Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 99/KH-UBND

Bình Định, ngày 21 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO

Căn cứ Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 95/2023/NĐ-CP ngày 29/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo;

Thực hiện Văn bản số 08-TB/BCĐ ngày 20/12/2023 của Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh về thông báo kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng - Trưởng ban Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh tại Cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 14/12/2023; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tín ngưỡng, tôn giáo trong tình hình mới; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo theo chức năng, nhiệm vụ được giao; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tạo sự thống nhất, đồng bộ trong tham mưu, giải quyết các vụ việc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

- Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước; các hoạt động trái với thuần phong mỹ tục, đạo đức truyền thống của dân tộc…; củng cố, tăng cường sự đoàn kết của tổ chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo, người có tín ngưỡng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong công tác tín ngưỡng, tôn giáo phải nghiêm túc, chặt chẽ, đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Chủ động nắm tình hình, thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời, tham mưu, giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; không để xảy ra các điểm nóng, vụ việc phức tạp liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

- Tiếp tục quán triệt, phổ biến và triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo và UBND tỉnh; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

- Hướng dẫn tổ chức, cá nhân tôn giáo thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và Hiến chương, Điều lệ được Nhà nước ghi nhận.

2. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và đồng bào có đạo, củng cố niềm tin trong chức sắc, tín đồ tôn giáo đối với Đảng, Nhà nước.

- Tiếp tục tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho đại biểu chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng theo Quyết định số 814/QĐ-UBND ngày 11/3/2024 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP ngày 29/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

- Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; phản biện kịp thời các luận điệu xuyên tạc, thông tin sai lệch đến tình hình tôn giáo, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến tôn giáo trên không gian mạng.

3. Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

a) Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận; tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi về tâm linh tại các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng.

- Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, đồng bào theo đạo sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và huy động các nguồn lực của tôn giáo vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Vận động, đoàn kết đồng bào các tôn giáo thông qua việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, vì người nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng xã hội học tập, thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước.

- Thường xuyên gặp gỡ các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người có uy tín trong các tổ chức tôn giáo, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương, chính sách và giáo dục tín đồ chấp hành pháp luật.

- Làm tốt công tác nắm tình hình, quan tâm giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và bảo đảm điều kiện sinh hoạt tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật; không tạo sơ hở trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, không để các thế lực thù địch có cớ lợi dụng, xuyên tạc, kích động làm ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Tăng cường công tác quản lý đối với đạo Tin lành tại các vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số; quản lý, xử lý kiên quyết, kịp thời các hoạt động vi phạm pháp luật trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, hoạt động của các đạo lạ, tà đạo như: Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ, Tin lành Đề Ga, Hà Mòn, Pháp Luân Công, Long Hoa Di Lặc, Chân không, Thanh Hải Vô thượng sư, Dương Văn Mình, Giê Sùa, Bà Cô Dợ, Năng lượng gốc Trống Đồng Việt nam...; không để hình thành tổ chức hoạt động trái pháp luật. Tổ chức đấu tranh đưa Việt Nam ra khỏi “Danh sách theo dõi đặc biệt về tôn giáo” (SWL), không để Việt Nam bị đưa vào “Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo” (CPC).

- Xem xét cấp đăng ký hoạt động tôn giáo; tăng cường quản lý đối với các hoạt động truyền đạo và sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại tỉnh (nếu có).

- Sở Nội vụ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và các địa phương để thống nhất đánh giá tình hình và tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo và UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vụ việc, góp phần ổn định tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trong tỉnh.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, xây dựng liên quan tín ngưỡng, tôn giáo: Luật Xây dựng 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Đất đai 2024 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

- Thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

- Tập trung rà soát, xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc về đất đai liên quan đến tôn giáo, nhất là các vụ việc đã có chỉ đạo của Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo và của UBND tỉnh đang còn tồn đọng, kéo dài, gây phức tạp về an ninh trật tự.

- Kiểm tra, giải quyết những vụ việc liên quan đến xây dựng, sửa chữa, cải tạo công trình tôn giáo trái pháp luật, tạo sự đồng thuận trong chức sắc và tín đồ; chú trọng việc phê duyệt dự án du lịch văn hóa tâm linh có gắn với yếu tố tôn giáo để quản lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả.

- Tổ chức rà soát, thống kê công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo trên địa bàn tỉnh; thực hiện quản lý cơ sở nhà đất có nguồn gốc tôn giáo đúng mục đích công ích; đẩy mạnh việc xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

c) Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, “điểm nóng” ngày từ cơ sở, không để phát sinh khiếu kiện đông người, vượt cấp.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận và xử lý, giải quyết dứt điểm, kịp thời các trường hợp kiến nghị, phản ánh của người dân về tình hình vi phạm liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

- Thực hiện cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; thực hiện tốt tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân tôn giáo

4. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

- Triển khai thực hiện Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 22/3/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 43/QĐ-TTg ngày 11/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn 2022 - 2026” trên địa bàn tỉnh Bình Định.

- Tập trung bồi dưỡng các kỹ năng về công tác vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc và người có uy tín trong các tôn giáo, các chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và kiến thức, hiểu biết về các tôn giáo; kỹ năng nắm bắt thông tin, tình hình và tham mưu xử lý, giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo và các vấn đề liên quan đến tôn giáo, không để xảy ra phức tạp.

- Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp theo hướng đảm bảo ổn định, đồng bộ. Có kế hoạch đào tạo đội ngũ đội ngũ công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo có trình độ cao; tạo nguồn cán bộ gắn với việc nâng cao năng lực, chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các Kế hoạch; định kỳ 6 tháng, hằng năm đánh giá kết quả thực hiện; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện (nếu có).

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Kế hoạch này xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; định kỳ 6 tháng, hằng năm đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ).

3. Các sở, ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này; đồng thời, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo cho UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CVP UBND tỉnh
- Lưu: VT, K2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Hải Giang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 99/KH-UBND năm 2024 công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo do tỉnh Bình Định ban hành

  • Số hiệu: 99/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 21/05/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Lâm Hải Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/05/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản