Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/KH-UBND

Phú Yên, ngày 28 tháng 5 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ 689/CT-TTG NGÀY 18/5/2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NHẰM GIẢM THIỂU, NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG TÀU CÁ NGƯ DÂN PHÚ YÊN BỊ NƯỚC NGOÀI BẮT GIỮ, XỬ LÝ

Thời gian qua các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp và các lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng tàu cá ngư dân ta vi phạm vùng biển các nước trong khu vực khai thác hải sản trái phép bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Tuy nhiên tình trạng trên vẫn thường xuyên xảy ra và tiếp tục diễn biến phức tạp gây thiệt hại trực tiếp đến tài sản, đời sống của ngư dân và ảnh hưởng đến công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước([1]).

Dự báo trong thời gian tới, tình trạng tàu cá ngư dân ta đánh bắt xa bờ vi phạm vùng biển các nước sẽ có chiều hướng gia tăng, với các vi phạm ngày càng tinh vi, đặc biệt là tình trạng móc nối đánh bắt, chung chi trên biển. Trong khi đó các nước trong khu vực sẽ áp dụng các biện pháp xử lý mạnh đối với ngư dân nước ngoài vi phạm vùng biển khai thác hải sản trái phép và gần đây nhất, ngày 15/12/2014 lực lượng hải quân Inđônêxia đã tổ chức đánh chìm 03 tàu cá của ngư dân Kiên Giang.

Phú Yên có 6.146 tàu cá/29.000 lao động thường xuyên đánh bắt hải sản, trong đó số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ là 518 phương tiện, chủ yếu hoạt động câu cá ngừ đại dương tại khu vực biển quần đảo Trường Sa và vùng biển phía Đông Nam Biển Đông. Từ năm 2009 đến nay toàn tỉnh đã xảy ra 09 vụ/09 tàu/87 ngư dân ta bị nước ngoài bắt giữ, chủ yếu là ngư dân địa bàn thành phố Tuy Hòa([2]).

Thực hiện Chỉ thị 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 và Công điện 1329/CĐ- TTg ngày 30/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị địa phương, các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân ta bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ thị với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tuyên truyền, phổ biến kịp thời và đầy đủ các quy định pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển, các quy định của các quốc gia có biển tiếp giáp về việc khai thác hải sản trên biển.

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong ngư dân về ý thức tôn trọng và chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam và các nước tiếp giáp về khai thác hải sản trên biển để từ đó ngăn chặn, hạn chế, giảm thiểu tình trạng tàu cá ngư dân ta bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

- Phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình khai thác hải sản vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài.

2. Yêu cầu

- Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các nội dung trong Chỉ thị 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 và Công điện số 1239/CĐ-TTg, ngày 30/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

- Có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị địa phương, các cấp, các ngành và các lực lượng có liên quan trong công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm.

- Làm tốt công tác nắm tình hình, có biện pháp xử lý phù hợp đúng pháp luật để kịp thời răn đe, ngăn chặn tình trạng tàu cá ngư dân ta bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

II. NỘI DUNG BIỆN PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của ngư dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo; hướng dẫn, động viên ngư dân tiếp tục hành nghề trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, thực hiện khai thác hải sản bằng các phương thức cho phép; nắm vững quy định của các quốc gia có biển lân cận, không xâm phạm vùng biển nước khác để khai thác hải sản.

2. Nâng cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết của ngư dân khi tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển để chủ động phát hiện, theo dõi chặt chẽ, kịp thời thông báo cho Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng xử trí các tình huống xảy ra trên biển đúng chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước; khẳng định phạm vi chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển Việt Nam, hạn chế những thiệt hại về người và tài sản của ngư dân ta.

3. Khi có vụ việc xảy ra, liên quan đến việc tàu cá ngư dân ta bị nước ngoài bắt giữ, đặc biệt là các lực lượng chức năng Trung Quốc xâm phạm vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa bắt giữ tàu cá ngư dân ta, cần phối hợp các cơ quan chức năng củng cố hồ sơ pháp lý để phục vụ công tác xử lý, cũng như phục vụ công tác đấu tranh ngoại giao. Kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng lợi dụng tình hình trên để tuyên truyền, xuyên tạc, lôi kéo, kích động quần chúng tiến hành các hoạt động gây chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt là quan hệ hai nước VN-TQ và làm ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia.

4. Ban hành quy chế hoạt động của Tổ công tác 689 của Tỉnh, phân công, phân nhiệm cho các cơ quan, đơn vị các cấp theo dõi, nắm tình hình kịp thời tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tàu cá ngư dân Phú Yên vi phạm vùng biển các nước khai thác hải sản trái phép bị bắt giữ, xử lý theo Chỉ thị 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức mở các lớp tập huấn cho các chủ tàu cá, thuyền trưởng, thuyền viên tham gia đánh bắt xa bờ ở các xã, phường trọng điểm để hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển và các quy định của các quốc gia lân cận về hoạt động khai thác thủy sản và hiệp định đã được ký kết giữa Việt Nam và các nước có biển tiếp giáp Việt Nam.

- Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý chặt chẽ tàu cá, đặc biệt đối với tàu cá đánh bắt xa bờ trong công tác đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, sổ danh bạ thuyền viên. Đồng thời yêu cầu chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng ký cam kết không xâm phạm vùng biển của nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép trước khi cấp mới hoặc gia hạn các loại giấy đăng ký, đăng kiểm, gia hạn giấy phép.

- Tăng cường công tác quản lý, giám sát các tàu cá hoạt động xa bờ (đặc biệt là tàu cá đánh bắt xa bờ tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa), các vùng biển xa thông qua hệ thống thông tin liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh; hệ thống giám sát theo dự án Movimar.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, có biện pháp hạn chế đóng mới tàu lưới kéo, dã cào khai thác ven bờ. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá giả dạng tàu cá các nước (sơn tàu, kẻ biển số các nước) để sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

- Tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Tổ công tác 689 của Tỉnh, xây dựng quy chế hoạt động và làm cơ quan thường trực của Tổ công tác 689 của Tỉnh.

2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển mở các lớp tập huấn hướng dẫn, phổ biến các quy định pháp luật có liên quan đến biên giới quốc gia trên biển; các hiệp định, hiệp ước về chủ quyền vùng biển; ranh giới các vùng biển Việt Nam và các nước tiếp giáp, chế độ pháp lý từng vùng biển Việt Nam; biện pháp xử lý cho ngư dân khi gặp tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.

- Theo dõi chặt chẽ vùng biển hoạt động của các tàu đánh bắt xa bờ; sử dụng hệ thống thông tin liên lạc thường xuyên giữ liên lạc với ngư dân khi đang hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển để chủ động, kịp thời phát hiện các hoạt động xâm phạm chủ quyền vùng biển của tàu thuyền nước ngoài và cách xử trí các tình huống xảy ra khi ngư dân ta bị nước ngoài uy hiếp, bắt giữ.

- Hàng năm yêu cầu các chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu cá khai thác hải sản xa bờ ký cam kết không đưa tàu và thuyền viên sang vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép và hàng tuần phải báo cáo vị trí hoạt động của tàu qua hệ thống thông tin liên lạc của Bộ đội Biên phòng khi tàu cá hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá Việt Nam sơn tàu, kẻ biển số của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác nắm tình hình, điều tra, xác minh và xử lý các đối tượng, chủ tàu cá có hành vi móc nối, cố tình đưa tàu cá sang vùng biển nước khác để khai thác thủy sản trái phép; tiếp nhận và xử lý ngư dân bị trả về nước trên biển (không thông qua con đường ngoại giao) theo quy định của pháp luật.

3. Công an Tỉnh

- Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh và các ngành chức năng lập kế hoạch điều tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu móc nối, đưa tàu đi khai thác hải sản, mua chuộc trái phép.

- Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố nắm tình hình địa bàn, quản lý các đối tượng là chủ tàu cá, thuyền viện đã vi phạm bị nước ngoài bắt giữ thả về, tiếp tục tuyên truyền để họ không còn tái phạm.

- Phối hợp với Bộ đội Biên phòng Tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ngư dân khai thác hải sản không vi phạm vùng biển nước khác.

4. Văn phòng UBND Tỉnh (Phòng Ngoại vụ)

- Kịp thời nắm bắt các chủ trương, quy định trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của các nước có biển tiếp giáp (nhất là quy định xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển nước họ để khai thác hải sản trái phép), thông báo cho các lực lượng chức năng và các sở, ngành, địa phương để thông báo, tuyên truyền cho ngư dân biết.

- Theo dõi, tham mưu, báo cáo việc thẩm định các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng làm thủ tục sang các nước hợp tác đánh bắt thủy, hải sản thông qua Tổ công tác 689 của Tỉnh.

5. Đài Phát thanh truyền hình Phú Yên và Báo Phú Yên

- Có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật Việt Nam trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản; các chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách phát triển thủy sản; quy định của các nước có biển tiếp giáp nhằm góp phần ngăn chặn các hành vi tàu cá ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

- Thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và Bộ đội Biên phòng Tỉnh kịp thời đưa tin phản ánh gương người tốt, việc tốt hoặc đấu tranh phê phán hoạt động khai thác hải sản trái phép trong thực hiện Chỉ thị 689/CT- TTg ngày 18/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, trị trấn ven biển, Ủy ban Mặt trận, các đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành các quy định của pháp luật, không xâm phạm vùng biển nước khác để đánh bắt hải sản. Phối hợp với các lực lượng, sở, ngành có liên quan mở các lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho chủ tàu cá, thuyền trưởng, thuyền viên hoạt động khai thác hải sản xa bờ.

- Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn ven biển, các Đồn Biên phòng củng cố, kiện toàn, tiếp tục vận động thành lập mới và duy trì có hiệu quả hoạt động của các Tổ tàu thuyền an toàn, Tổ đoàn kết sản xuất trên biển nhằm giúp đỡ, hỗ trợ và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhau và góp phần bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, nắm tình hình và xử lý tình hình tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Tình hình chấp hành pháp luật, quy định địa phương của các đối tượng vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản bị nước ngoài bắt giữ, thả về; kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng có thẩm quyền về các trường hợp cố tình vi phạm để có biện pháp xử lý ngăn chặn, răn đe, giáo dục chung.

7. Kinh phí bảo đảm

Trên cơ sở đề nghị của các sở, ngành, địa phương, giao Tổ công tác 689 của Tỉnh tổng hợp dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét, giải quyết hỗ trợ kinh phí để thực hiện theo kế hoạch.

8. Chế độ báo cáo

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh có trách nhiệm hàng tháng tổng hợp về tình hình tàu cá, ngư dân ta bị các lực lượng nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, xử lý xảy ra trên biển (nếu có), báo cáo cho UBND Tỉnh biết chỉ đạo và thông báo đến các sở, ngành, địa phương có liên quan.

Trên đây là kế hoạch thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá ngư dân Phú Yên bị nước ngoài bắt giữ theo Chỉ thị 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, có khó khăn, vướng mắc các đơn vị báo cáo về Ủy Ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh) để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo./.­

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- BTL Bộ đội Biên phòng;
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh;
- CT và các PCT UBND Tỉnh;
- Văn phòng UBND Tỉnh, Phòng Ngoại vụ;
- Các Sở: NN&PTNT, Tài chính;
- BCH BĐBP Tỉnh, Công an Tỉnh;
- Đài PTTH Phú Yên, Báo Phú Yên;
- UBND các huyện: Tuy An, Đông Hòa; TP. Tuy Hòa, TX. Sông Cầu;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Phạm Đình Cự

 

 


[1] Trong năm 2014, lực lượng bảo vệ bờ biển các nước Trung Quốc, Malaixia, Inđônêxia, Thái Lan, Philipin, Úc, Brunây, Palau, Mỹ (đóng tại Philipin) xua đuổi, bắt giữ, xử lý 136 vụ/197 tàu/1.708 ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bến Tre.

[2]  Năm 2009 xảy ra 03 vụ/03 tàu/29 ngư dân, năm 2010 xảy ra 01 vụ/01 tàu/09 ngư dân, năm 2011 xảy ra 02 vụ/02 tàu/20 ngư dân, năm 2012 xảy ra 01 vụ/01 tàu/10 ngư dân, năm 2013 xảy ra 02 vụ/02 tàu/19 ngư dân.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 72/KH-UBND năm 2015 thực hiện Chỉ thị 689/CT-TTg nhằm giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng tàu cá ngư dân Phú Yên bị nước ngoài bắt giữ, xử lý

  • Số hiệu: 72/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 28/05/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Phạm Đình Cự
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/05/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản