Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 85/KH-UBND | Đà Nẵng, ngày 20 tháng 3 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG, CHỐNG DỊCH SỞI TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM 2025
I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
1. Sự cần thiết triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025
Hiện nay, bệnh Sởi đang có xu hướng gia tăng số ca mắc tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một số nước như Philippines, Malaysia dịch Sởi đã xuất hiện trên diện rộng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ bùng phát dịch Sởi tại Việt Nam là rất cao.... WHO cũng khuyến cáo tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và rất cao và những nơi hiện có chùm ca Sởi (ghi nhận những trường hợp Sởi chẩn đoán xác định), cần triển khai tiêm chủng chiến dịch; các tỉnh, thành phố còn lại có nguy cơ thấp và trung bình, cần tổ chức rà soát để tiêm bù, tiêm vét cho trẻ lỡ tiêm do đại dịch. Việc triển khai tiêm chiến dịch và tiêm bù tiêm vét cần được thực hiện khẩn trương để ngăn chặn dịch xảy ra, đặc biệt ở những nơi có có chùm ca bệnh không để cho dịch lan rộng. Do đặc điểm dịch tễ phức tạp của bệnh Sởi, bệnh khả năng lây lan nhanh, rộng và phụ thuộc nhiều vào tiêm chủng nên việc tiêm chủng cần triển khai càng sớm càng nhanh càng tốt.
Tại Việt Nam, trong năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 45.758 trường hợp sốt phát ban nghi Sởi, 18 trường hợp tử vong liên quan đến Sởi, số trường hợp nghi Sởi ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam (66,6%). Từ đầu năm 2025 đến nay, ghi nhận 38.807 trường hợp nghi Sởi, 05 trường hợp tử vong, số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2024 (111 trường hợp) và tiếp tục ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam (57%). Hầu hết các trường hợp mắc Sởi là không tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh Sởi hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo khuyến cáo của WHO, lứa tuổi tiêm chủng vắc xin sởi ở những nước có bệnh Sởi lưu hành là tiêm mũi 1 từ 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc 15-18 tháng tuổi; còn ở những nước đã loại trừ bệnh Sởi, tiêm mũi thứ nhất lúc 12 tháng tuổi và tiêm mũi thứ hai lúc 15-18 tháng tuổi. WHO cũng khuyến cáo việc tiêm bổ sung một mũi vắc xin có chứa thành phần Sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong những trường hợp gồm: Khi đang bùng phát dịch Sởi, trong các chiến dịch nơi mà nguy cơ mắc Sởi ở trẻ dưới 9 tháng tuổi cao, sau đó trẻ tiếp tục được tiêm 2 mũi theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) (lưu ý mũi 1 cách mũi bổ sung ít nhất 4 tuần). Vắc xin sởi sử dụng cho trẻ dưới 9 tháng tuổi là an toàn và có hiệu quả trong việc phòng mắc bệnh Sởi cho nhóm tuổi nhỏ khi có dịch bùng phát.
Tại thành phố Đà Nẵng, tính từ đầu năm 2025 đến ngày 15/3/2025, toàn thành phố đã ghi nhận 2.218 ca sốt phát ban nghi Sởi, trong đó có 504 ca có xét nghiệm dương tính với Sởi (quận Cẩm Lệ: 100, quận Liên Chiểu: 89, quận Ngũ Hành Sơn: 87, quận Sơn Trà: 84, huyện Hòa Vang: 50, quận Hải Châu: 50, quận Thanh Khê: 44). Trong các trường hợp dương tính với Sởi, số trường hợp trẻ đã đến tuổi nhưng chưa tiêm vắc xin có chứa thành phần Sởi chiếm 63,69%; trẻ < 9 tháng tuổi chiếm 9,33%; trẻ từ 9-24 tháng tuổi chiếm 15,67%; trẻ > 24 tháng tuổi đến 05 tuổi chiếm 23,81%; trẻ > 05 tuổi đến 11 tuổi chiếm 30,16%; > 11 tuổi chiếm 21,03%; trẻ đi học chiếm 60,91%.
Thành phố Đà Nẵng là địa phương có mật độ dân số đông, là đầu mối giao thông quan trọng và là điểm đến của nhiều khách du lịch quốc tế nên nguy cơ các dịch bệnh xâm nhập vào thành phố là rất lớn. Trước tình hình bệnh Sởi trên địa bàn đang có chiều hướng gia tăng, các trường hợp mắc Sởi ghi nhận được chủ yếu là không tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh Sởi thì việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi trên địa bàn thành phố là rất cần thiết.
2. Căn cứ xây dựng kế hoạch
- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội;
- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
- Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế;
- Nghị định số 13/2024/NĐ-CP ngày 05/02/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
- Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 15/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc xin phòng chống bệnh Sởi, rubella;
- Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
- Thông tư số 10/2024/TT-BYT ngày 13/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm đối tượng và phạm vi phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc;
- Quyết định số 4845/QĐ-BYT ngày 25/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh Sởi, rubella”;
- Quyết định số 905/QĐ-BYT ngày 18/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi năm 2025 đợt 2;
- Quyết định số 909/QĐ-BYT ngày 19/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc điều chỉnh Quyết định số 905/QĐ-BYT ngày 18/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 2 và Quyết định số 906/QĐ-BYT ngày 18/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung “Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 1987/QĐ-BYT ngày 11/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 08/11/2024 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai công tác tiêm chủng mở rộng tại thành phố Đà Nẵng năm 2025;
- Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 18/11/2024 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh Sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh Sởi trên địa bàn thành phố.
2. Mục tiêu cụ thể
a) 95% trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin có chứa thành phần Sởi theo quy định được tiêm 01 mũi vắc xin có chứa thành phần Sởi.
b) Đảm bảo an toàn, hiệu quả và chất lượng tiêm chủng theo quy định.
III. THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI
1. Thời gian: Triển khai sớm ngay sau khi vắc xin được phân bổ; kết thúc việc tiêm chủng chậm nhất trong ngày 31/3/2025.
2. Đối tượng
- Trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi.
- Trẻ từ 1-10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin có chứa thành phần sởi theo quy định. Trong đó:
+ Trẻ từ 1-5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần Sởi thì được tiêm bù mũi (sử dụng vắc xin chứa thành phần sởi trong Chương trình TCMR theo kế hoạch TCMR năm 2025).
+ Trẻ từ 6-10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin có chứa thành phần sởi theo quy định.
Lưu ý: đối tượng của kế hoạch này đã bao gồm các đối tượng chưa được tiêm đủ mũi vắc xin có chứa thành phần Sởi được rà soát theo Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 18/11/2024 của UBND thành phố về việc triển khai hoạt động kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
3. Phạm vi triển khai: Trên toàn thành phố.
IV. NỘI DUNG TRIỂN KHAI
1. Điều tra, lập danh sách đối tượng
Các quận, huyện chủ động tiến hành điều tra hộ gia đình, lập danh sách các trẻ tại trường học và cộng đồng, tránh bỏ sót đối tượng, đặc biệt là những vùng có biến động dân cư. Cụ thể:
- Đơn vị thực hiện: UBND quận, huyện, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế, các trường trên địa bàn.
- Đối tượng:
+ Trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi bao gồm cả trẻ vãng lai đang có mặt tại địa phương, mỗi trẻ sẽ được tiêm 01 mũi vắc xin sởi.
+ Trẻ từ 1-5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần Sởi thuộc kế hoạch TCMR năm 2025.
+ Trẻ từ 6-10 tuổi bao gồm cả trẻ vãng lai đang có mặt tại địa phương được xác định chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin có chứa thành phần sởi, mỗi trẻ sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin có chứa thành phần sởi.
Ngoại trừ đối tượng đã được tiêm vắc xin có chứa thành phần sởi trong vòng 1 tháng trước khi triển khai tiêm; đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin có chứa thành phần sởi theo quy định Bằng chứng về lịch sử tiêm chủng thể hiện trên phiếu/sổ tiêm chủng/Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia).
(Lưu ý: Nếu không rõ hoặc không rà soát được tiền sử tiêm chủng thì thực hiện tiêm vắc xin ngay).
2. Công tác truyền thông
Truyền thông trực tiếp trước, trong và sau khi triển khai hoạt động tiêm chủng chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi:
- Thực hiện truyền thông trực tiếp về chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi tại các trường mầm non, tiểu học, trạm y tế....
- Thực hiện truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng như báo, đài, hệ thống truyền thanh cơ sở, website... để người dân biết và chủ động đưa con em đi tiêm chủng.
- Thường xuyên thông báo về đối tượng, thời gian, địa điểm tổ chức chiến dịch tiêm chủng trên hệ thống truyền thanh của các xã, phường.
3. Cung ứng vắc xin
a) Nguồn vắc xin, loại vắc xin: theo Quyết định số 905/QĐ-BYT ngày 18/3/2025 và Quyết định số 909/QĐ-BYT ngày 19/3/2025 của Bộ Y tế.
(Chi tiết nhu cầu vắc xin theo Phụ lục đính kèm)
b) Tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận, huyện và Trạm Y tế xã, phường thực hiện tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển, điều phối vắc xin sởi, vắc xin sởi - rubella (MR) theo quy định.
4. Tổ chức tiêm chủng
a) Hình thức triển khai
- Tổ chức tiêm vắc xin sởi, vắc xin MR tại các cơ sở y tế, Trạm Y tế xã, phường và các trường học một hoặc nhiều đợt theo cụm quận, huyện/phường, xã tùy vào tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương (tổ chức theo đợt riêng, không lồng ghép với các đợt tiêm chủng thường xuyên).
- Thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị sót ngay cuối mỗi đợt hoặc trong tiêm chủng thường xuyên.
- Đảm bảo các điều kiện để thiết lập điểm tiêm chủng theo quy định và đảm bảo an toàn tiêm chủng.
b) Tổ chức buổi tiêm chủng
- Căn cứ vào số lượng vắc xin được cung ứng theo từng đợt, Trung tâm Y tế quận, huyện phân bổ vắc xin cho các Trạm Y tế phường, xã để tổ chức tiêm chủng phù hợp với số vắc xin được tiếp nhận. Các trường tiểu học, mầm non, nhà trẻ... có trẻ cần tiêm chủng phối hợp với Trạm Y tế xã, phường trong công tác chuẩn bị, triển khai nhằm đảm bảo công tác tiêm chủng đạt mục tiêu đề ra.
- Thực hiện tiêm chủng an toàn theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, khám sàng lọc trước tiêm chủng theo Hướng dẫn tại Quyết định số 1575/QĐ-BYT ngày 27/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế và các văn bản quy định có liên quan.
Lưu ý: Số buổi tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm phụ thuộc vào số đối tượng trên địa bàn, không quá 100 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm riêng vắc xin sởi hoặc vắc xin MR; không quá 50 đối tượng/bàn tiêm/buổi tiêm nếu tiêm cùng các vắc xin khác.
- Rà soát và tiêm vét những trẻ thuộc diện đối tượng đã được đăng ký hoặc chưa được đăng ký có mặt tại địa phương ở thời điểm triển khai cần được tiêm vét để hạn chế số trẻ bị bỏ sót.
- Đối với các trường hợp tạm hoãn: cần có kế hoạch tiêm vét vào ngay cuối mỗi đợt hoặc vào ngày tiêm chủng thường xuyên trong tháng.
- Lưu ý:
+ Trong chiến dịch: Không tiêm vắc xin MR/sởi cho những đối tượng đã được tiêm vắc xin có chứa thành phần sởi trong vòng 01 tháng trước khi triển khai tiêm; Không tiêm vắc xin MR/sởi cho đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin chứa thành phần Sởi theo quy định.
+ Sau chiến dịch: Những trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi được tiêm 01 liều vắc xin sởi thì được tính là mũi sởi 0 (mũi bổ sung), sau đó trẻ vẫn phải tiêm đủ 02 mũi vắc xin có thành phần sởi theo quy định tại Thông tư số 10/2024/TT-BYT, đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 4 tuần với liều tiếp theo khi trẻ trên 9 tháng tuổi.
c) Kế hoạch đảm bảo an toàn tiêm chủng, xử trí phản ứng sau tiêm chủng
- Các đơn vị phụ trách tiêm chủng xây dựng cụ thể các phương án xử trí, cấp cứu, vận chuyển kịp thời các trường hợp gặp sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Bố trí đầy đủ các trang thiết bị, thuốc, nhân lực, phương tiện vận chuyển để xử trí kịp thời các sự cố bất lợi sau tiêm chủng (có bảng phân công cụ thể các đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng).
- Trong thời gian triển khai, các đơn vị phụ trách tiêm chủng thực hiện giám sát và báo cáo nhanh các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng theo quy định. Báo cáo nhanh trong vòng 24 giờ với các trường hợp phản ứng nặng, cụm phản ứng sau tiêm chủng.
5. Theo dõi, giám sát và báo cáo
a) Công tác kiểm tra, giám sát
- Thời gian thực hiện: Trước, trong và sau khi triển khai chiến dịch.
- Đơn vị thực hiện: Sở Y tế; Sở Giáo dục và Đào tạo; UBND các quận, huyện (Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo); Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Y tế các quận, huyện và các đơn vị có liên quan.
b) Công tác báo cáo
- Các đơn vị phụ trách tiêm chủng cập nhật danh sách đối tượng đã tiêm vắc xin sởi, vắc xin MR trong kế hoạch này lên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.
- Thực hiện báo cáo kết quả tiêm và tình hình sử dụng vắc xin theo quy định; thực hiện báo cáo tiến độ, báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
Lưu ý:
+ Đối với nhóm đối tượng trẻ mầm non, tiểu học thực hiện báo cáo kết quả tiêm và tình hình sử dụng vắc xin theo Kế hoạch này và theo Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 18/11/2024 của UBND thành phố.
+ Không đưa vào báo cáo chiến dịch đối với những trường hợp thuộc diện tiêm chủng thường xuyên vào thời gian triển khai chiến dịch để tránh trùng lặp đối tượng, kết quả tiêm chủng, vắc xin sử dụng.
- Theo dõi, báo cáo tình hình phản ứng sau tiêm vắc xin theo thường quy, báo cáo kết quả cùng với báo cáo tiêm chủng. Các trường hợp tai biến nặng được điều tra và báo cáo theo quy định.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được đảm bảo từ nguồn ngân sách Trung ương, nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có) theo quy định.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
a) Là cơ quan đầu mối, chủ trì triển khai các hoạt động tại Kế hoạch này.
b) Phối hợp với UBND các quận, huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo để chỉ đạo công tác triển khai chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn thành phố theo các nội dung tại Kế hoạch này.
c) Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật lập kế hoạch thực hiện và đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện chiến dịch trên địa bàn thành phố đảm bảo mục tiêu, tiến độ đề ra; tham mưu đề xuất các vấn đề có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện. Thực hiện công tác tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin theo quy định.
d) Chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận, huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan và tham mưu UBND quận, huyện xây dựng Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi trên địa bàn. Thực hiện công tác tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin theo quy định.
e) Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cấp có thẩm quyền đảm bảo kinh phí thực hiện các hoạt động trong Kế hoạch này theo quy định.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Phối hợp với Sở Y tế trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường, trung tâm có cấp học mầm non, tiểu học trực thuộc trên địa bàn phối hợp với các đơn vị y tế trong công tác tiêm chủng cho trẻ em.
b) Phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai kế hoạch tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học.
c) Phối hợp với ngành Y tế trong công tác tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm chiến dịch vắc xin sởi, vắc xin sởi -rubella cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường vận động phụ huynh đồng ý cho trẻ tiêm vắc xin.
3. Sở Tài chính: Trên cơ sở dự toán các cơ quan, đơn vị, địa phương đề nghị và khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính xem xét, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định.
4. Sở Văn hóa và Thể thao: Chủ trì hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố và hệ thống thông tin cơ sở thực hiện tuyên truyền về mục đích, tầm quan trọng của việc tiêm chủng đủ mũi vắc xin sởi; thông tin về nội dung và công tác triển khai Kế hoạch này trên địa bàn thành phố.
5. Các sở, ban, ngành và đề nghị các hội đoàn thể: Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, vận động các đối tượng đi tiêm vắc xin phòng bệnh theo kế hoạch.
6. UBND các quận, huyện
a) Xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi trên địa bàn; chịu trách nhiệm về việc tổ chức thực hiện, kết quả tiêm chủng trên địa bàn quản lý.
b) Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các xã, phường, các cơ sở giáo dục trực thuộc trên địa bàn phối hợp với các đơn vị y tế trong việc triển khai thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi đảm bảo mục tiêu, tiến độ đề ra tại Kế hoạch này. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch tại các trường.
c) Triển khai hoạt động tuyên truyền về mục đích, tầm quan trọng, lợi ích của hoạt động tiêm chiến dịch vắc xin sởi, vắc xin sởi - rubella cho người dân; thông tin về nội dung và công tác triển khai Kế hoạch này trên địa bàn thành phố.
Trên đây là Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2025, UBND thành phố yêu cầu các sở, UBND các quận, huyện và các đơn vị có liên quan căn cứ triển khai thực hiện./.
| CHỦ TỊCH |
PHỤ LỤC
DỰ KIẾN NHU CẦU VẮC XIN PHÒNG BỆNH SỞI
(Kèm theo Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 20/3/2025 của UBND TP. Đà Nẵng)
Thành phố | Nhu cầu vắc xin (liều) | Tổng cộng | |
Trẻ từ 06 - 09 tháng tuổi | Trẻ từ 01 -10 tuổi | ||
Đà Nẵng | 2.900 | 27.670 | 30.570 |
Ghi chú:
- Áp dụng Hệ số sử dụng vắc xin theo Quyết định số 3384/QĐ-BYT ngày 03/8/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hệ số sử dụng vắc xin và vật tư tiêu hao trong TCMR".
- Nhu cầu đề xuất đã trừ đi số lượng ước tính tham gia tiêm chủng vắc xin dịch vụ.
- 1Kế hoạch 788/KH-UBND triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2025
- 2Kế hoạch 47/KH-UBND triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, năm 2025
- 3Kế hoạch 1368/KH-UBND triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Kế hoạch 85/KH-UBND triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch Sởi tại thành phố Đà Nẵng năm 2025
- Số hiệu: 85/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 20/03/2025
- Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
- Người ký: Lê Trung Chinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 20/03/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra