Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******

Số: 8451/KH-UBND

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2007

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NGĂN CHẶN VÀ GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG TRẺ EM PHẢI LAO ĐỘNG NẶNG NHỌC, TRONG ĐIỀU KIỆN ĐỘC HẠI VÀ NGUY HIỂM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2007-2010.

Thực hiện Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2006-2010; Quyết định số 10/QĐ-DSGĐTE ngày 12 tháng 02 năm 2005 của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân số Gia đình và trẻ em về việc phê duyệt 04 đề án thực hiện Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ;

Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện đề án ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại và nguy hiểm giai đoạn 2007-2010 của thành phố như sau:

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH CHUNG

Vào tháng 12 năm 2006, theo chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thành phố đã tổ chức khảo sát, điều tra điểm tại một số phường – xã, thị trấn của 19 quận – huyện, kết quả cho thấy: nhóm trẻ em ở độ tuổi từ 12 tuổi đến dưới 15 tuổi có tỷ lệ tham gia hoạt động cao nhất (42,22%), kế đến là nhóm tuổi từ 15 tuổi đến 16 tuổi (41,33%), thấp nhất là nhóm tuổi dưới 12 tuổi (17,33%). Các em chủ yếu làm những công việc đơn giản, trong các ngành nghề như may mặc, giày da với quy mô nhỏ, sản xuất cá thể, hộ gia đình và một số công việc do chính các em tự tạo hoặc làm các công việc phụ giúp cha mẹ như bán vé số, đánh giày, phụ bán hủ tiếu gõ … Phần lớn các em tham gia lao động tự nguyện với mục đích kiếm thu nhập để tự trang trải cho bản thân, một phần phụ giúp gia đình. Nhìn chung trẻ em nam tham gia lao động nhiều hơn trẻ em nữ; trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm thường sống trong hộ gia đình nghèo, khó khăn về kinh tế.

Tại thành phố Hồ Chí minh, có rất ít lao động trẻ em trong khu vực nhà nước, hoặc khu vực kinh tế của doanh nghiệp (trường hợp nếu doanh nghiệp có sử dụng lao động chưa thành niên thì các doanh nghiệp đã phải áp dụng các chế độ của pháp luật lao động đối với lao động chưa thành niên). Có thể chia hình thức tham gia lao động theo mục đích làm việc của trẻ em thành 4 nhóm chính là: (1) làm thuê, (2) tham gia làm kinh tế gia đình, (3) vừa làm thuê vừa làm kinh tế gia đình, và (4) tự làm để kiếm sống. Những năm trước đây, phần lớn trẻ em lao động ở hai hình thức vừa làm thuê vừa làm kinh tế gia đình. Gần đây, số trẻ em làm kinh tế gia đình giảm; tỷ lệ các em làm thuê và tự kiếm sống có chiều hướng tăng, nhất là lứa tuổi từ 14 tuổi đến 16 tuổi. Khoảng 15% trẻ em (chủ yếu là trẻ em trai) làm thuê trong môi trường điều kiện nặng nhọc độc hại như sản xuất trong các cơ sở tiểu thủ công nghiệp ngành gốm, sành sứ, vật liệu xây dựng, nghề cơ khí, vận tải, xây dựng dân dụng … Số trẻ em tự lao động kiếm sống tăng cao, trong đó chiếm đa số là trẻ em trong các gia đình tạm trú có thời hạn trên địa bàn thành phố; hoặc do cha mẹ (ở nông thôn) gửi con cho người quản lý, người sử dụng lao động.

Môi trường lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm có sức tàn phá sự phát triển thể chất, trí lực rất lớn đối với trẻ em. Do đó đây là vấn đề xã hội cần phải tìm cách ngăn chặn, hạn chế và tiến tới xoá bỏ. Việc thực hiện kế hoạch ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2007-2010 nhằm hạn chế tình trạng trên, góp phần tạo điều kiện cho trẻ em lao động sớm tham gia lao động phù hợp với khả năng để phụ giúp gia đình, mà vẫn được học tập, chăm sóc sức khỏe, phát triển thể chất lẫn tinh thần.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát: Ngăn chặn, giảm dần và tiến tới giảm cơ bản vào năm 2010 số lượng trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, tạo điều kiện để những trẻ em này được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển toàn diện về mọi mặt, có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

2. Mục tiêu cụ thể: Giải quyết và ngăn chặn tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Xử lý ít nhất từ 95% trở lên các trường hợp phát hiện trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm, để tới 2010 giảm được 90% số trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm.

III. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi áp dụng: Kế hoạch được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn thành phố, chú trọng các địa bàn quận – huyện, phường – xã, thị trấn (gọi tắt là phường – xã) có nhiều trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.

2. Đối tượng:

a) Trẻ em Việt Nam, dưới 16 tuổi đang lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm, cụ thể:

- Trẻ em lao động trong các cơ sở sản xuất tư nhân ngành may mặc, da, thủy tinh, nhựa, cơ khí sửa chữa, chế tạo, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phân loại phế liệu …

- Trẻ em lao động trong các cơ sở dịch vụ tư nhân: phụ bán hàng ăn, khuân vác, phân loại rau quả, (chợ đầu mối nông sản, thực phẩm)…

- Trẻ em tự lao động kiếm sống qua công việc thu nhặt ve chai, phế liệu ở bãi rác, phụ thu gom rác dân lập, bán hàng rong, bán báo, đánh giày, bán vé số...

b) Trẻ em thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, như: trẻ em thuộc các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bỏ học hoặc học lớp tình thương (nhưng không ổn định, dễ bỏ học), đang tham gia lao động kiếm sống, phụ giúp gia đình.

c) Cha mẹ, gia đình trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm.

d) Người sử dụng lao động sử dụng lao động là trẻ em.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH

1. Hoạt động 1: Điều tra, lập danh sách đối tượng.

a) Nội dung:

Tiến hành điều tra, khảo sát lập danh sách trẻ em phải đang lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm và danh sách trẻ em có nguy cơ cao phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm trên địa bàn thành phố theo hướng dẫn của Bộ lao động – Thương binh và Xã hội.

b) Cơ quan thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Cục Thống kê thành phố, Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em và Ủy ban nhân dân quận – huyện, phường – xã, thị trấn.

2. Hoạt động 2: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành và của cộng động xã hội về vấn đề trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm.

a) Nội dung:

- Xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền các chủ trương chính sách về các vấn đề trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và kế hoạch thực hiện đề án ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại và nguy hiểm giai đoạn 2007-2010 của thành phố.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về các văn bản pháp luật có liên quan bằng nhiều hình thức; Tổ chức lồng ghép nội dung ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng.

b) Cơ quan thực hiện:

- Cơ quan chủ trì:  Sở Văn hóa và Thông tin.

- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, Sở Tư pháp, các Sở - ngành có liên quan, các tổ chức đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân quận – huyện.

3, Hoạt động 3: Tổ chức tập huấn các chính sách pháp luật về vấn đề trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm cho các cấp chính quyền, các ngành và cộng đồng xã hội, (đặc biệt các đối tượng: trẻ em, gia đình, người sử dụng lao động):

a) Nội dung:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các chủ sử dụng lao động trẻ em, trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm và gia đình để chấp hành tốt các quyền của trẻ em và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và gia đình.

+ Đối với người sử dụng lao động trẻ em: về chủ trương, chính sách Nhà nước về lao động trẻ em; pháp luật lao động của Nhà nước liên quan đến trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm; các quy định pháp luật sử dụng lao động trẻ em. Các điều chỉnh của pháp luật khi vi phạm sử dụng lao động trẻ em.

+ Đối với trẻ em và gia đình: về quyền trẻ em; những quy định của pháp luật về lao động trẻ em; kiến thức, kỹ năng lao động trong môi trường độc hại, nguy hiểm.

- Hướng dẫn, cung cấp thông tin hình thức và mức độ xử lý các chủ sử dụng lao động bắt buộc trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.

- Tăng cường công tác truyền thông, vận động, tư vấn về lao động trẻ em: Tác hại của trẻ em lao động sớm; trách nhiệm của cha mẹ, gia đình đối với con, em; tư vấn cho cha mẹ và trẻ em lao động sớm chuyển đổi nghề, tạo việc làm phù hợp, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

b) Cơ quan thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp

 - Cơ quan phối hợp: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, các Sở - ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân quận – huyện.

4. Hoạt động 4: Thực hiện các hình thức trợ giúp trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại và nguy hiểm được học tập, cải thiện sức khỏe và việc làm.

a) Nội dung:

- Vận động trẻ em lao động sớm, trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm văn hóa theo mô hình giáo dục phù hợp sẵn có; đối với các em có nguy cơ phải lao động nặng nhọc, lao động sớm tạo điều kiện, giải quyết học văn hóa, học nghề cho các em (giáo dục hòa nhập); đối với các em đang phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm cung cấp điều kiện, can thiệp và giải quyết để các em được học nghề mới phù hợp hơn.

- Tổ chức khám sức khỏe, điều trị bệnh cho trẻ em lao động sớm, trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, trẻ em bị lạm dụng sức lao động … không có thẻ bảo hiểm y tế.

b) Cơ quan thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế.

- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em và Ủy ban nhân dân quận – huyện.

5. Hoạt động 5. Can thiệp chủ sử dụng lao động trẻ em cải thiện điều kiện lao động.

a) Nội dung:

- Đối với lao động trẻ em không đủ khả năng chuyển đổi nghề khác phù hợp hơn, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương can thiệp chủ sử dụng lao động phải cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho các em (không làm quá nhiều thời gian, quá khuya, môi trường quá nóng, tiếng ồn, phải cung cấp đủ trang thiết bị bảo hộ lao động v.v…).

- Can thiệp, yêu cầu chủ sử dụng lao động có trách nhiệm điều trị, bồi thường cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

b) Cơ quan thưc hiện:

- Cơ quan chủ trì:  sở Lao động – Thương binh và Xã hội

- Cơ quan phối hợp: Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, các tổ chức đoàn thể thành phố có liên quan và Ủy ban nhân dân quận – huyện.

6. Hoạt động 6. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc trẻ em lao động sớm, trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại và nguy hiểm, trẻ em bị lạm dụng sức lao động.

a) Nội dung:

- Tăng cường sự phối hợp liên ngành, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể và của cộng đồng trong việc giải quyết tình trạng trẻ em bỏ học, lao động sớm, trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại và nguy hiểm. Đưa nội dung hoạt động chăm sóc này vào chương trình hành động của mỗi tổ chức, mỗi địa phương, cơ sở.

- Thông tin, hướng dẫn các tổ chức chăm sóc trẻ em trong và ngoài nước quan tâm tham gia hỗ trợ, giải quyết vấn đề trẻ em lao động sớm, trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại và nguy hiểm, trẻ em lạm dụng sức khỏe lao động.

b) Cơ quan thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em.

- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các tổ chức đoàn thể thành phố có liên quan và Ủy ban nhân dân quận – huyện.

7. Hoạt động 7. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các cơ sở sử dụng lao động trẻ em, xử lý thích đáng các vi phạm sử dụng lao động trẻ em.

a) Nội dung:

- Tổ chức tập huấn công tác kiểm tra, thanh tra liên ngành các cơ sở sản xuất có sử dụng lao động trẻ em, đặc biệt các điểm tập trung trẻ em từ các tỉnh vào thành phố để lao động kiếm sống.

- Tăng cường công tác phát hiện, kiểm tra, thanh tra liên ngành về tình hình trẻ em lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm trên địa bàn thành phố. Tổ chức đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành các giai đoạn của Kế hoạch theo hướng dẫn của Trung ương. Xử lý thích đáng các vi phạm sử dụng lao động trẻ em.

- Tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tạo đàm về các vấn đề trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại. Đặc biệt về tình hình và các biện pháp phù hợp giải quyết tình trạng này tại từng quận – huyện.

b) Cơ quan thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

- Cơ quan phối hợp: , Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em, Sở Tư pháp, các Sở - ngành, các tổ chức đoàn thể thành phố có liên quan và Ủy ban nhân dân quận – huyện.

V. THỜI GIAN THỰC HIỆN (2007-2010)

1. Giai đoạn 1: năm 2007-2008

1.1. Tổ chức điều tra, khảo sát, lập danh sách trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm tại địa phương:

+ Tổ chức tập huấn điều tra cấp thành phố và cấp quận – huyện, xử lý phiếu điều tra.

+ Lập danh sách và tổ chức quản lý hồ sơ trẻ em đang lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm và trẻ em nguy cơ cao tại quận – huyện, phường – xã.

1.2. Triển khai các hoạt động theo kế hoạch của từng ngành, từng địa phương. Vừa hỗ trợ gia đình, trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm khắc phục hoàn cảnh, vừa xử lý nghiêm các vi phạm sử dụng lao động trẻ em, nhất là ở những khu vực, cơ sở sản xuất có sử dụng lao động trẻ em và những địa bàn quận – huyện, phường – xã, thị trấn trọng điểm.

1.3. Tổ chức in ấn tài liệu phục vụ công tác truyền thông, vận động cộng đồng – xã hội quan tâm giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm.

1.4. Tổ chức sơ kết đánh giá các hoạt động và rút kinh nghiệm để triển khai giai đoạn 2.

2. Giai đoạn 2: năm 2009-2010.

2.1. Tiếp tục cập nhật danh sách trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.

2.2. Đưa các nội dung hoạt động vào chiều sâu, chất lượng, triển khai toàn diện các hoạt động. Giải quyết hỗ trợ cho trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm có công việc mới phù hợp; Trẻ em có nguy cơ cao được giải quyết học văn hóa, học nghề, tạo việc làm.

2.3. Tiếp tục thanh kiểm tra các vi phạm sử dụng lao động trẻ em.

2.4. Tổ chức đánh giá các hoạt động, tổng kết kế hoạch.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:

- Phối hợp chặt chẽ với các Sở - ngành, các tổ chức đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân quận – huyện, tổ chức thực hiện kế hoạch đề án ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em phãi lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại và nguy hiểm giai đoạn 2007-2010 của thành phố; theo dõi, kiểm tra, giám sát đánh giá và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

- Chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các nội dung hoạt động số 1, 5 và 7 của kế hoạch.

2. Sở Văn hóa và Thông tin:

Chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện nội dung hoạt động số 2 của kế hoạch.

3. Sở Tư pháp:

Chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện nội dung hoạt động số 3 của kế hoạch.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế:

Chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện nội dung hoạt động số 4 của kế hoạch.

5. Ủy ban Dân số - gia đình và Trẻ em:

Chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện nội dung hoạt động số 6 của kế hoạch.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

Phối hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, cấp kinh phí hàng năm cho kế hoạch thực hiện đề án ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2007-2010 từ nguồn kinh phí của Trung ương (chương trình mục tiêu quốc gia ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm); cấp vào nguồn kinh phí của ngân sách thành phố trên cơ sở dự toán kinh phí của các đơn vị và địa phương thực hiện kế hoạch.

7. Công an Thành phố:

Tổ chức điều tra, khởi tố kịp thời những vụ việc xâm phạm quyền của trẻ em, bảo vệ quyền lợi cho trẻ em trên địa bàn thành phố.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức đoàn thể thành phố:

- Phối hợp với các sở - ngành thành phố có liên quan thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn chính sách pháp luật về quyền trẻ em, pháp luật về lao động đối với trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm trong đoàn viên, hội viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, hợp tác của cộng đồng.

- Liên kết mạng lưới nhân viên xã hội ở cộng đồng, kịp thời phát hiện, đề xuất với cơ quan chức năng xử lý những trường hợp bắt buộc trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.

9. Ủy ban nhân dân quận – huyện:

- Phối hợp chặt chẽ với các sở - ngành chức năng của thành phố xây dựng chương trình hoạt động cụ thể của từng quận – huyện, triển khai đến tận các phường – xã, thị trấn giải quyết hỗ trợ kinh phí, phân công cán bộ triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động của kế hoạch.

- Phân công trách nhiệm và tổ chức giám sát, kiểm tra các phòng, ban ngành chức năng với các tổ chức đoàn thể của quận – huyện. Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các phường – xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt Kế hoạch.

10. Các cơ quan Thông tin thành phố:

Đẩy mạnh công tác thông tin truyên truyền; xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về các nội dung hoạt động của kế hoạch ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm trên địa bàn thành phố.

11. Chế độ thông tin báo cáo:

Các sở - ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể của thành phố và Ủy ban nhân dân quận – huyện, phường – xã có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định 6 tháng (trước ngày 15 tháng 6); năm (trước ngày 15 tháng 12) gửi về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

VII. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện kế hoạch từ nguồn chi của chương trình mục tiêu quốc gia về ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm do Trung ương cấp và từ nguồn kinh phí được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các sở - ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận – huyện. Ngoài ra, các đơn vị địa phương cần chủ động huy động, vận động sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện kế hoạch này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND.TP;
- Thường trực UBND.TP
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP;
- Các đoàn thể thành phố;
- Văn phòng Thành ủy;
- Ban tuyên giáo thành ủy;
- Các ban HĐND thành phố;
- Các Sở - ngành thành phố;
- UBND các quận – huyện;
- Các Báo Đài thành phố;
- VPHĐ-UB: CPVP, các phòng CV;
- Lưu: VT, (VX-LC) H.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thu Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch số 8451/KH-UBND về việc thực hiện đề án ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2007-2010 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 8451/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 05/12/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thị Thu Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/12/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản