Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 114-KL/TW

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2015

 

KẾT LUẬN

CỦA BAN BÍ THƯ VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÁC CẤP

Vừa qua, Ban Bí thư đã nghe Bán cán sự đảng Bộ Nội vụ báo cáo Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua Dân vận khéo” (Tờ trình số 43-TTr/BCS, ngày 08/4/2015), ý kiến của cơ quan có liên quan, Ban Bí thư kết luận như sau:

1- Trong những năm vừa qua, công tác dân vận của cơ quan nhà nước được cấp ủy, cơ quan nhà nước các cấp quan tâm, tích cực thực hiện phong trào “Dân vận khéo” và đã đạt được kết quả quan trọng. Các văn bản pháp luật liên quan đến quyền dân chủ của nhân dân, tổ chức, hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp đã quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận. Phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước đã được đổi mới theo hướng vì nhân dân, chăm lo, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; mở rộng dân chủ, phát huy vai trò, quyền làm chủ của nhân dân. Đã góp phần quan trọng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức. Hiệu quả cải cách hành chính chưa cao, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền. Việc lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng, triển khai đề án, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều nơi còn hình thức; một số chính sách, pháp luật chưa đáp ứng nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân. Công tác tiếp dân, đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan nhà nước với nhân dân chưa được quan tâm đúng mức; có nơi, quyền làm chủ của nhân dân bị vi phạm. Hiệu quả, hiệu lực giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo chưa cao; tình trạng khiếu kiện đông người còn diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân của những yếu kém trên là do công tác xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng hiệu quả còn hạn chế; một số cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công tác dân vận của cơ quan nhà nước. Cơ chế giám sát, phản biện xã hội, tham gia quản lý nhà nước, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chưa được triển khai đồng bộ. Thực hành dân chủ gắn với tăng cường kỷ cương xã hội chưa tốt. Sự phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị chưa thường xuyên; chưa tập trung giải quyết kịp thời một số bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân.

2- Thời gian tới, phải tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy và cơ quan nhà nước các cấp, khắc phục những hạn chế, thiếu sót nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, gần dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Để thực hiện mục tiêu trên, Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước các cấp thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa X về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp, đưa công tác dân vận trở thành nhiệm vụ thường xuyên gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức. Cần xác định việc thực hiện công tác dân vận là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại thi đua, khen thưởng đối với tập thể và cá nhân các cơ quan nhà nước các cấp.

- Tiếp tục thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, bảo đảm nguyên tắc mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đổi mới nội dung và hình thức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, quyền dân chủ phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thực hành dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, bảo đảm để nhân dân tham gia quản lý xã hội, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân; giải quyết kịp thời những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng liên quan trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân. Tập trung giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để vụ việc phức tạp kéo dài, khiếu kiện đông người.

- Tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến phục vụ người dân. Kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị khóa XI. Thực hiện nghiêm túc việc phân công lãnh đạo các cơ quan nhà nước các cấp phụ trách công tác dân vận. Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, tác phong làm việc, quy tắc ứng xử. Xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện. Kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức nhà nước quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền và năng lực, phẩm chất kém. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác hòa giải trong nội bộ nhân dân.

- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận. Các cơ quan nhà nước các cấp phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện công tác dân vận, đặc biệt là việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác dân vận, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, việc giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tăng cường sự phối hợp thường xuyên giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị trong thực hiện công tác dân vận. Tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

- Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để vận động, khuyến khích các tầng lớp nhân dân phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ cống hiến cho cộng đồng và đất nước. Thực hiện tốt công tác khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhất là đối với công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, người lao động trực tiếp…

- Giao Ban cán sự đảng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan chính quyền các cấp trong tình hình mới (thay thế Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg, ngày 21/9/2000).

- Giao Ban Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương thường xuyên theo dõi, đôn đốc, sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Ban Bí thư kết quả việc thực hiện Kết luận này.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ




Lê Hồng Anh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kết luận 114-KL/TW năm 2015 về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp do Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành

  • Số hiệu: 114-KL/TW
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/07/2015
  • Nơi ban hành: Ban Bí thư Trung ương Đảng
  • Người ký: Lê Hồng Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/07/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản