Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 837/KH-UBND | Phú Thọ, ngày 15 tháng 03 năm 2023 |
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ các Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh: số 407/KH-UBND ngày 15 tháng 02 năm 2023 triển khai thực hiện Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 31 tháng 8 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; số 2870/KH-UBND ngày 27 tháng 7 năm 2022 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; số 4971/KH-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2021 về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại văn bản số 222/SNN-VPĐP ngày 20 tháng 02 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, nội dung cụ thể như sau:
1. Mục tiêu chung: Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
- Phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu có ít nhất 4-6 điểm du lịch nông thôn được công nhận, gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch;
- Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số;
- Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch;
- Phấn đấu mỗi huyện đạt chuẩn nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng được ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù;
- Có tối thiểu 50% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 60% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn tỉnh.
Định hướng, bố trí và tổ chức không gian lãnh thổ các khu du lịch, điểm du lịch nông thôn, đặc biệt lựa chọn các điểm du lịch cộng đồng theo bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của từng dân tộc, từng vùng, phù hợp với vị trí địa lý, tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh và các địa phương: Điểm du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn; điểm du lịch Đình cổ Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì; các điểm du lịch gắn với vùng bưởi đặc sản Đoan Hùng; các điểm du lịch gắn với vùng sản xuất chè tập trung; các điểm du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc của huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập; các điểm du lịch ven các vùng đô thị của Việt Trì,…trong đó tập trung:
- Thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch vừa bảo tồn bản sắc truyền thống các dân tộc vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái; tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường;
- Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, hệ thống điện và nước sạch, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải…) tại các điểm du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa vùng miền;
- Bố trí và xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông sản đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm,… đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ khách du lịch.
- Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến (quản lý khách du lịch, quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn,…).
(Chi tiết theo Phụ lục kèm theo)
2. Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền
- Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách (theo khách quốc tế, nội địa; theo độ tuổi,…) như: du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, lễ hội truyền thống vùng Đất Tổ…. Đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch;
- Hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ, kiến trúc, cảnh quan, không gian văn hóa đảm bảo chất lượng dịch vụ, hạn chế tác động đến môi trường, mang đặc trưng riêng của từng dân tộc;
- Hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị các làng nghề, trang phục truyền thống, ẩm thực dân tộc; phát triển các nghệ nhân; truyền dạy văn hóa văn nghệ; bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng;
- Xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống,… gắn với du lịch nông thôn.
3. Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng
- Nâng cao chất lượng cán bộ quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông thôn; nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch thông qua hỗ trợ tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh;
- Xây dựng tài liệu hướng dẫn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; chuyên nghiệp hóa việc cung cấp, kiểm tra, kiểm soát dịch vụ du lịch có chất lượng và công tác quản lý điểm du lịch nông thôn.
4. Truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch nông thôn
- Xây dựng, triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương; xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn;
- Tăng cường nghiên cứu, xây dựng các công cụ, phương thức, nội dung xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn phù hợp với các loại hình du lịch và các đối tượng du khách; ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện cho xúc tiến quảng bá các điểm du lịch nông thôn, sản phẩm du lịch nông thôn, tiếp cận các thị trường du lịch, kết nối với khách hàng mục tiêu;
- Tập trung hỗ trợ, tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã, huyện nông thôn mới có tiềm năng phát triển du lịch với các công ty lữ hành để chào bán các sản phẩm du lịch nông thôn cho khách du lịch nội địa và quốc tế.
- Xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch làng thông minh, du lịch không phát thải. Ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc cho từng vùng miền để tổng kết, đánh giá và nhân rộng ở những địa bàn có điều kiện;
- Xây dựng và chuẩn hóa các sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng nhằm góp phần thực hiện chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn, đánh giá, chấm điểm sản phẩm OCOP hàng năm;
- Nâng cao ý thức và trách nhiệm của mọi tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch (nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, cộng đồng và du khách,…) trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; có áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số;
- Huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
1. Hoàn thiện văn bản hướng dẫn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn
- Ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phù hợp với tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch nông nghiệp của từng địa phương. Ưu tiên lồng ghép xây dựng các điểm du lịch nông thôn theo định hướng của Bộ tiêu chí OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch;
- Rà soát, tích hợp và bổ sung định hướng phát triển du lịch nông thôn vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp huyện, xã giai đoạn 2021 - 2025.
2. Tuyên truyền, tập huấn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn
- Tổ chức các đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tiềm năng, vai trò, yêu cầu trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ quản lý; các tổ chức, cộng đồng về du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới;
- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp với từng đối tượng (cán bộ quản lý cấp xã, chủ thể và cộng đồng…có tiềm năng về du lịch nông nghiệp, nông thôn) về kiến thức phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, kỹ năng và nghiệp vụ về du lịch.
3. Hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn
- Xác định địa điểm, nội dung và đánh giá tiềm năng về du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với hoạt động nông nghiệp, làng nghề, ẩm thực, văn hóa…; xây dựng các công cụ câu chuyện sản phẩm nhằm giới thiệu, quảng bá cho các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn;
- Hỗ trợ xây dựng một số mô hình chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường; ưu tiên phát triển các mô hình du lịch sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ, huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, tạo hiệu ứng lan tỏa.
4. Triển khai ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn
- Xây dựng cơ sở dữ liệu số về du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với hoạt động quảng bá du lịch nông thôn;
- Hỗ trợ số hóa các điểm đến và xây dựng bản đồ số kết nối mạng lưới điểm đến về du lịch nông nghiệp, nông thôn tỉnh; tổ chức thí điểm và vận hành trải nghiệm du lịch nông thôn áp dụng thực tế ảo.
5. Xây dựng các hoạt động quảng bá, giới thiệu về du lịch nông nghiệp, nông thôn
- Tổ chức sự kiện, diễn đàn giới thiệu và kết nối cung - cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là lồng ghép với các sự kiện về văn hóa, chương trình kết nối nông sản và Chương trình OCOP;
- Hỗ trợ kết nối khách du lịch lữ hành gắn với các điểm đến về du lịch nông nghiệp, nông thôn, từng bước hình thành mạng lưới kết nối cung - cầu về du lịch nông nghiệp, nông thôn; xây dựng tour tuyến du lịch để đưa du khách đến thăm quan, mua sắm tại các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP;
- Xây dựng các ấn phẩm, tạp chí, chương trình truyền hình, chuyên trang mạng xã hội (youtube, facebook…) giới thiệu các điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn; tổ chức cuộc thi sáng tác ý tưởng về du lịch nông thôn theo nhiều chủ đề (tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm truyền thông, sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng…).
6. Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn
- Lồng ghép nguồn lực thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan, đặc biệt là các nội dung của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025; huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp, đóng góp của cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác cho phát triển du lịch nông thôn;
- Ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch tại khu vực nông thôn phù hợp với định hướng thị trường;
- Ưu tiên đầu tư, phát triển các điểm du lịch hiện có, đã được đầu tư, hỗ trợ và dự kiến phát triển những điểm đến du lịch nông thôn mới.
7. Kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng kết chương trình
Tổ chức theo dõi, kiểm tra, đánh giá, tổng kết Chương trình, xây dựng định hướng, giải pháp phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn trong giai đoạn tiếp theo.
1. Nguồn vốn thực hiện bao gồm
- Vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án;
- Vốn xã hội hóa (các doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế khác, cộng đồng dân cư...); vốn huy động hợp pháp khác.
2. Kinh phí quản lý, giám sát thực hiện Chương trình ở các cấp: Được trích từ nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của các cấp được giao hàng năm.
3. Cơ chế tài chính của Chương trình: Thực hiện theo cơ chế tài chính của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và các quy định của pháp luật hiện hành.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; cụ thể hóa bằng các kế hoạch hàng năm để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra;
- Tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở, ban ngành liên quan trong xây dựng kế hoạch vốn, phân bổ vốn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện kế hoạch hàng năm và giai đoạn 2021 - 2025;
- Định kỳ hằng năm tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh; tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện kế hoạch theo quy định.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành có liên quan triển khai đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông thôn, tăng cường kết nối du lịch nông thôn theo vùng; tăng cường thu hút đầu tư xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch nông thôn; thu hút khách, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành đưa khách về vùng nông thôn,…
- Hướng dẫn các huyện, xã thực hiện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển du lịch nông thôn; hướng dẫn thực hiện kế hoạch bảo tồn, phục dựng, khai thác các hoạt động văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch nông thôn; công nhận cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch;
- Lồng ghép, tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn trong và ngoài nước; triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về phát triển du lịch nông thôn; tổ chức các chương trình khảo sát, kết nối sản phẩm du lịch nông thôn.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan tổng hợp, cân đối, lồng ghép và phân bổ các nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện Chương trình theo kế hoạch; hướng dẫn thực hiện cơ chế đầu tư, cơ chế lồng ghép nguồn lực đối với các công trình, dự án đầu tư xây dựng thuộc Chương trình.
4. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn nội dung về cơ chế, chính sách tài chính của Chương trình; tham mưu hỗ trợ vốn ngân sách tỉnh để thực hiện; tổng hợp, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định.
5. Các Sở, Ban ngành có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp của Chương trình gắn với lĩnh vực phụ trách của ngành mình.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị
- Rà soát, tích hợp và bổ sung định hướng phát triển du lịch nông thôn vào quy hoạch xây dựng nông thôn mới;
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông thôn, nguồn nhân lực du lịch nông thôn trên địa bàn. Chỉ đạo xây dựng, ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai phù hợp với điều kiện, tiềm năng của địa phương;
- Căn cứ vào mục tiêu, nội dung của Kế hoạch và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương, chủ động bố trí nguồn vốn ngân sách và lồng ghép các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để hỗ trợ thực hiện các nội dung của Chương trình theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển du lịch nông thôn tại địa phương đảm bảo phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh;
- Định kỳ 06 tháng, hằng năm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch (qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh) để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh: Tăng cường tuyên truyền vận động, hỗ trợ đoàn viên, hội viên và cộng đồng dân cư chủ động, tích cực tham gia thực hiện các nội dung, nhiệm vụ về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; tham gia giám sát, phản biện và đánh giá sự hài lòng của người hưởng thụ các mô hình đã triển khai thực hiện.
Yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
DANH MỤC PHÁT TRIỂN CÁC ĐIỂM DU LỊCH NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ
(Kèm theo Kế hoạch số 837/KH-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ)
STT | Tên điểm du lịch | Địa chỉ | Sản phẩm chính | Hoạt động dịch vụ | Nội dung | Thời gian | Cơ quan chủ trì thực hiện |
1 | Điểm du lịch Văn hóa Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ | Xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa | Du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP | Dịch vụ thăm quan, bán hàng, nhà hàng, hướng dẫn khách | Đầu tư trang thiết bị phục vụ tại Nhà trưng bày đón tiếp khách - Khu DTLS Đền Mẫu Âu Cơ; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, biển bảng; mô hình trải nghiệm; truyền thông; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu; hỗ trợ quảng bá sản phẩm…đào tạo nhân lực | 2023- 2025 | UBND huyện Hạ Hòa |
2 | Điểm du lịch sinh thái cộng đồng xã Xuân Sơn | Xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn | Du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, du lịch sinh thái | Dịch vụ thăm quan, ăn uống, trải nghiệm văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; dịch vụ du lịch sinh thái | Hỗ trợ cải tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật du lịch; cải tạo cảnh quan, môi trường; Xây dựng mô hình trải nghiệm; trang thiết bị phục vụ các homestay; hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, sơ đồ tham quan; hoàn thiện các dịch vụ: thăm quan làng văn hóa, trải nghiệm văn hóa, làng nghề, nông nghiệp, dịch vụ lưu trú...đào tạo, tập huấn, quảng bá | 2023- 2025 | UBND huyện Tân Sơn |
3 | Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc | Xã Bạch Hạc, thành phố Việt Trì | Du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch trải nghiệm nông nghiệp nông thôn | Dịch vụ thăm quan, trải nghiệm văn hóa truyền thống; đi thuyền trên sông; bán hàng, ăn uống… trải nghiệm làng nghề | Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đón tiếp khách, hệ thống cổng điểm, biển bảng; điểm trải nghiệm sản phẩm làng nghề; hình thành điểm trưng bày, đón tiếp khách; điểm check – in; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, truyền thông quảng bá.. | 2023- 2025 | UBND thành phố Việt Trì |
4 | Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô | Xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì | Du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh; du lịch trải nghiệm nông nghiệp nông thôn | Dịch vụ thăm quan, hành hương, trải nghiệm văn hóa truyền thống; thăm quan nhà cổ; bán hàng, ăn uống… trải nghiệm làng nghề | Cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái; hoàn thiện mô hình trải nghiệm làng nghề, sản xuất nông nghiệp; trang thiết bị phục vụ các Homestay; hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật như nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, hệ thống biển bảng, sơ đồ thăm quan; đào tạo, tập huấn, quảng bá | 2023- 2025 | UBND thành phố Việt Trì |
5 | Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Long Cốc | Xã Long Cốc, huyện Tân Sơn | Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp gắn với vùng chè | Dịch vụ thăm quan đồi chè, ăn uống, dịch vụ trải nghiệm trồng và sản xuất chè | Đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông; xây dựng các mô hình trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, làng nghề; Hình thành khu vực trưng bày và đón tiếp khách; Xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu; Hỗ trợ quảng bá, tạo điểm check-in; truyền thông; tổ chức sự kiện; đào tạo nhân lực | 2024- 2025 | UBND huyện Tân Sơn |
6 | Điểm du lịch nông nghiệp xã Mỹ Lung | Xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập | Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với vùng sản xuất lúa nếp Gà Gáy; du lịch sinh thái | Dịch vụ thăm quan, du lịch sinh thái; thăm quan vùng sản xuất… ăn uống | Đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông; xây dựng các mô hình trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, làng nghề; Hình thành khu vực trưng bày và đón tiếp khách; Xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu; Hỗ trợ quảng bá, tạo điểm check-in; truyền thông; tổ chức sự kiện; đào tạo nhân lực | 2023- 2025 | UBND huyện Yên Lập |
- 1Kế hoạch 232/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2023-2025
- 2Kế hoạch 179/KH-UBND thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024
- 3Kế hoạch 97/KH-UBND thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
Kế hoạch 837/KH-UBND năm 2023 về triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
- Số hiệu: 837/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 15/03/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
- Người ký: Nguyễn Thanh Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/03/2023
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra