Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục Cộng hòa Hung-ga-ri, dưới đây gọi tắt là "hai Bên",
Phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp định hợp tác Văn hóa, Giáo dục và Khoa học giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Hung-ga-ri ký ngày 11 tháng 02 năm 1995,
Với mong muốn phát triển sự hợp tác vốn có trên lĩnh vực giáo dục, nhằm củng cố các mối quan hệ giữa hai nước, tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết hơn nữa giữa hai dân tộc,
Đã thỏa thuận như sau:
I. GIÁO DỤC
Điều 1. Hai Bên ủng hộ sự hợp tác trực tiếp giữa các trường đại học và cao đẳng của hai nước, các công trình nghiên cứu chung, trao đổi thông tin và tài liệu, sinh viên và cán bộ giảng dạy.
Điều 2. Hai Bên đặc biệt ủng hộ việc tìm hiểu, giảng dạy ngôn ngữ, văn học, lịch sử và văn hóa của hai nước.
Để thực hiện mục đích này, hai Bên sẽ xem xét khả năng bố trí nơi làm việc cho các cán bộ giảng dạy tại các trường đại học do hai Bên quy định.
Điều 3. Phía Hung-ga-ri ủng hộ việc bố trí một giáo viên dạy tiếng Hung sang Việt Nam 6 tháng trong thời gian có hiệu lực của Kế hoạch này để bồi dưỡng cho các giáo viên dạy tiếng Hung ở Việt Nam. Chi phí ăn, ở cho giáo viên này ở Việt Nam do phía Việt Nam đài thọ.
Điều 4. Hai Bên đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu về Việt Nam tại Khoa Đông Á thuộc Trường Đại học Tổng hợp Uết-vuết Lô-ran-đơ Bu-đa-pest và về Hung-ga-ri tại tổ bộ môn tiếng Hung của Trường Đại học Ngoại ngữ, Hà Nội.
Hai Bên hỗ trợ công tác nghiên cứu, giảng dạy về Việt Nam học và Hung-ga-ri học bằng việc cung cấp sách, tạp chí và tài liệu giảng dạy.
Điều 5. Hàng năm, phía Hung-ga-ri nhận 5 sinh viên học bổng đào tạo đại học toàn khóa, trong đó 2 sinh viên do phía Hung-ga-ri và 3 sinh viên do phía Việt Nam cấp học bổng. Các sinh viên Việt Nam sang đào tạo toàn khóa này, trước khi vào học đại học sẽ học một khóa dự bị một năm học tại Viện Ba-las-si Ba-lint.
Điều 6. Từ năm học 2004/2005, phía Hung-ga-ri nhận thêm 2 sinh viên học bổng đào tạo toàn khóa chuyên ngành Kinh tế (Quan hệ Quốc tế), Ngữ văn hoặc Luật. Trước khi vào học đại học các sinh viên này sẽ học một khóa dự bị một năm học tại Viện Ba-las-si Ba-lint (kinh phí do Vụ Hợp tác phát triển quốc tế Bộ Ngoại giao cấp).
Điều 7. Hàng năm, phía Hung-ga-ri đảm bảo học bổng cho tối đa là 3 sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tại các trường đại học của Hung-ga-ri để đào tạo tiến sỹ (Ph.D.). Các điều kiện nhập học trong chương trình này do trường đại học tiếp nhận quy định.
Điều 8. Phía Hung-ga-ri khuyến khích và ủng hộ việc đào tạo đại học toàn khóa cho sinh viên Việt Nam tại các trường đại học, cao đẳng Hung-ga-ri theo con đường tự túc.
Từ mục đích này, Trường Đại học Kinh tế và Hành chính Quốc gia Bu-đa-pest đảm nhận việc hàng năm cấp học bổng trong 2 năm cho 1 ứng cử viên đã tốt nghiệp đại học dự khóa đào tạo cơ bản để lấy bằng thạc sỹ trong khuôn khổ chương trình đào tạo thạc sỹ Quản trị kinh doanh ("Business Administration"), hoặc Kinh tế ("Economics") bằng tiếng Anh của Trung tâm Đào tạo Quốc tế. Về các điều kiện cấp học bổng do quy chế của trường đại học quy định.
