Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 84/KH-UBND

Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRỒNG CÂY, TRỒNG RỪNG GIAI ĐOẠN 2021-2025 TẠI CÁC HUYỆN, THỊ XÃ SƠN TÂY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 524/QĐ-TTG NGÀY 01/4/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TRỒNG MỘT TỶ CÂY XANH GIAI ĐOẠN 2021-2025”

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Căn cứ Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”;

Căn cứ Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào Tết trồng cây và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021”;

Căn cứ Kế hoạch số 2616/KH-BNNPTNT-TCLN ngày 07/5/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”;

Căn cứ Kế hoạch số 400a/KH-TWĐTN-TNNT ngày 16/7/2021 của Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về triển khai Chương trình” Vì một Việt Nam xanh” giai đoạn 2021-2025” thực hiện đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”;

Căn cứ Kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán của các huyện, thị xã giai đoạn 2021-2025;

Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức “Trồng cây, trồng rừng giai đoạn 2021-2025 tại các huyện, thị xã Sơn Tây trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ” với các nội dung sau:

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ tại địa bàn các huyện, thị xã Sơn Tây trên địa bàn thành phố Hà Nội góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững rừng trên địa bàn thành phố Hà Nội;

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư và người dân đối với công tác phát triển rừng và trồng cây xanh; qua đó thấy rõ được vai trò của cây xanh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn hiến, văn minh, hiện đại;

- Phấn đấu trồng gần 2.900.000 cây xanh, trong đó: Trồng mới khoảng 565 ha rừng (tương ứng 847.500 cây); Trồng bổ sung làm giàu rừng 190 ha tương ứng 95.000 cây) và hơn 1.900.000 cây phân tán trên địa bàn các huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025. Qua đó góp phần làm tăng tỷ lệ cây xanh từ 8-10 m2/người và nâng tỷ lệ độ che phủ rừng từ 5,67% lên 6,2% vào năm 2025.

2. Yêu cầu

- Việc trồng cây, trồng rừng theo đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” cần được lồng ghép với chương trình trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ tổ chức tại các địa phương vào đầu Xuân hàng năm. Việc tổ chức phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, nhằm tuyên truyền, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.

- Khuyến khích trồng cây bản địa, cây trồng phải đảm bảo sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất đai của Hà Nội và phải được bảo vệ chăm sóc đúng kỹ thuật.

- Trồng cây xanh phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Đối tượng

Thực hiện chủ yếu là trồng cây xanh phân tán (bao gồm cây bóng mát, cây lấy gỗ và cây lâm nghiệp trồng phân tán) và một phần diện tích trồng rừng tập trung (gồm trồng rừng phòng hộ bằng cây bản địa, trồng mới rừng sản xuất là rừng gỗ lớn).

2. Phạm vi

Trồng cây xanh phân tán, trồng rừng phòng hộ và trồng mới rừng sản xuất với mục đích gỗ lớn (không bao gồm trồng rừng thay thế và trồng rừng tái canh sau khai thác gỗ) trong phạm vi các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

IV. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

Tiến độ trồng cây xanh giai đoạn 2021-2025:

Năm

Chỉ tiêu trồng cây xanh theo tiến độ

Tổng số

Trong đó

Trồng phân tán (cây)

Trồng rừng tập trung

ha

Quy ra cây

2021

385.350

254.350

93

140.000

2022

618.332

421.582

161

196.750

2023

612.058

419.211

151

192.847

2024

618.913

417.148

164

201.765

2025

632.419

421.904

186

210.515

 

2.867.072

1.934.195

755

941.877

(Có phụ biểu chỉ tiêu thực hiện của từng địa phương kèm theo).

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Rà soát quỹ đất, xây dựng kế hoạch

- Trên cơ sở Kế hoạch của các địa phương, các Sở, ngành của Thành phố đã xây dựng tiến hành tổ chức, rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đất trồng mới rừng sản xuất gỗ lớn; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, khu dân cư, công sở, đường giao thông; đất có thể trồng cây xanh nông thôn; xây dựng kế hoạch chi tiết trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025 để huy động nguồn vốn.

- Đảm bảo diện tích đất đai thuộc các đối tượng trồng cây phân tán phải có chủ quản lý cụ thể, rõ ràng. Diện tích đất có khả năng trồng cây thuộc các tổ chức và hộ gia đình thì các tổ chức và hộ gia đình có trách nhiệm quản lý và có kế hoạch cụ thể để trồng cây hàng năm. Tổ chức giao, khoán, cho thuê diện tích đất công, các công trình công cộng, đường xá, bờ kênh mương thủy lợi... cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức; trong đó ưu tiên cho các hội, đoàn thể quần chúng đăng ký và trồng cây phân tán.

2. Về cây giống

- Căn cứ kế hoạch trồng cây hàng năm, các địa phương chủ động gieo ươm, chuẩn bị đủ số lượng cây giống có chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể. Địa phương nào không có điều kiện gieo ươm thì liên hệ các tổ chức chuyên cung cấp giống cây lâm nghiệp, cây xanh trên địa bàn để được cung ứng kịp thời.

- Đối với loài cây trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán vùng nông thôn: lựa chọn áp dụng theo Danh mục các loài cây chủ lực trồng rừng sản xuất và Danh mục các loài cây chủ yếu trồng rừng theo các vùng sinh thái lâm nghiệp theo Quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN ngày 17/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và đề xuất những loài cây bản địa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của thành phố Hà Nội.

- Tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng rừng có năng suất cao, sức chống chịu tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên sử dụng cây bản địa, cây gỗ lớn lâu năm, cây đa tác dụng.

3. Về kỹ thuật

- Đối với rừng phòng hộ bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư: Trồng rừng ở nơi đất trống, không có khả năng tái sinh tự nhiên thành rừng; trồng hỗn giao nhiều loài cây bản địa, loài cây đa tác dụng, cây lâm sản ngoài gỗ.

- Đối với rừng sản xuất: Hình thành vùng rừng trồng tập trung, áp dụng công nghệ sinh học hiện đại và kỹ thuật thâm canh rừng để nâng cao năng suất rừng trồng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản. Khuyến khích sử dụng các loài cây bản địa; trồng rừng hỗn giao, kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi có điều kiện thích hợp.

- Đối với trồng cây xanh phân tán:

+ Khu vực đô thị: Lựa chọn loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái gây trồng của từng địa phương, từng khu vực cụ thể. Tổ chức trồng, chăm sóc cây theo quy trình trồng cây xanh đô thị và áp dụng thâm canh cao để cây đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt, sớm phát huy tác dụng, cảnh quan. Thực hiện thiết kế, trồng cây xanh theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012.

+ Khu vực nông thôn: Lựa chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa, tập quán canh tác; ưu tiên trồng cây bản địa lâu năm, cây gỗ lớn, trồng cây đa mục đích.

- Tổ chức trồng, chăm sóc rừng và cây xanh theo tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể của từng loài cây.

- Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong việc trồng, chăm sóc cây xanh bảo đảm việc trồng, chăm sóc và phát triển cây xanh hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về trồng, chăm sóc, phát triển cây xanh trồng tập trung và cây xanh phân tán.

Tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh, trong đó:

- Tăng cường huy động vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh thông qua các dự án tài trợ hoặc sáng kiến thành lập quỹ trồng cây xanh của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, tập đoàn kinh tế,... sử dụng để mua vật tư, cây giống hỗ trợ cho các phong trào, dự án trồng cây phân tán.

- Kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, trồng cây xanh.

- Ngoài sự đóng góp về vốn để mua vật tư, cây giống; tích cực huy động nguồn lực về lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.

4. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức

- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp giá trị kinh tế.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, nâng chỉ tiêu trồng cây phân tán hàng năm cao gấp 2-3 lần so với bình quân giai đoạn 2016-2020.

- Phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành, chủ rừng và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây xanh.

- Tiếp tục xây dựng các tài liệu tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng phòng hộ và trồng, chăm sóc cây xanh đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

- Phát động phong trào thi đua như “Ngày Chủ Nhật xanh”, “Ngày Chủ Nhật nông thôn mới”, “Màu xanh cho tương lai”... để kêu gọi, vận động toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội. Đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành và mọi người dân.

5. Nguồn kinh phí

Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch bao gồm: Ngân sách nhà nước (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên); các nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Trong đó:

- Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư trồng rừng phòng hộ, trồng rừng đặc dụng, trồng cây xanh công cộng đô thị phục vụ lợi ích cộng đồng, hỗ trợ trồng mới rừng sản xuất, hỗ trợ giống cây lâm nghiệp phân tán, tuyên truyền, kiểm tra giám sát tình hình thực hiện kế hoạch; được quản lý và thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công đảm bảo với phân cấp ngân sách và pháp luật hiện hành.

- Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước: Được thực hiện theo quy định của pháp luật đối với từng nguồn vốn.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Hướng dẫn, phối hợp UBND các huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đúng theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thành phố. Giới thiệu các cơ sở, đơn vị chuyên cung cấp cây giống, vật tư kỹ thuật đảm bảo đúng chủng loại, chất lượng và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây để các đơn vị và nhân dân biết, chủ động thực hiện.

- Phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức duy trì và thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” hàng năm.

- Phối hợp Sở Xây dựng kiểm tra giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch trên địa bàn Thành phố.

2. Sở Xây dựng

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc quy hoạch xây dựng, trong đó bảo đảm không gian quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, diện tích đất cho phát triển cây xanh sử dụng công cộng theo các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 01:2019/BXD; TCVN 9257:2012) và các quy định hiện hành về giao thông.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương: Kiểm tra giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch trên địa bàn Thành phố và thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” hàng năm theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố.

3. Sở Tài Nguyên và Môi trường

Chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch sử dụng đất cho phát triển rừng và trồng cây xanh, bảo đảm ổn định, lâu dài, đúng mục đích; dành quỹ đất cho phát triển cây xanh, bảo đảm các tiêu chuẩn diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng theo quy định.

4. Sở Giao thông vận tải

Phối hợp với Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Xây dựng trong công tác xây dựng các đồ án quy hoạch, các dự án đầu tư xây dựng trong khu vực phát triển đô thị. Phối hợp và hướng dẫn các địa phương trồng cây xanh dọc theo các tuyến đường ngoại thành và giao thông nông thôn, đảm bảo cảnh quan, bóng mát phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ.

5. Sở Tài chính

Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố cân đối nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch được UBND Thành phố phê duyệt theo quy định.

6. Thành đoàn Hà Nội

Tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 400a/KH-TWĐTN-TNNT ngày 16/7/2021 của Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về triển khai Chương trình” Vì một Việt Nam xanh” giai đoạn 2021-2025” thực hiện đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”, cụ thể:

- Tổ chức trồng mới cây xanh theo chỉ tiêu phân bổ của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.

- Tổ chức cho Đoàn viên, thanh niên trồng cây hàng năm, triển khai các đợt cao điểm trồng cây xanh như Tết trồng cây, Ngày thứ Bảy tình nguyện, Ngày môi trường thế giới; Giao trách nhiệm cụ thể cho cơ sở Đoàn, đoàn viên đảm bảo chăm sóc bảo vệ tốt cây trồng mới.

7. Các sở, ban, ngành Thành phố

- Căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ Thành phố giao.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ, chiến sỹ, nhân viên ngành tích cực tham gia trồng cây xanh, trồng rừng tại các khuôn viên trường học, trụ sở, khu nhà ở, các diện tích đất trống khác...

8. Các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, hiệp hội

- Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động thành viên tổ chức tham gia trồng cây, trồng rừng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây xanh.

- Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng về mục đích, ý nghĩa của việc trồng và bảo vệ rừng, cây xanh; động viên, khuyến khích, kêu gọi toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội.

- Vận động, hướng dẫn quần chúng, nhân dân ký các cam kết, hương ước về bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh môi trường.

- Huy động nguồn vốn trong các tổ chức, doanh nghiệp, quyên góp của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng cho phát triển cây xanh.

- Triển khai các hoạt động tình nguyện tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, phát triển rừng bền vững.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã

- Tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đất trồng mới rừng sản xuất gỗ lớn; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn; xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025.

- Kêu gọi, huy động các tổ chức, doanh nghiệp tham gia, chung tay đóng góp thực hiện trồng cây xanh vì cộng đồng,...

- Chủ động chuẩn bị đủ cây giống có chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể theo kế hoạch, dự án được duyệt.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án phát triển cây xanh trên địa bàn. Giao chỉ tiêu kế hoạch trồng cây hàng năm cho các địa phương, cơ quan, đơn vị và từng khu dân cư. Tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.

- Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, giám sát, phân công trách nhiệm cho các địa phương, tổ chức, đoàn thể trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý rừng và cây xanh.

- Hàng năm tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, biểu dương khen thưởng, nhân rộng điển hình những tổ chức, cá nhân làm tốt; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi phá hoại rừng, cây xanh./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (b/c)
- Đ/c Bí thư Thành ủy; (b/c)
- Thường trực Thành ủy; (b/c)
- Các PCT UBND Thành phố;
- UBMTTQ Việt Nam Thành phố;
- Văn phòng: Thành ủy, HĐND TP;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP;
- Báo HNM, KT&ĐT, Đài PTTH HN;
- VPUB: CVP, các PCVP, KT, ĐT, TKBT,
KGVX, NC, QTTV;
- Lưu VT, KT.

TM. UBND THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Quyền

 

PHỤ LỤC:

CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH TRỒNG CÂY, TRỒNG RỪNG CỦA CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, ĐƠN VỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2022 của UBND thành phố Hà Nội)

ĐVT: cây

TT

Huyện, thị xã

2021

2022

2023

2024

2025

Tổng cộng

Cây phân tán (Bóng mát, lấy gỗ)

Trồng rừng (quy ra cây)

Cộng

Cây phân tán (Bóng mát, lấy gỗ)

Trồng rừng (quy ra cây)

Cộng

Cây phân tán (Bóng mát, lấy gỗ)

Trồng rừng (quy ra cây)

Cộng

Cây phân tán (Bóng mát, lấy gỗ)

Trồng rừng (quy ra cây)

Cộng

Cây phân tán (Bóng mát, lấy gỗ)

Trồng rừng (quy ra cây)

Cộng

 

HUYỆN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Ba Vì

39.000

0

39.000

2.000

7.500

9.500

2.000

7.500

9.500

2.000

7.500

9.500

2.000

7.500

9.500

77.000

2

Thanh Oai

3.200

0

3.200

3.000

 

3.000

3.500

 

3.500

3.500

 

3.500

4.000

0

4.000

17.200

3

Quốc Oai

2.000

30.000

32.000

1.100

40.000

41.100

750

40.000

40.750

500

40.000

40.500

500

40.000

40.500

194.850

4

Thạch Thất

10.000

50.000

60.000

10.000

75.000

85.000

10.000

75.000

85.000

10.000

75.000

85.000

10.000

75.000

85.000

400.000

5

Chương Mỹ

4.885

38.200

43.085

4.885

30.000

34.885

4.885

30.000

34.885

4.885

30.000

34.885

4.885

30.000

34.885

182.625

6

Phúc Thọ

1.200

0

1.200

1.400

0

1.400

1.500

0

1.500

1.450

0

1.450

1.450

0

1.450

7.000

7

Đan Phượng

1.250

0

1.250

913

0

913

920

0

920

927

0

927

930

 

930

4.940

8

Hoài Đức

5.000

0

5.000

12.000

0

12.000

10.000

0

10.000

10.000

0

10.000

10.000

0

10.000

47.000

9

Ứng Hòa

9.000

0

9.000

9.000

0

9.000

9.000

0

9.000

9.000

0

9.000

9.000

0

9.000

45.000

10

Phú Xuyên

15.000

0

15.000

30.000

0

30.000

30.000

0

30.000

30.000

0

30.000

30.000

0

30.000

135.000

11

Thường Tín

5.900

0

5.900

6.558

0

6.558

5.526

0

5.526

6.250

0

6.250

8.044

0

8.044

32.278

12

Mỹ Đức

3.200

6.800

10.000

1.465

7.250

8.715

1.380

8.347

9.727

1.535

8.265

9.800

1.945

9.015

10.960

49.202

13

Mê Linh

1.215

0

1.215

4.000

0

4.000

4.000

0

4.000

0

4.000

4.000

4.000

0

4.000

17.215

14

Đông Anh

20.000

0

20.000

20.000

0

20.000

20.000

0

20.000

20.000

0

20.000

20.000

0

20.000

100.000

15

Sóc Sơn

9.800

 

9.800

4.500

7.000

11.500

4.500

7.000

11.500

4.000

7.000

11.000

4.000

14.000

18.000

61.800

16

Gia Lâm

6.200

0

6.200

400

0

400

800

0

800

800

0

800

800

0

800

9.000

17

Thanh Trì

3.500

0

3.500

411

0

411

500

0

500

2.351

0

2.351

400

0

400

7.162

18

TX Sơn Tây

5.000

7.500

12.500

30.000

7.500

37.500

30.000

7.500

37.500

30.000

7.500

37.500

30.000

7.500

37.500

162.500

 

NGÀNH, ĐƠN VỊ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ban QLR PH DD HN

0

 

0

0

15.000

15.000

0

10.000

10.000

0

15.000

15.000

0

20.000

20.000

60.000

 

Thành Đoàn Hà Nội

90.000

0

90.000

269.950

0

269.950

269.950

0

269.950

269.950

0

269.950

269.950

0

269.950

1.169.800

 

BTL Thủ đô HN

10.000

7.500

17.500

10.000

7.500

17.500

10.000

7.500

17.500

10.000

7.500

17.500

10.000

7.500

17.500

87.500

 

Tổng cộng

245.350

140.000

385.350

421.582

196.750

618.332

419.211

192.847

612.058

417.148

201.765

618.913

421.904

210.515

632.419

2.867.072

Ghi chú:

- Quy đổi 01 ha rừng trồng tương ứng 1.500 cây; đối với Ban Quản lý rừng Phòng hộ Đặc dụng trồng bổ sung làm giàu rừng quy đổi 1 ha tương ứng 500 cây:

- Đối với 05 huyện có đề án lên Quận: Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Gia Lâm thì số lượng cây đô thị do Sở Xây dựng tổng hợp theo quy định của Thành phố.

- Năm 2021: Các huyện, thị xã, đơn vị đã trồng cây, trồng rừng theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 84/KH-UBND năm 2022 về trồng cây, trồng rừng giai đoạn 2021-2025 tại các huyện, thị xã Sơn Tây trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện Quyết định 524/QĐ-TTg phê duyệt đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 84/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 15/03/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản