Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9052/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 10 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TIÊM BỔ SUNG VÀ TIÊM NHẮC LẠI VẮC XIN PHÒNG BỆNH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Thực hiện văn bản số 10225/BYT-DP ngày 01/12/2021 của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều cơ bản và liều nhắc lại; xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 2596/TTr-SYT ngày 06/12/2021 và số 3624/SYT-NVY ngày 09/12/2021; UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. 100% người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tiêm đủ liều cơ bản (trừ các trường hợp phải trì hoãn và chống chỉ định) được tiêm bổ sung hoặc tiêm nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 theo từng đợt phân bổ vắc xin.

2. Đảm bảo an toàn tiêm chung khi sử dụng vắc xin phòng Covid-19.

II. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN, HÌNH THỨC TIÊM VẮC XIN

1. Đối tượng, loại vắc xin và liều lượng

1.1. Tiêm liều bổ sung vắc xin phòng Covid-19

- Đối tượng: người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc xin) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng..., dự kiến: 3604 người.

- Loại vắc xin: cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA.

- Khoảng cách: tiêm 01 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vắc xin.

1.2. Tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng Covid-19

- Đối tượng: người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế, dự kiến: 970.067 người.

- Loại vắc xin:

+ Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA.

+ Nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA.

+ Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véc tơ vi rút (vắc xin AstraZeneca).

- Khoảng cách: tiêm 01 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.

1.3. Liều lượng vắc xin để tiêm bổ sung và nhắc lại:

Theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép.

(Phụ lục 1: dự kiến số lượng đối tượng kèm theo)

1.4. Vắc xin sử dụng để tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại: Vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt.

2. Phạm vi triển khai: Tại 12 huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Hình thức

- Tổ chức theo hình thức chiến dịch tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng mở rộng và cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

- Đối với các trường hợp tiêm liều bổ sung: tiêm tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện.

- Đối với các trường hợp tiêm liều nhắc lại: tiêm tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn toàn tỉnh, trường hợp khám sàng lọc không tiêm được tại các điểm tiêm chủng tuyến xã thì chuyển người tiêm lên điểm tiêm chủng tuyến tỉnh, tuyến huyện.

4. Thời gian triển khai

- Bắt đầu tiêm từ tháng 12/2021 khi có vắc xin phân bổ và theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Thực hiện tiêm theo thứ tự lứa tuổi giảm dần: ưu tiên tiêm trước đối tượng có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng, người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Lập danh sách đối tượng

Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố căn cứ danh sách các đối tượng đã tiêm vắc xin đủ liều cơ bản, đặc biệt là các trường hợp có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng, người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế theo danh sách đơn vị đang quản lý để tổ chức ưu tiên tiêm trước cho nhóm đối tượng này.

2. Đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin, phân phối và quản lý sử dụng vắc xin

- Sở Y tế có trách nhiệm đề xuất với Bộ Y tế nhu cầu vắc xin phòng Covid-19 để tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại cho đối tượng từ 18 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tiếp nhận, phân phối nguồn vắc xin phòng Covid-19 do Bộ Y tế cấp cho tỉnh Lâm Đồng: Sở Y tế (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) tiếp nhận, phân phối, cấp phát vắc xin, vật tư tiêm chủng cho Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và các cơ sở tiêm chủng để thực hiện tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại đúng thời gian theo lịch trình tổ chức tiêm.

- Tổ chức quản lý chặt chẽ việc sử dụng vắc xin trên địa bàn tỉnh; thống kê báo cáo đầy đủ theo quy định.

3. Vận chuyển, bảo quản vắc xin

- Các đơn vị y tế được phân công tiếp nhận vắc xin sử dụng kho lạnh/thiết bị dây chuyền lạnh đủ điều kiện để bảo quản vắc xin theo đúng yêu cầu về nhiệt độ bảo quản tại tuyến tỉnh, tuyến huyện.

- Các địa phương tổ chức điểm tiêm trong cộng đồng phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh rà soát, bố trí đầy đủ thiết bị dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin tại các điểm tiêm, đảm bảo đúng yêu cầu về nhiệt độ bảo quản tại điểm tiêm chủng.

- Các cơ sở tiêm chủng sử dụng phương tiện vận chuyển phù hợp để tiếp nhận vắc xin phân phối từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; bố trí đầy đủ phương tiện và sắp xếp thời gian hợp lý để vận chuyển vắc xin từ kho bảo quản đến từng địa điểm tiêm hàng ngày, đảm bảo đúng tiến độ tổ chức tiêm.

- Tổ chức tập huấn và kiểm tra giám sát quy trình vận chuyển, bảo quản vắc xin tại các đơn vị, đảm bảo tối đa chất lượng bảo quản theo quy định.

4. Tổ chức chiến dịch tiêm chủng

4.1. Tổ chức buổi tiêm

Thực hiện theo Công văn số 1734/BYT-DP ngày 17/3/2021 của Bộ Y tế vệ việc hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, lưu ý một số nội dung như sau:

- Lập kế hoạch buổi tiêm chủng:

+ Lập danh sách đối tượng đến tiêm chủng, thông báo cho các đối tượng đến tiêm theo khung giờ để đảm bảo không tập trung quá đông trong cùng một thời điểm.

+ Người đi tiêm hoặc người giám hộ phải ký giấy đồng ý tiêm vắc xin theo mẫu của Bộ Y tế.

- Sàng lọc đối tượng trước buổi tiêm chủng: Thực hiện khám sàng lọc cho người đi tiêm theo đúng hướng dẫn tại Quyết định số 4355/QĐ-BYT ngày 10/9/2019 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng Covid-19.

- Bố trí điểm tiêm chủng: Tổ chức tiêm tại cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng theo quy định.

- Sắp xếp khu vực để tiêm chủng phải đủ rộng, đảm bảo giãn cách, trang bị đủ phương tiện cấp cứu:

+ Bố trí vị trí chờ tiêm chủng thông thoáng, đủ ghế ngồi chờ và đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa các đối tượng.

+ Bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc 1 chiều, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa các bàn/vị trí tiêm chủng.

+ Bố trí thêm diện tích, phòng theo dõi sau tiêm chủng 30 phút để đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa các đối tượng.

+ Lưu ý không sử dụng điều hòa trong buổi tiêm chủng.

+ Ngành Y tế huy động lực lượng nhân viên y tế đã được tập huấn về tiêm vắc xin phòng Covid-19 bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân để tổ chức các đội tiêm phục vụ các điểm tiêm trên địa bàn.

+ UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, huy động lực lượng (thanh niên, phụ nữ tình nguyện, dân quân tự vệ, y tế thôn bản, cộng tác viên dân số....) tiếp tục phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn để thực hiện việc đón tiếp, hướng dẫn khai báo y tế, đo thân nhiệt, hỗ trợ cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin; hỗ trợ nhập liệu thông tin người tiêm vào Hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, đảm bảo tổ chức nhiều điểm tiêm chủng, nhiều bàn tiêm và thành lập các đội tiêm chủng lưu động để có thể chủ động tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19 tại cộng đồng, tuyệt đối không để tập trung đông người và người dân phải đi quá xa đến điểm tiêm chủng.

- Các đơn vị y tế phân công nhân sự cụ thể của đội tiêm để phụ trách từng điểm tiêm, lập danh sách (có thông tin liên hệ) và nhập lên phần mềm quản lý tiêm vắc xin để các đơn vị phụ trách cùng nắm và phối hợp theo dõi; đồng thời, chủ động xử lý các tình huống cần điều động nhân sự.

- Tùy theo tình hình nguồn lực tại địa phương và số lượng người dự kiến tiêm chủng tại các địa phương, Sở Y tế có trách nhiệm huy động các đội tiêm tại các bệnh viện công lập, ngoài công lập và phòng khám đa khoa để hỗ trợ y tế các địa phương.

- Cán bộ y tế và người đến tiêm chủng phải thực hiện các biện pháp bảo hộ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên, tiến hành kiểm tra thân nhiệt theo quy định tại điểm tiêm chủng.

- Trong trường hợp phát hiện người đi tiêm chủng là trường hợp nghi nhiễm SARS-COV-2 hoặc tiếp xúc gần với trường hợp Covd-19 trong vòng 14 ngày cần dừng ngay buổi tiêm chủng và thực hiện quản lý các trường hợp này theo quy định.

4.2. Cơ sở thực hiện tiêm

a) Bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố

- Thực hiện tiêm cho các trường hợp có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng, người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế,

- Tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ cho các xã ở các vùng đi lại khó khăn (ít nhất 01 đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 xã).

b) Trạm Y tế cấp xã, phường, thị trấn

- Tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại trạm và điểm tiêm lưu động.

- Thực hiện tiêm cho các đối tượng người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.

- Tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình.

c) Phòng tiêm chủng dịch vụ

- Thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng theo chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Y tế.

- Bố trí các đội cấp cứu tại cơ sở tiêm.

5. Đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng chống dịch Covid-19

- Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tham gia Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 theo phân công của Sở Y tế và huy động của chính quyền địa phương, đảm bảo các yêu cầu chuyên môn về tiêm chủng; tổ chức tiêm chủng phải tuân thủ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định.

- Trong quá trình tiêm chủng, lưu ý kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo phân luồng 01 chiều đối với người đến tiêm từ bước tiếp đón đến bước cấp giấy xác nhận, kể cả đối với người hoãn tiêm hoặc chống chỉ định; đảm bảo nhập liệu đầy đủ thông tin và kết quả của người tiêm trên Hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

- Tư vấn cho người tiêm hoặc người giám hộ về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng; thông báo cho đối tượng tiêm chủng, người giám hộ về hiệu quả, liều lượng của loại vắc xin phòng Covid-19 được tiêm chủng; tư vấn các thông tin cần theo dõi sau tiêm chủng. Đối tượng tiêm chủng hoặc người giám hộ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm chủng bổ sung hoặc tiêm nhắc lại).

- Thực hiện sàng lọc đầy đủ trước khi tiêm chủng theo quy định, kịp thời phát hiện những trường hợp chống chỉ định hoặc tạm hoãn.

- Bố trí các đội cấp cứu lưu động hoặc có đội cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ khi có thông báo sự cố tại các điểm tiêm chủng để xử lý kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng nếu có.

- Xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế, lọ vắc xin; thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải: Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế; Công văn số 102/MT-YT ngày 04/03/2021 của Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế về việc hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và các văn bản có liên quan.

- Trong thời gian triển khai, thực hiện giám sát và báo cáo nhanh các trường hợp phản ứng nặng, cụm phản ứng sau tiêm chủng về Ban chỉ đạo và các cơ quan liên quan theo quy định.

- Tại tất cả các điểm tiêm chủng chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu.

- Xây dựng phương án, quy trình phối hợp giữa điểm tiêm và cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để đảm bảo xử trí cấp cứu cho các trường hợp sự cố sau tiêm trong buổi tiêm chủng.

6. Giám sát, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng

a) Các cơ sở tiêm chủng tổ chức thực hiện các phương án đáp ứng xử trí, cấp cứu sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 theo Công văn số 5488/BYT-KCB ngày 09/7/2021 của Bộ Y tế:

- Tại tất cả các điểm tiêm chủng, đội tiêm đảm bảo sẵn sàng, đầy đủ nhân lực và trang thiết bị cấp cứu phản ứng phản vệ.

- Sở Y tế:

+ Thành lập các đội cấp cứu lưu động cùng với xe cấp cứu của các bệnh viện tại mỗi địa bàn để sẵn sàng xử trí tại chỗ và vận chuyển người bị tai biến nặng sau tiêm chủng về bệnh viện; bố trí vị trí đậu xe cấp cứu tại mỗi địa phương đảm bảo thuận tiện khi cần tiếp cận các điểm tiêm.

+ Phân công các bệnh viện theo địa bàn sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu cho người có tai biến nặng sau tiêm vắc xin.

+ Xây dựng, triển khai phương án, quy trình xử trí sự cố bất lợi sau tiêm bao gồm nội dung xử trí tại chỗ của đội tiêm, nội dung phối hợp giữa điểm tiêm với đội cấp cứu ngoại viện với bệnh viện trên địa bàn để hỗ trợ cấp cứu nâng cao và tiếp nhận điều trị cho các trường hợp tai biến nặng.

b) Các điểm tiêm thực hiện giám sát sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo Công văn số 3886/BYT-DP ngày 11/5/2021 của Bộ Y tế để chủ động phát hiện và xử trí kịp thời các sự cố bất lợi sau tiêm, đặc biệt là tai biến nặng.

- Cấp đầy đủ giấy xác nhận đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người được tiêm.

- Thực hiện theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn đối tượng tiêm chủng để tiếp tục theo dõi ít nhất 7 ngày sau tiêm chủng, cung cấp số điện thoại của Trung tâm Y tế hoặc Trạm Y tế để người được tiêm chủng liên hệ khi cần.

7. Công tác truyền thông, vận động người dân đi tiêm bổ sung hoặc tiêm nhắc lại vắc xin phòng Covid-19

- Đẩy mạnh và thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 bổ sung hoặc nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh theo tinh thần “Tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 là quyền lợi của mọi người dân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”; vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt và đảm bảo quy tắc 5K của Bộ Y tế trong quá trình tiêm chủng.

- Truyền thông Kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 bổ sung hoặc nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên tại tỉnh và tại địa phương; lợi ích và hiệu quả của vắc xin trong phòng, chống dịch Covid-19; các khuyến cáo về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên an toàn, theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm chủng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Việc tổ chức tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

1. Sở Y tế

- Chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.

- Phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch.

- Chỉ đạo, huy động các đơn vị y tế thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các hoạt động chuyên môn trong tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19, đảm bảo chất lượng, an toàn, đúng tiến độ.

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát hoạt động tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19, kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn vướng mắc, sự cố trong quá trình tổ chức hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp xử lý (nếu có).

- Báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện, gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tỉnh và Bộ Y tế theo tiến độ triển khai hoặc khi có yêu cầu; báo cáo ngay các vấn đề bất lợi phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh:

+ Tập huấn về tổ chức tiêm chủng cho toàn bộ người thực hiện tiêm chủng tiêm bổ sung hoặc nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên.

+ Tổ chức truyền thông, phổ biến về Kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 bổ sung hoặc nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên tại tỉnh và tại địa phương.

+ Thực hiện phân bổ, quản lý vắc xin cho các cơ sở tiêm chủng; cung ứng hậu cần vắc xin, thiết bị dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin và vật tư y tế cho các đơn vị tổ chức tiêm theo đúng quy định, hướng dẫn chuyên môn.

+ Thực hiện giám sát chuyên môn trong Chiến dịch; giám sát sự cố bất lợi sau tiêm theo quy định của Bộ Y tế.

- Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn:

+ Tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vắc xin theo đúng quy trình của Bộ Y tế; quản lý chặt chẽ việc sử dụng vắc xin được cấp phát, hạn chế tối đa hao phí vắc xin trong quá trình tổ chức tiêm; hoàn trả ngay vắc xin không sử dụng về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

+ Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức điểm tiêm, buổi tiêm đảm bảo các quy định chuyên môn; đặc biệt, đảm bảo yêu cầu an toàn phòng dịch; đảm bảo sẵn sàng xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

+ Chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, chất lượng về chuyên môn tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

+ Cấp giấy xác nhận tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân ngay tại điểm tiêm.

+ Cung cấp số điện thoại hướng dẫn, giải đáp cho người dân nếu có vấn đề sau tiêm vắc xin.

+ Sẵn sàng hướng dẫn hoặc tiếp nhận xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin; báo cáo đầy đủ thông tin tình hình tiếp nhận, xử trí các trường hợp sự cố bất lợi sau tiêm tại cơ sở theo quy định.

+ Thực hiện báo cáo đầy đủ, đúng thời hạn về tình hình tiếp nhận, sử dụng vắc xin, kết quả thực hiện tiêm hằng ngày và khi kết thúc đợt tiêm về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Sở Y tế.

2. Sở Tài chính

- Phối hợp Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn ngân sách đảm bảo đáp ứng nhu cầu kinh phí cho các hoạt động tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 bổ sung hoặc nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên tại tỉnh và tại địa phương.

- Hướng dẫn các đơn vị liên quan về thủ tục, quy trình để sử dụng kinh phí thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 thuận lợi, nhanh chóng và đúng quy định.

- Hướng dẫn thực hiện giá dịch vụ tiêm chủng phòng Covid-19 theo quy định của Bộ Tài chính.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tnh, Báo Lâm Đồng

- Phối hợp ngành y tế tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, hiệu quả của việc tiêm bổ sung hoặc nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên tại tỉnh; vận động nhân dân đồng thuận sử dụng vắc xin phòng Covid-19 để đảm bảo tỷ lệ bao phủ trong cộng đồng và phối hợp với ngành y tế theo dõi phản ứng sau tiêm chủng.

- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông đại chúng của tỉnh tham gia công tác tuyên truyền, vận động trong tổ chức tiêm bổ sung hoặc nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên

4. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với ngành y tế và Ủy ban ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức việc thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại các điểm tiêm theo đúng quy định của Bộ Y tế.

5. Các Sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể tổ chức trực thuộc tỉnh phối hợp, hỗ trợ ngành y tế thực hiện các hoạt động trong kế hoạch tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

6. Các thành viên Ban chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tỉnh, Trưởng các tiểu ban chủ động thực hiện nhiệm vụ được phân công; tăng cường phối hợp với ngành y tế thực hiện Kế hoạch này đảm bảo an toàn, hiệu quả.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chủ trì, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, rà soát danh sách các đối tượng cần tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại trên địa bàn và tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo quy định.

- Huy động nhân lực của các đơn vị trực thuộc, trang thiết bị và phương tiện tham gia phục vụ công tác hậu cần, an ninh, tổ chức chiến dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

- Chỉ đạo bộ phận Công nghệ thông tin phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố nhập liệu số người được tiêm trên Hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

- Chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp Trung tâm Y tế giám sát buổi tiêm tuân thủ yêu cầu chuyên môn tại các địa điểm và đảm bảo các yêu cầu khác về phòng, chống dịch.

- Chủ động quản lý, điều phối lịch tiêm dựa trên số lượng người được tiêm, địa điểm tiêm, đội tiêm, đội cấp cứu đã phân công cho địa phương và thực tế tình hình dịch bệnh.

- Báo cáo hàng ngày kịp thời, đầy đủ kết quả thực hiện của địa phương và ngay khi kết thúc Chiến dịch về Sở Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chỉ đạo phòng Văn hóa và thông tin, Đài Phát thanh huyện, thành phố tuyên truyền về lợi ích tiêm tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, theo dõi các phản ứng bất lợi sau tiêm chủng.

- Phổ biến đầy đủ đến người dân trên địa bàn về những nội dung cần thực hiện khi đến tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Cục YTDP - Bộ Y tế;
- Viện VSDT Trung ương;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Thành viên BCĐ triển khai Chiến dịch tiêm chủng tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu VT, VX3.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Trí Dũng

 

PHỤ LỤC 1

BẢNG TỔNG HỢP DỰ KIẾN SỐ LƯỢNG TIÊM BỔ SUNG, TIÊM NHẮC LẠI VẮC XIN PHÒNG BỆNH COVID-19
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 9052/KH-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

TT

Địa phương

Tổng số đối tượng từ 18 tuổi trở lên theo pháp lệnh dân số

Tổng số đối tượng từ 18 tuổi trở lên theo pháp lệnh dân số và dân số phát sinh

Tổng nhu cầu vắc xin (liều)

Đối tượng tiêm bổ sung

Đối tượng tiêm nhắc lại

Người suy giảm miễn dịch

Bệnh nhân ung thư

Cộng

1

TP Đà Lạt

171.927

197.748

198.703

256

699

955

197.748

2

Đức Trọng

131.379

142.969

143.396

173

254

427

142.969

3

Lâm Hà

99.652

99.802

100.214

121

291

412

99.802

4

Đơn Dương

74.204

80.011

80.347

37

299

336

80.011

5

Di Linh

109.291

109.991

110.386

83

312

395

109.991

6

TP. Bảo Lộc

113.234

121.732

122.086

94

260

354

121.732

7

Đạ Huoai

23.199

25.160

25.243

10

73

83

25.160

8

Đạ Tẻh

30.028

30.295

30.409

12

102

114

30.295

9

Cát Tiên

24.190

23.228

23.336

17

91

108

23.228

10

Lạc Dương

18.304

27.162

27.226

2

62

64

27.162

11

Bảo Lâm

80.431

80.431

80.746

49

266

315

80.431

12

Đam Rông

33.128

31.538

31.579

15

26

41

31.538

 

Cộng

908.967

970.067

973.671

869

2.735

3.604

970.067

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 9052/KH-UBND năm 2021 về tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vắc xin phòng bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 9052/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 10/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Đặng Trí Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản