Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8433/KH-UBND | Khánh Hòa, ngày 30 tháng 08 năm 2021 |
PHÒNG, CHỐNG BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÂU, BÒ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
Thực hiện Công điện số 631/CĐ-TTg ngày 17/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò; chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại: Công văn số 2271/BNN-TY ngày 19/4/2021 vê việc tập trung nguồn lực kiểm soát dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò và Công văn số 2746/BNN-TY ngày 12/5/2021 về việc tập trung chỉ đạo kiểm soát dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò;
Để chủ động ngăn chặn và phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa như sau:
I. TÌNH HÌNH BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC
Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD, còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae chi Capripox vi rút gây ra trên trâu, bò. Vi rút gây bệnh VDNC không lây nhiễm và không gây bệnh trên người.
Vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 550C trong 2 giờ, 650C trong 30 phút và vi rút có thể được hồi phục từ những nốt sần trên da được giữ ở nhiệt độ - 800C trong 10 năm, dịch nuôi cấy mô nhiễm vi rút được bảo quản ở nhiệt độ 40C trong 6 tháng. Vi rút nhạy cảm với môi trường pH kiềm hoặc axít; có thể tồn tại ở môi trường pH = 6,6 - 8,6 trong 5 ngày ở nhiệt độ 370C.
Hóa chất sử dụng để diệt vi rút gây bệnh VDNC bao gồm chloroform, formalin (1%), phenol (2% trong 15 phút), sodium hypochlorite (2 - 3%), hợp chất iodine (pha loãng 1:33), Virkon (2%), vôi bột...
Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch; thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4-14 ngày. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20%; tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%. Chủ động sử dụng các loại thuốc tiêu diệt côn trùng: Deltox, Hantox, Vime-Frondog, Fip-Tox, Mebi- Taktic,....
Các biện pháp phòng, chống bệnh chính gồm: Chủ động theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp trâu, bò mắc bệnh; tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh và tiêm phòng cho trâu, bò.
Theo báo cáo của Cục Thú y, bệnh VDNC trên trâu, bò xuất hiện ở Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 10/2020; đến nay dịch bệnh đã xảy ra tại 3.198 xã, thuốc 355 huyện của 45 tỉnh, thành phố với tổng số gia súc mắc bệnh trên 137.000 con, số chết và tiêu hủy trên 18.000 con (chiếm khoảng 0,2% tổng đàn trâu, bò 8,65 triệu con).
Trong tháng 5/2021 bệnh VDNC đã xuất hiện ở nhiều tỉnh trong khu vực: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum. Trong tháng 6/2021, bệnh VDNC đã xảy ra tại tỉnh giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa, đến ngày 18/8/2021 tỉnh Đắk Lắk đã xuất hiện bệnh VDNC tại 09 huyện, 46 xã có 267 con bò mắc bệnh; tỉnh Phú Yên tại 08 huyện, 73 xã có 3831 con bò mắc bệnh; tỉnh Ninh Thuận tại 06 huyện, 30 xã có 1.362 con bò mắc bệnh.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà, bệnh VDNC trên bò đã xảy ra vào ngày 11/7/2021 tại huyện Khánh Vĩnh, đến ngày 18/8/2021, bệnh đã xảy ra tại 05 huyện (Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Diên Khánh, Vạn Ninh, Ninh Hoà), 20 xã, 45 thôn, 121 hộ làm 176 con bò mắc bệnh VDNC (trong tổng số 617 con bò của 121 hộ); trong đó, số bò mắc bệnh đã điều trị khỏi triệu chứng là 45 con và số chết là 05 con (04 con bê, 01 bò đực). Nguy cơ trong thời gian tới bệnh VDNC tiếp tục phát sinh và lây lan trong phạm vi cả tỉnh là rất cao.
1. Mục đích
- Chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh VDNC.
- Xử lý kịp thời ổ dịch khi mới phát hiện, không để lây lan, hạn chế tối đa thiệt hại do bệnh gây ra trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác, không gây hoang mang trong xã hội về tình hình dịch bệnh.
- Triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn và phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò; có sự phối hợp chặt chẽ, giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và sự tham gia tích cực của người dân.
- Tổ chức phòng, chống dịch bệnh VDNC kịp thời, phù hợp với điều kiện của địa phương, đem lại hiệu quả, không để lãng phí các nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ.
- Thực hiện theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, chính quyền cấp trên trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh VDNC.
III. NỘI DUNG PHÒNG, CHỐNG BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÂU, BÒ
1. Đối với địa phương đã xuất hiện bệnh Viêm da nổi cục
a. Tổ chức xử lý, tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh, chết
- Khi có kết quả xét nghiệm phát hiện vi rút gây bệnh VDNC trên trâu, bò giao UBND cấp xã giám sát chặt chẽ bò bệnh; yêu cầu các hộ chăn nuôi có bò bị bệnh không được thả bò ra bên ngoài, nuôi nhốt tại nhà và thực hiện cách ly, chăm sóc và điều trị bò bệnh theo hướng dẫn của cơ quan Thú y; Trường hợp có bò bệnh bị chết thì tổ chức xử lý, tiêu hủy theo đúng quy trình, kỹ thuật đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y; không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường và lập hồ sơ hỗ trợ đầy đủ theo quy định hiện hành.
- Kỹ thuật, phương pháp tiêu hủy được thực hiện như sau:
Vận chuyển xác trâu, bò đến địa điểm tiêu hủy: Xác trâu, bò, sản phẩm trâu, bò phải được cho vào bọc kín để phun khử trùng trước khi vận chuyển; phương tiện vận chuyển xác trâu, bò, sản phẩm trâu, bò phải có sàn kín hoặc lót bằng nilon hoặc vật liệu chống thấm khác bên trong (đáy và xung quanh thành) để không làm rơi vãi các chất thải trên đường đi, được vệ sinh, khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y ngay trước khi vận chuyển và sau khi bỏ bao chứa xuống địa điểm tiêu hủy hoặc rời khỏi khu vực tiêu hủy. Trong suốt quá trình vận chuyển phải có người thực hiện phun khử trùng, tiêu độc theo sau để đảm bảo khử trùng, tiêu độc triệt để, ngăn chặn phát tán mầm bệnh ra môi trường.
Địa điểm tiêu hủy: Ưu tiên tiêu hủy ngay tại trong vườn của hộ gia đình/trang trại có trâu, bò bệnh, trong xóm có dịch nếu có nơi chôn lấp phù hợp. Trường hợp trong xóm/hộ gia đình không có đất để tiêu hủy thi chọn địa điểm phù hợp, nhưng không quá xa ổ dịch để tránh phát tán mầm bệnh.
Biện pháp tiêu hủy: Sử dụng biện pháp chôn lấp.
Người tham gia tiêu hủy trâu, bò: chỉ huy động đủ số lượng người tham gia tiêu hủy, những người không liên quan không đến gần ổ dịch, điểm tiêu hủy; các thành viên phải mặc bảo hộ lao động 1 lần, đeo khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ, đi ủng. Sau khi xong nhiệm vụ, cho tất cả bảo hộ xuống hố chôn cùng trâu, bò (có thể giữ ủng lại, rửa ngay tại chỗ, phim sát trùng đậm, cho vào bao ni lông buộc lại để dùng lần sau). Tất cả thành viên trước khi ra về phải phun sát trùng dày dép, phương tiện, dụng cụ... Khi vận chuyển trâu bò từ hộ gia đình ra hố chôn phải có máy phun khử trùng tiêu độc đi sau để tiêu diệt mầm bệnh, tránh phát tán qua vận chuyển.
Quy cách hố chôn:
* Địa điểm: Hố chôn phải cách nhà dần, giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích; nên chọn nơi chôn trong vườn (tốt nhất là vườn cây ăn quả hoặc lấy gỗ).
* Kích cỡ: Hố chôn phải đủ rộng phù hợp với khối lượng trâu, bò, sản phẩm trâu, bò và chất thải cần chôn.
- Các bước chôn lấp: Sau khi đào hố, rải một lóp vôi bột xuống đáy hố theo tỷ lệ khoảng 01 kg vôi/m2, cho bao chứa xuống hố, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi lên trên bề mặt, lấp đất và nện chặt; yêu cầu khoảng cách từ bề mặt bao chứa trên cùng đến ngang mặt đất (lớp đất phủ bên trên) tối thiểu phải dày ít nhất là 1m và cao hơn mặt đất để tránh nước chảy vào bên trong gây sụt, lún hố chôn. Phun sát trùng khu vực chôn lấp để hoàn tất quá trình tiêu hủy.
- Quản lý hố chôn:
Hố chôn xác động vật phải có biển cảnh báo người ra vào khu vực. Cắt cử lực lượng canh hố chôn 24/24 giờ trong vòng ít nhất 02 ngày đêm.
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý, tổ chức kiểm tra định kỳ và xử lý kịp thời các sự cố sụt, lún, xói mòn, rò rỉ, bốc mùi của hố chôn.
Địa điểm chôn lấp phải được đánh dấu trên bản đồ của xã, ghi chép và lưu giữ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
- UBND cấp huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã tiến hành tiêu hủy đảm bảo an toàn dịch bệnh, lập hồ sơ hỗ trợ đầy đủ theo quy định hiện hành. Thực hiện hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi có trâu, bò buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính Phủ và Quyết định số 2229/QĐ-UBND ngày 04/8/2017 của UBND tỉnh Khánh Hòa.
b. Khoanh vùng ổ dịch, khử trùng tiêu độc
- Đối với vùng dịch là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng nguy cơ cao: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc bằng các loại hóa chất diệt vi rút và hóa chất đặc hiệu tiêu diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng...)
- Người chăn nuôi, trang trại chăn nuôi phải tự chủ động thực hiện khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi thường xuyên bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh, côn trùng ruồi, muỗi, ve, mòng.
- Nguyên tắc vệ sinh, khử trùng tiêu độc:
Người thực hiện khử trùng tiêu độc phải sử dụng bảo hộ lao động dùng 01 lần;
Trước khi phun hóa chất diệt côn trùng phải làm sạch đối tượng khử trùng tiêu độc bằng biện pháp cơ học (quét dọn, cạo, cọ rửa);
Pha chế và sử dụng hóa chất sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bảo đảm pha đúng nồng độ, phun đúng tỷ lệ trên một đơn vị diện tích.
- Loại hóa chất: Sử dụng hóa chất đặc hiệu trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam:
Để khử trùng tiêu độc, tiêu diệt côn trùng ruồi, muỗi, ve, mòng ... như: Deltox, Hantox, Vime-Frondog, Fip-Tox, Mebi-Taktic;
Để khử trùng tiêu độc, tiêu diệt vi rút như chloroform, formalin (1%), phenol (2% trong 15 phút), sodium hypochlorite (2 - 3%), hợp chất iodine (pha loãng 1:33), Virkon (2%), vôi bột.
- Đối tượng vệ sinh, khử trùng tiêu độc
Cơ sở chăn nuôi trâu, bò; cơ sở sản xuất trâu, bò giống;
Cơ sở giết mổ trâu, bò;
Cơ sở sơ chế, chế biến thịt trâu, bò và các sản phẩm thịt trâu, bò;
Chợ buôn bán trâu, bò và sản phẩm của trâu, bò;
Cơ sở thu gom trâu, bò và sản phẩm của trâu, bò để buôn bán, kinh doanh, nơi cách ly kiểm dịch trâu, bò và sản phẩm của trâu, bò;
Khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy trâu, bò và sản phẩm của trâu, bò nhiễm bệnh; khu vực thu gom, xử lý chất thải của trâu, bò;
Trạm, chốt kiểm dịch, chốt kiểm soát ổ dịch bệnh động vật;
Phương tiện vận chuyển trâu, bò và sản phẩm của trâu, bò;
Nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm.
c. Công bố dịch và thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật
Khi có dịch xảy ra UBND cấp huyện nhanh chóng triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, tổ chức chống dịch trong vùng có dịch theo quy định của Luật Thú y; Thông tư số 07/2016/TT-BNN&PTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Thú y đối với bệnh VDNC trâu, bò.
Thực hiện công bố dịch theo đúng nguyên tắc, trình tự, nội dung và thẩm quyền được quy định tại điều 26 Luật Thú y.
Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm thành lập/kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, phân công nhiệm vụ và gắn trách nhiệm cụ thể cho các thành viên để chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục theo quy định tại Điều 27, 28, 29 Luật Thú y; triển khai, thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp cấp bách để bao vây, khống chế dịch bệnh VDNC.
Thành lập các tổ phản ứng nhanh: tổ điều tra, thống kê và tuyên truyền; tổ tiêm phòng, phun khử trùng, tiêu độc; tổ trực chốt kiểm dịch; tổ tiêu hủy gia súc; tổ thanh kiểm tra để triển khai công tác chống dịch tại xã.
d. Lập chốt kiểm dịch và dừng vận chuyển trâu, bò và sản phẩm trâu, bò
- UBND cấp xã thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời tại các trục đường chính, để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ (kể cả thứ 7, chủ nhật và ngày lễ) đối với trâu, bò và sản phẩm trâu, bò từ vùng dịch ra ngoài, lực lượng trực là công an và phụ trách thú y của xã; chốt có barie, lập biển cảnh báo khu vực có dịch; tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua chốt. Trường hợp phát hiện trâu, bò ốm, nghi trâu, bò bệnh đi qua chốt thì báo cáo cho Trạm Chăn nuôi và Thú y đến kiểm tra, xác minh và lấy mẫu xét nghiệm bệnh VDNC.
- Cấm vận chuyển trâu, bò, sản phẩm trâu, bò từ vùng dịch ra địa bàn cho đến khi công bố hết dịch.
- Cơ sở chăn nuôi trâu, bò nằm trong vùng dịch nếu có nhu cầu vận chuyển trâu, bò ra khỏi phạm vi vùng dịch phải được Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu, xét nghiệm có kết quả âm tính với bệnh VDNC và hướng dẫn tuyến đường vận chuyển ra khỏi vùng có dịch (chủ chăn nuôi chi trả kinh phí cho việc lấy mẫu và xét nghiệm).
đ. Giám sát dịch bệnh
- Người chăn nuôi, nhân viên thú y giám sát chặt chẽ đàn trâu, bò nuôi trên địa bàn, báo cáo ngay cho UBND xã, Trạm Chăn nuôi và Thú y nếu phát hiện có trâu bò ốm, chết, nghi ngờ bệnh VDNC để lấy mẫu, chẩn đoán bệnh kịp thời, phòng chống dịch khẩn cấp, hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
- Tổ chức ký cam kết với người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò thực hiện 5 “không”, gồm: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển trâu bò bệnh, chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt trâu bò bệnh, chết; Không vứt xác trâu bò ra ngoài môi trường; Không chăn thả rông trâu bò bị bệnh chung trên đồng cỏ.
- Cách ly trâu bò khỏe với trâu bò bị bệnh; tiến hành theo dõi trâu bò khỏe trong thời gian ít nhất 7 ngày, nếu vẫn khỏe mạnh bình thường thì tiêm phòng vắc xin VDNC.
- Không chăn thả chung trâu bò tại các bãi chăn thả tập trung; có giải pháp quản lý trâu, bò thả rông ở miền núi.
- Cấm giết mổ, vận chuyển trâu bò trong vùng dịch; Chỉ vận chuyển, giết mổ trâu bò khỏe mạnh tại các vùng chưa có dịch VDNC, có thú y thực hiện kiểm dịch và kiểm soát giết mổ.
e. Điều trị triệu chứng, kế phát
- Bệnh VDNC là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Triệu chứng lâm sàng xuất hiện chủ yếu là: sốt cao (có thể trên 410C), bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2-5 cm, đặc biệt là ở vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu; qua mổ khám một số trâu bò chết có triệu chứng viêm phổi kẽ, xuất huyết đường ruột, tổn thương các cơ quan nội tạng, kế phát các bệnh như Tụ huyết trùng, ký sinh trùng đường máu....
- Cần phải điều trị triệu chứng và các bệnh kế phát theo nguyên tắc: hạ sốt, dùng kháng sinh hoạt phổ rộng để tiêu diệt các loại vi khuẩn kế phát, sử dụng thuốc xịt có kháng sinh để điều trị vết loét trên da; bổ sung vitamin; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng; tuyệt đối không đổ cháo, thức ăn tinh, trứng gà... cho trâu bò sẽ làm tăng nguy cơ liệt dạ cỏ dẫn đến chết bệnh súc.
f. Tổ chức tiêm phòng
- UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường công tác giám sát, nắm bắt tình hình dịch bệnh, thống kê tổng đàn tại cơ sở, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tự mua vắc xin VDNC tiêm phòng cho 100% trâu, bò thuộc diện phải tiêm phòng.
- Thực hiện tiêm phòng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
- Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện phối hợp với UBND cấp xã thành lập tổ tiêm phòng cho các cơ sở chăn nuôi nông hộ; các trang trại chăn nuôi tự tổ chức tiêm phòng có sự giám sát của cơ quan Thú y.
g. Báo cáo tình hình dịch bệnh
Tổng hợp báo cáo công tác phòng chống dịch và tình hình, diễn biến dịch bệnh hàng ngày báo cáo theo quy định như sau:
- Ở cấp xã: Nhân viên thú y cấp xã có trách nhiệm báo cáo dịch bệnh động vật cho Chủ tịch UBND cấp xã và Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện.
- Ở cấp huyện: Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện có trách nhiệm báo cáo dịch bệnh động vật cho UBND cấp huyện và Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
- Ở cấp tỉnh: Chi cục Chăn nuôi và Thú y có trách nhiệm báo cáo dịch bệnh động vật cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y vùng, Cục Thú y.
2. Đối với địa phương chưa xuất hiện bệnh viêm da nổi cục
a. Thông tin tuyên truyền
- Cơ quan truyền thông: báo, đài phát thanh, truyền hình Khánh Hòa, đài phát thanh, truyền hình cấp huyện, loa phát thanh xã: Thông tin tuyên truyền kịp thời về diễn biến tình hình dịch bệnh, tính chất dịch tễ của bệnh, các biện pháp phòng, chống bệnh; trường hợp dấu dịch, phát tán dịch bệnh thì bị xử lý theo pháp luật; nguyên tắc tuyên truyền vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt trâu, bò, tránh gây hoang mang trong xã hội (bệnh VDNC không lây sang người).
- UBND cấp xã tuyên truyền đến cơ sở chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt giải pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chỉ mua trâu, bò giống khỏe mạnh từ các cơ sở uy tín, người tiêu dùng sử dụng thịt và sản phẩm trâu, bò có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm soát giết mổ của thú y. Tổ chức ký cam kết với người chăn nuôi, người buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò thực hiện 5 “Không” : Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển trâu bò bệnh, trâu bò chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt trâu bò bệnh, trâu bò chết; Không vứt xác trâu bò ra ngoài môi trường; Không chăn thả rông trâu bò bị bệnh chung trên đồng cỏ.
b. Chăn nuôi an toàn sinh học
- Cơ quan thú y hướng dẫn cơ sở chăn nuôi trâu, bò tăng cường chủ động áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; vệ sinh, sát trùng, diệt côn trùng, ruồi muỗi, ve, mòng... tại khu vực chăn nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho gia súc.
- Đối với cơ sở chăn nuôi:
Thực hiện quy trình vệ sinh khử trùng đối với người, phương tiện ra vào, nguồn thực phẩm, thiết bị, dụng cụ chăn nuôi, thú y trước khi đưa vào cơ sở chăn nuôi và sau khi sử dụng;
Tăng cường khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, chú trọng các loại hóa chất đặc hiệu để diệt ký chủ trung gian (ve, mòng, ruồi, muỗi,...); định kỳ 7-10 ngày phun 01 lần theo hướng dẫn của nhà sản xuất như: Deltox, Hantox, Vime-Frondog, Fip-Tox, Mebi-Taktic..;
Chỉ mua trâu, bò giống khỏe mạnh, nguồn gốc rõ ràng, đã được tiêm phòng các loại vắc xin khác theo quy định, tổ chức nuôi cách ly trước khi nhập đàn;
Định kỳ tiêm phòng các loại vắc xin cho trâu, bò để có miễn dịch chủ động;
Thực hiện quy trình xử lý phân trâu, bò và chất thải đúng kỹ thuật.
c. Công tác tiêm phòng, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi
- Tiêm phòng:
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn trâu bò, UBND cấp xã yêu cầu người chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn thực hiện tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng theo quy định;
Đối với tiêm phòng vắc xin VDNC: Ngân sách hỗ trợ tiêm phòng vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò của các cơ sở chăn nuôi nông hộ (dưới 10 con trâu, bò) trên địa bàn toàn tỉnh với số lượng dự kiến là 40.500 con/ 50.624 con, khoảng 80% tổng đàn.
Các cơ sở chăn nuôi trang trại (từ 10 con trâu, bò trở lên) chủ động tiêm phòng vắc xin VDNC bằng kinh phí tự có; đăng ký với Chi cục Chăn nuôi và Thu y hoặc các Trạm Chăn nuôi và Thú y đê được hỗ trợ trong việc mua vắc xin và hướng dẫn việc tiêm phòng theo quy định.
Loại vắc xin sử dụng: Chủng loại vắc xin do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) lựa chọn, đảm bảo phù hợp với tình hình dịch tễ và thực tế tại địa phương.
* Cách thức tổ chức tiêm phòng:
Đối với vắc xin VDNC vị trí tiêm dưới da cổ trâu bò, thời gian tiêm sau khi pha vắc xin là 02 giờ/chai 25 liều; cần phải tập trung trâu bò vào khu vực chuẩn bị tiêm phòng và hệ thống chuồng ép cố định trâu bò; để đảm bảo hiệu quả công tác tiêm phòng cần tổ chức các tổ tiêm phòng theo hình thức “cuốn chiếu” tiêm dứt điểm từng xã.
Trạm Chăn nuôi và Thú y chủ trì phối hợp với UBND cấp xã xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND cấp huyện trưng tập nhân viên thú y xã tham gia đợt tiêm phòng.
UBND cấp xã phối hợp chặt chẽ với Trạm Chăn nuôi và Thú y trong xây dựng và kế hoạch tiêm phòng chi tiết trên địa bàn:
Hướng dẫn, thông báo cho người chăn nuôi tập trung trâu, bò tại khu vực chuẩn bị tiêm phòng ngày, giờ cụ thể; chuẩn bị hệ thống chuồng ép cố định trâu bò (cột trụ, thanh ngang, kẹp mũi, dây cố định trâu bò...)
Tổ chức các tổ tiêm phòng theo hình thức “cuốn chiếu” tiêm dứt điểm từng thôn, xóm, tổ dân phố; mỗi tổ tiêm phòng gồm cán bộ xã, nhân viên thú y xã, cán bộ thôn, nhân công hỗ trợ cố định trâu bò vào hệ thống đóng ép cố định
Dự kiến mỗi xã trung bình thành lập 04 tổ tiêm phòng, mỗi tổ 05 người, 04 hệ thống đóng ép cố định, tiêm phòng 04 ngày/xã.
- Khử trùng tiêu độc:
UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã hướng dẫn các tổ chức, người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ trâu, bò thực hiện vệ sinh, phun thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh, cụ thể:
Chủ động sử dụng hóa chất vệ sinh, khử trùng tiêu diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng,...) bằng Deltox, Hantox, thuốc diệt côn trùng, vôi bột để khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi;
Định kỳ (10 ngày/lần) sử dụng hoá chất bao gồm chloroform, formalin (1%), phenol (2% trong 15 phút), sodium hypochlorite (2 - 3%), hợp chất iodine (pha loãng 1:33), Virkon (2%), vôi bột...tổ chức vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại các khu vực các chợ, điểm buôn bán, giết mổ trâu bò và các sản phẩm của trâu bò; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ trâu, bò; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch bệnh động vật;
Duy trì vệ sinh, tiêu độc môi trường, phát quang bụi rậm, quét dọn chuồng trại; thu gom đồ ăn thừa, chất thải của động vật để diệt mầm bệnh và ký chủ trung gian (ruồi, muỗi, ve, mòng...) phòng, chống các loại dịch bệnh phát sinh.
d. Công tác kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ
- Đối với cấp tỉnh:
Tổ chức kiểm soát, kiểm dịch chặt chẽ trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò vận chuyển trong tỉnh cũng như vận chuyển ra ngoại tỉnh; phối hợp với cơ quan chuyên môn thú y các tỉnh để nắm bắt thông tin, số lượng gia súc nhập vào địa bàn tỉnh;
Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm tình trạng buôn bán, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc không rõ nguồn gốc, không dấu kiểm dịch tại các cơ sở giết mổ, tại các sạp, quầy thịt ở các chợ, trên các vỉa hè; đồng thời phối hợp với ban quản lý chợ tuyên truyền các chủ kinh doanh không buôn bán sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, nghi mắc bệnh;
Thành lập Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch (thành phần gồm: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo và cán bộ chuyên môn Chi cục Chăn nuôi và Thú y): Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống VDNC ở cơ sở.
- Đối với UBND cấp huyện, UBND cấp xã:
Thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ, kinh doanh trâu, bò và sản phẩm trâu, bò trên địa bàn; giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán và giết mổ trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò không rõ nguồn gốc, nghi mắc bệnh;
Chỉ đạo UBND xã, cán bộ thú y, các ban ngành tăng cường giám sát tại địa phương để kịp thời phát hiện, báo cáo sớm các trường hợp trâu, bò ốm và trâu, bò không rõ nguồn gốc;
Thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm soát giết mổ gia súc theo quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; phun hóa chất khử trùng ngay sau mỗi ca giết mổ, cuối mỗi buổi chợ và cuối ngày đối với khu vực buôn bán động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là tại các chợ, khu vực mua bán trâu, bò và thịt trâu, bò.
đ. Công tác giám sát dịch bệnh
- UBND cấp xã tổ chức thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng.
- Cơ quan thú y phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tốt việc giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng.
e. Xác minh tình hình dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm
- Khi phát hiện có trường hợp trâu, bò nghi mắc bệnh VDNC chủ hộ chăn nuôi phải báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã, để kiểm tra xác minh thông tin dịch bệnh; Nếu nghi trâu, bò mắc bệnh VDNC, nhân viên thú y cấp xã báo cáo ngay về UBND cấp xã và Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện. Trạm Chăn nuôi và Thú y báo cáo UBND cấp huyện để chỉ đạo, tổ chức phòng, chống dịch, tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm; đồng thời báo cáo Chi cục Chăn nuôi và Thú y để chỉ đạo về chuyên môn và phối hợp gửi xét nghiệm.
- Cách lấy mẫu:
Các nốt sần, vảy da (là nơi chứa lượng vi rút cao): Cạo sạch lông xung quanh nốt sần, vảy da, dùng panh kẹp cả nốt sần kéo ra, cắt nốt sần, vảy da bỏ vào lọ chứa dung dịch đệm bảo quản hoặc nước muối sinh lý;
Dịch mắt, mũi, miệng, sữa, tinh dịch: Dùng panh kẹp gạc y tế ngoáy vào các vị trí chứa dịch cho vào lọ chứa dung dịch đệm bảo quản;
Mẫu máu: lấy mẫu máu cho vào ống chống đông (đối với trâu, bò đang có triệu chứng sốt).
Ưu tiên lấy các nốt sần, vảy da (là nơi chứa lượng vi rút cao)
- Trong khi chờ kết quả xét nghiệm UBND cấp xã phải tổ chức bao vây ổ dịch, giám sát chặt chẽ đàn trâu, bò mắc bệnh, lập cam kết không để chủ hộ giết mổ, bán chạy gia súc bệnh.
Trong quá trình chỉ đạo chống dịch, tùy thuộc vào tình hình bệnh, tính chất dịch tễ của dịch bệnh VDNC và hướng dẫn của Cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ hướng dẫn lấy mẫu để đánh giá nguy cơ lây lan dịch bệnh trong vùng dịch.
IV. KINH PHÍ TỔ CHỨC, TRIỂN KHAI PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC
1. Nguồn kinh phí:
- Ngân sách nhà nước hỗ trợ theo phân cấp;
- Kinh phí do tổ chức, cá nhân chăn nuôi tự đảm bảo;
- Nguồn huy động hợp pháp khác.
2. Cơ chế tài chính:
a. Ngân sách tỉnh
- Kinh phí phòng bệnh VDNC năm 2021, gồm các nội dung chính sau:
Chi mua vắc xin tiêm phòng cho cơ sở chăn nuôi nông hộ (dưới 10 con trâu, bò) trên địa bàn tỉnh.
Chi giám sát tình hình dịch bệnh và lấy mẫu đột xuất gia súc nghi mắc bệnh VDNC.
Kinh phí mua hóa chất để vệ sinh và phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh để phòng bệnh VDNC (sử dụng nguồn kinh phí từ kế hoạch phòng, chống bệnh DTLCP năm 2021).
- Kinh phí chống dịch: khi xảy ra dịch bệnh VDNC trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch chống dịch và dự trù kinh phí gửi Sở Tài Chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Trong đó dự kiến mua vắc xin, hóa chất chống dịch cấp tỉnh, dụng cụ, vật tư, bảo hộ; hỗ trợ các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch cấp tỉnh; kinh phí chỉ đạo, triển khai chống dịch cấp tỉnh; hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi khi có gia súc bị tiêu hủy do bệnh VDNC và các chi phí khác có liên quan.
b. Ngân sách huyện
Chủ động bố trí kinh phí đảm bảo triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh VDNC của địa phương, bao gồm:
- Chi tổ chức tiêm phòng cho cơ sở chăn nuôi nông hộ (dưới 10 con trâu bò) trên địa bàn huyện: Hỗ trợ công tác tổ chức tiêm phòng, công tiêm phòng, hỗ trợ gia súc bị chết trong tiêm phòng...
- Chi thực hiện công tác phòng, chống bệnh VDNC trên địa bàn với các nội dung thông tin, tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra, chỉ đạo tại cấp huyện;
- Chi tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi gồm: công phun, máy phun;
- Kinh phí đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện kiểm tra công tác phòng chống bệnh VDNC;
- Chi phí khi xảy ra dịch bệnh VDNC trên địa bàn: Mua các loại dụng cụ, vạt tư, bảo hộ, hóa chất chống dịch cấp huyện, công tiêm phòng, hỗ trợ các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch cấp huyện; kinh phí chỉ đạo, triển khai chống dịch cấp huyện; thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời để kiểm soát chặt chẽ vận chuyển gia súc, các sản phẩm của gia súc; hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi khi có gia súc bị tiêu hủy do bệnh VDNC;
- Các chi phí khác có liên quan.
c. Ngân sách cấp xã
- Chủ động bố trí kinh phí đảm bảo triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh VDNC của địa phương, bao gồm: Kinh phí cho lực lượng phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tiêm phòng, tiêu độc khử trùng; các chốt kiểm dịch tạm thời, các tổ phản ứng nhanh; Thông tin tuyên truyền, tập huấn; kinh phí mua vôi bột, hóa chất, vật tư phòng chống dịch bệnh;
- Đảm bảo kinh phí cho lực lượng phòng, chống dịch bệnh nếu cấp xã điều động.
d. Kinh phí của tổ chức, cá nhân chăn nuôi trâu, bò
- Kinh phí mua vắc xin VDNC, tiền công tiêm phòng cho cơ sở chăn nuôi trang trại (từ 10 con trâu, bò trở lên).
- Kinh phí mua vôi bột, hóa chất đặc hiệu diệt vi rút và côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng) để xử lý khu vực chăn nuôi;
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh, giết mổ, vận chuyển trâu, bò; sản phẩm trâu bò bị bệnh; nghi bị bệnh phải chi trả kinh phí lấy mẫu, xét nghiệm, nuôi nhốt, bảo quản và tiêu hủy khi phát hiện động vật, sản phẩm động vật dương tính với vi rút gây bệnh VDNC.
3. Dự kiến kinh phí phòng bệnh Viêm da nổi cục năm 2021
Tổng kinh phí: 3.542.050.000 đồng (Ba tỷ, năm trăm bốn mươi hai triệu, không trăm năm mươi nghìn đồng), trong đó:
TT | Nội dung | Tổng cộng (đồng) |
I | Kinh phí Ngân sách tỉnh | 1.605.000.000 |
1 | Kinh phí mua vắc xin VDNC | 1.459.500.000 |
2 | Hỗ trợ tiền thuốc chống phản ứng | 16.200.000 |
3 | Vật tư dụng cụ, giấy chứng nhận tiêm phòng | 34.956.000 |
4 | Công tác phí, xăng xe kiểm tra, vận chuyển | 30.784.000 |
5 | Kinh phí giám sát | 63.560.000 |
II | Kinh phí Ngân sách huyện | 1.162.700.000 |
1 | Hỗ trợ công tác tổ chức tiêm phòng | 472.000.000 |
2 | Kinh phí xây dựng chuồng ép | 472.000.000 |
3 | Tiền công tiêm phòng | 178.200.000 |
4 | Tiền hỗ trợ gia súc bị phản ứng chết | 40.500.000 |
III | Kinh phí người chăn nuôi (tiền công và vắc xin) | 774.350.000 |
TỔNG CỘNG | 3.542.050.000 |
(Đính kèm phụ lục I)
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, là đầu mối chỉ đạo các hoạt động phòng, chống bệnh VDNC trâu, bò trong toàn tỉnh theo Kế hoạch này; phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, cơ chế chính sách do Trung ương giao hoặc địa phương ban hành liên quan đến dịch bệnh VDNC.
- Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh; báo cáo UBND tỉnh tình hình công tác triển khai tại các địa phương.
- Tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các Trạm kiểm dịch động vật tạm thời để kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với trâu, bò và sản phẩm của trâu, bò ra vào địa bàn tỉnh khi cần thiết.
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
Phối hợp với các cơ quan truyền thông hướng dẫn, tuyên truyền kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh VDNC và các biện pháp ngăn chặn và phòng, chống dịch bệnh, không gây tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi.
Hướng dẫn người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ trâu, bò thường xuyên vệ sinh, quét dọn chuồng trại, thu gom phân rác vào nơi quy định, định kỳ phun khử trùng tiêu độc chuồng trại môi trường chăn nuôi.
Tập huấn cho đội ngũ cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở về phòng, chống bệnh VDNC và biện pháp xử lý khi đàn trâu, bò mắc bệnh; tập huấn về chăn nuôi an toàn sinh học, ngăn chặn và phòng, chống bệnh VDNC cho hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường và các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ các địa điểm buôn bán, giết mổ trâu, bò.
Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định.
Chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống thú y, tham mưu tích cực cho UBND các cấp xây dựng kế hoạch của địa phương và các biện pháp ngăn chặn và phòng, chống bệnh VDNC.
Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn trâu bò, nếu phát hiện trâu bò ốm, chết có triệu chứng nghi bệnh VDNC, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh.
Khuyến cáo cho người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ trâu bò thực hiện 5 KHÔNG, khi phát hiện trâu bò bệnh, nghi bị bệnh, báo với chính quyền và cơ quan Thú y để lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm và xử lý dịch bệnh kịp thời tránh lây lan và được hướng chính sách hỗ trợ theo quy định.
Tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y có trách nhiệm báo cáo, hướng dẫn, tham mưu kịp thời các giải pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC khẩn cấp khi dịch xảy ra trên địa bàn.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn /Phòng Kinh tế, các phòng, ban liên quan và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện nội dung Kế hoạch này.
- Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện để chỉ đạo, giám sát về công tác phòng, chống dịch tại địa phương; phân công địa bàn, nhiệm vụ và gắn trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo trong giám sát, báo cáo dịch bệnh; chỉ đạo UBND xã thành lập các Tổ giám sát cộng đồng tại thôn, xóm để giám sát, theo dõi, báo cáo về tình hình chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở.
- Xây dựng, chỉ đạo thực hiện kế hoạch ngăn chặn và phòng, chống bệnh VDNC trên địa bàn. Chịu trách nhiệm về công tác ngăn chặn và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn quản lý.
- Khi có dịch bệnh xảy ra, trực tiếp chỉ đạo, tập trung các nguồn lực của địa phương để xử lý dứt điểm ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy triệt để động vật chết, mắc bệnh, nghi mắc bệnh; tổ chức đầy đủ các biện pháp theo quy định của Luật Thú y; chủ động sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh theo phân cấp, đảm bảo hiệu quả và đúng quy định.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn; các phòng, ban liên quan thực hiện:
Thống kê, báo cáo số lượng đàn trâu bò, hộ chăn nuôi của địa phương; bố trí chuồng ép cố định trâu, bò và yêu cầu các cơ sở chăn nuôi nông hộ (dưới 10 con trâu, bò) trên địa bàn tập trung trâu, bò tại điểm tiêm phòng khi có thông báo tiêm phòng; yêu cầu các cơ sở chăn nuôi trang trại chủ động tiêm phòng vắc xin VDNC bằng kinh phí tự có.
Thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của địa phương để nâng cao nhận thức của người dân về công tác ngăn chặn và phòng, chống dịch bệnh VDNC; đồng thời đưa tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về diễn biến, nguy cơ dịch bệnh và biện pháp phòng, chống để người dân chủ động thực hiện, tránh gây hoang mang trong xã hội.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các địa điểm buôn bán, giết mổ trâu bò; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ trâu bò, sản phẩm trâu bò nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn trâu bò, nếu phát hiện trâu bò ốm, chết có triệu chứng nghi bệnh VDNC, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các phòng, ban, đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh VDNC theo theo quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh.
Chỉ đạo tăng cường áp dụng các biện pháp phòng dịch như tiêm phòng vắc xin, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc bằng hóa chất, vôi bột, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ, chăn nuôi an toàn.
Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng kinh phí và nhân lực để triển khai ngay công tác chống dịch bệnh VDNC khi có dịch xảy ra.
Căn cứ dự toán kinh phí chi cho công tác phòng chống dịch bệnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp hàng năm, Sở Tài chính thẩm định dự toán theo thứ tự ưu tiên, phát sinh hợp lý phù hợp với tình hình thực tế trên cơ sở định mức chi tiêu tài chính và khả năng cân đối ngân sách tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí phòng chống dịch bệnh theo quy định.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường: chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các địa phương hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường phục vụ công tác phòng chống bệnh VDNC.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở thông tin kịp thời, chính xác cho người dân diễn biến tình hình dịch bệnh theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt trâu bò, tránh gây hoang mang trong xã hội. Tuyên truyền khuyến cáo người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ trâu bò, sản phẩm trâu bò không rõ nguồn gốc, nhập lậu, nghi nhập lậu.
6. Sở Giao thông vận tải: phối hợp với lực lượng công an và các tổ chức, lực lượng có liên quan khác trong việc phòng ngừa và xử lý các vi phạm về vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc tại bến xe, đầu mối giao thông trên địa bàn tỉnh.
7. Các sở, ngành liên quan: theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với ngành chuyên môn, chính quyền địa phương theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh động vật theo quy định.
8. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: chỉ đạo trong hệ thống từ tỉnh đến cơ sở, vận động các hội viên, đoàn viên thực hiện công tác phòng, chống dịch cho đàn vật nuôi trong gia đình.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
PHỤ LỤC 1. DỰ TOÁN KINH PHÍ KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG
BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÂU BÒ NĂM 2021
TT | Nội dung | ĐVT | Số lượng | Đơn giá | Số đợt | Tổng cộng | Cơ sở áp dụng |
A | Nội dung thực hiện |
|
|
|
|
|
|
| Số huyện tiêm phòng: | huyện | 8 |
|
|
|
|
| Số xã tiêm phòng | xã | 118 |
|
|
|
|
| Tổng đàn tiêm phòng trâu, bò < 10 con (UBND huyện thống kê ngày 30/10/2020) | con | 50.624 |
| 1 | 50.624 |
|
| Diện tiêm (Khoảng 80% tổng đàn) | con | 40.500 |
| 1 | 40.500 |
|
| Vắc xin hao hụt (=3%/số tiêm) | liều | 1.200 |
| 1 | 1.200 |
|
| Tổng số vắc xin cần dùng | liều 1 | 41.700 |
| 1 | 41.700 |
|
| Số gia súc phản ứng (=2%/số tiêm) | con | 810 |
| 1 | 810 |
|
| Số gia súc bị phản ứng chết (=1/15.000 số tiêm) | con | 3 |
| 1 | 3 |
|
B | Kinh phí thực hiện |
|
|
|
|
|
|
I | Ngân sách tỉnh |
|
|
|
| 1.605.000.000 |
|
1 | Kinh phí mua vắc xin VDNC | liều | 41.700 | 35.000 |
| 1.459.500.000 | Theo báo giá |
2 | Hỗ trợ tiền thuốc chống phản ứng (20.000đ/con) | con | 810 | 20.000 | 1 | 16.200.000 | Theo thực tế |
3 | Vật tư dụng cụ tiêm phòng |
|
|
|
| 29.736.000 | Theo báo giá |
|
- Kim tiêm đốc sắt thú y cỡ 16 ngắn (10 cây/xã x 118 xã) | cây | 1.180 | 1.200 | 1 | 1.416.000 |
|
| - Găng tay y tế (50 đôi/01 hộp/xã) | Hộp 1 | 118 | 150.000 | 1 | 17.700.000 |
|
| - Khẩu trang y tế (50 cái/01 hộp/xã) | Hộp 1 | 118 | 90.000 | 1 | 10.620.000 |
|
4 | Giấy chứng nhận TP (Số hộ *10%) | tờ | 17.400 | 300 | 1 | 5.220.000 | Theo báo giá |
5 | Vận chuyển vắc xin từ tỉnh xuống các huyện, xăng xe ô tô chỉ đạo, kiểm tra, văn phòng phẩm, photocopy, dự phòng cấp tỉnh |
|
|
|
| 30.784.000 |
|
5.1 | Công tác phí, xăng xe ô tô vận chuyển vắc xin từ tỉnh xuống huyện |
|
|
|
| 9.500.000 |
|
| - Vận chuyển vắc xin từ tỉnh đến huyện |
|
|
|
| 3.400.000 |
|
| Thuê xe vận chuyển đến Khánh Sơn, Cam Ranh, Cam Lâm (01 ngày x 1.800.000 đồng/ngày) | ngày | 1 | 1.800.000 | 1 | 1.800.000 |
|
| Thuê xe vận chuyển đến Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Vạn Ninh, Ninh Hoà (01 ngày x 1.600.000 đồng/ngày) | ngày | 1 | 1.600.000 | 1 | 1.600.000 |
|
| - Công tác phí (01 người/ngày x 02 ngày x 100.000/ngày) | ngày | 2 | 100.000 | 1 | 200.000 |
|
| - Vận chuyển bảo quản đến huyện, xã | xã | 118 | 50.000 | 1 | 5.900.000 |
|
5.2 | Công tác phí, xăng xe ô tô (Lãnh đạo, cán bộ địa bàn, kiểm tra) | huyện |
|
|
| 9.200.000 |
|
| - Thuê xe kiểm tra tại huyện Khánh Sơn, Cam Ranh, Cam Lâm (02 ngày x 2.200.000 đồng/ngày) | ngày | 2 | 2.200.000 | 1 | 4.400.000 |
|
| - Thuê xe kiểm tra tại huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Vạn Ninh, Ninh Hoà (02 ngày x 1.800.000 đồng/ngày) | ngày | 2 | 1.800.000 | 1 | 3.600.000 |
|
| - Công tác phí (3 người/ngày x 04 ngày x 100.000đ/ngày) | ngày | 12 | 100.000 | 1 | 1.200.000 |
|
5.3 | Công tác phí, xăng xe cán bộ Chi cục kiểm tra tiêm phòng, giám sát dịch bệnh và lấy mẫu |
|
|
|
| 3.802.000 |
|
| - Xăng xe |
|
|
|
| 2.442.000 |
|
| Khánh Sơn (02 ngày x 280 km x 20 km/lít) | lít | 28 | 22.000 | 1 | 616.000 |
|
| Khánh Vĩnh (02 ngày x 130 km x 20 km/lít) | lít | 13 | 22.000 | 1 | 286.000 |
|
| Cam Ranh (02 ngày x 160 km x 20 km/lít) | lít | 16 | 22.000 | 1 | 352.000 |
|
| Cam Lâm (02 ngàyx 130 km x 20 km/lít) | lít | 13 | 22.000 | 1 | 286.000 |
|
| Nha Trang (02 ngày x 60 kmx 01 L/20 km) | lít | 6 | 22.000 | 1 | 132.000 |
|
| Ninh Hòa (02 ngày x 130 km x 20 km/lít) | lít | 13 | 22.000 | 1 | 286.000 |
|
| Diên Khánh (02 ngày x 60 km x 01 L/20 km) | lít | 6 | 22.000 | 1 | 132.000 |
|
| Vạn Ninh (02 ngày x 160 km x 20 km/lít) | lít | 16 | 22.000 | 1 | 352.000 |
|
| - Công tác phí |
|
|
|
| 1.360.000 |
|
| Công tác phí huyện miền núi (01 người x 2 ngày/đợt x 2 huyện x 100.000/ngày) | ngày | 4 | 100.000 | 1 | 400.000 |
|
| Công tác phí huyện đồng bằng (01 người x 2ngày/đợt x 6 huyện x 80.000/ngày) | ngày | 12 | 80.000 | 1 | 960.000 |
|
5.4 | Công tác phí và xăng xe cho cán bộ Trạm kiểm tra tiêm phòng, giám sát dịch bệnh và lấy mẫu |
|
|
|
| 5.160.000 |
|
| - Xăng xe máy 08 huyện (05 ngày/huyện x 40 km x 20 km/lít x 8 huyện) | lít | 80 | 22.000 | 1 | 1.760.000 | Theo quy chế chi tiêu nội bộ |
| - Công tác phí 2 huyện miền núi KS, KV (01 người/ngày x 05 ngày x 100.000/ngày) | ngày | 5 | 100.000 | 2 | 1.000.000 | |
| - Công tác phí 06 huyện đồng bằng (01 người/ngày x 05 ngày x 80.000/ngày) | ngày | 5 | 80.000 | 6 | 2.400.000 | |
5.5 | Văn phòng phẩm |
|
|
|
| 3.122.000 | Thực tế |
6 | Kinh phí giám sát | lần |
|
| 1 | 63.560.000 |
|
| Số lượng mẫu lấy | mẫu | 100 |
|
|
|
|
6.1 | Chi phí đi lấy và gửi mẫu |
|
|
|
| 8.900.000 |
|
| - Tiền công cán bộ lấy mẫu | mẫu | 100 | 28.000 | 1 | 2.800.000 | TT 283/ 2016/BTC |
| - Chi phí gửi mẫu từ huyện đến Chi cục Chăn nuôi và Thú y | chuyến | 50 | 50.000 | 1 | 2.500.000 | Theo thực tế |
| - Chi phí gửi mẫu đến Chi cục Thú y Vùng VI để xét nghiệm | chuyển | 30 | 120.000 | 1 | 3.600.000 | |
6.2 | Dụng cụ lấy mẫu |
|
|
|
| 2.460.000 |
|
| - Găng tay y tế (50 đôi/hộp) | Hộp | 2 | 150.000 |
| 300.000 | Theo thực tế |
| - Lọ nhựa tròn có nắp vặn 10ml | cải | 60 | 4.000 |
| 240.000 | |
| - Bơm tiêm nhựa 10 ml | cái | 50 | 1.500 |
| 75.000 | |
| - Kim đốc hồng 18Gx1.1/2" | cây | 50 | 900 |
| 45.000 | |
| - Ống đựng có chất chống đông EDTA 0,5% | cái | 50 | 3.000 |
| 150.000 | |
| - Hộp xốp bảo quản mẫu | cái | 50 | 25.000 |
| 1.250.000 | |
| - Bông, cồn, đá | huyện | 8 | 50.000 |
| 400.000 | |
6.3 | Chi phí xét nghiệm mẫu |
|
|
|
| 52.200.000 |
|
| - Phát hiện vi rút bệnh VDNC bằng phương pháp RT-PCR | mẫu | 100 | 522.000 |
| 52.200.000 |
|
II | Ngân sách huyện |
|
|
|
| 1.162.700.000 |
|
1 | Hỗ trợ công tác tổ chức tiêm phòng (5 người/4 ngày/xã* 2000.000 đồng/ngày * 118 xã) | ngày | 20 | 200.000 | 118 | 472.000.000 | QĐ 987/QĐ-UBND ngày 8/4/2019 |
2 | Kinh phí xây dựng chuồng ép (04 chuồng/xã * 1.000.000đ/chuồng * 118 xã) | chuồn g | 4 | 1.000.000 | 118 | 472.000.000 | Thực tế |
3 | Tiền công tiêm phòng | con | 40.500 | 4.400 | 1 | 178.200.000 | TT 283/ 2016/BTC |
4 | Tiền hỗ trợ gia súc bị phản ứng chết (300kg/con *45.000đ/kg= 13.500.000 đồng/con) | con | 3 | 13.500.000 | 1 | 40.500.000 | QĐ 2229/ QĐ-UBND ngày 4/8/2017 |
III | Dự kiến kinh phí người chăn nuôi (tổng đàn trên 10 con - tiền công và vắc xin) | con | 15.487 | 50.000 | 1 | 774.350.000 |
|
| Tổng kinh phí |
|
|
|
| 3.542.050.000 |
|
Bằng chữ: Ba tỷ, năm trăm bốn mươi hai triệu, không trăm năm mươi nghìn đồng.
PHỤ LỤC 2. BẢNG TỔNG HỢP TỔNG ĐÀN TRÂU BÒ THÁNG 10/2020 (THỐNG KÊ CỦA UBND CẤP HUYỆN)
TT | Huyện | Trâu, bò | Tổng số hộ | Tổng số con | |||
< 10 con | ≥ 10 con | ||||||
Số hộ | Số con | Số hộ | Số con |
|
| ||
1 | Vạn Ninh | 1,429 | 5,365 | 164 | 3,188 | 1,593 | 8,553 |
2 | Ninh Hòa | 6,350 | 21,787 | 295 | 4,263 | 6,645 | 26,050 |
3 | Nha Trang | 131 | 820 | 20 | 499 | 151 | 1,319 |
4 | Diên Khánh | 880 | 2,850 | 39 | 670 | 919 | 3,520 |
5 | Cam Lâm | 1,811 | 4,539 | 40 | 502 | 1,851 | 5,041 |
6 | Cam Ranh | 1,451 | 4,947 | 380 | 4,442 | 1,831 | 9,389 |
7 | Khánh Sơn | 1,761 | 4,172 | 4 | 304 | 1,765 | 4,476 |
8 | Khánh Vĩnh | 2,031 | 6,144 | 26 | 1,619 | 2,057 | 7,763 |
Tổng cộng | 15,844 | 50,624 | 968 | 15,487 | 16,812 | 66,111 |
- 1Quyết định 1656/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 2Kế hoạch 130/KH-UBND năm 2021 về chủ động phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 3Kế hoạch 98/KH-UBND năm 2021 về Kế hoạch phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 4Quyết định 2301/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch và kinh phí thực hiện tiêm phòng vắc xin và xử lý trâu bò bị chết do mắc bệnh Viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2021
- 5Kế hoạch 6518/KH-UBND năm 2021 về phòng chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022-2025
- 6Kế hoạch 233/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2022-2030
- 1Luật thú y 2015
- 2Quyết định 16/2016/QĐ-TTg quy định việc thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5Thông tư 283/2016/TT-BTC quy định khung giá dịch vụ tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng cho động vật, chẩn đoán thú y và dịch vụ kiểm nghiệm thuốc dùng cho động vật do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 6Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh
- 7Quyết định 2229/QĐ-UBND năm 2017 mức hỗ trợ cụ thể giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- 8Công điện 631/CĐ-TTg năm 2021 về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò do Thủ tướng Chính phủ điện
- 9Công văn 2271/BNN-TY năm 2021 về tập trung nguồn lực kiểm soát dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 10Quyết định 1656/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 11Kế hoạch 130/KH-UBND năm 2021 về chủ động phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 12Kế hoạch 98/KH-UBND năm 2021 về Kế hoạch phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 13Công văn 2746/BNN-TY năm 2021 về tập trung chỉ đạo kiểm soát dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 14Quyết định 2301/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch và kinh phí thực hiện tiêm phòng vắc xin và xử lý trâu bò bị chết do mắc bệnh Viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2021
- 15Kế hoạch 6518/KH-UBND năm 2021 về phòng chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022-2025
- 16Kế hoạch 233/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2022-2030
Kế hoạch 8433/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu, bò trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- Số hiệu: 8433/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 30/08/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
- Người ký: Đinh Văn Thiệu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/08/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra