Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9/KH-UBND | Yên Bái, ngày 16 tháng 01 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG XANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
Thực hiện Văn bản số 8685/VPCP-CN ngày 25/11/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai giải pháp phát triển phương tiện giao thông xanh. Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và giữ vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, đồng thời cũng là tiền đề để thúc đẩy giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững.
- Phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng điện, năng lượng xanh, phát triển giao thông phi cơ giới trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
2. Yêu cầu
- Gắn trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước trong nhiệm vụ chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan trong ngành giao thông vận tải, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao của các sở, ban, ngành và địa phương; đồng thời phù hợp với khả năng huy động nguồn lực, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ;
- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và không chồng chéo giữa các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
2. Mục tiêu cụ thể
- Giai đoạn đến năm 2030: Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan của Việt Nam.
- Giai đoạn đến năm 2050: Phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
III. LỘ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG XANH
1. Giai đoạn 2025 - 2030
- Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
- Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
- Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.
- Từ năm 2025: Phấn đấu tối thiểu 50% xe buýt, xe taxi đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
2. Giai đoạn 2031 - 2050
- Từ năm 2031: Phấn đấu trên 50% phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh trong đó 100% xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
- Đến năm 2040: Từng bước hạn chế với xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
- Đến năm 2050: Phấn đấu 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh; toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
+ 100% xe buýt, xe taxi hoạt động ở đô thị trên địa bàn tỉnh sử dụng điện, năng lượng xanh.
+ Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn tỉnh đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Về cơ chế, chính sách
- Đề xuất các giải pháp với các Bộ, ngành Trung ương trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông xanh, nhằm thu hút đầu tư, tiếp thu kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển để thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan trong ngành giao thông vận tải phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh.
- Khuyến khích, thu hút đầu tư, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng lực để đầu tư hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị đáp ứng lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh.
2. Chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh
- Xây dựng chương trình chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện vận tải.
- Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện giao thông vận tải sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
3. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh
- Triển khai phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch của tỉnh, chú trọng hạ tầng phục vụ phát triển vận chuyển giao thông công cộng với khối lượng lớn, phát triển hạ tầng giao thông phi cơ giới; điểm trông giữ phương tiện kết nối hợp lý với các phương thức vận tải hành khách công cộng khác. Các công trình giao thông (bến xe, bến cảng, bến thủy nội địa, nhà ga,…) đảm bảo phát triển và chuyển đổi theo quy định về tiêu chí xanh.
- Phối hợp triển khai quy hoạch và xây dựng hệ thống trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh.
4. Phát triển nguồn nhân lực và truyền thông
- Phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, quản lý, khai thác, vận hành phương tiện, hạ tầng giao thông công nghệ mới không phát thải khí nhà kính.
- Tổ chức truyền thông đến người dân và doanh nghiệp về lộ trình, chính sách, lợi ích của chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh.
V. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN
Huy động tối đa mọi nguồn lực nhà nước và tư nhân để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh để triển khai:
- Các nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách... Kinh phí thực hiện được bố trí chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác.
- Các chương trình, nhiệm vụ, dự án về chuyển giao công nghệ xanh, giảm phát thải khí nhà kính, huy động tối đa sự hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức, các quỹ tài chính khí hậu.
- Các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ từ Trung ương, huy động từ đầu tư tư nhân và đối tác công tư...
- Đầu tư mới, đầu tư chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh huy động sự hỗ trợ từ Trung ương, các quỹ tài chính khí hậu, từ nguồn xã hội hóa, doanh nghiệp, người dân.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giao thông vận tải
- Theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện Kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện, thiết bị, hạ tầng giao thông xanh trong giao thông vận tải. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 20/12 hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với xe buýt nội tỉnh sử dụng điện theo thẩm quyền; chính sách trợ giá cao hơn đối với xe buýt điện phù hợp với chi phí tăng thêm do việc chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện phù hợp với điều kiện, khả năng của địa phương.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn sang xe ô tô điện phù hợp với Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của thủ tướng Chính phủ và tổ chức huy động nguồn lực thực hiện, căn cứ điều kiện, khả năng của địa phương có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải công cộng trên địa bàn thực hiện chuyển đổi.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển phương tiện giao thông xanh; tham mưu ban hành chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông, bảo đảm phát triển phương tiện giao thông xanh.
- Nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất, lắp ráp ô tô điện; phụ tùng, pin ô tô điện; phát triển mạng lưới trạm sạc điện/hydro phù hợp với điều kiện địa phương.
3. Sở Công Thương
- Đề xuất phát triển mạng lưới trạm sạc điện tại địa phương; lựa chọn, đề xuất các địa điểm tiềm năng để đầu tư trạm sạc điện/hydro trên địa bàn quản lý.
- Nghiên cứu, tích hợp vị trí các trạm xe điện và hạ tầng cấp điện tương ứng trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
Nghiên cứu tổ chức phân vùng hạn chế phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hoá thạch để phát triển phương tiện giao thông sử dụng điện (theo điều 24 Luật bảo vệ môi trường và khoản 2, điều 10 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).
5. Sở Tài chính
Tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch này theo quy định và khả năng cân đối ngân sách.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Tuyên truyền, phổ biến trên các kênh thông tin đại chúng về lợi ích của việc sử dụng xe điện nhằm từng bước thay đổi thói quen, tâm lý của người tiêu dùng, thúc đẩy việc chuyển đổi sang xe ô tô điện.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện các nội dung trong Kế hoạch này. Phối hợp các Sở, ban, ngành đề xuất quy hoạch, tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các trạm sạc điện.
8. Căn cứ nội dung Kế hoạch này và tình hình thực tiễn, các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng văn bản triển khai thực hiện bằng hình thức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và địa phương mình. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần kịp thời phản ánh về Sở Giao thông vận tải để được hướng dẫn thực hiện hoặc trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết; định kỳ hằng năm trước ngày 10/12 các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện giải pháp phát triển phương tiện giao thông xanh trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.
| KT. CHỦ TỊCH |
PHỤ LỤC
NHIỆM VỤ XÂY DỰNG KHUNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI SANG XE Ô TÔ ĐIỆN TẠI TỈNH YÊN BÁI
(Kèm theo Kế hoạch số 9/KH-UBND ngày 16/01/2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
TT | Tên nhiệm vụ | Thời gian thực hiện | Cơ quan chủ trì thực hiện | Cơ quan phối hợp thực hiện | Kết quả nhiệm vụ |
1 | Nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất, lắp ráp ô tô điện; phụ tùng, pin ô tô điện; phát triển mạng lưới trạm sạc điện/hydro phù hợp với điều kiện địa phương | 2025- 2026 | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Các Sở: Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài chính; Công thương; Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công nghệ | Quyết định của UBND tỉnh |
2 | Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với xe buýt nội tỉnh sử dụng điện theo thẩm quyền; chính sách trợ giá cao hơn đối với xe buýt điện phù hợp với chi phí tăng thêm do việc chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện | 2025- 2027 | Sở Giao thông vận tải | Các Sở: Xây dựng; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công nghệ | Quyết định của UBND tỉnh |
3 | Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn sang xe ô tô điện phù hợp với Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của thủ tướng Chính phủ và tổ chức huy động nguồn lực thực hiện | 2025 | Sở Giao thông vận tải | Các Sở: Công thương; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; UBND các huyện, thị xã, thành phố | Kế hoạch của UBND tỉnh |
4 | Nghiên cứu tổ chức phân vùng hạn chế phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hoá thạch để phát triển phương tiện giao thông sử dụng điện | 2025- 2030 | Sở Tài nguyên và Môi trường | Các Sở: GTVT; KHĐT; TC; KHCN; UBND các huyện, thị xã, thành phố | Các văn bản được ban hành |
5 | Đề xuất phát triển mạng lưới trạm sạc điện tại địa phương; lựa chọn, đề xuất các địa điểm tiềm năng để đầu tư trạm sạc điện/hydro trên địa bàn quản lý. | 2025 | Sở Công Thương | Các Sở: GTVT; XD; KHĐT; TC; KHCN; TNMT; UBND các huyện, thị xã, thành phố | Báo cáo đề xuất |
6 | Nghiên cứu, tích hợp vị trí các trạm xe điện và hạ tầng cấp điện tương ứng trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị | 2025 | Sở Công Thương | Các Sở: XD; GTVT; KHĐT, TC, KHCN, TNMT, UBND các huyện, thị xã, thành phố | Các quy hoạch được cập nhật |
7 | Tuyên truyền, phổ biến trên các kênh thông tin đại chúng về lợi ích của việc sử dụng xe điện nhằm từng bước tha đổi thói quen, tâm lý của người tiêu dùng, thúc đẩy việc chuyển đổi sang xe ô tô điện | 2025 | Sở Thông tin và truyền thông | Các Sở: GTVT; TNMT; UBND các huyện, thị xã, thành phố | Báo cáo kết quả |
- 1Luật Bảo vệ môi trường 2020
- 2Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
- 3Quyết định 876/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 8685/VPCP-CN năm 2024 triển khai chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh do Văn phòng Chính phủ ban hành
Kế hoạch 9/KH-UBND năm 2025 thực hiện giải pháp phát triển phương tiện giao thông xanh trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- Số hiệu: 9/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 16/01/2025
- Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
- Người ký: Nguyễn Thế Phước
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/01/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra