Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 2891/KH-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 05 năm 2006

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN: CHỈ ĐẠO ĐIỂM CÁC HÌNH THỨC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CÓ HIỆU QUẢ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Căn cứ Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007 ;
Căn cứ Quyết định số 666/QĐ-BTP ngày 08 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thực hiện Đề án “Chỉ đạo điểm các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay” ;
Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Công văn số 2782/BTP-PBGDPL ngày 19 tháng 09 năm 2005 ;
Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Đề án : Chỉ đạo điểm các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn thành phố như sau

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU :

1. Tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn xã hội về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật và thực hiện nếp “sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật” ; phát hiện, ngăn chặn và góp phần làm giảm dần các hành vi vi phạm pháp luật trong nhân dân.

2. Thông qua việc tổ chức thực hiện đề án, rút ra được các hình thức, biện pháp phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay ; các bài học kinh nghiệm trong việc nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể về sự phối hợp trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng nhân dân.

3. Chọn các đơn vị làm điểm để thực hiện có hiệu quả các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với các đối tượng ; từ đó tổng kết rút kinh nghiệm, nhân điển hình áp dụng cho toàn thành phố.

II. CÁC CÔNG VIỆC PHẢI THỰC HIỆN :

1. Tổ chức chọn điểm để thực hiện đề án :

Thành phố chọn 06 nhóm đối tượng để triển khai thực hiện, cụ thể :

a. Nhóm làm điểm đối với nhân dân ở cơ sở gồm :

- Ủy ban nhân dân phường 7, quận 3 ;

- Ủy ban nhân dân phường 11, quận 11 ;

- Ủy ban nhân dân xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc môn.

b. Nhóm làm điểm đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an) gồm :

- Tiểu đoàn 31 Kiểm soát Quân sự thuộc Bộ Tư lệnh thành phố ;

- Công an quận Bình Thạnh.

c. Nhóm làm điểm đối với đối tượng thanh thiếu niên là học sinh gồm :

- Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình ;

- Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 ;

- Trường Trung học cơ sở Ngô Tất Tố, quận Phú Nhuận.

d. Nhóm làm điểm đối với người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp gồm :

- Công ty TNHH Quang Minh - Khu Công nghiệp Cát lái, quận 2 ;

- Công ty TNHH Hoàng Quan - phường 7, quận 8.

đ. Nhóm làm điểm đối với cán bộ, công chức ngành thuế, địa chính, chính quyền cơ sở gồm :

- Chi cục Thuế quận Phú Nhuận ;

- Trung tâm thông tin, tài nguyên, môi trường và đăng ký nhà đất thành phố (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố) ;

- Ủy ban nhân phường Phạm Ngũ Lão - quận 1.

e. Nhóm làm điểm đối với thanh thiếu niên :

Giao Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chọn 01 trường Đại học và 02 xã, phường để thực hiện chỉ đạo điểm.

2. Một số hoạt động và giải pháp trong thời gian thực hiện điểm :

a. Đối với đối tượng nhân dân ở cơ sở :

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các sở-ngành có liên quan thực hiện các công việc sau :

- Thành lập Tổ thông tin-tuyên truyền, củng cố đội ngũ cán bộ nòng cốt tại khu phố, thôn xóm, nơi có những điểm nóng về vi phạm pháp luật hoặc có nhiều khiếu kiện để thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật tại cơ sở.

Thành viên gồm : Cán bộ chính quyền cơ sở, trưởng khu phố, tổ trưởng dân phố, trưởng ấp, tuyên truyền viên, hòa giải viên, thành viên của Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên và những người có uy tín trong cộng đồng.

- Định kỳ hàng tháng phổ biến pháp luật tại cuộc họp tổ dân phố, ấp nhân dân.

- Đặt hòm thư tại khu phố, ấp nhân dân để nhân dân gửi các thắc mắc về pháp luật, các góp ý trong việc xây dựng chính quyền, phản ảnh những tiêu cực trong nhân dân… hàng tuần đội ngũ cán bộ nòng cốt mở hòm thư (nếu có), bàn biện pháp giải quyết vướng mắc về pháp luật của người dân, kịp thời phản ánh tình hình cho Ủy ban nhân dân cấp xã biết để xem xét, giải quyết.

- Phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động, định kỳ 02 tháng 01 lần cho nhân dân địa phương.

- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các cuộc họp vận động, các phong trào thi đua do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động như : “cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “xóa đói giảm nghèo”, “đền ơn đáp nghĩa”...

- Khai thác có hiệu quả tủ sách pháp luật xã, phường ; phát triển mô hình tủ sách pháp luật, túi sách pháp luật tới các khu phố ; tổ dân phố ; ấp nhân dân ; giới thiệu sách pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh, các bản tin của xã, phường để nhân dân mượn đọc.

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình và hệ thống qua loa truyền thanh xã, phường.

- Biên soạn tài liệu pháp luật (tờ gấp tuyên truyền, tài liệu hỏi đáp pháp luật ; đề cương tuyên truyền văn bản luật và sách cẩm nang pháp luật phổ thông).

- Thi tìm hiểu pháp luật cho đối tượng nhân dân ở cơ sở.

b. Đối với đối tượng cán bộ, công chức :

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các sở-ngành có liên quan thực hiện các công việc sau :

- Tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật mới và các văn bản pháp luật chuyên ngành với các hình thức chủ yếu sau :

+ Tuyên truyền miệng (hội thảo, tọa đàm, tập huấn) ;

+ Thi tìm hiểu pháp luật ;

+ Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Phổ biến kỹ năng áp dụng pháp luật của cán bộ, công chức trong  cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý Nhà nước.

- Lập chương trình, nội dung và tổ chức kiểm tra định kỳ kiểm tra  sát hạch kiến thức, kỹ năng áp dụng pháp luật của một số đối tượng cán bộ các ngành làm điểm đồng thời lấy kết quả kiểm tra kiến thức pháp luật làm một trong các tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ, công chức hàng năm.

c. Đối với đối tượng lực lượng vũ trang :

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các sở-ngành có liên quan thực hiện các công việc sau :

- Tổ chức các lớp học tập, quán triệt văn bản, các đợt kiểm tra về kiến thức pháp luật đối với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nhất là các kiến thức pháp luật liên quan đến giáo dục quốc phòng.

- Tổ chức các buổi giao lưu có lồng ghép nội dung pháp luật giữa  lực lượng vũ trang và nhân dân ở trên địa bàn đóng quân.

- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật với các hình thức như : Thi viết, trắc nghiệm, sân khấu.

- Tuyên truyền văn bản mới và giải đáp pháp luật trên chương trình truyền hình Quân đội nhân dân và Vì an ninh Tổ quốc.

- Biên soạn tài liệu pháp luật phục vụ cho các buổi sinh hoạt của đơn vị.

d. Đối với đối tượng thanh thiếu niên :

Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các sở-ngành có liên quan thực hiện các công việc sau :

- Thành lập “Câu lạc bộ pháp luật” tại các trường học, các xã, phường chọn làm điểm.

- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật.

- Tổ chức học tập ngoại khóa cho học sinh về một số chuyên đề  pháp luật có liên quan đến học sinh.

- Tổ chức cho học sinh tham dự các phiên tòa xét xử một số vụ án điểm.

- Mở các chuyên mục, chuyên trang pháp luật trên đài phát thanh, truyền hình, các báo, tạp chí chuyên ngành.

- Phát huy vai trò của đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

đ. Đối với đối tượng người lao động, người sử dụng lao động trong doanh nghiệp :

Liên đoàn Lao động thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các sở-ngành có liên quan thực hiện các công việc sau :

- Thành lập văn phòng tư vấn pháp luật, câu lạc bộ pháp luật tại các doanh nghiệp.

- Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp.

- Tổ chức hình thức tuyên truyền miệng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công nhân lao động

- Tổ chức truyền thanh các loại tài liệu pháp luật.

- Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, biên soạn tài liệu (sách, tờ gấp pháp luật...).

- Tổ chức các hình thức thi tìm hiểu pháp luật phù hợp với điều kiện của công nhân lao động.

III. THỜI GIAN THỰC HIỆN :

1. Quý II năm 2006, ban hành kế hoạch, thành lập Ban điều hành thực hiện đề án ; Các đơn vị được phân công xây dựng kế hoạch cho đơn vị mình, củng cố nhân sự, thống nhất biện pháp chỉ đạo điểm cho các đối tượng.

2. Từ Quý III năm 2006 đến cuối Quý III năm 2007, thực hiện điểm.

3. Quý IV năm 2007, tổ chức sơ kết tổng kết rút kinh nghiệm thực hiện đề án.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN :

1. Thành lập Ban Điều hành thực hiện đề án gồm các thành phần sau :

- 01 Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm Trưởng ban ;

- 01 Đồng chí Phó Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó Trưởng ban - Thường trực Ban Điều hành ;

- Đại diện của các sở, ngành sau : Sở Nội vụ ; Sở Giáo dục và Đào tạo ; Công an thành phố ; Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố ; Liên đoàn Lao động thành phố ; Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh làm thành viên.

- Tổ giúp việc cho Ban điều hành thực hiện đề án.

2. Giao Sở Tư pháp thành phố chủ trì tổ chức, triển khai thực hiện  kế hoạch, duy trì chế độ kiểm tra, thống kê báo cáo và họp Ban Điều hành.

3. Các sở, ngành được giao nhiệm vụ tại Mục II kế hoạch này có trách nhiệm tổ chức triển khai kế hoạch ; xây dựng ch­ương trình, biện pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến các đối tượng  thuộc phạm vi của sở, ngành mình.

4. Định kỳ 6 tháng Ban Điều hành thực hiện đề án họp 1 lần.

Các sở-ngành có đơn vị điểm nêu trên có báo cáo 6 tháng/1 lần về việc tổ chức triển khai thực hiện đề án của đơn vị mình cho bộ phận thường trực Ban Điều hành.

Bộ phận thường trực tổng hợp báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện đề án cho Ủy ban nhân dân thành phố.

5. Về kinh phí thực hiện : Trên cơ sở tổng kinh phí đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Tư pháp sẽ phân bổ cho các cơ quan phối hợp thực hiện đề án theo nội dung công việc./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Tài

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch số 2891/KH-UBND về việc triển khai đề án: chỉ đạo điểm các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 2891/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 09/05/2006
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thành Tài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 09/05/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản