Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 94/KH-UBND

Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CHO CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 09/01/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1934/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 09/01/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp và chế xuất. Thực hiện Chương trình số 04/CTr-TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2016 - 2020.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp.

Tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở trong việc xây dựng cơ chế chính sách và bố trí nguồn nhân lực, tạo điều kiện để tổ chức Công đoàn triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp.

Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức công đoàn, người sử dụng lao động, công nhân lao động và toàn xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp.

2. Yêu cầu

Xác định rõ nhiệm vụ chỉ đạo đối với công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp của các sở, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương, tổ chức công đoàn các cấp.

Rà soát và tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện để triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến các văn bản của Chính phủ; Chương trình của Thành ủy, Kế hoạch của UBND Thành phố về xây dựng và phát triển đời sống văn hóa Thủ đô

Thực hiện, quán triệt đầy đủ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp theo Chỉ thị số 52/CT-TW của Ban Bí thư; Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình số 04/CT-TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội, Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 31/8/2016 của UBND Thành phố về phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình số 29-CTr/TU ngày 10/10/2014 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động đến cán bộ, công chức, viên chức, tổ chức công đoàn, người sử dụng lao động, công nhân lao động, tạo sự đồng thuận xã hội và thống nhất hành động để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

Xây dựng, đổi mới cơ chế, chính sách, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức công đoàn, phát huy vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, công nhân lao động tích cực tham gia xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến xây dựng, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động.

2. Đầu tư xây dựng hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí, các công trình phúc lợi

Tập trung kiểm tra, đánh giá rà soát, lập quy hoạch xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Bố trí quỹ đất, các nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, các công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Xây dựng cơ chế, chính sách kêu gọi xã hội hóa, thu hút đầu tư triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp: Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12/10/2011 về “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”; Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 về “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu: Đến năm 2018, hoàn thành quy hoạch xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí, nhà trẻ, trường học phục vụ công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Xây dựng một mô hình thí điểm về tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ công nhân tại 01 (một) đến 02 (hai) khu công nghiệp lớn của Thành phố.

Xây dựng mới và hoàn thiện một số thiết chế văn hóa, thể thao tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Khu công nghiệp Nội Bài, Khu công nghiệp Quang Minh, Khu công nghiệp Phú Nghĩa.

3. Phát triển phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao

Xây dựng, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng; phong trào toàn dân tham gia tập thể dục; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Thường xuyên tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng; thi đấu các môn thể thao trong công nhân; phát triển phong trào xây dựng gia đình văn hóa trong công nhân; xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp, “Xây dựng Cơ quan đạt chuẩn văn hóa, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” xây dựng nếp sống văn hóa và tác phong lao động công nghiệp trong công nhân; phát triển các loại hình câu lạc bộ sở thích, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm của các đối tượng công nhân; tổ chức tốt các hoạt động học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của công nhân.

Tăng cường công tác quản lý môi trường, đất đai tại các khu công nghiệp, quy hoạch quỹ đất để xây dựng các công trình văn hóa, nhà ở cho công nhân lao động.

Tiếp tục xây dựng và đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên ở các khu công nghiệp với nội dung sinh hoạt phù hợp.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra của cấp ủy, đoàn thể việc chấp hành quy định pháp luật tại các khu công nghiệp; theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động để kịp thời đề xuất, giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn.

Có chính sách biểu dương, khen thưởng kịp thời những đơn vị làm tốt, những mô hình hoạt động có hiệu quả.

III. T CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa và Thể thao

Chủ trì, phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, đơn vị liên quan xây dựng, triển khai thực hiện tốt việc xây dựng danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa” trên địa bàn Thủ đô.

Chủ trì, phối hợp sở, ban ngành, các địa phương đề xuất giải pháp thực hiện Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Xây dựng, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; định kỳ tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng; thi đấu các môn thể thao trong công nhân; phát triển phong trào xây dựng gia đình văn hóa trong công nhân; xây dựng môi trường Văn hóa doanh nghiệp”, xây dựng nếp sống văn hóa và tác phong lao động công nghiệp trong công nhân viên chức, người lao động Thủ đô; phát triển các loại hình cau lạc bộ sở thích, phù hợp với nhu cầu, đặc điểm của các đối tượng công nhân; tổ chức tốt các hoạt động học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của công nhân.

Hàng năm, xây dựng Chương trình phối hợp hoạt động với Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội trong xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động khu công nghiệp.

Phối hợp các cơ quan chuyên môn xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Chủ trì, phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, các sở, ngành liên quan đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; định kỳ hàng năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, báo cáo UBND Thành phố.

2. Đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội

Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong công nhân viên chức lao động Thủ đô” trong các cơ quan, doanh nghiệp... Xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, lao động theo các tiêu chí: “Tiên tiến - Sáng tạo; Đoàn kết - Kỷ cương; Gìn giữ môi trường; Thanh lịch - Nhân ái”.

Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa làm nòng cốt trong phong trào thi đua của khối cơ quan, doanh nghiệp... phối hợp Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tổ chức đánh giá, kiểm tra việc đăng ký, bình xét cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa để đề nghị UBND các cấp (quận, huyện, thị xã, thành phố) công nhận danh hiệu này theo quy định.

Tổ chức và phối hợp tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống vật chất, tinh thần, tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của công nhân tại các khu công nghiệp, đề xuất Thành phố có chủ trương, chính sách kịp thời điều chỉnh cho phù hợp; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; định kỳ hàng năm tổng hợp, đánh gia kết quả thực hiện công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp báo cáo UBND Thành phố.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan thẩm định dự án đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa thể thao phục vụ công nhân lao động tại các khu công nghiệp; bố trí kinh phí, hướng dẫn cơ chế tài chính, lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch.

Cân đối nguồn vốn ngân sách Thành phố tiếp tục thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của HĐND Thành phố, Quyết định của UBND Thành phố về xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

4. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí kinh phí chi sự nghiệp hàng năm triển khai thực hiện kế hoạch theo quy định.

5. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp Ban quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; phòng, chống tệ nạn xã hội trong công nhân lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại các khu công nghiệp.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp Ban quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, đơn vị liên quan rà soát việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố trong đó ưu tiên bố trí diện tích đất xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao, các công trình phúc lợi khác phục vụ công nhân lao động; kiểm tra, theo dõi việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt và các nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

7. Sở Quy hoạch - Kiến trúc

Chủ trì, phối hợp Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội rà soát, đánh giá, lập quy hoạch xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, các công trình phúc lợi khác tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Hướng dẫn, xây dựng công trình văn hóa, thể thao, các công trình phúc lợi khác như nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế ... phục vụ và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động trong khu công nghiệp đúng quy định pháp luật và Thành phố.

8. Sở Xây dựng

Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về nhà ở cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Kiểm tra, giám sát, quản lý các hoạt động đầu tư, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp, hướng dẫn các cơ quan báo chí Hà Nội, hệ thống thông tin cơ sở xây dựng chuyên trang, chuyên mục, các tin, bài, ảnh, phim phóng sự, phim tài liệu, đăng phát các thông điệp tuyên truyền, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp; kịp thời ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại, thông tin sai trái tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của công nhân lao động.

11. Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội

Chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan tham gia ý kiến, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy hoạch liên quan đến hoạt động đầu tư phát triển khu công nghiệp nói chung và việc đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm việc thực hiện quy định, quy hoạch, kế hoạch liên quan tại các khu công nghiệp theo quy định.

Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về lao động đến các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và Công đoàn các Khu công nghiệp trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về lao động đến công nhân lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Tăng cường và phối hợp công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các Doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

12. Các cơ quan Báo, Đài của Thành phố

Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, dành nhiều thời lượng tuyên truyền, phản ánh các nội dung chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, Thành phố về xây dựng giai cấp công nhân, chú trọng việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Phát hiện, nêu gương tổ chức, cá nhân, các khu công nghiệp làm tốt việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phục vụ công nhân, phê phán những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, lối sống xa lạ với nếp sống văn hóa, đồng thời lắng nghe phản ánh những khó khăn vướng mắc trong đời sống, tâm tư tình cảm của lực lượng công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

13. Ủy ban nhân dân các quận, huyện (Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Mỹ)

Phối hợp các sở, ban ngành Thành phố thực hiện công tác rà soát, lập quy hoạch, bố trí dành quỹ đất sạch để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp.

Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp tại địa phương.

Cân đối, bố trí nguồn ngân sách hàng năm để triển khai thực hiện kế hoạch.

14. Các Sở, ban ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã, các tổ chức chính trị, nghề nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố căn cứ nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện; Định kỳ sơ, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch báo cáo UBND Thành phố (gửi Sở Văn hóa và Thể thao tổng hợp)./.

 


Nơi nhận:
- Đồng chí Bí thư Thành ủy;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- T.Trực: Thành ủy - HĐND Thành phố;
- Các PCT UBND Thành phố;
- UB MTTQ Thành phố và các Đoàn thể;
- Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Thành ủy;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- Huyện ủy, Quận ủy, Thị ủy; UBND các quận, huyện, thị xã;
- Đài PTTH HN; Báo: Hà nội mới, KTĐT, ANTĐ;
- VPUB: CVP, PCVP N.N.Kỳ, P.V.Chiến, T.V.Dũng;
- Phòng KGVX, KT, ĐT, NC, TKBT, TH;
- Lưu VT, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Văn Quý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 94/KH-UBND năm 2017 triển khai công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động tại khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 94/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 24/04/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Ngô Văn Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản