Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 97/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 11 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Trong những năm qua, công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, đông đảo quần chúng nhân dân, đã góp phần ngăn chặn sự gia tăng của tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả khảo sát tính đến ngày 30/6/2016, tổng số người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn là 2.408 người (tỷ lệ 260 người/100.000 người dân), 8/8 huyện, thành phố và 135/145 xã, phường, thị trấn có người nghiện, trong đó có 29 xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy và 3 huyện, thành phố có số người nghiện cao là thành phố Ninh Bình (728 đối tượng), huyện Kim Sơn (501 đối tượng), huyện Nho Quan (313 đối tượng). Loại ma túy sử dụng phổ biến là Heroin với 1.372 đối tượng (chiếm 57%), ma túy tổng hợp với 915 đối tượng (chiếm 38%). Trong thời gian gần đây, tỷ lệ người sử dụng Heroin có xu hướng giảm dần và tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp, chất kích thích dạng Amphetamine ATS và các chất Ketamine, Cocaine, Cần sa có xu hướng tăng mạnh, nhiều người sử dụng ma túy tổng hợp gặp phải vấn đề sức khỏe tâm thần, không ít trường hợp do bị hoang tưởng đã có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, điều trị Methadone đã đạt được những kết quả khả quan. Năm 2015 đã tổ chức điều trị nghiện cho 992 người nghiện có hồ sơ quản lý (trong đó: điều trị tại Trung tâm 150 người; điều trị nghiện tại gia đình, cộng đồng 146 người; điều trị Methadone 696 người). Tuy nhiên tình hình buôn bán và sử dụng trái phép chất ma túy vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, số đối tượng buôn bán và sử dụng ma túy, số đối tượng tái nghiện còn chiếm tỷ lệ cao. Theo con số thống kê: năm 2010 tỉnh Ninh Bình có 1.555 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Đến tháng 12/2015 toàn tỉnh có 2.331 đối tượng nghiện ma túy, tăng 776 đối tượng (bình quân mỗi năm tăng 155 đối tượng - 10%/năm). Dự báo đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 3.000 - 3.200 đối tượng nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy, đến năm 2030 tỉnh Ninh Bình có khoảng từ 4.600 - 4.800 đối tượng.

Thực hiện Quyết định 1640/QĐ-TTg ngày 18/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Ninh Bình xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Duy trì 01 cơ sở cai nghiện đa chức năng tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, thực hiện tiếp nhận quản lý các đối tượng cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện và tiếp nhận đối tượng xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, tăng số lượng, quy mô cơ sở cai nghiện tự nguyện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; đảm bảo người nghiện ma túy khi có quyết định của Tòa án áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đều có cơ sở cai nghiện để thi hành quyết định; các cơ sở cai nghiện tự nguyện phải gắn kết với cộng đồng.

b) Thực hiện đa dạng hóa các loại hình cơ sở cai nghiện để người nghiện tiếp cận với các dịch vụ cai nghiện ma túy theo nhu cầu. Khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở cai nghiện tự nguyện theo hướng xã hội hóa nhằm huy động các tập thể, cá nhân đóng góp cho công tác cai nghiện ma túy; từng bước thực hiện thí điểm đặt hàng áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở cai nghiện dân lập, cơ sở cai nghiện tự nguyện đủ điều kiện, tiêu chuẩn về cai nghiện ma túy bắt buộc.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2020

- Duy trì 01 cơ sở cai nghiện đa chức năng tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội của tỉnh, giảm tỷ lệ điều trị nghiện bắt buộc tại Trung tâm xuống còn 5% số người nghiện có hồ sơ quản lý (tương đương 120 - 140 người), tăng số người điều trị tự nguyện tại Trung tâm lên 200 người.

- Khuyến khích thành lập từ 1 - 2 cơ sở cai nghiện tự nguyện dân lập.

- Tăng số lượng, quy mô, khả năng tiếp nhận, cung cấp dịch vụ của các cơ sở cai nghiện đáp ứng nhu cầu cai nghiện của 80% số người nghiện có hồ sơ quản lý (tương đương khoảng 2.500 người), trong đó: Điều trị Methadone là 2.000 người; cai nghiện bắt buộc 150 người; cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm là 155 - 200 người; cai tại gia đình, cộng đồng từ 150 - 200 người.

- 90% cơ sở cai nghiện, điểm điều trị Methadone đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện về cai nghiện theo quy định của pháp luật.

- Nâng quy mô tiếp nhận và điều trị của 06 cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone từ 250 người lên 500 người/cơ sở, đảm bảo nhu cầu điều trị Methadone của các đối tượng nghiện.

- 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ sở cai nghiện được đào tạo, cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận theo tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.

b) Định hướng đến năm 2030

- Căn cứ tình hình thực tế để xem xét, chuyển đổi 06 cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone thành cơ sở cai nghiện tự nguyện; thành lập mới các cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tự nguyện tại các huyện, thành phố chưa có cơ sở điều trị Methadone nhưng có số người nghiện và các điều kiện đáp ứng được yêu cầu về thành lập cơ sở điều trị Methadone mới.

- 100% cơ sở cai nghiện đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện về cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.

- 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ sở cai nghiện được đào tạo nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật.

- Đặt hàng tổ chức cai nghiện bắt buộc đối với các cơ sở cai nghiện dân lập, cơ sở cai nghiện tự nguyện đủ điều kiện, tiêu chuẩn về cai nghiện bắt buộc.

II. NỘI DUNG

1. Cơ sở cai nghiện có chức năng cai nghiện bắt buộc

- Công suất tiếp nhận: Giảm công suất tiếp nhận cai nghiện ma túy tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội từ 150 người (năm 2015) xuống 120 người (năm 2020); định hướng đến năm 2030 công suất tiếp nhận cai nghiện bắt buộc từ 70 - 80 người;

- Cơ chế tiếp nhận

+ Đến năm 2020, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thực hiện tiếp nhận các đối tượng cai nghiện ma túy bắt buộc trên địa bàn tỉnh Ninh Bình;

+ Định hướng đến năm 2030: Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tiếp nhận người nghiện ma túy bị Tòa án quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện để thi hành quyết định, không phân biệt nơi cư trú.

- Mạng lưới cơ sở cai nghiện có chức năng cai nghiện bắt buộc

+ Đến năm 2020: Duy trì 01 cơ sở cai nghiện đa chức năng tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, thực hiện tiếp nhận quản lý đối với đối tượng cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện và tiếp nhận đối tượng xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

+ Định hướng đến năm 2030: Tiếp tục duy trì 01 cơ sở cai nghiện đa chức năng tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, thực hiện tiếp nhận các đối tượng trong và ngoài tỉnh theo quyết định của Tòa án; đối tượng cai nghiện tự nguyện và đối tượng xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Căn cứ tình hình thực tế về số lượng người nghiện ma túy, vị trí địa lý, điều kiện về cơ sở vật chất, con người để thành lập các điểm vệ tinh thuộc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tại các huyện, thành phố có trên 500 người nghiện có hồ sơ quản lý để tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ cai nghiện theo nguyên tắc không phát sinh biên chế.

2. Cơ sở cai nghiện tự nguyện

- Khả năng tiếp nhận: Nâng công suất tiếp nhận cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội từ 50 người (năm 2015) lên 200 người (năm 2020); định hướng đến năm 2030 công suất tiếp nhận cai nghiện tự nguyện lên 250 người.

- Cơ chế tiếp nhận

+ UBND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ, miễn giảm đối với người tự nguyện cai nghiện và điều trị Methadone.

+ Các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện tiếp nhận người cai nghiện ma túy tự nguyện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và các tỉnh khác không phân biệt nơi cư trú.

- Phân bổ mạng lưới cơ sở cai nghiện tự nguyện

+ Chuyển đổi 06 cơ sở điều trị Methadone tại các cơ sở y tế thành các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện. Xem xét thành lập mới các cơ sở điều trị Methadone tự nguyện tại các huyện, thành phố chưa có cơ sở điều trị Methadone nhưng có số người nghiện và các điều kiện đáp ứng được yêu cầu về thành lập cơ sở điều trị Methadone mới.

+ Nâng cấp cơ sở vật chất, tăng số người nghiện tham gia chương trình cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng điều trị Methadone lên 2.200 người tương đương 80% số người nghiện có hồ sơ quản lý.

+ Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập từ 2 - 3 cơ sở điều trị nghiện tự nguyện tại các huyện, thành phố có đông số người nghiện.

+ Căn cứ tình hình thực tế về số lượng người nghiện ma túy, vị trí địa lý, điều kiện về cơ sở vật chất, con người để thành lập Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng hoặc bổ sung thêm chức năng điều trị, cai nghiện ma túy cho các cơ sở y tế (bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp huyện, trạm y tế cấp xã), bảo đảm thuận lợi để thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện.

3. Các tiêu chuẩn, điều kiện của cơ sở cai nghiện

Duy trì diện tích, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ sở cai nghiện; bảo đảm về công tác cai nghiện, an ninh, trật tự và môi trường trong cơ sở cai nghiện theo quy định của Chính phủ.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về cơ chế, chính sách

- Rà soát, sửa đổi các văn bản, chính sách đối với công tác cai nghiện phù hợp với tình hình mới.

- Khuyến khích người nghiện tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện; chỉ áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người sử dụng ma túy có hành vi nguy hiểm cho xã hội.

- Thực hiện các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ làm việc tại các cơ sở cai nghiện ma túy; về chương trình, giáo trình đào tạo chuyên môn, đào tạo liên tục đối với đội ngũ làm công tác cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy.

- Quy định quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy.

- Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế chính sách, chế độ hỗ trợ, miễn giảm đối với đối tượng cai nghiện tự nguyện và tham gia điều trị Methadone.

2. Về đầu tư, huy động vốn

- Ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở điều trị nghiện bắt buộc để đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ.

- Đẩy mạnh xã hội hóa vào cơ sở cai nghiện ma túy, đặc biệt ưu tiên các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.

- Thu hút các nguồn viện trợ của các tổ chức, cá nhân, Chính phủ nước ngoài thông qua các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ, kỹ thuật điều trị, cai nghiện tiên tiến trên thế giới nhằm nâng cao chất lượng cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy.

3. Về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động

- Xác định vị trí công tác, sắp xếp, bố trí và sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ cán bộ, nhân viên trong Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác điều trị nghiện.

- Khảo sát, áp dụng chương trình đào tạo về công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện gồm: dự phòng và điều trị nghiện ma túy; tư vấn điều trị ma túy; tiếp cận cộng đồng; sàng lọc đánh giá và xây dựng kế hoạch điều trị cá nhân cho người nghiện.

- Tăng cường, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác điều trị nghiện; cán bộ tham gia các tổ công tác cai nghiện ma túy; đội công tác xã hội tình nguyện tại các xã, phường, thị trấn về dự phòng và điều trị nghiện.

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng hoặc tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác y tế, tư vấn, giáo dục, dạy nghề cho người nghiện ma túy tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng; bảo đảm phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý và khả năng nhận thức của người nghiện ma túy.

- Áp dụng tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra chất lượng cán bộ; hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng điều trị, cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy; định kỳ kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy theo các tiêu chí đã ban hành.

4. Về hợp tác quốc tế

Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức thuộc chính phủ, phi chính phủ, các nước nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật và tài chính cho công tác điều trị, cai nghiện ma túy.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Từ nguồn kinh phí ngân sách Trung ương.

- Từ nguồn kinh phí ngân sách địa phương theo phân cấp NSNN hiện hành.

- Từ nguồn tài trợ, huy động của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện trong phạm vi toàn tỉnh;

- Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cai nghiện ma túy tự nguyện; đề xuất các chính sách đặc thù trong hoạt động dạy nghề, dạy văn hóa, tư vấn tâm lý, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự án ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công tác cai nghiện ma túy (xây dựng cơ sở dữ liệu; hệ thống thông tin quản lý; dịch vụ công trực tuyến; đào tạo về tư vấn, điều trị, cai nghiện trực tuyến);

- Lồng ghép, đầu tư cho công tác dạy nghề, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững đối với việc thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở cai nghiện ma túy theo chức năng, nhiệm vụ được giao;

- Chỉ đạo cơ sở bảo trợ xã hội trong việc tiếp nhận đối tượng không xác định được nơi cư trú là người chưa thành niên hoặc người ốm yếu không còn khả năng lao động sau khi chấp hành xong biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

- Tổng hợp, đề xuất nhu cầu kinh phí bảo đảm thực hiện quy hoạch 5 năm, hàng năm gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính để trình cấp có thẩm quyền quyết định;

- Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng, hiệu quả của các cơ sở cai nghiện. Định kỳ đánh giá, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với bối cảnh và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, tổng hợp bố trí vốn đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương thực hiện quy hoạch theo đúng quy định của Luật Đầu tư công; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành có liên quan trình cấp có thẩm quyền dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở cai nghiện đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo quy định của pháp luật về phân cấp ngân sách nhà nước.

4. Sở Y tế

- Nghiên cứu, triển khai các phương pháp điều trị bằng y học trong điều trị, cai nghiện ma túy; hướng dẫn việc tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận xác định nghiện ma túy, điều trị cắt cơn nghiện ma túy cho y, bác sỹ tại các cơ sở cai nghiện; hướng dẫn việc phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và khám sức khỏe định kỳ cho người nghiện ma túy đang trong chương trình điều trị, cai nghiện ma túy;

- Thực hiện nâng cấp cơ sở vật chất; đào tạo con người nâng quy mô tiếp nhận và điều trị Methadone;

- Chuyển đổi các cơ sở điều trị Methadone sang cơ sở điều trị tự nguyện; tham mưu thành lập các điểm tư vấn điều trị, cấp phát thuốc Methadone tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn có đông đối tượng nghiện ma túy;

- Chỉ đạo các cơ sở điều trị cho người nghiện đăng ký cai nghiện tự nguyện bằng Methadone phối hợp tốt với cơ quan Công an, chính quyền địa phương nơi người nghiện cư trú để ra quyết định chấm dứt hình thức cai nghiện tự nguyện khi có tài liệu người nghiện tiếp tục sử dụng chất ma túy để tạo điều kiện cho việc lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

5. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác định vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các cơ sở cai nghiện; phối hợp hướng dẫn tổ chức, bộ máy của cơ sở cai nghiện có chức năng cai nghiện ma túy bắt buộc theo vùng, khu vực theo quy định hiện hành.

6. Công an tỉnh

- Chủ trì rà soát, phân loại người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, tăng cường quản lý cư trú để kịp thời theo dõi sự di biến động của các đối tượng;

- Phối hợp với Sở Lao động TB&XH, Sở Y tế hướng dẫn công tác quản lý và tổ chức điều trị nghiện tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn công tác giáo dục cho học viên tại cơ sở cai nghiện; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra chất lượng học tập, tổ chức thi và cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp tương ứng với chương trình học cho học viên; hỗ trợ sách giáo khoa, tập huấn giáo viên giảng dạy tại cơ sở cai nghiện; xây dựng hướng dẫn chuyển gửi người nghiện ma túy hoàn thành chương trình cai nghiện tiếp tục học tập văn hóa tại nơi cư trú.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khảo sát, xây dựng phương án đầu tư, xử lý môi trường tại các cơ sở cai nghiện; phối hợp kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở cai nghiện.

9. Các Sở, ban, ngành liên quan

Có trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bố trí nguồn lực tổ chức thực hiện kế hoạch này.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở cai nghiện đóng tại địa phương mình trong quá trình hoạt động;

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, quản lý cơ sở cai nghiện tại địa phương;

- Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cai nghiện ma túy tự nguyện; hướng dẫn tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại địa phương để thực hiện quy hoạch;

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở cai nghiện bắt buộc; cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện hoạt động và có chính sách hỗ trợ những người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, hoàn thành chương trình cai nghiện tự nguyện về học nghề, tìm việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Căn cứ Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và UBND các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch này và tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- Thành viên BCĐ PCTP, TNXH, XDPTTDĐKXDVH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VP6.
ĐN05/LĐ2016

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Quang Thìn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 97/KH-UBND năm 2016 tổ chức thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 97/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 11/11/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Tống Quang Thìn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/11/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản