Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/KH-UBND

An Giang, ngày 01 tháng 3 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN GIAI ĐOẠN 2020 - 2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025;

Căn cứ Quyết định số 2658/QĐ-BGDĐT ngày 23 tháng 7 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025;

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh An Giang, như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TRỰC TRẠNG (tính đến năm học 2018-2019)

1. Kết quả bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho giáo viên tiếng Anh ở các cấp học

Cấp học

Tổng  số GV

Năng lực ngôn ngữ

Tỉ lệ đạt chuẩn

Chưa đạt

Đạt

Bậc 1

Bậc 2

Bậc 3

Bậc 4

Bậc 5

Bậc 6

Tiểu học

590

0

1

21

562

6

0

96.27%

THCS

727

0

4

12

700

11

0

97.80%

THPT

381

Chưa đạt

Đạt

85.30%

0

1

2

54

324

1

2. Kết quả triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm trong trường phổ thông

Cấp học

Số trường

Số lớp

Số học sinh

Tiểu học

280

3.097

108.404

THCS

78

473

16.566

THPT

48

160

6.400

3. Về xây dựng các đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ

TT

Năm

Cấp Tiểu học

Cấp THCS

Cấp THPT

1

2014

Tiểu học Châu Văn  Liêm, TP. Long Xuyên

THCS Lý Thường  Kiệt, TP.Long Xuyên

THPT chuyên Thủ  Khoa Nghĩa

2

2015

Tiểu học Trưng Vương,  TP. Châu Đốc

THCS thị trấn Chợ  Mới, huyện Chợ Mới

THPT Chu Văn An

3

2016

Tiểu học Bán Trú Long  Thạnh, Tân Châu

THCS Bình Khánh,  TP. Long Xuyên

THPT chuyên  Thoại Ngọc Hầu

4

2017

Tiểu học B Phú Mỹ, Phú  Tân

THCS Vĩnh Thạnh  Trung, Châu Phú

THPT Long Xuyên

5

2018

Tiểu học A thị trấn Phú  Hòa, Thoại Sơn

THCS TT Phú Hòa,  Thoại Sơn

THPT Nguyễn  Khuyến

6

2019

Tiểu học A thị trấn Cái  Dầu, Châu Phú

THCS thị trấn Cái  Dầu, huyện Châu Phú

THPT Trần Văn  Thành

4. Về việc trang bị phòng học bộ môn ngoại ngữ (Phụ lục 1-7)

Cấp học

Đã được trang bị

Đã có kế hoạch trang bị

Chưa có kế hoạch

Tiểu học

214

63

50

THCS

86

15

55

THPT

35

05

07

Tổng cộng

384

84

117

II. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI GIAI ĐOẠN 2020-2025

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Xác định ngoại ngữ, chủ yếu tiếng Anh là một yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trên các lĩnh vực. Việc đổi mới căn bản, toàn diện công tác dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh và triển khai có hiệu quả chương trình tiếng Anh ở các cấp học phổ thông nhằm tạo chuyển biến tích cực về chất lượng, đảm bảo nguồn nhân lực cho tỉnh, nhất là lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, thương mại dịch vụ, du lịch.

- Phấn đấu đến năm 2025, giáo viên ngoại ngữ đạt được một bước tiến rõ rệt về năng lực chuyên môn; đa số thanh niên - học sinh tốt nghiệp các trường trung học phổ thông (THPT), trường chuyên nghiệp có đủ năng lực ngoại ngữ để sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hoá.

- Giáo viên ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng thành thạo cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo Khung năng lực ngoại ngữ châu Âu (CEFR) và Khung năng lực 6 bậc của Việt Nam; tạo nền tảng phổ cập ngoại ngữ cho giáo dục phổ thông vào năm 2025.

- Mở rộng quy mô dạy học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh từ cấp tiểu học; đa dạng các loại ngoại ngữ 1, 2 được dạy học trong các trường phổ thông, ngoài tiếng Anh; tổ chức dạy ngoại ngữ 2 ở những trường có điều kiện về cơ sở vật chất, về giáo viên; giảng dạy môn Toán và một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh ở các trường THPT chuyên và một số trường có đủ điều kiện.

b) Mục tiêu cụ thể

- Đối với giáo dục mầm non: Từng bước đưa môn tiếng Anh vào các trường mầm non, mẫu giáo để học sinh làm quen thông qua hoạt động học tập theo chương trình và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ưu tiên thực hiện chương trình môn tiếng Anh ở những nơi có điều kiện, phấn đấu đến năm 2025 đạt từ 20% đến 30% số cơ sở giáo dục mầm non triển khai hoạt động cho trẻ làm quen với ngoại ngữ; 10% số cơ sở giáo dục mầm non có phòng dạy tiếng Anh; 100% giáo viên tiếng Anh giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non đạt chuẩn trình độ tiếng Anh theo quy định.

- Đối với giáo dục phổ thông: Đến năm 2025, phấn đấu 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 được học chương trình tiếng Anh 10 năm; trường THPT chuyên và một số trường THPT có điều kiện triển khai việc dạy môn Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Triển khai dạy ngoại ngữ 2 ở một số trường phổ thông có điều kiện; 100% giáo viên ngoại ngữ được tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn về phương pháp giảng dạy; 100% các trường có phòng học ngoại ngữ và tủ sách ngoại ngữ. Từ nay đến năm 2020, có từ 30% đến 40% các trường tiểu học triển khai thực hiện chương trình môn ngoại ngữ tự chọn lớp 1 và lớp 2 theo chương trình và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Đối với giáo dục nghề nghiệp: Đến năm 2025, phấn đấu 50% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành, nghề đào tạo. 100% học sinh, sinh viên các ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng được học ngoại ngữ; 70% học sinh, sinh viên học các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia được học các môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ.

- Đối với giáo dục thường xuyên: Đến năm 2025, triển khai dạy học ngoại ngữ cho 100% học sinh THPT hệ giáo dục thường xuyên, triển khai chương trình bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục (không bao gồm đội ngũ giáo viên ngoại ngữ), ưu tiên chương trình tự bồi dưỡng.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

- Mở rộng quy mô dạy học ngoại ngữ theo chương trình mới, đưa môn ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) vào giảng dạy một cách hệ thống từ tiểu học (lớp 3) đến trung học cơ sở (THCS) và THPT theo chương trình 10 năm; nâng cao trình độ ngôn ngữ và năng lực thực hành các kỹ năng giao tiếp cơ bản của người học (theo Khung năng lực ngoại ngữ châu Âu và Khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam) đáp ứng mục tiêu dạy học ngoại ngữ trong tình mới.

- Nâng cao chất lượng dạy học các chương trình ngoại ngữ hiện đang giảng dạy trong các trường phổ thông (Chương trình ngoại ngữ 1 tiếng Anh 7 năm bắt đầu từ lớp 6, chương trình tiếng Anh 10 năm thí điểm từ lớp 3). Duy trì và từng bước mở rộng, nâng cao chất lượng dạy học chương trình tiếng Anh tăng cường các kỹ năng nghe - nói ở trường THPT chuyên, các trường THPT trọng điểm; dạy tăng cường tiếng Anh ở cấp tiểu học. Duy trì nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ 2 tiếng Pháp ở trường THPT chuyên và các trường THPT có đủ điều kiện. Từng bước triển khai giảng dạy các ngoại ngữ khác như tiếng Hoa, Nhật, Hàn, Nga ở những nơi có nhu cầu và điều kiện.

- Thực hiện thí điểm việc dạy học bằng tiếng Anh đối với môn Toán và các môn khoa học tự nhiên ở 02 trường THPT chuyên và các trường THCS, THPT khác đủ điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giáo viên ngoại ngữ các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng bộ môn và đáp ứng được mục tiêu dạy học ngoại ngữ theo chương trình mới của Đề án ngoại ngữ quốc gia. Quan tâm bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (không bao gồm đội ngũ giáo viên ngoại ngữ).

- Thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy; đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ; làm tốt công tác truyền thông, xây dựng môi trường dạy học ngoại ngữ thông qua hoạt động chuyên đề, tổ chức câu lạc bộ, tạo môi trường giao tiếp ngoại ngữ trong các trường học; thường xuyên tổ chức hoạt động trải nghiệm, sân chơi ngoại ngữ để giúp học sinh có cơ hội sử dụng tiếng Anh ngoài lớp học.

- Đối với trường cao đẳng, trung cấp, từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo trình cho phù hợp với trình độ năng lực của học sinh, sinh viên và tình hình thực tế hiện nay; tiếp tục đưa giảng viên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngôn ngữ đáp ứng yêu cầu đổi mới theo Đề án ngoại ngữ quốc gia.

- Tích cực xây dựng đơn vị điển hình về dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông, huy động các nguồn lực để dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường có sự tham gia của giáo viên và tình nguyện viên người nước ngoài.

- Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ theo hướng vận dụng 04 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Hằng năm, tổ chức khảo sát đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu vào, đầu ra cho học sinh. Thường xuyên cử cán bộ, giáo viên tham gia các đợt hội thảo, bồi dưỡng, tập huấn trong và ngoài nước, giúp cán bộ, giáo viên giao lưu học tập kinh nghiệm, trao đổi phương pháp giảng dạy, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn.

- Trang bị mới và bổ sung các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất để đảm bảo cho dạy học ngoại ngữ đạt được mục tiêu đề ra như: đủ các trang thiết bị, các giáo trình tham khảo bên cạnh sách giáo khoa để phục vụ nhu cầu tự học, từng bước cải tạo, xây dựng mới đạt tối thiểu mỗi trường có ít nhất một phòng học bộ môn ngoại ngữ.

- Đẩy mạnh xã hội hóa trong dạy và học ngoại ngữ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện.

2. Các giải pháp chính

2.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đổi mới dạy và học ngoại ngữ; ban hành và triển khai chương trình, tài liệu dạy và học ngoại ngữ; triển khai mở rộng chương trình tiếng Anh 10 (lớp 3-12), triển khai thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh tại các trường mầm non, mẫu giáo.

- Tổ chức hoạt động tuyên truyền về đổi mới dạy và học ngoại ngữ nhằm cung cấp thông tin kịp thời, nâng cao nhận thức trong xã hội, đặc biệt là giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý giáo dục và cha mẹ học sinh đồng thuận.

- Bổ sung, nâng cấp tài liệu, giáo trình, phần mềm và nguồn học liệu mở cần thiết phù hợp với điều kiện của tỉnh để đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy và học ngoại ngữ theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Đối với giáo dục mầm non, hàng năm, xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm dạy tiếng Anh cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non theo hướng xã hội hóa, trên cơ sở đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và năng lực ngoại ngữ của giáo viên.

- Đối với giáo dục phổ thông, tiếp tục triển khai chương trình tiếng Anh hệ 10 năm (lớp 3-12) theo hướng nhân rộng số lớp, số học sinh từng năm, những học sinh đã hoàn thành chương trình tiếng Anh 10 năm ở cấp học trước thì tiếp tục bố trí học chương trình này ở cấp học sau. Phấn đấu đến năm 2025 có 100% học sinh phổ thông đủ điều kiện tham gia học chương trình tiếng Anh 10 năm.

- Triển khai thí điểm chương trình làm quen tiếng Anh lớp 1 và lớp 2; tích hợp ngoại ngữ trong một số môn học khác (Toán, Khoa học tự nhiên) tại các cơ sở giáo dục có nhu cầu và đủ điều kiện.

2.2. Đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ

- Triển khai hoạt động kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ đảm bảo chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết). Tiếp cận đổi mới kiểm tra đánh theo định hướng phát triển năng lực học sinh đối với môn tiếng Anh. Kết quả kiểm tra của học sinh được sử dụng để điều chỉnh chương trình học, cách học, cách dạy cho phù hợp và đảm bảo mục tiêu đầu ra của chương trình.

- Tổ chức đánh giá năng lực đầu ra đối với học sinh lớp 5, 9, 12 theo hình thức đánh giá chuẩn quốc tế sau khi tham gia chương trình mới để thúc đẩy đổi mới kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học. Tổ chức khảo sát năng lực ngoại ngữ đầu vào cho học sinh, sinh viên các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng để có cơ sở dạy học tăng cường theo từng trình độ.

- Xây dựng và phát triển ngân hàng câu hỏi thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ; dữ liệu về kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ. Thực hiện việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách về khảo thí ngoại ngữ.

- Xây dựng và tổ chức hoạt động chuyên đề: Nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn, tổ chức hoạt động giao tiếp ngoại ngữ thông qua hoạt động ngoại khóa, lồng ghép với việc xây dựng câu lạc bộ; phương pháp dạy học theo hình thức giao tiếp và kết hợp nhiều kỹ năng trong trong cùng một tiết học...).

- Hoạt động xây dựng môi trường nói tiếng Anh trong các trường học; hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học và các sân chơi có sử dụng ngoại ngữ.

2.3. Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng

- Hằng năm, thực hiện việc rà soát, đánh giá năng lực giáo viên, giảng viên dạy ngoại ngữ nhằm đảm bảo về số lượng và chất lượng; đáp ứng yêu cầu dạy học ngoại ngữ trong tình hình mới, xu thế hội nhập quốc tế.

- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm cho giáo viên, giảng viên giảng dạy ngoại ngữ: Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực dạy học ứng dụng 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) dành cho giáo viên, giảng viên các cấp học. Bồi dưỡng giáo viên trong và ngoài nước (phương pháp giảng dạy tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực ngôn ngữ, trình độ tiếng; các hình thức tổ chức hoạt động dạy và học,...). Cử cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực trong nước theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia.

- Tổ chức hội thảo, giao lưu học tập kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy bộ môn và các hoạt động chuyên môn trong dạy và học ngoại ngữ.

- Bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ, phương pháp giảng dạy tích hợp dành cho giáo viên giảng dạy môn Toán và các Khoa học tự nhiên.

- Thông qua hoạt động Hội đồng bộ môn ngoại ngữ, phát huy vai trò của các giáo viên trong Hội đồng bộ môn nhằm tạo cơ hội cho giáo viên tham gia học tập và bồi dưỡng trong và ngoài nước.

2.4. Mở rộng, từng bước nâng cao chất lượng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ

- Hằng năm, chọn những đơn vị có đủ điều kiện (năng lực giáo viên, trình độ học sinh, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học) để xây dựng thành những đơn vị điển hình về dạy và học ngoại ngữ, qua đó nhằm hỗ trợ, xây dựng môi trường giao tiếp ngoại ngữ trong các nhà trường (câu lạc bộ, hội thi tài năng, hội thi hùng biện, hội thảo tập huấn, hoạt động tăng cường kỹ năng nghe và nói, dạy học có yếu tố người nước ngoài...).

- Chủ động tham mưu, thực hiện các chương trình hợp tác, trao đổi giáo viên, sinh viên tình nguyện viên quốc tế, giáo viên bản ngữ.

- Bổ sung tài liệu, học liệu, phần mềm dạy học ngoại ngữ và các trang thiết bị cần thiết phù hợp với điều kiện của nhà trường, đảm bảo phục vụ hiệu quả đổi mới toàn diện trong công tác dạy học ngoại ngữ của nhà trường.

2.5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ

- Tổ chức các hoạt động nhằm khuyến khích việc sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ; xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng công tác sử dụng thiết bị, phần mềm dạy học ngoại ngữ; thường xuyên sử dụng các phòng dạy học ngoại ngữ, trang thiết bị nghe nhìn, tranh ảnh, phần mềm dạy học ngoại ngữ.

- Rà soát, theo dõi việc sử dụng hiệu quả các trang thiết bị đã được cấp phát phục vụ cho công tác giảng dạy các bộ môn nói chung và tiếng Anh nói riêng. Tiếp tục đầu tư kinh phí trang bị phòng học bộ môn ngoại ngữ theo kế hoạch đã phê duyệt giai đoạn 2016-2020.

- Tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học bộ môn cần thiết phục vụ triển khai hoạt động dạy và học ngoại ngữ đã được trang bị giai đoạn trước, từ đó có kế hoạch để nâng cấp, bổ sung, thay thế cho trang thiết bị, phòng học bộ môn hiện đã hư hỏng, lạc hậu, không còn phù hợp trong trong quá trình sử dụng.

- Trang bị tài liệu giảng dạy, sách giáo khoa, sách tham khảo cần thiết phục vụ cho công tác dạy và học ngoại ngữ tại các thư viện trường học (sách giáo khoa, tài liệu tham khảo; đĩa tiếng, đĩa hình, truyện đọc tiếng Anh giúp cho học sinh phát triển đầy đủ các kỹ năng ngôn ngữ,...).

2.6. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch

- Kiện toàn đội ngũ nhân sự tham gia triển khai thực hiện kế hoạch theo phân cấp quản lư. Tăng cường tổ chức các hoạt động chuyên môn tại trường, cụm trường, phòng và Sở Giáo dục và Đào tạo; tổ chức tốt Hội thi giáo viên giỏi môn ngoại ngữ ở các cấp học.

- Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp.

- Tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường quản lý các trung tâm ngoại ngữ thuộc hệ thống giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo. Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Kế hoạch tại các cơ sở giáo dục và địa phương, đơn vị; thành lập nhóm chuyên gia thực hiện giám sát đánh giá độc lập hiệu quả hoạt động triển khai thực hiện Kế hoạch nhằm kịp thời chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót, kiến nghị các biện pháp tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí

- Nguồn ngân sách nhà nước được bố trí hằng năm cho chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề theo phân cấp ngân sách nhà nước (bao gồm chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên);

- Kinh phí lồng ghép với các chương trình, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Nguồn thu của các cơ sở giáo dục và đào tạo; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn vốn xã hội hóa khác.

2. Nguyên tắc chi

- Nguồn ngân sách tỉnh: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển đội ngũ tại địa phương, tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ cho các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn, triển khai áp dụng các hoạt động thực hiện đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ngoại ngữ.

- Nguồn thu của các cơ sở giáo dục và đào tạo: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ, các môn tự chọn về dạy và học ngoại ngữ, triển khai các hoạt động trong khuôn khổ của Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, một số hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tăng cường năng lực quản lý cho người lao động tại cơ sở đào tạo và các nhiệm vụ khác của Kế hoạch.

- Nguồn thu khác: Tập trung thực hiện những hoạt động đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ đa dạng của xã hội.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Sở Giáo dục và Đạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở thuộc ngành giáo dục quản lý (từ mầm non đến tiểu học, THCS, THPT) phù hợp với nội dung của Kế hoạch này.

- Căn cứ vào Kế hoạch này, chỉ đạo, hướng dẫn địa phương và các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo về UBND tỉnh theo quy định.

- Bằng nhiều hình thức khác nhau, tranh thủ các nguồn lực góp phần thực hiện đạt các mục tiêu của Kế hoạch đề ra.

- Tổ chức tốt việc kiểm tra, giám sát, thường xuyên đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch của các ngành, các địa phương, định kỳ sơ kết, tổng kết báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nội dung của Kế hoạch này.

- Thực hiện các nhiệm vụ có tính chất của toàn ngành trên phạm vi tỉnh và các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc triển khai Kế hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

- Chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện theo từng giai đoạn, hướng dẫn, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

- Hằng năm rà soát báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch, kết quả thực hiện của học viên, sinh viên; gửi báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo chung.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổng hợp, xây dựng kế hoạch đầu tư ngân sách nhà nước để thực hiện Kế hoạch; thẩm định, bố trí các nguồn kinh phí nhằm thực hiện tốt Kế hoạch này.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch.

4. Sở Tài Chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành liên quan phân bổ, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước.

5. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất, xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên ngoại ngữ và đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh theo từng giai đoạn, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông nâng cao nhận thức của nhân dân, giáo viên và học sinh về ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ Kế hoạch này, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn. Hằng năm, căn cứ nhu cầu và kế hoạch triển khai mà UBND huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm đảm bảo bố trí ngân sách thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định hiện hành.

- Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng trên địa bàn xây dựng chương trình, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch để chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả tại địa phương; kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện của địa phương, định kỳ báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo chung.

- Thực thi đầy đủ và có hiệu quả các quy định về khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư giáo dục ngoại ngữ; có chính sách ưu đãi, đề xuất điều chỉnh thủ tục để các nhà đầu tư có điều kiện tham gia phát triển giáo dục ngoại ngữ trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền các cơ chế, chính sách liên quan đến xã hội hóa giáo dục ngoại ngữ, biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp, nhà đầu tư về thành tích thực hiện xã hội hóa.

- Chỉ đạo thực hiện các chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng và các chế độ, chính sách khác đối với giáo viên trên địa bàn theo quy định.

- Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục tại địa phương về mục tiêu, nhiệm vụ, cách thức triển khai thực hiện và kiểm tra giám sát kết quả đạt được theo tiến độ của Kế hoạch đã đề ra.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành liên quan để chỉ đạo thống nhất, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu, kế hoạch chung toàn tỉnh việc triển khai Kế hoạch này trên địa bàn.

8. Các cơ sở giáo dục

Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các hoạt động liên quan đến công tác đào tạo ngoại ngữ trong cơ sở mình, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch đã đặt ra; tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ trong thẩm quyền mà Kế hoạch đã giao.

Trên đây là Kế hoạch về việc triển khai thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2020-2025./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;  
- TT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh
- Phòng: KGVX, TH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 85/KH-UBND năm 2019 về thực hiện Đề án "dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2020-2025" trên địa bàn tỉnh An Giang

  • Số hiệu: 85/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/03/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản