Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6906/KH-UBND

Bến Tre, ngày 29 tháng 12 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử;

Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020;

Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bến Tre, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử thực hiện theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phú về Chính phủ điện tử, gồm các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ, đồng thời cụ thể hoá các nội dung, giải pháp để triển khai nghị quyết Chính phủ điện tử có hiệu quả.

Xây dựng một nền hành chính điện tử đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cơ sở, hoàn thiện các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, tạo môi trường làm việc điện tử ổn định, an toàn, an ninh thông tin, nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc; giảm thời gian, chi phí cũng như nâng cao tính minh bạch trong hoạt động các cơ quan nhà nước.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau.

2. Yêu cầu:

Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố trực tiếp chịu trách nhiệm trong việc triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại đơn vị, địa phương mình phụ trách và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài.

Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ công để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

II. NHỮNG CHỈ TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP ĐỂ XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH BẾN TRE

1. Các chỉ tiêu chủ yếu:

Đến cuối năm 2016, Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bến Tre được xây dựng và hoàn thiện; mạng truyền số liệu chuyên dụng kết nối 100% các sở, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố được đưa vào vận hành và khai thác sử dụng có hiệu quả.

- Đến năm 2020, tỷ lệ máy tính trên cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, cấp xã đạt tối thiểu 80%.

Đến cuối năm 2017, 100% các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và điều hành; 80% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản gửi song song cùng văn bản giấy); đồng thời hệ thống quản lý văn bản và điều hành phải được kết nối, liên thông trong nội bộ tỉnh (liên thông 03 cấp: tỉnh, huyện, xã) và kết nối, liên thông với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương.

- Phấn đấu đến năm 2020, 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến đạt mức độ 3 và lựa chọn một số dịch vụ công phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 để nâng cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; cổng thông tin điện tử của tỉnh và các cổng thông tin điện tử thành phần được hoàn thiện và tích hợp vào hệ thống cổng thông tin điện tử quốc gia.

- Về nguồn nhân lực: 100% các sở, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có cán bộ, công chức chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về công nghệ thông tin. Đến năm 2020, trình độ và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bến Tre phải đáp ứng nhu cầu công việc và đạt các chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin được quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014.

2. Nhiệm vụ chính để xây dựng Chính quyền điện tử:

- Xây dựng Khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bến Tre phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; tuân thủ theo mẫu đề cương Kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh do Bộ Thông tin và Truyên thông hướng dẫn và các văn bản hướng dẫn có liên quan; đảm bảo tính khả thi và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Đồng thời, Khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bến Tre phải đảm bảo khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẽ thông tin một cách thông suốt, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh.

Hoàn thiện cổng thông tin điện tử tỉnh và cổng thông tin điện tử thành phần của tất cả các sở, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; thiết lập cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh Bến Tre tại 01 địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử (một cửa điện tử tỉnh Bến Tre) để thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp đạt mức độ 2, 3 và 4, đồng thời tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia.

- Tiếp tục triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành theo hướng tăng cường chỉ đạo điều hành tại các sở, ban, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và mở rộng triển khai đến cấp xã.

- Triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng và đưa vào vận hành khai thác có hiệu quả mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ kết nối, liên thông hệ thống quản lý văn bản và điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã; kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

- Thực hiện nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh phục vụ nhu cầu triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cấp hệ thống mạng nội bộ, máy tính phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin cho Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển và hội nhập, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

- Ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với công cuộc cải cách hành chính và các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý cán bộ, công chức, viên chức; áp dụng phương pháp thi tuyển, thi nâng ngạch qua phần mềm máy tính nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm khách quan, công bằng và góp phần phòng chống tiêu cực.

- Triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với hệ thống quản lý chất lượng ISO (ISO điện tử).

- Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; kỹ năng quản trị mạng, an ninh thông tin và an toàn hệ thống mạng cho cán bộ, công chức phụ trách công nghệ thông tin tại các sở, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố.

3. Giải pháp thực hiện:

- Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo về ứng dụng công nghệ thông tin ở các cấp, các ngành; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phù hợp với đặc thù của tỉnh, đảm bảo quản lý theo kịp sự phát triển.

- Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và người dân Bến Tre về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin hướng tới xây dựng Chính quyền điện tử và công dân điện tử.

- Đẩy mạnh triển khai hình thức thuê doanh nghiệp công nghệ thông tin thực hiện dịch vụ cho thuê từng phần hoặc thuê trọn gói, bao gồm: Phần cứng, phần mềm, đường truyền, giải pháp... để cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Để đảm bảo an ninh thông tin và chất lượng dịch vụ, trong quá trình lựa chọn doanh nghiệp phải lựa chọn doanh nghiệp có năng lực về nghiệp vụ, xác định giá thuê tạm thời ngắn hạn (nếu chưa đủ điều kiện cần thiết để xác định giá thuê ổn định) hoặc lâu dài; các quy trình thuê dịch vụ phải thực hiện đúng quy định.

- Rà soát, đơn giản hoá, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian chi phí cho doanh nghiệp, người dân như: Xây dựng hệ thống thông tin quản lý đề tài, dự án khoa học và công nghệ trên mạng điện tử; thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp qua mạng điện tử; hướng dẫn truy cập thông tin về doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; thực hiện đấu thầu qua mạng; hướng dẫn và khuyến khích đăng ký doanh nghiệp qua mạng, đăng ký đầu tư qua mạng.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị có liên quan kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản giữa Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh và Văn phòng Chính phủ.

- Hoàn thiện cổng thông tin điện tử tỉnh và cổng thông tin điện tử thành phần của tất cả các sở, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện và thành phố.

2. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh hoàn thiện các văn bản quy định về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

- Chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan xây dựng hướng dẫn thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với Hệ thống quản lý chất lượng ISO (ISO điện tử).

3. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan cân đối, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch theo từng năm và theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin góp phần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bến Tre.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan có liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích đăng ký doanh nghiệp qua mạng, đăng ký đầu tư qua mạng.

- Thực hiện hướng dẫn truy cập thông tin về doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; hướng dẫn các cơ quan tổ chức đấu thầu qua mạng.

5. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý đề tài, dự án khoa học và công nghệ trên mạng điện tử; thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp qua mạng điện tử.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan xây dựng và hướng dẫn thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với Hệ thống quản lý chất lượng ISO (ISO điện tử); hướng dẫn việc sử dụng ngân sách chi khoa học và công nghệ cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin, các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bến Tre.

6. Sở Nội vụ:

- Thực hiện có hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; phối hợp các cơ quan có liên quan đẩy mạnh triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng, đưa vào sử dụng hệ thống thông tin quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; áp dụng phương pháp thi tuyến, thi nâng ngạch qua phần mềm máy tính.

- Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh đưa chỉ tiêu ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin vào tiêu chí thi đua khen thưởng coi đây là nội dung quan trọng trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, cũng như kiểm điểm hàng năm; xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức.

7. Các sở, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chủ động đưa mục tiêu, nhiệm vụ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin vào kế hoạch công tác dài hạn, trung hạn và hàng năm, bảo đảm ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin là nội dung bắt buộc, quan trọng trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, cũng như đề án, dự án đầu tư của địa phương, ngành, lĩnh vực quản lý.

- Tích cực triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành; cụ thể hoá các nội dung của Kế hoạch này, các quy định, cơ chế, chính sách về công nghệ thông tin phù hợp với ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Trên đây là Kế hoạch xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bến Tre, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này, định kỳ hàng năm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Thông tin và Truyền thông./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Phước

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 6906/KH-UBND năm 2015 xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bến Tre

  • Số hiệu: 6906/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Nguyễn Hữu Phước
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản