Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 76/KH-UBND | Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 14 tháng 3 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trên cơ sở báo cáo đề xuất tại Tờ trình số 116/TTr-STNMT ngày 18/02/2025 của Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường); Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với những nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Quán triệt, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Quá trình tổ chức thực hiện phải bám sát các nội dung của Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt; có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; đồng thời, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, bổ sung, cập nhật những chủ trương, nhiệm vụ mới để đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
- Phân công nhiệm vụ cụ thể để các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành các mục tiêu đề ra.
- Chủ động lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án có liên quan.
II. MỤC TIÊU
Chủ động phòng ngừa, kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện được chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của Nhân dân trên cơ sở sắp xếp, định hướng phân bổ hợp lý không gian, phân vùng quản lý chất lượng môi trường; định hướng thiết lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hoàn thiện khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, thành phố Phú Mỹ; định hướng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp tỉnh; phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, hài hòa với tự nhiên và thân thiện với môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
III. NHIỆM VỤ
Theo Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08/07/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau:[1]
- Xây dựng, cập nhật phương án phân vùng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn quản lý; phương án về vị trí, quy mô, loại hình chất thải, công nghệ dự kiến, phạm vi tiếp nhận chất thải của các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng; định hướng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia, cấp tỉnh đã được định hướng trong Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia vào quy hoạch tỉnh và tổ chức thực hiện.
- Thực hiện các nội dung Quy hoạch trên địa bàn quản lý, xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các dự án thuộc trách nhiệm của địa phương; đánh giá việc thực hiện quy hoạch trên địa bàn, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp; bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện Quy hoạch theo quy định của pháp luật.
- Ban hành quyết định về xác định vị trí, ranh giới của vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải trên địa bàn quản lý đã được xác định trong quy hoạch tỉnh.
- Bố trí quỹ đất cho khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; thực hiện giao đất để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải tập trung trên địa bàn; bố trí kinh phí hoặc chủ động tìm kiếm, huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải trên địa bàn.
- Rà soát các khu xử lý tập trung trên địa bàn:
+ Khu xử lý chất thải tập trung phải nâng cấp, cải tạo: Khu xử lý chất thải tập trung phù hợp với các tiêu chí của khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia được phê duyệt, nhưng không đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây: (i) Không có công nghệ xử lý phù hợp; (ii) Không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
+ Khu xử lý chất thải tập trung phải có lộ trình dừng hoạt động và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường khi không phù hợp với định hướng về quy mô, loại hình và phạm vi phục vụ của khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh và thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Đã đóng cửa không còn khả năng tiếp nhận; (ii) Không phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia được phê duyệt; (iii) Không bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường; (iv) Vị trí ở khu vực thường xuyên bị ngập nước.
- Rà soát, thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp tỉnh thống nhất, đồng bộ với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia; triển khai thực hiện chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn quản lý.
- Rà soát, cập nhật dữ liệu hiện trạng và định hướng phân vùng môi trường; xác lập khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung; thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường vào hệ thống thông tin môi trường theo quy định.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các sở, ban, ngành và các địa phương, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ tại Phụ lục I và II có liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý theo Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Môi trường) theo quy định.
2. Sở Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm cho các chương trình, dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện Quy hoạch theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
b) Chủ trì tổng hợp từ đề xuất của các cơ quan, đơn vị trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước thực hiện tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương để thực hiện Quy hoạch theo quy định của pháp luật.
3. Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì theo dõi, đôn đốc tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao của các Sở, ban, ngành; tổng hợp kết quả thực hiện và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo theo quy định.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề mới, phát sinh cần bổ sung, điều chỉnh, các cơ quan, đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Môi trường) để được xem xét, chỉ đạo.
(Các nhiệm vụ cụ thể và danh mục các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, ưu tiên đầu tư theo Phụ lục I và II đính kèm tại Kế hoạch này).
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện./.
(Kèm theo:
- Phụ lục I - Danh mục các nhiệm vụ;
- Phụ lục II - Danh mục các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, ưu tiên đầu tư;
- Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ.)
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Phụ lục I
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ
Thực hiện Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
(Ban hành kèm theo Kế hoạch 76/KH- UBND ngày 14 tháng 3 năm 2025 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
STT | Nhiệm vụ | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Thời gian thực hiện |
I | Xây dựng, cập nhật phương án phân vùng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học | |||
01 | Cập nhật phương án phân vùng môi trường đã được định hướng trong Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia vào quy hoạch tỉnh và tổ chức thực hiện. | Sở Nông nghiệp và Môi trường | - Sở Tài chính; - UBND các huyện, thành phố. | 2025 - 2026 |
02 | Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định về xác định vị trí, ranh giới của vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải trên địa bàn đã được xác định trong quy hoạch tỉnh. | Sở Nông nghiệp và Môi trường | - Các Sở, ban, ngành; - UBND các huyện, thành phố. | 2025 - 2026 |
03 | Cập nhật phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã được định hướng trong Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia[1] vào quy hoạch tỉnh và tổ chức thực hiện. | - Sở Nông nghiệp và Môi trường; - Vườn Quốc gia Côn Đảo; - Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. | - Sở Tài chính; - UBND các huyện, thành phố. | 2025 - 2026 |
II | Xây dựng, cập nhật phương án về vị trí, quy mô, loại hình chất thải, công nghệ dự kiến, phạm vi tiếp nhận chất thải của các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng | |||
01 | Rà soát các khu xử lý chất thải không thuộc Mục I và II của Phụ lục I đính kèm tại Quyết định số 611/QĐ-TTg mà đáp ứng các tiêu chí định hướng thành khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng nêu tại điểm c khoản 4 Điều 1 Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 08/7/2023 tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xác định, cập nhật vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.[2] | Sở Xây dựng | - Các Sở, ban, ngành; - UBND các huyện, thành phố. | 2025 - 2026 |
02 | Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí quỹ đất, giao đất, cho thuê đất để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh theo quy định. | Sở Nông nghiệp và Môi trường | - Sở Xây dựng; - UBND các huyện, thành phố. | Thường xuyên |
03 | Bố trí kinh phí hoặc chủ động tìm kiếm, huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải trên địa bàn. | UBND các huyện, thành phố. | - Sở Tài chính; - Các cơ quan, đơn vị có liên quan. | Thường xuyên |
04 | Cập nhật, rà soát các khu xử lý chất thải tập trung trên địa bàn: - Khu xử lý chất thải tập trung phải nâng cấp, cải tạo: Khu xử lý chất thải tập trung phù hợp với các tiêu chí của khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia được phê duyệt, nhưng không đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây: (i) Không có công nghệ xử lý phù hợp; (ii) Không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường. - Khu xử lý chất thải tập trung phải có lộ trình dừng hoạt động và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường khi không phù hợp với định hướng về quy mô, loại hình và phạm vi phục vụ của khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh và thuộc một trong các trường hợp sau: (i) Đã đóng cửa không còn khả năng tiếp nhận; (ii) Không phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia được phê duyệt; (iii) Không bảo đảm khoảng cách an toàn về môi trường; (iv) Vị trí ở khu vực thường xuyên bị ngập nước, hoặc có nguy cơ bị ngập nước do nước biển dâng. | Sở Xây dựng | - Sở Tài chính; - Sở Khoa học và Công nghệ; - UBND các huyện, thành phố. | 2025 - 2026 |
05 | Liên quan thu hút, điều chỉnh dự án đầu tư cần lưu ý điểm c khoản 4 Điều 1 của Quyết định số 611/QĐ- TTg để rà soát trong quá trình xem xét giải quyết, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh. - Đối với cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại đã được cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định trước đây còn hiệu lực trước thời điểm Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia được ban hành mà cơ sở đó nằm ngoài khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng đã được định hướng trong Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng thì được tiếp tục hoạt động theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật Quy hoạch nhưng phải bảo đảm các yêu cầu sau: (1) được xác định trong quy hoạch tỉnh; (2) không được nâng công suất, mở rộng diện tích hoặc mở rộng phạm vi phục vụ so với giấy phép môi trường hoặc giấy phép xử lý chất thải nguy hại đã được cấp và văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; (3) đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường; (4) đáp ứng yêu cầu khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định. Khuyến khích các cơ sở xử lý chất thải nguy hại di dời vào các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh đã được quy hoạch. - Đối với dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại đã được phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường mà dự án đó nằm ngoài khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng đã được định hướng trong Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng thì được tiếp tục triển khai theo quy định tại khoản 3 Điều 59 Luật Quy hoạch nhưng phải bảo đảm các yêu cầu sau: (1) được xác định trong quy hoạch tỉnh; (2) không được nâng công suất, mở rộng diện tích hoặc mở rộng phạm vi phục vụ theo văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; (3) đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường; (4) đáp ứng yêu cầu khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định. Khuyến khích các dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại di dời vào các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh đã được quy hoạch. | Sở Tài chính | - Các Sở, ban, ngành; - UBND các huyện, thành phố. | Thường xuyên |
06 | Liên quan công nghệ của dự án đầu tư cần lưu ý điểm c khoản 4 Điều 1 của Quyết định số 611/QĐ- TTg để rà soát trong quá trình xem xét giải quyết, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh. - Đối với công nghệ xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường: Khuyến khích áp dụng các công nghệ tái chế tiên tiến, hiện đại để thu hồi giá trị tài nguyên từ chất thải, công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu và kiểm soát chất thải thứ cấp phát sinh, hạn chế tối đa lượng chất thải chôn lấp trực tiếp. - Đối với công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Đa dạng hóa các công nghệ xử lý để giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp trực tiếp. Khuyến khích áp dụng các công nghệ tái chế, xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại, kết hợp thu hồi năng lượng, kỹ thuật hiện có tốt nhất, tận dụng chất thải thực phẩm (thức ăn thừa, rau củ quả...) làm thức ăn gia súc, gia cầm và sản xuất phân bón hữu cơ. - Tiếp tục tăng cường đồng xử lý chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích hợp tác, liên kết xử lý chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ làm thức ăn gia súc, gia cầm và phân bón hữu cơ. | Sở Khoa học và Công nghệ | - Các Sở, ban, ngành; - UBND các huyện, thành phố. | Thường xuyên |
III | Định hướng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia, cấp tỉnh | |||
01 | Rà soát, cập nhật Chương trình quan trắc môi trường cấp tỉnh theo định hướng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia, cấp tỉnh đã được định hướng trong Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia vào quy hoạch tỉnh và tổ chức thực hiện. | Sở Nông nghiệp và Môi trường | Sở Tài chính Các cơ quan, đơn vị có liên quan | 2025 - 2026 |
02 | Rà soát, thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp tỉnh thống nhất, đồng bộ với mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia; triển khai thực hiện chương trình quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh. | Sở Nông nghiệp và Môi trường | Các cơ quan, đơn vị có liên quan | 2025 - 2026 |
IV | Rà soát, cập nhật dữ liệu hiện trạng và định hướng phân vùng môi trường; xác lập khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung; thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường vào hệ thống thông tin môi trường theo quy định. | - Sở Nông nghiệp và Môi trường; - Sở Xây dựng. | Các cơ quan, đơn vị có liên quan | Thường xuyên |
Phụ lục II
DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN QUAN TRỌNG QUỐC GIA, ƯU TIÊN ĐẦU TƯ THỰC HIỆN QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Kế hoạch 76/KH- UBND ngày 14 tháng 3 năm 2025 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
STT | Chương trình/dự án | Thời gian thực hiện | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp |
01 | Tăng cường năng lực phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt | 2025 - 2030 | UBND các huyện, thành phố[3] | Các Sở, ngành liên quan |
02 | Xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu xử lý chất thải tập trung cấp tỉnh | 2025 - 2030 | - Sở Xây dựng. - UBND các huyện, thành phố | Các Sở, ngành liên quan |
03 | Xây dựng và nâng cấp trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I, II | 2025 - 2030 | Sở Nông nghiệp và Môi trường | Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố |
04 | Xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất ở khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng | 2025 - 2030 | UBND các huyện, thành phố[4] | Các Sở, ngành liên quan |
05 | Cải tạo, phục hồi môi trường các khu xử lý, bãi chôn lấp chất thải rắn đã đóng cửa | 2025 - 2030 | UBND các huyện, thành phố | Các Sở, ngành liên quan |
[1] Tại điểm g khoản 6 Điều 1 (Tổ chức thực hiện quy hoạch) của Quyết định số 611/QĐ-TTg.
[1] Theo điểm d Khoản 3 và điểm b Khoản 4 Điều 1 Quyết định số 611/QĐ-TTg.
[2] Mục III Phụ lục I Quyết định số 611/QĐ-TTg.
[3] Theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
[4] Theo khoản 3 Điều 2 Quyết định số 236/QĐ-UBND ngày 13/02/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phê duyệt kết quả dự án Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Kế hoạch 76/KH-UBND năm 2025 thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Số hiệu: 76/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 14/03/2025
- Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- Người ký: Nguyễn Công Vinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/03/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra