Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 72/KH-UBND | Cần Thơ, ngày 03 tháng 6 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
XÂY DỰNG NGƯỜI CẦN THƠ “TRÍ TUỆ - NĂNG ĐỘNG - NHÂN ÁI - HÀO HIỆP - THANH LỊCH” THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT SỐ 45-NQ/TW GIAI ĐOẠN 2016-2020
Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 15 tháng 7 năm 2011 của Thành ủy về xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự kỷ cương đô thị trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020;
Thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân thành phố, về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 – 2016;
Trên cơ sở đề tài khoa học Xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động – Nhân ái – Hào hiệp – Thanh lịch” theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), do Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, đã được Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học thành phố nghiệm thu năm 2015;
Ủy ban nhân dân thành phố đề ra kế hoạch xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động – Nhân ái – Hào hiệp – Thanh lịch” theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) (sau đây gọi tắt là người Cần Thơ), cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tạo lập môi trường văn hóa – xã hội lành mạnh, chăm lo phát triển con người một cách toàn diện; xây dựng người Cần Thơ để phát huy nhân tố con người trong xây dựng và phát triển thành phố thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX). Góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).
2. Xây dựng trong cộng đồng xã hội những nhận thức, tình cảm, thái độ và sự tự giác, đồng thuận trong xây dựng người Cần Thơ. Đề ra lộ trình, xác định rõ vai trò, trách nhiệm từng Sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn người Cần Thơ. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những nhân tố tích cực; phát huy, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong triển khai xây dựng người Cần Thơ.
II. TIÊU CHUẨN XÂY DỰNG NGƯỜI CẦN THƠ
1. Tiêu chuẩn chung của người Cần Thơ:
a) Yêu quê hương, đất nước; góp sức cùng cộng đồng xây dựng thành phố Cần Thơ văn minh, hiện đại;
b) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng, tài sản của người khác;
c) Chuyên cần học tập đạt chuẩn về chuyên môn, nghề nghiệp; làm tốt chức trách, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp;
d) Lao động có kỹ thuật, kỷ luật, năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao;
đ) Tự trọng, tự tin, khiêm tốn, vui vẻ, hòa nhã trong giao tiếp, ứng xử với mọi người;
e) Có thái độ thành kính nơi tôn nghiêm, thờ tự, di tích lịch sử, văn hóa – nghệ thuật;
g) Thờ kính Tổ tiên; hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; xây dựng gia đình hạnh phúc;
h) Kính trọng thầy giáo, cô giáo; sống có nghĩa, có tình, tương trợ giúp đỡ đồng bào, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí; thân thiện với du khách;
i) Sản xuất, kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn; bảo vệ môi trường;
k) Không có hành vi bạo lực trong gia đình; trong trường học; không có hành vi bạo hành trong xã hội.
2. Tiêu chuẩn trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp và thanh lịch của người Cần Thơ:
a) Tiêu chuẩn người Cần Thơ trí tuệ:
Người Cần Thơ trí tuệ là người có nhận thức sâu sắc, suy xét thấu đáo các vấn đề về tự nhiên, xã hội có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp và đời sống, cụ thể là:
- Có kiến thức, năng lực tiếp nhận, phân tích, đánh giá, lựa chọn phương án khả thi để giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và đời sống;
- Có tinh thần say mê học tập, học suốt đời vì bản thân, gia đình vì sự tiến bộ xã hội, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân;
- Có kỹ năng hoàn thành tốt hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, nghề nghiệp mình đang làm;
- Lao động có kỹ thuật, kỷ luật, năng suất, chất lượng, giá trị tăng cao;
- Mặt bằng học vấn chung đạt trình độ trung học phổ thông; trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, lý luận chính trị đạt chuẩn chức danh, vị trí công tác, nghề nghiệp đang làm.
b) Tiêu chuẩn người Cần Thơ năng động:
Người Cần Thơ năng động là người có tính linh hoạt, sáng tạo và chủ động, có khả năng cùng cộng đồng góp phần xây dựng và phát triển thành phố văn minh, hiện đại, cụ thể là:
- Đoàn kết, liên kết, góp sức cùng cộng đồng xây dựng thành phố văn minh, hiện đại;
- Chủ động, nhiệt tình, sáng tạo để giải quyết công việc được nhanh chóng, đạt hiệu quả cao;
- Biết tổng kết thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm hay; tìm ra các giải pháp khả thi, đạt hiệu quả cao về kinh tế - xã hội;
- Hăng hái đi đầu trong mọi hoạt động; không chủ quan, cảm tính, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn;
- Kiên định quan điểm, lập trường, hành vi phù hợp với định hướng chuẩn mực xã hội Xã hội chủ nghĩa.
c) Tiêu chuẩn người Cần Thơ nhân ái:
Người Cần Thơ nhân ái là người biết yêu thương, tôn trọng con người, có lòng vị tha, giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn; biết bảo vệ chân lý, cụ thể là:
- Tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng, tài sản của người khác;
- Thờ kinh Tổ tiên; hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; xây dựng gia đình hạnh phúc;
- Kính trọng thầy, cô giáo; sống có nghĩa có tình, tương trợ giúp đỡ đồng bào, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đồng đội, đồng chí;
- Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; bồi dưỡng thế hệ trẻ có phẩm chất tốt, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc;
- Giúp đỡ, chăm sóc người cao tuổi, gia đình chính sách; tích cực tham gia phong trào đền ơn, đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo.
đ)Tiêu chuẩn người Cần Thơ hào hiệp:
Người Cần Thơ hào hiệp là người có tinh thần cao thượng, vị tha, dũng cảm, quên mình vì việc nghĩa, hết lòng vì người khác, không toan tính thiệt hơn, cụ thể là:
- Trọng danh dự, sống có nghĩa tình, làm việc tốt, sống có ích, có trách nhiệm với cộng đồng; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật;
- Coi trọng chữ tín trong quan hệ hợp tác, trong sản xuất, kinh doanh;
- Sản xuất, kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng; bảo vệ môi trường;
- Sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho cộng đồng;
- Không có hành vi bạo lực trong gia đình, trong trường học; không có hành vi bạo hành trong xã hội.
e) Tiêu chuẩn người Cần Thơ thanh lịch:
Người Cần Thơ thanh lịch là người có cuộc sống trong sáng, lịch thiệp, ứng xử thân thiện, văn minh phù hợp với thuần phong, mỹ tục, quy ước của cộng đồng, cụ thể là:
- Có thái độ thành kính nơi tôn nghiêm, thờ tự, di tích lịch sử, văn hóa – nghệ thuật;
- Tôn trọng, lễ phép với người lớn tuổi hơn mình, phụ nữ, người tàn tật, yêu thương trẻ em, thân thiện với du khách;
- Trang phục gọn gàng, sạch, đẹp phù hợp với thuần phong mỹ tục, quy ước của cộng đồng;
- Tự trọng, tự tin, khiêm tốn, văn minh lịch sự trong giao tiếp, ứng xử với mọi người xung quanh;
đ) Tuân thủ quy định về trật tự, kỷ cương đô thị; giữ gìn và bảo vệ môi trường.
III. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Nội dung thực hiện:
a) Triển khai thực hiện các tiêu chuẩn người Cần Thơ sâu rộng trong Nhân dân; phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, Ban ngành, đoàn thể, địa phương. Vận động tuyên truyền trong mọi tầng lớp dân cư và du khách đến thành phố thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đưa nội dung dạy tại các trường trên địa bàn thành phố, kết hợp giáo dục bằng hình thức nêu gương.
b) Đưa tiêu chuẩn xây dựng người Cần Thơ vào tiêu chí đánh giá rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức để làm gương cho các tầng lớp nhân dân theo đó mà tự giác thực hiện. Xây dựng, phát hiện nhân tố điển hình trong cuộc sống thông qua các tình huống, thái độ, cách cư xử hàng ngày tại cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư. Biểu dương, khen thưởng, vinh danh danh hiệu “ Người Cần Thơ tiêu biểu” hoặc “Người Cần Thơ danh dự”.
c) Tuyên truyền rộng rãi nội dung tiêu chuẩn xây dựng người Cần Thơ trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, gắn với các cuộc hội, họp sinh hoạt tại cộng đồng dân cư, để các tầng lớp nhân dân hiểu và tự giác thực hiện. Điều chỉnh, bổ sung các nội dung tiêu chuẩn người Cần Thơ vào danh hiệu “Người tốt việc tốt”, “Gia đình văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn văn hóa”, “Xã văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn văn minh đô thị”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.
d) Tổ chức các sự kiện để phát động hoặc lồng ghép vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa để giới thiệu các tiêu chuẩn xây dựng người Cần Thơ. Tuyên truyền, cổ động trực quan bằng hình ảnh, video clip, pano, áp phích. Công bố tiêu chuẩn, đưa vào giáo dục trong các trường học; tổ chức sinh hoạt ngoại khóa trong nhà trường. Gắn các tiêu chí vào các hoạt động giao lưu, sinh hoạt văn hóa với các địa phương trong nước và tổ chức nước ngoài để quảng bá. Hàng năm có tổng kết, đánh giá mức độ thực hiện ở từng cơ quan, đơn vị để khen thưởng, biểu dương và điều chỉnh nhưng vấn đề chưa phù hợp.
2. Giải pháp thực hiện:
a) Xác định quan điểm, nhận thức dung hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại trong xây dựng người Cần Thơ với việc phát huy những chuẩn mực người Việt Nam trong thời kỳ mới. Gắn việc xây dựng người Cần Thơ với tiêu chuẩn danh hiệu “Người tốt việc tốt”, “Gia đình văn hóa” trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
b) Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc xây dựng người Cần Thơ.
c) Tạo sự đồng thuận xã hội giữa các thành phần dân cư sinh sống trên địa bàn thành phố, giữa các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… để tập hợp được các lực lượng xã hội trong xây dựng người Cần Thơ. Gắn các tiêu chuẩn xây dựng người Cần Thơ vào các hoạt động giao lưu, sinh hoạt văn hóa với các địa phương trong nước và các tổ chức nước ngoài để quảng bá.
d) Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động xây dựng người Cần Thơ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt chuyên đề, ấn phẩm văn hóa, cổ động trực quan, họp dân; tuyên truyền thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; tuyên truyền thông qua các cuộc họp, hội nghị, tập huấn cán bộ chủ chốt…
đ) Đào tạo nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn người Cần Thơ. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành; vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển khả năng sáng tạo, tự học; khuyến khích học tập suốt đời.
e) Tuyên tuyền, vận động xây dựng người Cần Thơ theo các giai tầng xã hội có số lượng đông đảo; có vị trí, vai trò quan trọng trong sự phát triển về chính trị, kinh tế và xã hội của thành phố như: Công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức; cán bộ, công chức, viên chức; doanh nhân, lực lượng vũ trang; học sinh, sinh viên.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Lộ trình và thí điểm tổ chức thực hiện:
a) Giai đoạn 2016 – 2017: Chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực, triển khai thí điểm xây dựng người Cần Thơ thuộc một số giai tầng xã hội tại một số ngành, đơn vị, địa phương để đánh giá rút kinh nghiệm, cụ thể như sau:
- Công nhân: Công ty Cổ phần đô thị Cần Thơ;
- Nông dân: Huyện Phong Điền;
- Trí thức: Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Cán bộ, công chức, viên chức: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Doanh nhân: Hội Doanh nhân trẻ thành phố;
- Lực lượng vũ trang: Công an thành phố;
- Sinh viên, học sinh: Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, Trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm.
b) Giai đoạn 2018 – 2020: Triển khai xây dựng người Cần Thơ trên toàn địa bàn thành phố. Đến cuối năm 2020, tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện trong thời gian dài tiếp theo.
2. Trách nhiệm thực hiện:
a) Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị” (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) các cấp tham mưu xây dựng người Cần Thơ, gắn với xây dựng danh hiệu “Người tốt việc tốt” và các điển hình tiên tiến trong thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị”. Tham mưu đề ra chỉ tiêu, số liệu cụ thể xây dựng “Người Cần Thơ tiêu biểu” từng năm, thay cho danh hiệu “Người tốt việc tốt tiêu biểu” trước đây, để phấn đấu thực hiện.
b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố chủ trì, tham mưu đôn đốc, phối hợp với các Sở, Ban ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch. Hàng năm, tham mưu tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả, phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng và triển khai kế hoạch công tác năm sau. Thường xuyên tổng hợp báo cáo, đề xuất của các Sở, Ban ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện về việc thực hiện kế hoạch, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố.
c) Các Sở, Ban ngành, đoàn thể thành phố Cần Thơ; thành viên Ban Chỉ đạo thành phố lồng ghép nội dung xây dựng người Cần Thơ vào kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị” theo từng ngành, lĩnh vực phụ trách; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch. Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thí điểm xây dựng người Cần Thơ thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực; hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
d) Ủy ban nhân dân quận, huyện lập kế hoạch xây dựng người Cần Thơ, trên cơ sở kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố; thí điểm chọn một số giai tầng xã hội thuộc các cơ quan, đơn vị trực thuộc, để làm điểm chỉ đạo tuyên truyền, vận động xây dựng người Cần Thơ gắn với thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị” trên địa bàn.
đ) Các cơ quan, đơn vị thí điểm xây dựng người Cần Thơ nghiên cứu chi tiết, đầy đủ các nội dung, giải pháp xây dựng người Cần Thơ theo từng giai tầng xã hội trong đề tài khoa học đã được nghiệm thu; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện; đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo kết quả thực hiện và kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố theo đúng quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.
3. Kinh phí thực hiện:
a) Các sở, Ban ngành, đoàn thể thành phố lập dự trù kinh phí hàng năm, gửi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuối quý III để tổng hợp, thông qua Sở Tài chính, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phân bổ.
b) Ủy ban nhân dân quận, huyện tổng hợp dự trù kinh phí hàng năm của các Phòng, Ban, đoàn thể và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thông qua Phòng Tài chính trình Ủy ban nhân dân quận, huyện xem xét, phân bổ.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng Ban ngành, đoàn thể thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 118/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững
- 2Quyết định 626/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 3Kế hoạch 31/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển con người Cần Thơ đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Cần Thơ đến năm 2030 giai đoạn 2018-2020
- 1Nghị quyết 45-NQ/TW năm 2005 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước do Bộ Chính trị ban hành
- 2Nghị quyết 07/2015/NQ-HĐND về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 16 Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016
- 3Kế hoạch 118/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững
- 4Quyết định 626/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 5Kế hoạch 31/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển con người Cần Thơ đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Cần Thơ đến năm 2030 giai đoạn 2018-2020
Kế hoạch 72/KH-UBND năm 2016 về xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch” theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW giai đoạn 2016-2020 do thành phố Cần Thơ ban hành
- Số hiệu: 72/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 03/06/2016
- Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
- Người ký: Lê Văn Tâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra