - xã hội với ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội.

(4) Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở. Làm tốt công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và  sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nền tảng chính trị vững mạnh cho sự phát triển của thành phố.

4- Về các kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắc Lắc

Bộ Chính trị cơ bản đồng ý với các kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắc Lắc, giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau:

(1) Chỉ đạo và có kế hoạch bố trí vốn bằng nhiều nguồn để đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm, nhất là các dự án hạ tầng thiết yếu của thành phố Buôn Ma Thuột và của tỉnh Đắc Lắc đã được đề cập trong Đề án.

- Ưu tiên bố trí vốn thực hiện các chương trình mục tiêu về kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh từ ngân sách Trung ương và các nguồn vốn ODA cho các công trình trọng điểm, một số cơ sở hạ tầng quan trọng, như: hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống giao thông, thủy lợi, giáo dục-đào tạo, thiết bị y tế…

- Phân cấp mạnh hơn cho thành phố; cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế mới đối với những vấn đề mà thực tiễn thành phố đặt ra. Trong trường hợp cần thiết được vay vốn từ các nguồn tài chính nhà nước, tổ chức trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng thành phố theo quy hoạch và theo quy định của pháp luật.

(2) Sớm đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm giao thông, về văn hóa – xã hội có tác động mạnh đến sự phát triển của vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2015, gồm: các tuyến đường sắt, đường quốc lộ, đường liên tỉnh, nội tỉnh, cảng hàng không quốc tế, xây dựng bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, Trường Đại học Văn hóa- Nghệ thuật và Du lịch, khu liên hợp văn hóa… Đầu tư và nâng cấp Trường Đại học Tây Nguyên thành đại học vùng; đầu tư nâng cấp Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Viện nghiên cứu nông lâm nghiệp Tây Nguyên và các trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn.

(3) Chính phủ sớm khẳng định và xem xét, phê duyệt Đề án nâng cấp thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Tỉnh Đắc Lắc và các bộ, ngành liên quan giúp thành phố lập Đề án quy hoạch xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Bộ Chính trị tin tưởng rằng, phát huy truyền thống vẻ vang trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắc Lắc và thành phố Buôn Ma Thuột tiếp tục phấn đấu xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, là một trung tâm công nghiệp, dịch vụ và khoa học kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, y tế, thể dục, thể thao của vùng; là đầu mối giao thông liên vùng, tạo điều kiện phát triển, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Tây Nguyên với các vùng trong cả nước và khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Cam-pu-chia, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước.

 

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Trương Tấn Sang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kết luận 60-KL/TW năm 2009 về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010-2020) do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 60-KL/TW
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 27/11/2009
  • Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
  • Người ký: Trương Tấn Sang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản