- 1Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 23-CT/TW năm 2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3Chỉ thị 31/CT-TTg năm 2023 tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chương trình phối hợp 204/CTPH-TANDTC-UBATGTQG thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giữa Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia giai đoạn 2023-2030
ỦY BAN AN TOÀN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 282/KH-UBATGTQG | Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2024 |
Thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh trong 8 tháng đầu năm 2024 vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan tới học sinh, gây nhiều thương vong, thiệt hại về tính mạng, tinh thần, tài sản, kéo theo nhiều hệ luỵ dai dẳng đối với trẻ em, học sinh - thế hệ tương lai của đất nước. Bên cạnh đó, tình trạng học sinh điều khiển phương tiện khi chưa đủ điều kiện diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới TNGT. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của Đảng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm nâng cao an toàn cho học sinh đến trường và trong sinh hoạt hàng ngày, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia thống nhất với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông”, chi tiết như sau:
1. Mục đích
a) Nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, từng bước ngăn chặn tình trạng giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông (tập trung vào đối tượng là cha mẹ, người giám hộ và học sinh).
b) Phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo và cha mẹ, người giám hộ học sinh thông qua việc nâng cao trách nhiệm, năng lực và khả năng phối hợp, hoạt động thống nhất của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp chính quyền cơ sở trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, tuần tra kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm quy định của pháp luật về việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
c) Góp phần giảm tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông liên quan đến học sinh nói riêng trên phạm vi toàn quốc.
2. Yêu cầu
a) Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến từng cơ quan, tổ chức, từng hộ gia đình, từng người dân quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông”; hậu quả và trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến hành vi vi phạm nhằm ngăn chặn tình trạng giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông (tập trung vào đối tượng học sinh); tổ chức ký cam kết và giám sát việc thực hiện.
b) Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ; hình thành ý thức tự giác chấp hành quy định không giao xe cho người không đủ điều kiện; không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện theo quy định.
c) Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội gương mẫu chấp hành quy định không giao xe cho con em mình khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
d) Tổ chức theo dõi, giám sát thường xuyên việc chấp hành quy định không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông thông qua khối trường học, chính quyền cơ sở, tổ dân phố.
e) Gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động tuyên truyền, vận động, nhắc nhở với công tác kiểm tra, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm liên quan đến quy định của pháp luật về giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông, triển khai trên phạm vi toàn quốc.
1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
a) Nội dung
- Thông điệp truyền thông chính: “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông”.
- Các quy định pháp luật về việc: cấm giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện; cấm điều khiển phương tiện khi chưa đủ điều kiện.
- Thực trạng giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông ở Việt Nam; hậu quả xã hội nghiêm trọng; hậu quả, trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện, bao gồm trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự trong trường hợp gây ra tai nạn nghiêm trọng.
- Giải pháp khắc phục, ngăn chặn tình trạng giao xe cho người không đủ điều kiện và điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện.
b) Hình thức
- Tuyên truyền trên các cơ quan truyền thông đại chúng ở Trung ương và địa phương; mở các chuyên mục, chuyên trang phát vào các khung giờ phù hợp với học sinh, phụ huynh học sinh; lồng ghép tuyên truyền an toàn giao thông vào trước, trong, sau các chương trình truyền hình thu hút nhiều học sinh, phụ huynh học sinh theo dõi.
- Tuyên truyền trên nền tảng số; tuyên truyền thông qua tọa đàm, hội nghị, hội thảo, các cuộc thi, các sự kiện trực tuyến và trực tiếp thu hút sự quan tâm của cộng đồng với chủ đề không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
- Tuyên truyền trực tiếp trong cộng đồng thông qua hệ thống phát thanh, truyền thanh phường, xã, thôn bản; các cuộc họp tổ dân phố; các buổi nói chuyện tại nhà văn hóa, tổ chức các đội tuyên truyền lưu động….
- Tuyên truyền, giáo dục thông qua giảng dạy trên lớp, các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường; kiểm tra, đánh giá trong các cơ sở giáo dục về việc vi phạm quy định pháp luật về giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện;
- Tuyên truyền, giáo dục thông qua công tác kiểm tra, tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm liên quan đến quy định của pháp luật về việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
c) Thời gian thực hiện: Từ 01/10/2024 đến hết ngày 30/11/2024.
2. Tổ chức thực hiện cao điểm kiểm tra, tuần tra kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm quy định pháp luật về giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông
3. Tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả của công tác truyền thông và kết quả thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, tuần tra kiểm soát, nhắc nhở, và xử lý vi phạm quy định pháp luật về giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông; kết quả được sử dụng trong công tác thi đua, khen thưởng về việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông với tổ chức, cá nhân có liên quan vào cuối năm.
4. Xây dựng mô hình thí điểm kết hợp Gia đình - Nhà trường - Xã hội về nói “KHÔNG” với việc giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông.
III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
1. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
- Chỉ đạo Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phối hợp với các cơ quan thành viên của Ủy ban, cơ quan truyền thông đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để hỗ trợ cho công tác kiểm tra, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm quy định về giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông của các lực lượng chức năng trên toàn quốc; theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch tại các Bộ, ngành địa phương.
- Giao Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia:
+ Phối hợp với các cơ quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin, tuyên truyền - Tòa án Nhân dân tối cao và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng thông điệp, tài liệu truyền thông theo chủ đề “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” để đăng phát và cung cấp, dẫn nguồn cho các cơ quan truyền thông, Ban ATGT tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, các trường học trên phạm vi toàn quốc; xây dựng mô hình thí điểm kết hợp Gia đình - Nhà trường - Xã hội về nói “KHÔNG” với việc giao xe cho con em mình khi chưa đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông.
+ Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đăng, phát thông điệp truyền thông, tổ chức các hoạt động truyền thông theo chủ đề “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông xã hội; các cuộc thi và sự kiện trực tiếp và trực tuyến, các hội giao lưu, các cuộc tọa đàm...
+ Phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức cao điểm tuần tra kiểm soát, nhắc nhở, xử lý vi phạm việc thực hiện quy định giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tập trung khu vực xung quanh trường học. Tổng kết, đánh giá hiệu quả công tác truyền thông và kết quả đợt cao điểm kiểm tra, tuần tra kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm quy định giao xe cho người không đủ điều kiện.
2. Đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương có thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Kế hoạch hành động về không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đối với học sinh trên phạm vi toàn quốc; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện của địa phương tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc tự giác chấp hành không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; có biện pháp đảm bảo duy trì và tiếp tục cải thiện tình trạng vi phạm một cách bền vững; đưa tỷ lệ học sinh không điều khiển phương tiện cơ giới khi chưa đủ điều kiện là một trong những tiêu chí thi đua đối với các trường.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 11/CTrPH-BCA-BGDĐT ngày 19/10/2022 giữa Bộ Công an với Bộ GD&ĐT về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022 - 2025.
- Quyết định lựa chọn và giao cho đơn vị chức năng, cơ quan liên quan phối hợp với Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia xây dựng mô hình thí điểm kết hợp Gia đình - Nhà trường - Xã hội về nói “KHÔNG” với việc giao xe cho con em mình khi chưa đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông.
- Chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo:
+ Phối hợp với Ban ATGT tỉnh, thành phố và Phòng Cảnh sát giao thông- Công an tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông, hậu quả và trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tại các buổi lễ chào cờ, sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt lớp, chi đội, các giờ học ATGT chính khóa, hoạt động ngoại khóa và các buổi họp phụ huynh học sinh. Tổ chức cho học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông nói chung; không điều khiển phương tiện khi chưa đủ điều kiện và không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông.
+ Hướng dẫn các cơ sở giáo dục yêu cầu học sinh tự đi xe đến trường phải đăng ký phương tiện, chủng loại với nhà trường để phối hợp Công an địa phương và các lực lượng chức năng kiểm tra, quản lý; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân giữ xe xung quanh khu vực trường học cam kết không nhận trông, giữ xe mô tô trên 50cm3 của học sinh. Các đơn vị, trường học khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông báo về học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đúng quy định hoặc vi phạm pháp luật về giao thông phải có trách nhiệm mời cha mẹ học sinh đến làm việc thông báo rõ vi phạm và yêu cầu phối hợp quản lý, giáo dục con em cam kết không tái phạm.
+ Tổ chức đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện của các trường, cơ sở giáo dục. Phối hợp các đơn vị liên quan lựa chọn và tổ chức thực hiện mô hình thí điểm kết hợp Gia đình - Nhà trường - Xã hội về nói “KHÔNG” với việc giao xe cho con em mình khi chưa đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông, tổ chức sơ kết, đánh giá và nhân rộng trên địa bàn địa phương.
b) Bộ Công an
Chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh theo Kế hoạch của Bộ Công an; thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, xử lý theo quy định về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
c) Bộ Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông; trong đó tập trung tuyên truyền kiến thức và kỹ năng xử lý với các tình huống thường xảy ra nguy cơ va chạm và giải pháp giảm thiểu TNGT với trẻ em học sinh (chú trọng điểm mù khi đi gần xe tải, xe khách lớn, đi đúng phần đường, làn đường trong điều kiện giao thông hỗn hợp, quy tắc giao thông khi chuyển hướng, quy định tốc độ, quy tắc tránh vượt, đi từ đường phụ ra đường chính...).
d) Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam
- Tăng cường thời lượng, mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền các nội dung theo Kế hoạch.
- Phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức các buổi tọa đàm, phóng sự trên truyền hình, phát thanh về các hoạt động của Kế hoạch hành động.
- Phối hợp với Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tuyên truyền, đăng tải thường xuyên thông điệp, tin tức, tin bài về chủ đề “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên hệ thống phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương.
3. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội có thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia
Tổ chức tuyên truyền sâu, rộng quy định của pháp luật, thực hiện “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông”. Yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước, đoàn viên, hội viên gương mẫu chấp hành quy định không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên phạm vi toàn quốc.
4. Đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng và Tòa án nhân dân các cấp phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động đã thống nhất tại Chương trình phối hợp số 204/CTPH-TANDTC-UBATGTQG ngày 5/7/2023 giữa Ủy ban ATGT Quốc gia và Tòa án nhân dân tối cao, trong đó tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến hành vi “Giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” nhằm răn đe, giáo dục, cảnh báo nguy hiểm và ngăn chặn hành vi vi phạm.
- Giao cho Cơ quan đầu mối thuộc Tòa án nhân dân tối cao (đơn vị trực tiếp xây dựng Chương trình phối hợp số 204/CTPH-TANDTC-UBATGTQG) phối hợp với Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia:
+ Xây dựng các tài liệu truyền thông theo chủ đề “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông”; đăng phát và cung cấp, dẫn nguồn cho các cơ quan truyền thông, Ban ATGT tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, các trường học trên phạm vi toàn quốc.
+ Tổ chức các hoạt động truyền thông theo nội dung và hình thức đã thống nhất tại Kế hoạch hành động; sơ kết, đánh giá kết quả.
5. Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Báo cáo, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh (kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông cấp tỉnh) chỉ đạo xây dựng chương trình chi tiết triển khai Kế hoạch hành động, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và điều kiện của từng địa phương, trong đó chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan thành viên của Ban ATGT tỉnh, thành phố, các cơ quan truyền thông tại địa phương:
- Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông với chủ đề “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” với các hình thức phù hợp, hiệu quả; đăng phát vào các khung giờ phù hợp, thu hút nhiều với học sinh, phụ huynh học sinh; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền trực tiếp trong cộng đồng thông qua hệ thống phát thanh, truyền thanh phường, xã, thôn bản; các cuộc họp tổ dân phố; các buổi nói chuyện tại nhà văn hóa, tổ chức các đội tuyên truyền lưu động; đồng thời xây dựng Kế hoạch phối hợp, huy động các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, nhất là ngành Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục và đào tạo, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên,… lựa chọn những đồng chí có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền để mở lớp tập huấn quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn. Trên cơ sở đó, các tuyên truyền viên sẽ hướng dẫn thực hành cho người dân, phụ huynh và học sinh từ cấp cơ sở.
- Yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố gương mẫu chấp hành quy định không giao xe cho con em mình khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông; trong đó chú trọng yêu cầu từng hộ gia đình, phụ huynh trực tiếp dạy kỹ năng điều khiển phương tiện cho con em trước khi giao xe, tập trung vào các kỹ năng xử lý với các tình huống thường xảy ra nguy cơ va chạm và giải pháp giảm thiểu TNGT với trẻ em, học sinh (chú trọng điểm mù khi đi gần xe tải, xe khách lớn, đi đúng phần đường, làn đường trong điều kiện giao thông hỗn hợp, quy tắc giao thông khi chuyển hướng, quy định tốc độ, quy tắc tránh vượt, đi từ đường phụ ra đường chính...).
- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông địa phương và Công an cơ sở thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh theo Kế hoạch của Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông; thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, xử lý theo quy định về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông tại địa phương.
- Giao Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn địa phương:
+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về việc “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông”, hậu quả và trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tại các buổi lễ chào cờ, sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt lớp, chi đội, các giờ học ATGT chính khóa, hoạt động ngoại khóa và các buổi họp phụ huynh học sinh. Tổ chức cho học sinh, cha mẹ học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông nói chung; không điều khiển phương tiện và không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông.
+ Thống kê danh sách học sinh tự đi xe đến trường để phối hợp Công an địa phương và các lực lượng chức năng kiểm tra, quản lý; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân giữ xe xung quanh khu vực trường học cam kết không nhận trông, giữ xe mô tô trên 50cm3 của học sinh. Khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông báo về học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đúng quy định hoặc vi phạm pháp luật về giao thông phải mời cha mẹ học sinh đến làm việc thông báo rõ vi phạm và yêu cầu phối hợp quản lý, giáo dục con em cam kết không tái phạm.
- Phân công cụ thể nhiệm vụ của từng cơ quan thành viên, Ban ATGT cấp huyện, chính quyền cấp xã, phường chỉ đạo các lực lượng chức năng, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phối hợp với các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn quy định của pháp luật về không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông; thực hiện quyết liệt trong đợt cao điểm và duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm.
1. Kinh phí thực hiện
- Nguồn ngân sách nhà nước chi đảm bảo trật tự, an toàn giao thông năm 2024 của Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc TW và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan.
- Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
2. Chế độ thông tin, báo cáo
Các Bộ, ngành, các cơ quan có thành viên Uỷ ban ATGT Quốc gia, Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch này và báo cáo kết quả về Uỷ ban ATGT Quốc gia (qua Văn phòng Ủy ban) trước ngày 15/12/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 23-CT/TW năm 2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3Chỉ thị 31/CT-TTg năm 2023 tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Chương trình phối hợp 204/CTPH-TANDTC-UBATGTQG thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giữa Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia giai đoạn 2023-2030
Kế hoạch hành động 282/KH-UBATGTQG năm 2024 thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ban hành
- Số hiệu: 282/KH-UBATGTQG
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 29/09/2024
- Nơi ban hành: Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia
- Người ký: Lê Kim Thành
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/09/2024
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định