Điều 9. Hàng năm, phía Việt Nam nhận 2 sinh viên Hung-ga-ri sang đào tạo về ngôn ngữ (tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam) trong thời gian 10 tháng.
Điều 10. Phía Hung-ga-ri rất quan tâm đến việc bồi dưỡng chuyên môn cho các chuyên gia Việt Nam trước đây đã tốt nghiệp tại các trường đại học của Hung-ga-ri. Theo đó, hàng năm sẽ tiếp nhận 2 thực tập sinh để nâng cao trình độ, thời gian đối với mỗi người là 6 tháng.
Điều 11. Hàng năm, phía Việt Nam đảm bảo học bổng cho 2 thực tập sinh Hung-ga-ri để nâng cao trình độ, thời gian đối với mỗi người là 6 tháng. Những thực tập sinh này phải biết tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
Điều 12. Hai Bên khuyến khích việc cử các đoàn chuyên gia tham dự và trao đổi chuyên môn tại các hội nghị liên quan đến lĩnh vực giáo dục.
Điều 13. Trong thời gian có hiệu lực của Kế hoạch này, phía Việt Nam sẽ tổ chức và mời đại diện của Bộ Giáo dục của các trường đại học Hung-ga-ri có liên quan đến hợp tác giữa hai Bên dự hội thảo về "Hình thức và nội dung hợp tác giáo dục giữa hai nước".
Bên cử chịu kinh phí đi, về. Bên nhận chịu kinh phí ăn, ở cho đoàn từ 8 đến 10 người. Các chuyên gia khác cũng có thể tham dự hội thảo bằng kinh phí tự túc.
Điều 14. Phía Việt Nam sẽ hỗ trợ để chậm nhất là đến ngày tổ chức hội thảo nói tại điều 13, thành lập được Câu lạc bộ những người đã tốt nghiệp ở Hung-ga-ri trong khuôn khổ Hội Hữu nghị Việt Nam – Hung-ga-ri.
II. HỢP TÁC TRÊN CÁC LĨNH VỰC KHÁC
Điều 15. Hai Bên ủng hộ sự hợp tác trực tiếp giữa Hội Hữu nghị Việt Nam – Hung-ga-ri đang hoạt động tại Việt Nam và Hội Hữu nghị Hung-ga-ri – Việt Nam đang hoạt động tại Hung-ga-ri.
Điều 16. Phụ lục A bao gồm các điều khoản chung và tài chính. Phụ lục B tổng hợp các điều khoản về dự tuyển, học tập và tài chính của các sinh viên học bổng đã được tiếp nhận trên cơ sở Điều 5 đến Điều 7, cũng như Phụ lục C bao gồm các điều khoản về dự tuyển của sinh viên được tiếp nhận trên cơ sở Điều 8 là những bộ phận hữu cơ, không thể tách rời của Kế hoạch hợp tác này.
Điều 17. Hai Bên tiếp nhận con của những đại diện nhà nước được cử sang công tác dài hạn vào học tại các cơ sở giáo dục theo điều kiện trả học phí như đối với các công dân nước mình. Trong trường hợp tiếp tục học đại học sau khi bố mẹ hết nhiệm kỳ công tác, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan hữu quan của Bên gửi, Bên nhận sẽ đảm bảo học bổng để hoàn thành việc học tập tính vào chỉ tiêu học bổng hàng năm đã nêu trong Điều 5.
Điều 18. Các trường hợp khác với những điều ghi trong Kế hoạch này, cũng như khi nảy sinh những vấn đề về cách hiểu khác nhau, hai Bên sẽ trao đổi giải quyết qua đường ngoại giao.
Điều 19. Kế hoạch này có hiệu lực kể từ ngày ký đến ngày 31 tháng 7 năm 2006.
Kế hoạch này được ký tại thành phố Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2004 thành hai bản gốc bằng tiếng Việt và tiếng Hung. Cả hai văn bản đều có giá trị như nhau./.
THAY MẶT BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | THAY MẶT BỘ GIÁO DỤC CỘNG HÒA HUNG-GA-RI |
PHỤ LỤC A
CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG VỀ TÀI CHÍNH
1. Trên nguyên tắc có đi có lại, những người được tiếp nhận trên cơ sở của Kế hoạch hợp tác này được miễn các loại phí xin thị thực, xin cấp và gia hạn giấy phép cư trú theo quy định của nước tiếp nhận.
2. Hai Bên đảm bảo kinh phí đào tạo cho các sinh viên học bổng được tiếp nhận trên cơ sở các chi tiêu đã được ấn định trong các điều của Kế hoạch hợp tác này.
3. Bên gửi chịu các chi phí đi lại tới nơi đến và ngược lại.
4. Bên nhận phải chịu trách nhiệm về bảo hiểm y tế cho những người được tiếp nhận trên cơ sở của Kế hoạch này.
5. Trên nguyên tắc có đi có lại, theo các quy định hiện hành phù hợp với những quy định của nước mình mà hai Bên xác định và chi trả tiền học bổng.
6. Các điều kiện được quy định tại Phụ lục C chỉ áp dụng đối với các sinh viên được tiếp nhận trên cơ sở Điều 8 của Kế hoạch này.
7. Phía Hung-ga-ri không chịu trách nhiệm đảm bảo việc cư trú tại nước Hung-ga-ri cho thân nhân của sinh viên học bổng trong thời gian học tập, kể cả với mục đích thăm thân.
CÁC ĐIỀU KHOẢN VỀ TỔ CHỨC VÀ TÀI CHÍNH
Đào tạo một phần của các sinh viên tại Điều 9 (Thời gian 10 tháng)
1. Đến ngày 15 tháng 5 hàng năm, Bên gửi tổng hợp và gửi hồ sơ của các ứng cử viên (tên, trình độ ngoại ngữ), lý lịch, chương trình thực tập, bản sao hộ chiếu, giấy chứng nhận nhân thân của sinh viên cùng với các thư bảo đảm.
2. Trong vòng hai tháng kể từ ngày nhận được đề nghị, Bên nhận thông báo cho bên gửi ý kiến của mình về việc tiếp nhận người được đề nghị, điều kiện của nơi định tiếp nhận (tên cơ quan tiếp nhận, chỗ ở, cách nhận học bổng, v.v…).
3. Sau khi nhận được thông báo đồng ý tiếp nhận, nhưng ít nhất là 15 ngày trước khi đến, Bên gửi thông báo chính xác thời gian và địa điểm đến của người được cử sang.
Trao đổi thực tập sinh theo Điều 10 và Điều 11 (Thời gian 6 tháng)
1. Đến ngày 15 tháng 3 hàng năm, Bên gửi tổng hợp và gửi hồ sơ của các ứng cử viên (tên, chức vụ, trình độ ngoại ngữ), lý lịch chuyên môn, chương trình thực tập và bản sao thư tiếp nhận sơ bộ của cơ quan nhận.
2. Trong vòng hai tháng kể từ ngày nhận được đề nghị, Bên nhận thông báo cho Bên gửi ý kiến của mình về việc tiếp nhận người được đề nghị, điều kiện của nơi định tiếp nhận (tên cơ quan tiếp nhận, chỗ ở, cách nhận học bổng, tên người phiên dịch hướng dẫn, v.v…).
3. Sau khi nhận được thông báo đồng ý tiếp nhận, nhưng ít nhất là 15 ngày trước khi đến, Bên gửi thông báo chính xác thời gian và địa điểm đến của người được cử sang.
4. Theo các quy định hiện hành, phía Hung-ga-ri đảm bảo các khoản tiền dưới đây:
a) Đối với các chuyên gia chưa có học vị khoa học:
- Học bổng 79.200 Forint/tháng.
- Hỗ trợ tiền thuê nhà ở 70.000 Forint/tháng.
b) Đối với các chuyên gia có học vị khoa học:
- Học bổng 118.800 Forint/tháng.
- Hỗ trợ tiền thuê nhà ở 80.000 Forint/tháng.
5. Phía Việt Nam đảm bảo các khoản tiền dưới đây:
a) Học bổng cho thực tập sinh không có bằng cấp khoa học: 820.000 đồng (VNĐ)/tháng, tương đương với 54 USD.
b) Học bổng cho sinh viên đại học là 750.000 đồng (VNĐ)/tháng, tương đương với 49 USD.
PHỤ LỤC B
ĐÀO TẠO TOÀN KHÓA
Các Điều kiện dự tuyển
Hàng năm, phía Việt Nam sẽ công bố tại tất cả các trường đại học các khả năng hưởng học bổng nêu trong Điều 5 và Điều 6 của Kế hoạch này.
Trong các cuộc lựa chọn sơ bộ (sơ tuyển) của phía Việt Nam, đại diện Đại sứ quán của Cộng hòa Hung-ga-ri cũng sẽ tham dự.
Phía Việt Nam chuyển hồ sơ của ít nhất 10 thí sinh đối với Điều 5 và hồ sơ của ít nhất 4 thí sinh đối với Điều 6 cho Văn phòng Ủy ban học bổng Hung-ga-ri. Trên cơ sở các hồ sơ dự tuyển được gửi tới, Ủy ban học bổng Hung-ga-ri sẽ ra quyết định cuối cùng.
Các điều kiện để được nhận học bổng
1. Tốt nghiệp trung học phổ thông phải đạt ít nhất 75% tổng số điểm tối đa và tại các trường đại học phù hợp với hướng chuyên môn đã chọn cũng phải đạt kết quả ít nhất 75% tổng điểm trong hai kỳ học.
2. Tuổi đời dưới 25, chưa có vợ hoặc chưa có chồng.
3. Những người đã tốt nghiệp đại học thì không được hưởng học bổng để đào tạo toàn khóa hệ ban ngày.
Điều kiện học tập
1. Những học sinh được học bổng trước khi vào trường đại học sẽ học một khóa (10 tháng) tại Viện dự bị Ba-las-si Ba-lint. Tại đây họ sẽ học tiếng Hung và dự bị các môn chuyên môn phù hợp với các ngành học sau này.
2. Cuối năm học, học sinh sẽ thi kết thúc. Phần đầu của thi kết thúc là thi tiếng Hung, nếu không đạt kết quả thì sẽ không được thi lại, trong trường hợp đó, học sinh cũng không được thi các môn khác và do vậy sẽ bị Viện thải hồi. Sau khi thi tiếng Hung đạt kết quả, sẽ thi hai hoặc ba môn chuyên môn. Kỳ thi kết thúc sẽ được đánh giá là kết quả nếu học sinh đạt được ít nhất 51% tổng số điểm tối đa. Đạt dưới mức điểm trên sẽ bị thải hồi. Đối với một số ngành (thí dụ ngành y, luật và một số ngành kỹ thuật), điều kiện để được nhận vào học thì kết quả thi kết thúc phải đạt 75% số điểm tối đa.
3. Sau khi kết thúc thành công tại cơ sở học bằng tiếng Hung được chỉ định, học sinh bắt đầu học tại trường đại học (thời gian đào tạo 5 năm), hoặc cao đẳng (thời gian đào tạo 3 – 4 năm). Trong quá trình học tập học sinh chỉ có thể được hưởng ưu đãi một lần (lưu ban hoặc bỏ năm học). Nếu trong thời gian đào tạo học sinh không hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình thì có thể tự túc trả chi phí để hoàn thành học tập hoặc bỏ dở học tập về nước.
ĐÀO TẠO TIẾN SĨ (PH.D.) HỆ BAN NGÀY 36 THÁNG
Điều kiện dự tuyển
1. Tốt nghiệp đại học (M.Sc., M.A.).
2. Biết tiếng Hung.
3. Người dự tuyển phải nộp đăng ký đào tạo tiến sĩ cho trường đại học đã chọn đúng thời hạn và phải đáp ứng được yêu cầu của trường đề ra. Hàng năm, các trường đại học sẽ thông tin giải đáp những vấn đề thuộc nội dung đào tạo tiến sĩ.
Thời hạn dự tuyển đối với cả các hình thức đào tạo toàn khóa và đào tạo tiến sĩ
1. Các hồ sơ dự tuyển phải được gửi đến Văn phòng Ủy ban học bổng Hung-ga-ri trước ngày 05 tháng 7.
2. Phía Hung-ga-ri thông báo cho phía Việt Nam quyết định của mình qua fax.
3. Người được tuyển phải đến Hung-ga-ri chậm nhất là ngày 01 tháng 9, nếu đến muộn sẽ không thể bắt đầu vào học tập được.
Các chế độ đối với học sinh học bổng
1. Phía Hung-ga-ri đảm bảo bố trí chỗ ở ký túc xá cho học sinh học bổng. Ở các trường đại học tiền ký túc xá bằng tiền các học sinh Hung-ga-ri ở các trường đó phải đóng. Tại các trường đại học, học sinh dùng học bổng để trả tiền ký túc xá.
2. Phía Hung-ga-ri đảm bảo cung cấp cho các học sinh học bổng chế độ tài chính như sau:
a) Trường hợp đối với những người tham gia đào tạo cơ bản:
- Mỗi năm được học bổng 12 tháng, mỗi tháng 39.600 Forint.
- Tại các trường đại học trong những học kỳ có đăng ký, mỗi năm học sinh được phụ cấp định mức 10 tháng, mỗi tháng 9.100 Forint.
b) Những người dự đào tạo tiến sĩ mỗi năm được hưởng học bổng 12 tháng, mỗi tháng 79.200 Forint.
3. Trong năm học dự bị ở Viện Ba-las-si Ba-lint mức học bổng học sinh được hưởng và cách thức bố trí ký túc xá được quy định riêng.
PHỤ LỤC C
Điều kiện thi tuyển, các hồ sơ tuyển dùng cho đào tạo thạc sỹ (Master)
1. Tốt nghiệp chuyên ngành bậc đại học (Bachelor). Kèm bằng tốt nghiệp đại học dịch ra tiếng Anh có công chứng.
2. Có hai thư giới thiệu.
3. Tiểu sử bằng tiếng Anh.
4. Đơn xin học bằng tiếng Anh.
5. Thư giải thích lý do bằng tiếng Anh.
6. Kết quả thi TOEFL không quá hai năm tính đến lúc dự tuyển và phải đạt ít nhất 213 điểm.
7. 04 ảnh hộ chiếu.
8. Bản sao hộ chiếu.
9. Bảng đăng ký.
10. Bản kiến nghị ghi theo mẫu (form) in sẵn có thể lấy từ trang chủ của ISC (http://isc.bke.hu). Các hồ sơ gửi đến phải bao gồm những thông tin cần thiết, cả thông tin ngoài việc xin thi tuyển vào ISC thuộc Trường Đại học Kinh tế và Hành chính Quốc gia, thí sinh có xin dự tuyển vào trường đại học nào khác không, nếu có thì xin vào trường nào?
Thời gian dự tuyển
1. Trong các hồ sơ dự tuyển trực tiếp đến Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, cần chọn 5 hồ sơ của thí sinh tốt nhất và gửi cho ISC của Trường Đại học Kinh tế và Hành chính Quốc gia chậm nhất là ngày 31/5 (Địa chỉ: 1093 Budapest, Fovám, té 8, Hungary – Varjas Hânn graduális programkoordinátor rézére).
2. ISC của Trường Đại học Kinh tế và Hành chính Quốc gia sẽ thông báo về quyết định của mình trước ngày 15 tháng 6.
3. Người được tuyển vào học chậm nhất ngày 23 tháng 8 phải có mặt tại Hung-ga-ri, nếu chậm thì không thể bắt đầu học tập được. Học bổng không thể chuyển qua học kỳ sau được. Người được tuyển phải bắt đầu học tập ở Hung-ga-ri trong học kỳ đã được thông báo, nếu không sẽ mất học bổng.
Điều kiện học tập
1. Người được nhận vào học tại Trung tâm Đào tạo Quốc tế thuộc Trường Đại học Kinh tế và Hành chính Quốc gia Bu-da-pest (BKÁE/ISC) sẽ học hai năm (4 học kỳ).
2. Trong quá trình học tập, nếu có lý do chính đáng (thí dụ ốm đau, hoặc vì lý do gia đình) có thể nghỉ học 1 học kỳ. Trong thời gian nghỉ học, Trung tâm Đào tạo quốc tế thuộc Trường Đại học Kinh tế và Hành cính Quốc gia Bu-da-pest (BKÁE/ISC) không đảm bảo bố trí chỗ ở ký túc xá cho học sinh và các khoản tiền khác mà học sinh học bổng được hưởng.
3. Những quy định về học tập và hành chính đối với học sinh được ghi trong danh mục của Trung tâm Đào tạo Quốc tế thuộc Trường Đại học Kinh tế và Hành chính Quốc gia Bu-da-pest (BKÁE/ISC). Nếu không tôn trọng những quy định đó sẽ bị phạt theo các quy định đề ra.
Các điều kiện chung
1. Học phí của học sinh do Quỹ Trung tâm Đào tạo Quốc tế (ISC) trả.
2. Trung tâm Đào tạo Quốc tế thuộc Trường Đại học Kinh tế và Hành chính Quốc gia Bu-da-pest (BKÁE/ISC) sẽ trả những chi phí sau cho học sinh vào Quỹ Trung tâm Đào tạo Quốc tế (ISC):
a) Nhận chi trả tiền bảo hiểm y tế cho học sinh mỗi tháng 4.300 Forint.
b) Trung tâm Đào tạo Quốc tế thuộc Trường Đại học Kinh tế và Hành chính Quốc gia Bu-da-pest (BKÁE/ISC) bảo đảm chỗ ở ký túc xá cho học sinh và cấp mỗi tháng 6.000 Forint (trong suốt 12 tháng).
c) Học bổng cơ bản suốt 12 tháng, mỗi tháng 39.600 Forint.
d) Hỗ trợ tiền mua sách giáo khoa hoặc giáo trình, mỗi học kỳ 30.000 Forint.
e) Đảm bảo vé máy bay khứ hồi 1 lần, tuyến Hà Nội – Bu-da-pest – Hà Nội.
Các chi phí nói trong điểm 2 do Trung tâm Đào tạo Quốc tế thuộc Trường Đại học Kinh tế và Hành chính Quốc gia Bu-da-pest (BKÁE/ISC) đảm bảo cho học sinh suốt cả khóa học (2 năm).
3. Trung tâm Đào tạo Quốc tế thuộc Trường Đại học Kinh tế và Hành chính Quốc gia Bu-da-pest (BKÁE/ISC) không bảo đảm việc bố trí lưu trú tại Hung-ga-ri cho thân nhân học sinh trong thời gian học tập kể cả với mục đích sang thăm thân./.
- 1Quyết định 22/2007/QĐ-TTg phê duyệt Hiệp định hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Hung-ga-ri do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Tuyên bố chung số 85/2004/LPQT về việc phát triển quan hệ hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Hung-ga-ri
- 3Công văn số 1568/CP-QHQT ngày 21/10/2004 của Chính phủ về việc ký kế hoạch hợp tác Giáo dục với Hungary
- 4Hiệp định về việc công nhận lẫn nhau các văn bằng về giáo dục, học vị khoa học và học hàm giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Bê-la-rút
- 1Quyết định 22/2007/QĐ-TTg phê duyệt Hiệp định hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Hung-ga-ri do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Tuyên bố chung số 85/2004/LPQT về việc phát triển quan hệ hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Hung-ga-ri
- 3Công văn số 1568/CP-QHQT ngày 21/10/2004 của Chính phủ về việc ký kế hoạch hợp tác Giáo dục với Hungary
- 4Hiệp định về việc công nhận lẫn nhau các văn bằng về giáo dục, học vị khoa học và học hàm giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Bê-la-rút
Kế hoạch hợp tác số 128/2004/LPQT về giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo nước Cộng hòa Hung-ga-ri
- Số hiệu: 128/2004/LPQT
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 16/12/2004
- Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Người ký: Trần Văn Nhung
- Ngày công báo: 09/02/2005
- Số công báo: Từ số 5 đến số 6
- Ngày hiệu lực: 25/10/2004
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định