Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9432/KH-UBND

Khánh Hòa, ngày 14 tháng 9 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 76/NQ-CP NGÀY 18 THÁNG 6 NĂM 2018 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành kế hoạch thực hiện nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Công tác phòng, chống thiên tai phải được xem là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; phải được thường xuyên quan tâm thực hiện có hiệu quả; phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và của toàn dân, toàn xã hội. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, sự quản lý của chính quyền các cấp; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và các đoàn thể.

b) Phòng, chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro tổng hợp theo vùng, ngành; xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng công trình phải đánh giá đầy đủ các tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai.

c) Phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, nông thôn mới.

d) Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, theo hướng đa mục tiêu; khôi phục, tái thiết sau thiên tai đảm bảo tính bền vững và yêu cầu xây dựng lại tốt hơn; tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ kết hợp với kế thừa những kinh nghiệm truyền thống.

đ) Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực phòng, chống thiên tai.

2. Yêu cầu

a) Quán triệt sâu sắc và tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể; nêu cao trách nhiệm, tinh thần tự giác của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và mỗi người dân trong việc thực hiện phòng, chống thiên tai. Việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt phải nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.

b) Cụ thể hóa để thực hiện đầy đủ, toàn diện và đồng bộ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ.

c) Các cơ quan phụ trách phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ tỉnh đến cơ sở chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng, cụ thể hóa thành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị Quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:

a) Giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015 - 2020;

b) 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai;

c) 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn;

d) Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng chống thiên tai;

đ) Nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, nhất là đê điều, hồ đập, khu neo đậu tránh trú bão, đảm bảo an toàn với tần suất thiết kế và thích ứng với các tác động mới của thiên tai;

e) Chủ động trong dự báo, cảnh báo, phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại những khu vực dân cư tập trung và trọng điểm về kinh tế xã hội; 100% các khu vực ngầm tràn thường xuyên bị ngập sâu được lắp đặt các thiết bị cảnh báo;

g) 100% số hộ dân thuộc khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi ở đảm bảo an toàn.

III. GIẢI PHÁP TỔNG THỂ

1. Thể chế, chính sách:

a) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp; nghiên cứu xây dựng mới các cơ chế, chính sách, văn bản luật trong lĩnh vực phòng chống thiên tai trên cơ sở Luật phòng chống thiên tai và các chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương, bảo đảm phù hợp với thực tiễn của tỉnh;

b) Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, cứu trợ thiên tai cho những vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai trên địa bàn tỉnh.

2. Tổ chức, bộ máy:

a) Kiện toàn, nâng tầm hoạt động của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, tăng cường trách nhiệm cá nhân của thành viên Ban chỉ huy trong thực hiện nhiệm vụ được phân công;

b) Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai; các cấp theo hướng đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp, trên cơ sở sắp xếp lại các tổ chức hiện có, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong tình hình mới trên nguyên tắc không tăng thêm đầu mối và biên chế;

c) Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai các cấp từ tỉnh đến cơ sở theo hướng chuyên nghiệp, thường xuyên được đào tạo, tập huấn để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.

3. Cơ sở hạ tầng:

a) Đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, củng cố, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa nước, khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão; kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, các công trình phòng chống thiên tai; nâng cao khả năng tiêu thoát nước, quản lý chặt chẽ, hạn chế việc san lấp ao, hồ, dự án thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh,...;

b) Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời, hỗ trợ ra quyết định phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cấp tỉnh;

c) Đầu tư hiện đại hoá, tự động hóa hệ thống quan trắc, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh xã hội hoá một số hoạt động khí tượng thủy văn, xây dựng hệ thống quan trắc chuyên dùng phòng, chống thiên tai.

4. Thông tin, truyền thông, đào tạo:

a) Đầu tư trang thiết bị phù hợp với từng vùng miền, khu vực, nhất là tại cơ sở, đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai của cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai, các cấp chính quyền đến được với người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

b) Phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai trong nhà trường, nhất là cấp tiểu học và trung học cơ sở. Tổ chức tập huấn, truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó các tình huống thiên tai phù hợp với đặc thù các vùng, miền.

5. Nguồn lực tài chính:

a) Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính cho phòng, chống thiên tai để chủ động trong xây dựng kế hoạch hàng năm và xử lý khi có tình huống bất thường, nhất là xử lý khẩn cấp sự cố công trình sau thiên tai; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai;

b) Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, dự phòng ngân sách, quỹ phòng chống thiên tai cho phòng chống thiên tai.

6. Khoa học công nghệ: Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ trong quan trắc theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành, ứng phó thiên tai. Tập trung ứng dụng công nghệ viễn thám, tin học, tự động hoá, trực tuyến trong quan trắc, giám sát, quản lý, khai thác, dự báo, truyền cơ sở dữ liệu và vận hành ứng phó theo thời gian thực; ứng dụng vật liệu mới, giải pháp mới trong phòng, chống thiên tai.

7. Hợp tác với các tỉnh: Đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh lân cận. Tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

8. Một số giải pháp trọng tâm đối với các vùng miền:

a) Đối với các huyện miền núi: Xác định khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét để triển khai đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình, tổ chức thông tin cảnh báo, dự báo, điều chỉnh sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại về người, đảm bảo sinh kế bền vững phù hợp với tập quán từng khu vực. Nâng cao mức đảm bảo an toàn chống lũ cho các hồ chứa nước xung yếu;

b) Đối với các huyện, thị xã, thành phố ven biển: Đảm bảo an toàn đê điều, quản lý chặt chẽ quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều, quy hoạch sử dụng đất nhất là sử dụng đất bãi sông để bảo vệ không gian thoát lũ. Nâng cao mức đảm bảo an toàn chống lũ cho hệ thống đê sông, đê biển; Tập trung nâng cao năng lực ứng phó bão mạnh và siêu bão; xử lý công trình hạ tầng (nhà cửa, vật kiến trúc, đường giao thông) gây cản trở thoát lũ, tăng ngập lụt.

IV. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh:

a) Kiện toàn cơ quan chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp;

b) Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai tại địa phương, bố trí nguồn lực, đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cơ quan làm công tác tham mưu phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh để từng bước kết nối trực tuyến với cơ quan phòng chống thiên tai trung ương và các cấp ở địa phương phục vụ công tác chỉ đạo điều hành;

c) Tổ chức tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các chương trình, hoạt động các cấp, đoàn thể tại địa phương;

d) Rà soát, hoàn thiện và chủ động bố trí nguồn lực thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai cấp tỉnh, phương án ứng phó thiên tai tương ứng cấp độ rủi ro thiên tai, nhất là lũ lớn, bão mạnh, siêu bão, sạt lở đất, lũ quét, đảm bảo sát với thực tiễn;

đ) Tổ chức thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác phòng chống thiên tai; theo dõi công tác khắc phục hậu quả thiên, phục hồi sau thiên tai.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chỉ đạo công tác xây dựng, tu bổ, nâng cấp đê, kè, hồ đập, các khu neo đậu tránh trú bão. Kiểm tra, xử lý công trình làm gia tăng rủi ro thiên tai;

b) Chỉ đạo hiện đại hóa thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị bảo đảm an toàn và giám sát tàu thuyền hoạt động trên biển;

c) Chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập; quy trình vận hành hồ chứa; giám sát vận hành hồ chứa và đảm bảo thông tin cho người dân vùng hạ du khi xả lũ;

d) Quản lý chặt chẽ, triển khai thực hiện kế hoạch thu, chi Quỹ phòng chống thiên tai, bảo đảm thu đúng, thu đủ, sử dụng hiệu quả cho công tác phòng, chống thiên tai;

đ) Điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm vùng miền, thích ứng với thiên tai, đảm bảo sinh kế bền vững, giảm thiệt hại cho sản xuất.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

a) Chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan xây dựng phương án chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương và người dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu nạn, cứu hộ theo yêu cầu;

b) Tổ chức thực hiện việc đầu tư phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị ứng phó thiên tai và cứu hộ cứu nạn phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của các đơn vị và đặc điểm thiên tai từng vùng, địa phương để nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn;

c) Tổ chức tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai; tổ chức các khóa huấn luyện, tập huấn, diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để rút kinh nghiệm cho phù hợp với thực tiễn của địa phương.

4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

a) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các địa phương ven biển kiểm tra chặt chẽ việc trang bị các thiết bị thông tin liên lạc, phương tiện đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển theo quy định; khi có tin áp thấp nhiệt đới, bão tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo kêu gọi tàu thuyền, nắm chắc số lượng, vị trí tàu thuyền trên biển, hướng dẫn di chuyển đến nơi an toàn;

b) Xây dựng phương án chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

c) Tổ chức thực hiện việc đầu tư phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị ứng phó thiên tai và cứu hộ cứu nạn phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của các đơn vị và đặc điểm thiên tai từng vùng, địa phương để nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn;

d) Thường xuyên tổ chức, chỉ đạo tổ chức các khóa huấn luyện, tập huấn, diễn tập sát thực tế, đảm bảo xử lý hiệu quả các tình huống sự cố, thiên tai.

5. Công an tỉnh:

a) Triển khai có hiệu quả Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;

b) Đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị ứng phó thiên tai và cứu nạn, cứu hộ; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập để nâng cao năng lực cho lực lượng phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

c) Chỉ đạo lực lượng công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, môi trường, tài nguyên nước, tập trung xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi và lập bến bãi tập kết trái phép, lấn chiếm lòng sông, bãi sông;

d) Sẵn sàng phương án đảm bảo an ninh trật tự, cứu nạn, cứu hộ, an toàn giao thông, tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra tình huống thiên tai.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì phối hợp với Sở, ngành và các địa phương rà soát thực trạng sử dụng đất ven biển, ven sông; quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép đất tại khu vực này. Xây dựng quy định về hành lang an toàn khu vực ven biển, ven sông, kênh rạch phù hợp với thực tế của địa phương, không để phát sinh công trình nằm trong khu vực không bảo đảm an toàn; thời gian hoàn thành trong năm 2019;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng trạm khí tượng thủy văn đối với các hạng mục công trình phải thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo Luật Khí tượng thủy văn;

c) Tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là việc quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển tại những khu vực có nguy cơ làm gia tăng rủi ro thiên tai.

7. Sở Công Thương:

a) Phối hợp với Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa xây dựng phương án dự phòng, khôi phục nhanh hệ thống điện sau thiên tai để phục vụ công tác khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, phục vụ dân sinh;

b) Chỉ đạo dự trữ hàng hóa thiết yếu, chú trọng khu vực thường xuyên bị thiên tai, nhất là vùng sâu, vùng xa; phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc dự phòng tại chỗ khi thiên tai xảy ra; xây dựng phương án ổn định thị trường sau thiên tai. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế để huy động hàng hóa của doanh nghiệp cho khắc phục hậu quả thiên tai phù hợp với thực tế hiện nay.

8. Sở Giao thông Vận tải:

a) Chỉ đạo xây dựng, triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy trong mùa mưa bão;

b) Chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ, phương tiện và lực lượng sẵn sàng khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt khi có sự cố, thiên tai.

9. Sở Xây dựng:

a) Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch, từng bước di dời công trình dân dụng và công nghiệp vi phạm hành lang an toàn khu vực ven biển, ven sông nhằm giảm thiểu nguy cơ sạt lở, hướng tới phát triển bền vững; thời gian hoàn thành trước năm 2025;

b) Tổ chức rà soát quy hoạch, xây dựng kế hoạch nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước, chủ động triển khai các phương án, giải pháp khắc phục ngập úng khi mưa lớn.

10. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Tổ chức tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các chương trình, hoạt động các cấp, đoàn thể tại địa phương;

b) Xây dựng phương án đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với tình huống bão mạnh, siêu bão, lũ lớn.

11. Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai, đưa thông tin đến thôn và người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

b) Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào quản lý phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu, ứng dụng vật liệu mới, công nghệ tiên tiến, giải pháp mới trong phòng chống thiên tai.

12. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo, tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; đào tạo kiến thức, phổ biến kỹ năng về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trong trường học, nhất là cấp tiểu học và trung học cơ sở từ năm 2020. Chỉ đạo xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, thiết bị, dụng cụ học tập và cơ sở hạ tầng giáo dục khi xảy ra tình huống thiên tai, đặc biệt là bão, mưa lũ; đầu tư xây dựng trường học kết hợp điểm sơ tán dân đảm bảo yêu cầu an toàn khi xảy ra thiên tai.

13. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Ủy ban nhân dân các địa phương rà soát, kiện toàn cơ quan tham mưu về phòng chống thiên tai các cấp đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo nguyên tắc không tăng thêm đầu mối và biên chế.

14. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn, sử dụng dự phòng ngân sách tỉnh để đầu tư, sửa chữa công trình phòng chống thiên tai bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn trước mùa lũ hàng năm, nhất là hồ đập, đê điều, khắc phục sạt lở, ổn định dân cư, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.

- Chỉ đạo cụ thể và hiệu quả việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

15. Sở Tài chính: Ưu tiên bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách cho khắc phục hậu quả thiên tai. Cân đối nguồn lực để kịp thời hỗ trợ khắc phục thiên tai theo quy định: xử lý khẩn cấp sự cố đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, di dời dân cư khẩn cấp phòng chống lũ quét, sạt lở đất,... theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

16. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Khánh Hòa, các cơ quan truyền thanh của địa phương thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng để chủ động phòng, tránh, ứng phó thiên tai cho người dân.

17. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Kiện toàn cơ quan chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp;

b) Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai tại địa phương, bố trí nguồn lực, đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cơ quan làm công tác tham mưu phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện để từng bước kết nối trực tuyến với cơ quan phòng chống thiên tai tỉnh và cấp xã ở địa phương phục vụ công tác chỉ đạo điều hành;

c) Tổ chức tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai; lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các chương trình, hoạt động của các cấp, đoàn thể tại địa phương. Xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở trước mắt là tại cấp xã với lực lượng dân quân tự vệ làm lòng cốt, thời gian hoàn thành trong năm 2020;

d) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai, đưa thông tin đến thôn và người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số;

đ) Rà soát, hoàn thiện và chủ động bố trí nguồn lực thực hiện kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp, phương án ứng phó thiên tai tương ứng cấp độ rủi ro thiên tai, nhất lũ lớn, bão mạnh, siêu bão, sạt lở đất, lũ quét, đảm bảo sát với thực tiễn;

g) Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai, tổ chức diễn tập để rút kinh nghiệm cho phù hợp với thực tế của địa phương;

h) Điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm vùng miền, thích ứng với thiên tai, đảm bảo sinh kế bền vững, giảm thiệt hại cho sản xuất;

i) Thực hiện lồng ghép phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; kiểm tra, xử lý công trình làm gia tăng rủi ro thiên tai.

18. Các sở, ban, ngành khác, theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao chủ động khắc phục hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thời gian qua, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, triển khai các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó hiệu quả các tình huống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định.

(Chi tiết kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP đính kèm)

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở nhiệm vụ, giải pháp được giao trong Kế hoạch này, Giám đốc các sở, Thủ trưởng ban, ngành trong tỉnh và Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.

2. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành trong tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hàng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình triển khai thực hiện (qua Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh).

3. Giao Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện hàng năm./.

 


Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo TW về PCTT;
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- CT, các PCTUBND tỉnh;
- Thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- BCH PCTT và TKCN các huyện, tx, tp;
- Báo và Đài PTTH tỉnh;
- Các phòng chuyên môn VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT,HB, HLe.
PCTT-9.7

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Công Thiên

 

PHỤ LỤC

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 76/NQ-CP NGÀY 18/6/2018 CỦA CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Kế hoạch số: 9432/KH-UBND ngày 14/9/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Đơn vị tính: tỷ đồng

TT

Nhiệm vụ

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Sản phẩm

Thời gian hoàn thành

Dự kiến nguồn lực

Trung ương

Địa phương

1

Kiện toàn cơ quan chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, UBND các cấp huyện, xã

Sở Nội vụ, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan

Quyết định kiện toàn; phân công nhiệm vụ; quy chế làm việc

Hàng năm

 

 

2

Rà soát, kiện toàn cơ quan tham mưu về phòng, chống thiên tai các cấp đảm bảo tin gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai

Sở Nội vụ

Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, UBND các địa phương

Quyết định và văn bản chỉ đạo

Hàng năm

 

 

3

Nâng cao năng lực PCTT tại địa phương, bố trí nguồn lực, đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cơ quan làm công tác tham mưu phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh để từng bước kết nối trực tuyến với cơ quan phòng, chống thiên tai trung ương và các cấp ở địa phương phục vụ công tác chỉ đạo điều hành

Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, UBND các cấp huyện, xã

Sở Tài chính, các đơn vị và địa phương liên quan

Văn bản chỉ đạo; Mua sắm trang thiết bị theo yêu cầu, đáp ứng công tác, nhiệm vụ được giao

Hàng năm

1,0

1,0

4

Tổ chức tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các chương trình, hoạt động của các cấp, đoàn thể tại địa phương

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, UBND các cấp huyện, xã

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận, Đài Truyền thanh các địa phương, hội, đoàn thể

Các bản tin được phát truyền tin trên sóng truyền thanh-truyền hình. Các buổi tuyên truyền, tập huấn phòng chống thiên tai cấp xã.

Hàng năm

0,5

0,5

5

Xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở trước mắt là tại cấp xã với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt, thời gian hoàn thành trong năm 2020

UBND cấp huyện, xã

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện, xã

Lực lượng xung kích được thành lập ở cấp huyện, xã

Hàng năm

 

 

6

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai, đưa thông tin đến thôn, bản và người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số

Sở Khoa học và Công nghệ

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh va UBND các địa phương

Các đề tài khoa học được ứng dụng vào thực tế

Hàng năm

0,5

0,5

7

Rà soát, hoàn thiện và chủ động bố trí nguồn lực thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp, phương án ứng phó thiên tai tương ứng từng cấp độ rủi ro thiên tai, nhất là lũ lớn, bão mạnh, siêu bão, sạt lở đất, lũ quét, đảm bảo sát với thực tiễn

Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, UBND cấp huyện

Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan

Phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai được đơn vị tư vấn lập cho từng huyện

2019-2020

2,0

2,0

8

Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai

Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, UBND các cấp huyện, xã

Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan

Văn bản chỉ đạo. Kiểm tra chi tiết

Hàng năm

 

 

9

Tổ chức diễn tập PCTT & TKCN để rút kinh nghiệm cho phù hợp với thực tế của địa phương

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan

Các cuộc diễn tập được triển khai

Hàng năm

5,0

5,0

10

Quản lý chặt chẽ, triển khai thực hiện kế hoạch thu, chi Quỹ phòng chống thiên tai, đảm bảo thu đúng, thu đủ, sử dụng hiệu quả cho công tác phòng, chống thiên tai. Tất cả các địa phương phải thực hiện thu trong hàng năm

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Cục Thuế tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh và UBND các địa phương

Báo cáo chi tiết kết quả thu-chi Quỹ theo quy định.

Hàng năm

 

 

11

Chủ động, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn, sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để đầu tư, sửa chữa công trình phòng chống thiên tai bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn trước mùa lũ hàng năm, nhất là hồ đập, đê điều, khắc phục sạt lở, ổn định dân cư, khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN

Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương trong tỉnh.

Quyết định và văn bản chỉ đạo; Các công trình được điều chỉnh, bổ sung kinh phí, thực hiện tu sửa ổn định.

Hàng năm

20,0

15,0

12

Thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập; giám sát vận hành hồ chứa và đảm bảo thông tin cho người dân vùng hạ du khi xả lũ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi và UBND các địa phương

Văn bản chỉ đạo; các Đoàn kiểm tra cụ thể. Các phương án phòng chống lũ lụt hạ du được lập và phê duyệt

Hàng năm

 

1,5

13

Rà soát thực trạng sử dụng đất ven biển, ven sông; quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép đất khu vực này. Xây dựng quy định về hành lang an toàn khu vực ven biển, ven sông, kênh rạch phù hợp với thực tế của địa phương, không để phát sinh công trình nằm trong khu vực không đảm bảo an toàn; Thời gian hoàn thành trong năm 2019.

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành và UBND các cấp

Quyết định và văn bản chỉ đạo.

năm 2019

 

 

14

Xây dựng kế hoạch, từng bước di dời công trình dân dụng và công nghiệp vi phạm hành lang an toàn khu vực ven biển, ven sông nhằm giảm thiểu nguy cơ sạt lở, hướng tới phát triển bền vững; thời gian hoàn thành trước năm 2025.

Sở Xây dựng

Các sở, ban, ngành và UBND các cấp

Quyết định và văn bản chỉ đạo.

năm 2025

 

 

15

Điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm vùng miền, thích ứng với thiên tai, đảm bảo sinh kế bền vững, giảm nhiệt cho sản xuất.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ban, ngành và UBND các cấp

Quyết định và văn bản chỉ đạo.

Hàng năm

 

 

16

Thực hiện lồng ghép phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; kiểm tra, xử lý công trình làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Sở, ban, ngành và UBND các Cấp

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Quyết định và văn bản chỉ đạo Các Đoàn kiểm tra cụ thể.

Hàng năm

 

 

Tổng cộng

29,0

25,5

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 9432/KH-UBND năm 2018 về thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

  • Số hiệu: 9432/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/09/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Đào Công Thiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản