Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 87/KH-UBND

Nam Định, ngày 08 tháng 5 năm 2025

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 76/NQ-CP NGÀY 10 THÁNG 4 NĂM 2025 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 1313/NQ-UBTVQH15 NGÀY 25 THÁNG 9 NĂM 2024 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TỪ NĂM 2009 ĐẾN HẾT NĂM 2023

Căn cứ Nghị quyết số 1313/NQ-UBTVQH15 ngày 25 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023;

Căn cứ Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25 tháng 5 năm 2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ;

Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 1313/NQ-UBTVQH15 ngày 25 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ);

Xét Văn bản số 1239/SXD-QLKCHT&PTĐT ngày 29/4/2025 của Sở Xây dựng. Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ được Chính phủ giao, đảm bảo tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung theo chỉ đạo, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ, với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cụ thể hóa, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ. Tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật.

2. Tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25 tháng 5 năm 2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới. Đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

3. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào đối tượng ở lứa tuổi học sinh và các bậc phụ huynh, vận động đến từng gia đình không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

4. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông bảo đảm minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

5. Gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch số 48/KH- UBND ngày 19 tháng 3 năm 2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2025.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối, văn bản chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25 tháng 5 năm 2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.

2. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Xây dựng

- Phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng, Sở Tư pháp và đơn vị liên quan rà soát những bất cập, hạn chế các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (trước mắt tập trung rà soát các quy định của Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Bộ Luật Hàng hải Việt Nam). Trên cơ sở đó, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với chủ trương, đường lối, văn bản chỉ đạo của Đảng. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan về bảo đảm trật tự an toàn giao thông để đề xuất điều chỉnh kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân địa phương các cấp:

+ Tham mưu cấp có thẩm quyền: Tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch; đảm bảo kết nối đồng bộ giữa các loại hình giao thông; đầu tư có trọng điểm tránh dàn trải lãng phí; ưu tiên tăng nguồn kinh phí, đầu tư trang thiết bị cho hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, nhất là các nơi có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp; kịp thời xử lý các điểm hay xảy ra tai nạn giao thông, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; kiên quyết lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông và chống tái lấn chiếm. Đầu tư xây dựng hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình đảm bảo giao thông cho các đối tượng dễ bị tổn thương tham gia giao thông.

+ Rà soát, tham mưu tháo gỡ các bất cập liên quan đến: Quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (trong đó tập trung rà soát, bố trí quỹ đất dành cho giao thông tĩnh); tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; đào tạo, hướng dẫn khám sức khỏe đối với lái xe kinh doanh vận tải và học viên tham gia học lái xe; kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; xác định và tham mưu xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác; bố trí kinh phí xử lý tại các vị trí, đoạn tuyến có các yếu tố nguy cơ gây mất an toàn giao thông, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ.

+ Rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền đề xuất một số đường dân sinh có lịch sử hình thành từ lâu, lưu lượng giao thông lớn, không thể xây dựng đường gom thành đường ngang hợp pháp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

+ Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật kinh phí bảo trì đường bộ thuộc trách nhiệm của địa phương cho phù hợp với thực tiễn.

+ Tham mưu rà soát các quy định liên quan: Phân cấp cho địa phương thực hiện công tác quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải đối với các dự án, công trình do ngân sách địa phương thực hiện một phần hoặc toàn phần; phân cấp việc quản lý các cảng, bến, tuyến luồng đường thủy nội địa cho địa phương quản lý; phân định ranh giới hành chính trên biển, ban hành quy định về mốc giới hành chính trên các tuyến sông tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý người và phương tiện của địa phương; tổ chức và hoạt động của cảng vụ đường thủy nội địa; quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thủy nội địa cho phù hợp với thực tiễn.

+ Đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định.

+ Phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng trong việc tham mưu phân cấp, phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý đường sắt về nhà nước qua địa bàn.

- Phối hợp với Công an tỉnh Nam Định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải, đào tạo, đăng kiểm phương tiện.

2. Công an tỉnh

- Tham mưu cấp có thẩm quyền: Đẩy nhanh việc xây dựng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sát hạch cấp giấy phép lái xe; đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính; hiện đại hóa các trung tâm chỉ huy giao thông; hoàn thiện Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý và thi hành pháp luật, bảo đảm kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu đường bộ và các cơ sở dữ liệu khác để hình thành nên cơ sở dữ liệu về trật tự an toàn giao thông.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan: Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, gắn với đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; tham mưu biện pháp xây dựng văn hóa giao thông trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.

- Chủ động rà soát, tham mưu giải pháp tháo gỡ các bất cập trong công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, đăng ký xe máy chuyên dùng.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân địa phương các cấp rà soát, tham mưu cấp thẩm quyền hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan đến: quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe, lệ phí cấp bằng, chứng chỉ hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển số xe máy chuyên dùng.

4. Sở Nội vụ

Phối hợp với cơ quan, đơn vị rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Bộ Nội vụ xây dựng: Quy định về cơ cấu, tổ chức, biên chế hoạt động của các công trình kiểm soát tải trọng xe theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành giao thông vận tải và định mức biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức thuộc lĩnh vực giao thông vận tải để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nâng cao công tác phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc quản lý, nhắc nhở học sinh tuân thủ các quy định về an toàn giao thông, đặc biệt là việc đội mũ bảo hiểm, không điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội về triển khai thực hiện Nghị quyết số 1313/NQ-UBTVQH15 ngày 25 tháng 9 năm 2024, Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ và các văn bản có liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

7. Các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tin đại chúng

Trên cơ sở Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định về triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ, theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định

- Phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ và kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

- Tổ chức tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông tại cơ sở, đặc biệt tại trường học và cộng đồng dân cư. Xử lý các điểm hay xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ theo quy định. Tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tại các bến khách ngang sông trên địa bàn quản lý.

- Ủy ban nhân dân thành phố Nam Định, Ủy ban nhân dân huyện Vụ Bản, Ủy ban nhân dân huyện Ý Yên rà soát, bố trí kinh phí xây dựng đường gom để xoá bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 1313/NQ-UBTVQH15 ngày 25 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023; yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định, các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động, tích cực triển khai thực hiện, báo cáo kết quả về cấp thẩm quyền khi có yêu cầu./.

 


Nơi nhận:
- Uỷ ban ATGT Quốc gia; (để b/c)
- Văn phòng Chính phủ; (để b/c)
- Thường trực Tỉnh ủy; (để b/c)
- Thường trực HĐND tỉnh; (để b/c)
- Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh; (để b/c)
- Các đ/c PCT UBND tỉnh;
- Uỷ ban MTTQ VN tỉnh Nam Định;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố Nam Định;
- Báo Nam Định;
- Cổng TTĐT tỉnh, Trang TTĐT VP UBND tỉnh;
- CPVP UBND tỉnh;
- Lưu: VP1, VP2, VP8, VP5.
KH03

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Lan Anh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 87/KH-UBND năm 2025 thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP về Kế hoạch triển khai Nghị quyết 1313/NQ-UBTVQH15 giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 do tỉnh Nam Định ban hành

  • Số hiệu: 87/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 08/05/2025
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định
  • Người ký: Hà Lan Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/05/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản