Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 712/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 31 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG NĂM 2021

Triển khai thực hiện Kế hoạch về Chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030[1], Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh năm 2021 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xây dựng thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã phù hợp với điều kiện thực tế, làm mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Xác định được các nội dung, nhiệm vụ phù hợp thực tiễn để áp dụng, xây dựng xã điểm về ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính quyền điện tử, chuyển đổi số.

- Thực hiện chuyển đổi số giúp bộ máy chính quyền cấp xã hoạt động hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người dân, phát huy các thế mạnh của địa phương, tạo động lực giúp cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Các dịch vụ phục vụ chuyển đổi số tạo được sự tin tưởng, thu hút sự ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo người dân.

- Bảo đảm sự giám sát, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, tạo được điều kiện, tính chủ động cho các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai các dịch vụ, các hoạt động về chuyển đổi số trên địa bàn xã.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Hoàn thành thí điểm chuyển đổi số tại 02 đơn vị cấp xã với các trụ cột là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.

2. Mục tiêu cụ thể tại các xã thí điểm

- 100% cán bộ thôn, xóm trên địa bàn xã được tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số.

- Đảm bảo các thủ tục hành chính (TTHC) có số lượng hồ sơ phát sinh nhiều, tần suất giao dịch lớn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4;

- Trên 80% hồ sơ công việc tại UBND xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

- Bảo đảm 100% hồ sơ TTHC tại UBND xã tiếp nhận thụ lý được cập nhật, quản lý và giải quyết trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử;

- Cải thiện hạ tầng và nền tảng số phục vụ xã hội: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang, sóng di động mạng 3G, 4G được phủ đến các hộ gia đình trong xã.

- Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã có tài khoản trên Cổng Dịch vụ công đạt trên 50%.

- Số hộ gia đình có tài khoản thanh toán điện tử đạt 40%.

- Trên 80% thôn, xóm có loa phóng thanh thu được tín hiệu chương trình của đài truyền thanh xã; cho phép phát được bản tin thông báo của riêng thôn, xóm.

- Tối thiểu 50% người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã được tập huấn, phổ biến về các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số trên mạng; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp; cách thức quảng bá, bán sản phẩm trên mạng.

- 100% cán bộ thôn, xóm nhận thông tin chỉ đạo điều hành từ UBND xã qua ứng dụng trên điện thoại.

- Nâng cao tỷ lệ người dân trên địa bàn xã sử dụng Internet để giao dịch ngân hàng, mua sắm trực tuyến, sử dụng chữ ký điện tử, chữ ký số trong giao dịch.

- Trạm y tế của xã được kết nối hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Lựa chọn đơn vị cấp xã và doanh nghiệp thực hiện

Lựa chọn 02 đơn vị cấp xã có lợi thế về thu hút du lịch, có nét đặt trưng về truyền thống văn hóa, có các sản phẩm nghề truyền thống để triển khai thí điểm chuyển đổi số, gồm:

- Xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, do VNPT Cao Bằng phối hợp triển khai.

- Xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, do Viettel Cao Bằng phối hợp triển khai. Các doanh nghiệp triển khai các nội dung, nhiệm vụ phù hợp với năng lực, thế mạnh, trên cơ sở phát huy hạ tầng, ứng dụng sẵn có; không đầu tư, trang bị trùng lắp hạ tầng, ứng dụng, dịch vụ đã được triển khai.

2. Nội dung, mô hình chuyển đổi số cấp xã

Đảm bảo các xã thí điểm được triển khai các nội dung nhiệm vụ sau:

2.1. Chính quyền số

- Hoàn thiện trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ chính quyền số, số hóa dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý, số hóa các quy trình nghiệp vụ tại UBND xã, triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu mức độ 3, mức độ 4 cho người dân.

- Ứng dụng có hiệu quả các phần mềm dùng chung với cấp huyện, cấp tỉnh như: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành có ứng dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử liên thông 4 cấp, hệ thống thư điện tử, hệ thống thông tin một cửa điện tử,... để tạo sự đồng bộ, thống nhất và liên thông trong hệ thống chính quyền.

- Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ các hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý và nghiệp vụ của cấp xã như: quản lý tài sản, tài chính - kế toán, nhân lực, nhân sự, báo cáo, tổng hợp...

- Thiết lập kênh thông tin chính thức của UBND xã để cung cấp thông tin về chỉ đạo điều hành của đảng bộ và chính quyền xã, đồng thời phục vụ quảng bá về đặc trưng, thế mạnh của xã.

- Triển khai kênh thông tin chỉ đạo điều hành từ cấp ủy và chính quyền xã đến cán bộ cấp thôn, xóm thông qua môi trường mạng.

- Hỗ trợ việc thay đổi cách thức chính quyền xã giao tiếp, tương tác với người dân thông qua các công cụ công nghệ số: Sử dụng loa truyền thanh không dây (ứng dụng công nghệ thông tin) thay thế cho hệ thống loa truyền thanh truyền thống; ứng dụng nhắn tin theo nhóm trên các nền tảng số. Thiết lập kênh giao tiếp chính thức trên các mạng xã hội của Việt Nam (Zalo, Mocha, Lotus, Gapo,...) để tuyên truyền, cung cấp thông tin và tiếp nhận các ý kiến, phản ánh, kiến nghị.

2.2. Kinh tế số

Hỗ trợ quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng:

- Nghiên cứu, xác định các sản phẩm nông sản, các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp đặc thù của địa phương để quảng bá, tiếp thị và bán hàng.

- Xác định đối tượng khách hàng tiềm năng trên không gian số tương ứng với các sản phẩm, dịch vụ đặc thù, tiềm năng của địa phương.

- Xác định các kênh trên trực tuyến để tiếp cận, quảng bá, cung cấp, phân phối sản phẩm, dịch vụ.

- Hướng dẫn người dân tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, trên các mạng xã hội.

- Hướng dẫn người dân sử dụng các phương thức thanh toán điện tử an toàn, tin cậy cho các giao dịch thương mại điện tử.

2.3. Xã hội số

- Triển khai công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm: Truy cập và sử dụng Internet, khai thác thông tin trên trang thông tin điện tử của chính quyền, sử dụng thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, bảo đảm an toàn thông tin cá nhân khi giao dịch trên mạng...

- Tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ thôn, xóm.

- Hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký, tạo tài khoản định danh trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để thực hiện dịch vụ công trực tuyến; thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; đăng ký tài khoản thanh toán điện tử; sử dụng các ứng dụng tư vấn, hỗ trợ khám chữa bệnh trực tuyến.

- Cải tạo, chỉnh trang điểm bưu điện văn hóa xã, trang bị kết nối Internet, trạm phát WiFi để người dân truy cập, khai thác thông tin trên Internet; có cán bộ trực tại điểm truy cập Internet của xã để sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có nhu cầu thực hiện TTHC hoặc các giao dịch điện tử trên môi trường mạng.

- Triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa kết nối trạm y tế cấp xã với các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh.

- Tổ chức ngày hội chuyển đổi số với các hoạt động như: Hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng điện thoại thông minh; hỗ trợ người dân thực hiện TTHC TRÊN môi trường điện tử…

- Xây dựng các tài liệu tuyên truyền (các ấn phẩm, tờ rơi, video clip...) về xã hội số, chuyển đổi số cho người dân.

IV. KINH PHÍ

Triển khai theo hình thức xã hội hóa, huy động, lựa chọn các doanh nghiệp có thế mạnh về chuyển đổi số hỗ trợ triển khai. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm hỗ trợ các chi phí phát sinh (nếu có).

Sau khi hoàn thành thí điểm, đánh giá hiệu quả của mô hình, tổ chức triển khai nhân rộng theo hình thức phù hợp.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Lộ trình thực hiện

- Thực hiện công tác khảo sát, xác định các nội dung, nhiệm vụ; lập phương án triển khai chi tiết. Thời gian thực hiện: Tháng 3, 4 năm 2021.

- Tổ chức họp bàn thống nhất phương án triển khai với UBND các huyện Trùng Khánh, Quảng Hòa và UBND 02 xã triển khai thí điểm (xã Đàm Thủy, xã Phúc Sen). Thời gian thực hiện: Tháng 4 năm 2021.

- UBND các huyện Trùng Khánh, Quảng Hòa ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm tại xã thuộc địa bàn quản lý. Thời gian thực hiện: Tháng 4 năm 2021.

- Triển khai các nội dung, nhiệm vụ thực hiện mô hình chuyển đổi số cấp xã. Thời gian thực hiện: Từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2021.

- Tổng kết, đánh giá kết quả triển khai. Thời gian thực hiện: Tháng 12 năm 2021.

2. Trách nhiệm triển khai thực hiện

2.1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã theo các nội dung, lộ trình xác định tại Kế hoạch này.

- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số cho chính quyền và người dân trong xã.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện đánh giá kết quả triển khai thí điểm mô hình, hoàn thiện mô hình; báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định việc nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh.

2.2. UBND huyện Quảng Hòa và UBND huyện Trùng Khánh

- Ban hành Kế hoạch, chỉ đạo UBND xã thí điểm thuộc địa bàn quản lý, các phòng, ban chuyên môn phối hợp, hỗ trợ triển khai các hoạt động thí điểm chuyển đổi số theo các nội dung tại Kế hoạch này.

- Hỗ trợ, bố trí các nguồn lực cần thiết cho UBND xã (nhân lực triển khai, đảm bảo trang thiết bị phục vụ hoạt động công vụ của công chức như: máy tính, máy in, máy quét…) đáp ứng yêu cầu triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông.

- Tham gia hỗ trợ, định hướng cho UBND xã về cơ chế, chính sách nhằm hoàn thành các mục tiêu thí điểm.

- Phối hợp đánh giá kết quả triển khai thí điểm.

2.3. UBND xã Phúc Sen, UBND xã Đàm Thủy

- Tổ chức triển khai thực hiện thí điểm chuyển đổi số; phân công cán bộ đầu mối, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.

- Phối hợp đơn vị triển khai thực hiện khảo sát, cung cấp số liệu phục vụ triển khai.

- Phối hợp rà soát, lựa chọn, vận động các hộ gia đình, cá nhân tham gia vào hoạt động chuyển đổi số tại địa phương.

- Đề xuất các nhu cầu triển khai các ứng dụng, nền tảng số phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo và phục vụ lợi ích của nhân dân trên địa bàn xã.

- Phối hợp đánh giá kết quả triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã. Bố trí các nguồn lực cần thiết để tiếp tục duy trì, vận hành, phát triển mô hình chuyển đổi số cấp xã sau thời gian thí điểm.

2.4. VNPT Cao Bằng, Viettel Cao Bằng

- Triển khai thí điểm chuyển đổi số tại các xã được lựa chọn tại khoản 1, Mục III của Kế hoạch này; chủ động bám sát, hỗ trợ các hoạt động chuyển đổi số tại xã thí điểm trong quá trình triển khai.

- Thực hiện hỗ trợ theo hình thức xã hội hóa để triển khai các nội dung, nhiệm vụ chuyển đổi số cấp xã trên cơ sở hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông. Triển khai khảo sát, xác định các nội dung, nhiệm vụ phù hợp với doanh nghiệp mình, lập phương án triển khai chi tiết, triển khai các hoạt động, dịch vụ chuyển đổi số trên địa bàn xã thí điểm.

2.5. Bưu điện tỉnh Cao Bằng

- Cải tạo, chỉnh trang điểm bưu điện văn hóa xã tại các xã thí điểm; phân công nhiệm vụ, bồi dưỡng kỹ năng cán bộ trực tại điểm bưu điện văn hóa xã bảo đảm hỗ trợ người dân khi có nhu cầu thực hiện TTHC hoặc thực hiện các giao dịch điện tử trên mạng.

- Phối hợp với Viettel Cao Bằng, VNPT Cao Bằng triển khai các nội dung kế hoạch.

2.6. Các Sở, Ban ngành thuộc UBND tỉnh

- Thực hiện rà soát, đánh giá sự phù hợp của TTHC và các quy định liên quan đến TTHC thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực phụ trách, đề xuất danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã để sẵn sàng cung cấp cho người dân.

- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện có xã thí điểm tổ chức thực hiện kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trên đây là Kế hoạch thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để kịp thời chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông (báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- UBND các xã: Phúc Sen, Đàm Thủy;
- VP UBND tỉnh: LĐVP; TTPVHCC, CVVX;
- Viễn thông Cao Bằng;
- Viettel Cao Bằng;
- Bưu điện tỉnh CB;
- Lưu: VT, VX (M).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Hải Hòa

 



[1] Kế hoạch số 2769/KH-UBND ngày 10/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 712/KH-UBND thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2021

  • Số hiệu: 712/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 31/03/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Người ký: Lê Hải Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản