Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 73/KH-UBND

Nam Định, ngày 24 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

KHUYẾN NÔNG THỰC HIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH NĂM 2023

Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-UBND ngày 13/3/2023 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình khuyến nông tỉnh Nam Định giai đoạn 2023 - 2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch khuyến nông năm 2023 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; từng bước hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình khuyến nông tỉnh Nam Định giai đoạn 2023 - 2025, góp phần đẩy mạnh thực hiện Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả, bền vững, gắn với phát triển sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tổ chức trên 130 lớp bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo cán bộ kỹ thuật khuyến nông và người sản xuất (với ≥ 5.200 học viên tham gia); ≥ 45 lớp đào tạo, tập huấn cho nông, ngư dân và người sản xuất trong lĩnh vực khuyến ngư (với ≥ 1.800 học viên tham gia).

- Tổ chức 04 chương trình hội thảo tham quan học tập mô hình sản xuất, liên kết tiến bộ kỹ thuật theo tư duy kinh tế nông nghiệp; 02 chương trình sơ kết, tổng kết khuyến nông.

- Xây dựng và nhân rộng trên 60 mô hình trình diễn chuyển giao khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực: Trồng trọt (≥ 25 mô hình), chăn nuôi (≥ 20 mô hình), thủy sản (≥ 15 mô hình) và các mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất khác đáp ứng theo yêu cầu thực tế.

(Chi tiết các hoạt động tại Phụ lục kèm theo)

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo

- Xây dựng tài liệu và đổi mới phương pháp đào tạo, tập huấn theo hướng áp dụng đồng bộ: Thuyết trình có minh họa, hỏi và đáp, thảo luận nhóm, thực hành thao giảng trên đồng ruộng. Tăng thời lượng thực hành, thực hiện ngay tại  hiện trường với hình thức vừa “cầm tay chỉ việc” vừa “hướng dẫn, gợi ý” để nông dân tự chủ, phát huy những kinh nghiệm của họ. Ngoài ra cần đào tạo kỹ năng quản trị doanh nghiệp, quản lý kinh tế theo định hướng thị trường cho nông dân chủ chốt và người đứng đầu các tổ chức kinh tế tập thể.

- Đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ gắn với phổ biến và hướng dẫn, triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đi sâu hướng dẫn nông dân tiếp cận các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện nông dân thông qua các mô hình trình diễn, gắn lý thuyết với thực hành sản xuất theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản; tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn; đào tạo thông qua các phương tiện truyền thông: Báo, đài, tờ rơi, tài liệu (sách, đĩa CD-DVD); áp dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, huấn luyện.

- Thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bổ sung kiến thức về tổ chức sản xuất, thị trường cho đội ngũ cán bộ khuyến nông; chuyển dần từ hoạt động khuyến nông hỗ trợ trực tiếp sản xuất sang hỗ trợ về tiêu thụ sản phẩm, liên kết sản xuất theo chuỗi, xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu.

2. Thông tin tuyên truyền

- Tuyên truyền, phổ biến Chương trình khuyến nông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người sản xuất biết rõ nội dung các hoạt động khuyến nông giai đoạn 2023 - 2025 và các nội dung cụ thể của Kế hoạch khuyến nông năm 2023; trong đó, làm rõ hoạt động khuyến nông là hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua tư vấn hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, kiến thức thị trường; hỗ trợ vật chất (giống, vật tư) chỉ mang tính chất khuyến khích để người sản xuất tham gia các hoạt động khuyến nông chủ động phối hợp thực hiện.

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nội dung Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

- Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phổ biến các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn triển khai các luật chuyên ngành như Luật Trồng trọt, Luật Lâm nghiệp, Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Thủy sản,… nhằm phát triển sản xuất gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

- Phổ biến định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của tỉnh; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, quản trị sản xuất, kiến thức thị trường; giới thiệu những mô hình điển hình, cách làm hay, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh để từng bước nâng cao nhận thức cho người sản xuất chuyển dịch sản xuất quy mô nhỏ, tự phát sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn chặt sản xuất với thị trường, phát triển bền vững.

3. Xây dựng và nhân rộng mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật

- Lựa chọn điểm và hộ triển khai mô hình: Địa điểm triển khai mô hình có điều kiện tự nhiên, xã hội phù hợp với sinh thái cây trồng, vật nuôi; thuận lợi cho việc tham quan, học tập nhân rộng mô hình. Các hộ gia đình tham gia mô hình phải là người ham học hỏi, đóng góp công lao động, vật tư đối ứng thực hiện đảm bảo đúng quy định; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất để nhân rộng mô hình; danh sách các hộ tham gia được lựa chọn, trình phê duyệt kèm phương án theo quy định.

- Công khai, minh bạch các hoạt động xây dựng mô hình khuyến nông, nhất là các khoản hỗ trợ đã được phê duyệt để người dân tham gia mô hình chủ động đóng góp phần đối ứng và áp dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật để triển khai mô hình đạt các tiêu chí đã đề ra; đồng thời, đảm bảo có sự giám sát của chính quyền địa phương, của cộng đồng dân cư trong các hoạt động khuyến nông.

- Áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật:

Giống: Sử dụng giống được sản xuất tại các cơ sở có uy tín và được cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, sản xuất giống theo tiêu chuẩn được công bố; có giấy chứng nhận chất lượng, giấy chứng nhận kinh doanh (nếu có nguồn gốc từ ngoại tỉnh), chứng nhận kiểm dịch,… theo đúng quy định.

Vật tư: Được sản xuất theo tiêu chuẩn đã công bố, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của mô hình, bảo quản, đóng gói, thời gian sử dụng theo quy định.

Quy trình sản xuất: Áp dụng quy trình tiên tiến đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường (quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP và tương đương, nông nghiệp hữu cơ).

Tăng cường chuyển giao khoa học quản trị doanh nghiệp, hợp tác xã, kiến thức thị trường cho người dân để sản xuất phải gắn chặt với thị trường, phát triển bền vững.

- Tổ chức hội thảo, tham quan học tập các mô hình trình diễn có hiệu quả kinh tế cao. Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các đoàn thể để triển khai các mô hình đạt hiệu quả.

4. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động khuyến nông

- Khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư nguồn lực vào hoạt động khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất và quản trị kinh doanh, nhất là xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, giống, công nghệ mới, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất, đến thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm cho người dân.

- Xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiến hành khảo nghiệm, sản xuất thử các giống cây trồng có năng suất, chất lượng, bổ sung vào bộ giống của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng giống, dịch vụ nông nghiệp trên cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật.

- Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi chính sách ưu đãi về thuê đất, vay vốn; vinh danh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân có tác động tốt đến sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ theo quy định hiện hành.

5. Giải pháp về chính sách

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp thông qua hoạt động khuyến nông, như: Chính sách bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo cho cả đối tượng chuyển giao công nghệ và đối tượng nhận chuyển giao công nghệ; chính sách về thông tin tuyên truyền, hỗ trợ tuyên truyền khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản tạp chí, tài liệu, ấn phẩm khuyến nông, tổ chức sự kiện khuyến nông (hội nghị, hội thảo, hội thi, hội chợ, triển lãm, diễn đàn, tọa đàm); chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng mô hình; chính sách khuyến khích hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông; chính sách xã hội hóa khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và các chính sách hiện hành của Nhà nước.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí được giao dự toán năm 2023 cho Sở Nông nghiệp và PTNT; nguồn kinh phí của các huyện, thành phố; kinh phí lồng ghép với các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, tổ chức, hướng dẫn, triển khai thực hiện Kế hoạch khuyến nông theo đúng quy định, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục tiêu đề ra. Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

- Quản lý, sử dụng kinh phí được giao thực hiện Kế hoạch đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng và theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.

2. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu, cân đối nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch khuyến nông; lồng ghép, bố trí các nguồn chính sách thực hiện công tác khuyến nông; chỉ đạo, hướng dẫn việc thanh quyết toán kinh phí khuyến nông theo quy định.

3. Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng các chương trình truyền thông, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân và các Luật Trồng trọt, Chăn nuôi, Thủy sản, Lâm nghiệp,…; xây dựng và phát sóng các chuyên đề Nông nghiệp - Nông thôn, Chương trình thời tiết nông vụ.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức triển khai thực hiện các nội dung theo kế hoạch.

- Căn cứ Chương trình, kế hoạch khuyến nông của tỉnh và nhu cầu thực tiễn sản xuất, thị trường, khả năng ngân sách địa phương để xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch khuyến nông của địa phương và tổ chức thực hiện. Định kỳ hàng tháng, quý tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT)./.

 


Nơi nhận:
- Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh; (để b/c)
- Các sở: NNPTNT, TC;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo NĐ, Đài PTTH tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh, VPUBND tỉnh;
- Lưu: VP1, VP3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Anh Dũng

 

PHỤ LỤC

CÁC HOẠT ĐỘNG KHUYẾN NÔNG NĂM 2023
(Kèm theo Kế hoạch số:      /KH-UBND ngày      /4/2023 của UBND tỉnh Nam Định)

TT

Nhiệm vụ

Quy mô

Mục tiêu tổng quát và kết quả cần đạt được

I

BỒI DƯỠNG, TẬP HUẤN VÀ ĐÀO TẠO

175 lớp

 

1

Bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo cán bộ kỹ thuật khuyến nông và người sản xuất

≥ 130 lớp (30 học viên/lớp)

100% cán bộ khuyến nông và cộng tác viên được tham gia khóa đào tạo. Nâng cao năng lực hệ thống cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông có nghiệp vụ, kinh nghiệm trong công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

2

Đào tạo, tập huấn cho nông, ngư dân và người sản xuất trong lĩnh vực khuyến ngư

≥ 45 lớp (30 học viên/lớp)

- Tập huấn kỹ thuật nuôi các đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao, các công nghệ nuôi tiên tiến hiệu quả, an toàn; các hình thức nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

- Thông qua tập huấn cung cấp cho người nuôi kiến thức kỹ thuật nuôi, quản lý môi trường, phòng trị bệnh nhằm tăng hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản.

II

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

 

 

1

Hội thảo tham quan học tập mô hình sản xuất, liên kết tiến bộ kỹ thuật theo tư duy kinh tế nông nghiệp

≥ 04 chương trình

- Học viên sẽ trở thành các tiểu giáo viên, biết cách tổ chức một mô hình sản xuất theo tư duy kinh tế nông nghiệp, giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân, đảm bảo an ninh nông thôn, góp phần xây dựng NTM tại địa phương.

- Học viên nắm vững kiến thức về sản xuất nông nghiệp theo tư duy kinh tế gắn với tiến bộ kỹ thuật, những mô hình sản xuất mang lại giá trị cao cần được nhân rộng, những làng nghề truyền thống cần được bảo tồn, chuyển việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, từ "đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị". Hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khoẻ con người.

2

Sơ kết, tổng kết khuyến nông

02 chương trình

Đánh giá lại toàn bộ hoạt động khuyến nông của vùng, của tỉnh, của hệ thống đã triển khai nhằm xem xét mức độ đạt được, chưa đạt được để có những kế hoạch tiếp theo trong thời gian tới, giai đoạn mới.

III

XÂY DỰNG VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH

 

 

1

Xây dựng mô hình sản xuất lúa chất lượng

40 ha

Áp dụng các biện pháp thâm canh tổng hợp trong sản xuất lúa chất lượng. Xây dựng mô hình gọn vùng, tiện đường tham quan. Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân, giúp người dân nắm chắc các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa đại trà một cách hiệu quả, bền vững. Yêu cầu năng suất đạt ≥ 50,0 tạ/ha.

2

Xây dựng mô hình sản xuất khoai tây

12 ha

Lựa chọn vùng, đưa các giống khoai tây thích ứng với biến đổi khí hậu, khả năng chống chịu tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Giúp nông dân nắm chắc các tiến bộ kỹ thuật về sản xuất khoai tây an toàn. Yêu cầu năng suất đạt ≥ 15,0 tấn/ha.

3

Xây dựng mô hình sản xuất rau bắp cải an toàn

22 ha

Lựa chọn vùng, đưa các giống rau có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Giúp nông dân nắm chắc các tiến bộ kỹ thuật về sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản, để ứng dụng trong sản xuất đại trà một cách hiệu quả, bền vững. Yêu cầu năng suất đạt ≥ 50,0 tấn/ha, chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP.

4

Xây dựng mô hình sản xuất nấm Linh chi

50 tấn nguyên liệu

Giúp nông dân nắm chắc các tiến bộ kỹ thuật về sản xuất nấm Linh chi, để ứng dụng và giúp địa phương chỉ đạo trong sản xuất đại trà một cách hiệu quả, bền vững, chuyển giao giống nấm có thể thích nghi trong điều kiện nhiệt độ rộng hơn từ 20 - 320°C. Yêu cầu năng suất đạt ≥ 25,0 kg nấm khô/1 tấn nguyên liệu.

5

Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ

300 con

Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ, áp dụng quy trình an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Yêu cầu khối lượng xuất chuồng ≥ 100 kg/con; tiêu tốn thức ăn/1 kg tăng khối lượng ≤ 2,6 kg. Hiệu quả kinh tế tăng ≥ 10% so với ngoài mô hình.

6

Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ

7.500 con

Xây dựng mô hình chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc. Tăng năng suất, chất lượng thịt, hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh môi trường. Yêu cầu khối lượng xuất chuồng lúc 16 tuần tuổi đạt 2 - 2,2 kg/con; tiêu tốn thức ăn/1 kg tăng khối lượng ≤ 2,7 kg. Hiệu quả kinh tế tăng ≥ 10% so với ngoài mô hình.

7

Xây dựng mô hình nuôi cá trắm đen trong ao

02 ha

Sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp giúp chủ động nguồn thức ăn, đồng thời sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng các biện pháp quản lý môi trường mang lại hiệu quả kỹ thuật cao, tăng mật độ nuôi, kích cỡ cá thương phẩm trung bình đạt ≥ 3.000 gam/con, tỷ lệ sống ≥ 80%, năng suất cá đạt ≥ 24 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế tăng ≥ 15% so với nuôi cá trắm đen bằng thức ăn tươi sống.

8

Xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ biofloc

02 ha

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ biofloc giúp tăng năng suất tôm nuôi, tiết kiệm diện tích, công sức lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cung cấp cho thị trường sản phẩm an toàn.

Giai đoạn 1: Mật độ tôm nuôi 1.000 - 1.500 con/m2.

Giai đoạn 2: Mật độ tôm nuôi 100 - 300 con/m2.

Hệ số thức ăn FCR toàn quá trình nuôi (FCR = 1,1).

Kích cỡ tôm thu hoạch ≤ 60 con/kg, năng suất đạt ≥ 16 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế tăng ≥ 20% so với nuôi tôm thông thường.

9

Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất khác đáp ứng theo yêu cầu thực tế

 

Xây dựng, nhân rộng mô hình trình diễn về tiến bộ khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, các mô hình thực hành sản xuất tốt, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, các mô hình tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, bền vững.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 73/KH-UBND về khuyến nông thực hiện trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2023

  • Số hiệu: 73/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 24/04/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định
  • Người ký: Trần Anh Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản