Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ CHÍNH TRỊ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 58-KL/TW | Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 2013 |
KẾT LUẬN
SƠ KẾT 5 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 (KHÓA X) VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN ĐỂ NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI
Tại phiên họp ngày 07-3-2013, sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ Công thương báo cáo, ý kiến các cơ quan liên quan đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, Bộ Chính trị đã kết luận:
1. Kết quả thực hiện Nghị quyết
1.1. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động rất phức tạp và có nhiều khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, việc thực hiện 10 nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết đã đạt kết quả tích cực. Hội nhập kinh tế quốc tế và việc gia nhập WTO đã tác động toàn diện đến mọi mặt phát triển của đất nước.
Bước đầu đã tận dụng được cơ hội, phát huy lợi thế của nền kinh tế, vượt qua nhiều thách thức và hạn chế những tác động tiêu cực; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, góp phần nâng cao vị thế chính trị của nước ta trên trường quốc tế.
Đã có sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, thể chế ngày càng hoàn thiện hơn, cơ bản phù hợp với quy định của WTO.
Kết quả nổi bật là thu hút nguồn lực bên ngoài (về vốn, công nghệ, quản trị, chất xám…) phục vụ phát triển đất nước; thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng, giá trị xuất khẩu tăng; năng lực sản xuất kinh doanh và tiềm lực kinh tế tăng lên rõ rệt, năng lực cạnh tranh quốc gia từng bước được cải thiện. Trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, năng lực quản trị doanh nghiệp của các doanh nhân được cải thiện; đã hình thành một lớp doanh nhân trẻ có kiến thức, năng động, có vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế quốc dân.
Những thành tựu đạt được đó đã khẳng định Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nước ta phát triển nhanh, bền vững khi Việt Nam là thành viên WTO là đúng đắn.
1.2. Tuy nhiên, kết quả thực hiện Nghị quyết vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Tận dụng cơ hội và chủ động đối phó với thách thức chưa thật tốt. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện; hệ thống các thị trường phát triển thiếu đồng bộ. Chất lượng tăng trưởng và sức bền vững của nền kinh tế còn yếu và chậm được cải thiện. Năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm còn hạn chế, chất lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn thấp, cơ cấu hàng xuất khẩu chậm được thay đổi, có giá trị gia tăng thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực còn nhiều bất cập. Công nghệ sản xuất chậm được đầu tư, đổi mới; chuyển giao công nghệ ít được quan tâm. Quản lý, điều hành, quản trị doanh nghiệp chưa bắt kịp với yêu cầu của tình hình cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Cải cách hành chính chưa được đẩy mạnh, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu.
Chưa chủ động có giải pháp hạn chế mặt trái của quá trình hội nhập, nhất là những tác động tiêu cực trong lĩnh vực lao động, việc làm, văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ sản xuất và sản phẩm trong nước; khoảng cách giầu nghèo có xu hướng tăng nhanh.
1.3. Nguyên nhân của hạn chế yếu kém, có yếu tố khách quan là ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng sâu rộng, tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta. Nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nổi lên là do nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền chưa được đầy đủ, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kiên trì; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương, các lĩnh vực, các chương trình, các hoạt động chưa đồng bộ, thiếu toàn diện; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế trong cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; công tác đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện Nghị quyết chưa được thường xuyên, thậm chí có nơi, có lúc bị buông lỏng.
2. Phương hướng triển khai thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, Bộ Chính trị lưu ý một số vấn đề sau:
– Tổ chức triển khai đúng tinh thần và quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết với mục tiêu cao nhất là lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Các cấp, các ngành cần nhận thức sâu sắc và quán triệt các quan điểm của Nghị quyết, đặc biệt quan điểm hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn kết hơn nữa với quá trình đổi mới kinh tế – xã hội trong nước để nâng cao hiệu quả và tăng cường thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu phát triển chung.
– Phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, không để bị lệ thuộc và bị động trong quá trình hội nhập. Xây dựng lộ trình để có những bước đi phù hợp, bảo đảm thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế.
– Tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua. Tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn lực bên ngoài về vốn, về kỹ năng quản trị doanh nghiệp, về khoa học công nghệ phục vụ cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển đồng bộ các loại thị trường; quan tâm giải quyết hợp lý giữa phát triển thị trường quốc tế với củng cố và nâng cao chất lượng thị trường trong nước. Chú trọng các giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực, mặt trái trong quá trình hội nhập, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập, đồng thời phải chú trọng bảo vệ sản xuất, lao động, việc làm trong nước, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
– Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động khó lường, cần tăng cường công tác dự báo, đánh giá đúng tình hình để chủ động, kịp thời ứng phó có hiệu quả với những thách thức nảy sinh trong quá trình hội nhập,
– Tăng cường công tác tuyên truyền trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết.
3. Tổ chức thực hiện
Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo rà soát, cập nhập và tổ chức thực hiện chương trình hành động nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết, bảo đảm phối hợp hài hòa và đồng bộ với chiến lược hội nhập quốc tế; cần có cơ chế chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất hoạt động hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập kinh tế trong tình hình mới. Xây dựng chương trình riêng thực hiện các quy định, quy chế về hành chính, các điều kiện WTO.
Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết, tạo nhận thức đúng và đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chủ động ứng phó với những biến động trong thời kỳ mới.
Ban Kinh tế Trung ương theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư tình hình thực hiện Nghị quyết.
| T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
- 1Thông báo 324/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hà Nội sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo 123/TB-VPCP năm 2014 kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch công tác năm 2013, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2014 và việc chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 2510/VPCP-KTTH năm 2014 thực hiện sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2007 về chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành
- 2Thông báo 324/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hà Nội sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 123/TB-VPCP năm 2014 kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch công tác năm 2013, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2014 và việc chuẩn bị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 2510/VPCP-KTTH năm 2014 thực hiện sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X do Văn phòng Chính phủ ban hành
Kết luận 58-KL/TW năm 2013 sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới do Bộ Chính trị ban hành
- Số hiệu: 58-KL/TW
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 02/04/2013
- Nơi ban hành: Bộ Chính trị
- Người ký: Lê Hồng Anh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/04/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra